Phụ nữ Ai Cập biết thử thai từ 5.000 năm trước, và đây là cách làm khoa học của họ

    zknight,  

    Phương pháp cho độ chính xác tới 70%, nhưng nó không giúp xác định giới tính thai nhi như mô tả.

    Ngày nay, phụ nữ có thể biết mình mang thai hay không chỉ bằng một que thử vài chục ngàn mua ở hiệu thuốc. Cơ chế của que thử là phát hiện một hooc-môn có tên hCG xuất hiện trong nước tiểu sau khi tinh trùng thụ tinh được với trứng.

    Được bán ra thị trường lần đầu tiên vào năm 1977, nhưng thật thú vị và bất ngờ khi nguyên lý của que thử thai đã được biết đến và ứng dụng từ cách đây hơn 5.000 năm. Một nghiên cứu bản thảo y học trên giấy cói của người Ai Cập cổ đại cho thấy, những người phụ nữ thời kỳ này cũng đã biết thử nước tiểu để phát hiện mang thai.

    Họ đã làm như thế này: Lấy một túi hạt lúa mạch và lúa mì cổ đại, ngâm chúng vào nước tiểu của người phụ nữ và chờ đợi. Nếu chúng nảy mầm, người phụ nữ đã có thai. Nếu lúa mạch lớn hơn, họ dự đoán đó sẽ là một bé trai. Còn nếu lúa mì lớn, đó là một bé gái.

    Phương pháp của người Ai Cập cổ đại được Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ xác nhận với độ chính xác tới 70% ở mục đích thử thai. Tuy nhiên, như bạn có thể đoán, phần dự đoán giới tính của thai nhi thì hoàn toàn không chuẩn xác và không có cơ sở.

    Phụ nữ Ai Cập biết thử thai từ 5.000 năm trước, và đây là cách làm khoa học của họ - Ảnh 1.

    Giấy cói tiết lộ phương pháp thử thai hơn 5.000 năm trước của phụ nữ Ai Cập

    Phương pháp thử thai của người Ai Cập cổ đại được ghi lại trong một tài liệu thuộc bộ sưu tập Carlsberg Papyrus, hiện đang được lưu giữ tại Đại học Copehagen Đan Mạch. Carlsberg Papyrus là một tập hợp hơn 1.400 bản thảo thuộc nhiều lĩnh vực như y tế, thực vật học, thiên văn và chiêm tinh học…

    Các bản thảo này có niên đại từ năm 3.500 trước Công Nguyên cho đến năm 1.000 sau Công Nguyên. Tất cả đều được ghi chép trên giấy cói bằng chữ tượng hình của người Ai Cập cổ đại và cả tiếng Hy Lạp.

    Kim Ryholt, người quản lý bộ sưu tập Carlsberg Papyrus tại Đại học Copenhagen cho biết công tác dịch các văn bản này vẫn liên tục được tiến hành từ năm 1939. Và mỗi khi có một văn bản nào đó được dịch ra, nó lại tiết lộ những sự thật bất ngờ về nền văn minh của người Ai Cập cổ đại.

    "Các bản thảo đã bị hư hỏng, chúng được viết bằng ngôn ngữ cổ mà ít người có thể đọc được, và những thuật ngữ thì vô cùng phức tạp. Chỉ có khoảng chưa đến 1 chục văn bản y tế Ai Cập cổ đại được bảo quản tốt ... Bất cứ văn bản mới nào được dịch ra sẽ đều làm sáng tỏ một điều gì đó rất quan trọng", Ryholt cho biết.

    Hai bản thảo y học trong bộ sưu tập Carlsberg Papyrus

    Trong lần gần đây nhất, một bản thảo y tế đã được dịch ra, nó xác nhận điều mà những người phụ nữ Ai Cập đã làm hơn 5.000 năm trước để thử thai. Nước tiểu của phụ nữ mang thai làm nảy mầm những hạt lúa mì và lúa mạch cũng có nguyên lý gần giống như cách nó khiến que thử thai hiện 2 vạch.

