Một loại virus tên là pegivirus không những không gây bệnh, mà còn hỗ trợ cho hệ miễn dịch chống lại sự truyền nhiễm của virus HIV.
Các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu về một loại virus bí ẩn không những không gây hại, mà còn có khả năng chống lại một số virus nguy hiểm khác, điển hình như HIV. Một loại virus tên là pegivirus không những không gây bệnh, mà còn hỗ trợ cho hệ miễn dịch chống lại sự truyền nhiễm của virus HIV. Virus này tuy được phát hiện từ năm 1995 nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được nguyên lý hoạt động của chúng.
Mặc dù vậy, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, các nhà khoa học - với người đứng đầu là tiến sỹ sinh học Adam Bailey - tại Trung tâm quốc gia Wisconsin nghiên cứu về bộ Linh trưởng (Wisconsin National Primate Research Centre) gần đây đã phát hiện ra một loại pegivirus chỉ có riêng trong cơ thể của khỉ đầu chó. Điều này sẽ cung cấp một hướng đi mới trong việc nghiên cứu về loại virus kì lạ này cũng như tìm ra phương cách mới chống lại bệnh HIV. Đối với cơ thể con người, cứ 6 người thì sẽ có 1 người mang trong mình chủng virus pegivirus này. Loại virus này sẽ tồn tại trong cơ thể trong khoảng 10 năm và sau đó dần biến mất. Pegivirus có thể được truyền từ mẹ sang con, đường máu và đường tình dục giống như virus HIV.
Tuy bộ mã gen của pegivirus có phần tương tự như bộ mã gen của virus viêm gan C, nhưng pegivirus không gây bệnh. Hơn thế nữa, vào năm 2001, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng, sự có mặt của pegivirus giúp ngăn chặn bệnh nhân có kết quả dương tính với HIV phát triển thành giai đoạn AIDS. Một cuộc nghiên cứu kéo dài 11 năm trên 362 bệnh nhân cho thấy, tỷ lệ tử vong là 56% trong trường hợp người bệnh dương tính với HIV mà không mang pegivirus trong cơ thể. Ngược lại, nếu có sự xuất hiện của pegivirus, tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn 29%.
Pegivirus có khả năng chống lại HIV bằng cách nào vẫn còn là một điều bí ẩn. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách nghiên cứu pegivirus trên động vật để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Đây phải là một loại động vật mà pegivirus sẽ có những tác động tương tự như ở người: sống chung hòa thuận với vật chủ mà không gây bệnh. Stephen Kent, một nhà miễn dịch học tại Đại học Melbourne, cho biết không phải loài linh trưởng nào cũng thích hợp với cuộc kiểm tra vì sau khi được tiêm pegivirus, cơ thể chúng ngay lập tức tiêu diệt loại virus này. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tìm kiếm nhiều loài mang những virus tương tự như ở con người, một ví dụ điển hình là virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở khỉ (Simian Immunodeficiency Virus - SIV) có những điểm không khác gì virus HIV ở người.
Các nhà khoa học đã tiến hành những cuộc nghiên cứu trong thời gian dài trên các loài thuộc bộ linh trưởng, và họ đã tìm thấy pegivirus trong một mẫu máu của một con khỉ đầu chó 30 tuổi được cất giữ kho đông lạnh thuộc về một đồng nghiệp của tiến sỹ Bailey. Mặc dù loại virus này có cấu trúc gen tương tự như loại pegivirus ở người nhưng khi tiêm chúng vào khỉ, loại pegivirus mới này có thể tồn tại trong máu gần 200 ngày mà không gây bất kỳ tổn hại gì. Thời gian này đủ cho các nhà khoa học có thể nghiên cứu rõ hơn về cấu trúc cũng như hoạt động của loại pegivirus mới này.
Trên những con khỉ được tiêm pegivirus, các nhà khoa học phân tích tế bào cơ thể khỉ nhằm tìm ra ARN của pegivirus và họ đã khám phá ra rằng, phần lớn pegivirus cư trú trong bộ phận tỳ, lách và tủy xương. Đây cũng chính là những nơi có mật độ tập trung của virus HIV ở mức tương đối cao. Chỉ trong tế bào tủy xương, các pegivirus mới có khả năng tự nhân đôi, vì khi các nhà khoa học cắt bỏ quả tỳ và lách của những con khỉ thí nghiệm thì tỷ lệ pegivirus trong máu vẫn không thay đổi. Giáo sư David O’Connor, người phụ trách giám sát chương trình này, cho biết pegivirus và HIV cũng nhân đôi và phát triển ở chung một mô cơ thể - nhưng không phải là chung một tế bào - cho thấy một manh mối mới nhằm giải đáp cho câu hỏi bằng cách nào pegivirus có thể chống lại HIV.
Khi hệ miễn dịch xác định được virus lạ xâm nhập, nó tạo ra nhiều tế bào T hơn mức bình thường. Tế bào T là thành phần chính và quan trọng nhất trong các hệ thống các tế bào miễn dịch. Tuy nhiên với virus HIV, bức màn phòng thủ bằng tế bào T không hề có tác dụng, vì virus HIV sẽ xâm nhập vào tế bào T, tự sao chép và nhân đôi hàng loạt, rồi sau đó hủy diệt tế bào T và chui ra ngoài. Hệ miễn dịch càng tạo ra nhiều tế bào T để khắc phục hiểm họa thì càng tạo ra nhiều cơ hội cho virus HIV phát triển và chính chu kỳ lặp lại này đã làm cho hệ miễn dịch bị suy yếu dần đi.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các pegivirus có khả năng làm chậm lại quá trình tạo ra mới tế bào T từ trong tủy xương. Bên cạnh đó, pegivirus kích thích các tế bào T tạo ra các phân tử hóa học đặc biệt giúp giam giữ virus HIV. Các nhà khoa học còn chỉ ra một ví dụ tương tự là loại thuốc Maraviroc chống lại HIV hoạt động dựa trên nguyên tắc khóa các cơ quan thụ cảm CCR5 của tế bào T nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các tế bào HIV. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng sẽ tiến hành thí nghiệm khác khi họ sẽ tiêm vào các con khỉ thí nghiệm đồng loạt cả pegivirus và SIV. Bằng cách này, họ mong muốn sẽ tìm ra cách thức 2 loại virus này tương tác với nhau và bằng cách nào pegivirus ngăn chặn được HIV. Từ đó, các nhà khoa học có thể phát triển các loại thuốc chống HIV cực kì hiệu quả dựa trên nguyên lý hoạt động của pegivirus.
Hiện nay, các loại thuốc chống tái phơi nhiễm hoạt động khá tốt trong việc phòng chống HIV trong giai đoạn đầu. Ước tính các loại thuốc này đã giảm hơn 2/3 tỷ lệ tử vong do mắc bệnh HIV. Tuy nhiên, nếu liệu pháp pegivirus được phát triển thành công, tỷ lệ người sống sót sẽ còn được tăng cao hơn nữa. Và đây chính là một tiền đề vững chắc trong việc chữa trị dứt điểm căn bệnh HIV.
Tham khảo CosmosMagazine, InfectionControlToday
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?