    "Các thử nghiệm mang thai hiện đại dựa vào các protein có khả năng phát hiện một hoóc-môn gọi là chorionic gonadotropin (hCG), nhưng các nhà khoa học suy đoán rằng xét nghiệm cổ [của người Ai Cập] cũng hoạt động rất tốt vì nồng độ estrogen trong nước tiểu tăng cao có thể thúc đẩy sự phát triển của những hạt mầm", trang web của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết.

    Sofie Schiødt, một nghiên cứu sinh tại Khoa Nghiên cứu Văn hóa, Đại học Copenhagen là người tham gia dự án dịch các bản thảo trong bộ sưu tập Carlsberg Papyrus. Trong một cuộc phỏng vấn, cô cho biết Ai Cập cổ đại dường như là một cái nôi của nền y học Phương Tây.

    "Nhiều ý tưởng trong các văn bản y khoa từ thời Ai Cập cổ đại đã tái xuất hiện trong các bản văn Hy Lạp và La Mã sau này. Từ đây, chúng lan truyền xa hơn đến các văn bản y học thời trung cổ ở Trung Đông, và bạn có thể tìm thấy dấu vết của chúng ở tất cả các con đường đi đến nền y tế hiện đại", Schiødt nói.

    Phụ nữ Ai Cập biết thử thai từ 5.000 năm trước, và đây là cách làm khoa học của họ - Ảnh 3.

    Những phụ nữ Ai Cập cổ đại đã dùng lúa mạch và lúa mì để thử thai

    Bằng chứng tiếp tục ủng hộ nhận định này, khi các nhà nghiên cứu tìm thấy phương pháp thử thai của người Ai Cập cổ đại xuất hiện trong một cuốn sách dân gian ở Đức trong thế kỷ 17. 

    Nghiên cứu tổng hợp bởi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ xác nhận thử nước tiểu đóng vai trò quan trọng với y học thời Trung Cổ. Theo đó, người Châu Âu thời kỳ này thường sử dụng màu nước tiểu để chẩn đoán một số loại bệnh tật. 

    Một văn bản năm 1552 cũng xác nhận những người Châu Âu nhìn vào nước tiểu để đoán xem phụ nữ có thai hay không. Văn bản ghi lại, "nếu màu nước tiểu nhợt nhạt giống như nước chanh, gần như màu trắng và có một lớp màng bọt trên bề mặt" thì người đó có thai.

    Các xét nghiệm nước tiểu để dự đoán mang thai khác bao gồm việc trộn nó với rượu. Thật vậy, rượu phản ứng với một số protein trong nước tiểu, do đó, phương pháp này có thể đạt tới một độ chính xác vừa phải, theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.

    Phụ nữ Ai Cập biết thử thai từ 5.000 năm trước, và đây là cách làm khoa học của họ - Ảnh 4.

    Carlsberg Papyrus được lưu trữ trong Đại học Copahagen, Đan Mạch từ năm 1939 và vẫn đang tiếp tục được dịch

    Trở lại với bộ sưu tập Carlsberg Papyrus, ngoài bản thảo xác nhận phương pháp thử thai, nó cũng cho thấy người Ai Cập cổ đại biết cách điều trị nhiều bệnh về mắt.

    "Đây là văn bản y học lâu đời nhất được biết thảo luận về thận. Cho đến nay, một số nhà nghiên cứu nghĩ rằng người Ai Cập không biết gì về thận, nhưng trong tài liệu này chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng họ có biết", nghiên cứu sinh Amber Jacob từ Viện Nghiên cứu Thế giới Cổ đại tại Đại học New York, Hoa Kỳ cho biết. Amber Jacob cũng là một trong bốn nghiên cứu sinh làm việc với các bản thảo này.

    Ngoài ra, Carlsberg Papyrus cũng chứa nhiều tài liệu về thiên văn học, thực vật học và chiêm tinh học. Đây hẳn là một tài liệu vô giá cho phép chúng ta nhìn lại một nền văn minh rực rỡ của con người, từng tồn tại ở Ai Cập cổ đại.

    Tham khảo Thevintagenews, Alarabiya

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày