Phục dựng gương mặt Người Rồng 146.000 năm tuổi, sở hữu dung mạo kỳ lạ với kích thước đầu khổng lồ

    Anh Việt,  

    Các nhà nghiên cứu tạo ra hình ảnh phục dựng gương mặt của loài người cổ đại có tên Người Rồng dựa vào một hộp sọ có niên đại gần 150.000 năm

    Vào khoảng 150.000 năm trước, một loài người cổ đại với kích thước đầu khổng lồ được gọi là Homo Longi (hay “Người rồng”) đã lang thang trong những khu rừng đầy băng giá ở phía bắc Trung Quốc. Bất chấp tỷ lệ cơ thể cực kỳ lạ lùng, loài người cổ đại này mới đây đã được các nhà khoa học xác định là họ hàng của người Homo sapiens – hay Người tinh khôn, tức chính là loài người chúng ta hiện tại.

    Được đặt theo tên sông Hắc Long ở tỉnh Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc, Homo longi lần đầu tiên được ghi chép vào hồ sơ khảo cổ học vào năm 1933. Vào thời điểm đó, các công nhân xây dựng đã phát hiện ra một hóa thạch hộp sọ được bảo quản trong tình trạng nguyên vẹn khi đang xây dựng một cây cầu. Mặc dù vậy, do việc phát hiện hộp sọ diễn ra vào thời kỳ chiến tranh loạn lạc, mẫu vật này đã được một người đàn ông trong nhóm công nhân cất giấu trong một cái giếng bỏ hoang. Kết quả, hộp sọ bí ẩn này gần như bị lãng quên trong suốt hàng chục năm. Mãi đến trước khi qua đời, người đàn ông đã nói với người thân trong gia đình về việc tìm thấy hộp sọ. Gia đình của người đàn ông sau đó đã mang hộp sọ tới giao nộp cho chính quyền địa phương để các chuyên gia xem xét.

    Phục dựng gương mặt Người Rồng 146.000 năm tuổi, sở hữu dung mạo kỳ lạ với kích thước đầu khổng lồ- Ảnh 1.

    Được tìm thấy từ năm 1933, mãi đến 2021 các nhà khoa học Trung Quốc mới xác định đây là hộp sọ thuộc về Người Rồng - Homo longi, loài người cổ đại có nhiều mối liên hệ với người Homo sapiens, tức loài người chúng ta hiện nay.

    Tuy nhiên, phải mất 3 năm sau đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới nhận ra rằng hộp sọ thuộc về một loài người cổ đại vốn chưa được biết đến trước đây. Có niên đại ít nhất 146.000 năm trước, các nhà khoa học xác định chủ nhân của hộp sọ đã sinh sống ở Đông Á - vào thời điểm loài người hiện đại đang sinh sống cùng với một số họ hàng tiến hóa gần gũi của chúng ta, bao gồm người Neanderthal và người Denisovan. Dựa trên độ chắc chắn và kích thước của hộp sọ, nhóm nghiên cứu xác định đây có thể là hài cốt của một người đàn ông dưới 50 tuổi, có làn da từ tối đến trung bình, tóc đen và màu mắt đen.

    Được mô tả là có “kích thước khổng lồ” và sở hữu một số đặc điểm trên khuôn mặt độc đáo như hốc mắt vuông, gò má phẳng và thấp, cùng hàm răng khổng lồ, Homo longi thoạt nhìn không có nhiều mối liên hệ với 3 loài người đương thời là Neanderthal, Denisovan và Homo sapiens. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng Người Rồng trên thực tế có thể có mối liên hệ gần gũi với con người hiện đại hơn cả người Neanderthal, vốn được coi là loài người cổ đại có quan hệ ‘họ hàng’ gần nhất với chúng ta. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ rõ khuôn mặt của Người Rồng.

    Phục dựng chân dung Người Rồng dựa trên dữ liệu có sẵn

    Để tái tạo lại hình dáng khuôn mặt của giống người cổ đại này, chuyên gia người Brazil Cícero Moraes (người có các công trình tái tạo khuôn mặt khác bao gồm “Người lùn" và các pharaoh Ai Cập cổ đại) đã tạo ra một mô hình kỹ thuật số của hộp sọ. Bản thân mô hình này được dựng bằng cách sử dụng dữ liệu và hình ảnh từ nhóm nghiên cứu vốn từng phát hiện ra sự tồn tại của Homo longi vào năm 2021. Bản thân hộp sọ hoàn chỉnh của một loài người nguyên thủy khác là Homo erectus cũng đã được tích hợp thêm sau đó để lấp đầy những khoảng trống ở xương hàm và vài chiếc răng của người Homo longi.

    Tiếp theo, chuyên gia Moraes bổ sung thêm các điểm đánh dấu mô mềm bằng cách chụp chụp cắt lớp vi tính người hiện đại và tinh tinh, rồi làm cong chúng để phù hợp với đường nét trên hộp sọ của người Homo longi . Kết quả của quá trình này là hình ảnh bán thân kỹ thuật số màu xám, vốn được phục dựng nhờ sử dụng các tệp dữ liệu có tính khách quan cũng như các kỹ thuật lập mô hình đáng tin cậy.

    Phục dựng gương mặt Người Rồng 146.000 năm tuổi, sở hữu dung mạo kỳ lạ với kích thước đầu khổng lồ- Ảnh 2.

    Người Rồng sở hữu một số đặc điểm trên khuôn mặt độc đáo như hốc mắt vuông, gò má phẳng và thấp, cùng hàm răng khổng lồ.

    Phục dựng gương mặt Người Rồng 146.000 năm tuổi, sở hữu dung mạo kỳ lạ với kích thước đầu khổng lồ- Ảnh 3.

    Chân dung của Người Rồng được chuyên gia người Brazil - Cícero Moraes phục dựng dựa trên dữ liệu được cung cấp bởi nhóm nghiên cứu.

    Cũng cần nói thêm, vì những hình ảnh được phục dựng này nhằm mục đích giới thiệu cho công chúng nên chuyên gia Moraes đã tự cho phép mình sử dụng “cách tiếp cận nghệ thuật”. Theo đó, chuyên gia này đã bổ sung thêm tóc và màu sắc cho mô hình, từ đó làm nổi bật “các khía cạnh sống động” hơn về ngoại hình của Người Rồng sống cách đây 150.000 năm.

    Dựa trên mô hình cuối cùng, Moraes đã tính toán rằng Homo longi có chu vi vòng đầu lên tới 65,1 cm (25,6 inch). Thông số này khiến Người Rồng tạo ra sự “khác biệt” khi sở hữu cái đầu có kích thước lớn nhất so với bất kỳ loài người cổ đại nào được biết đến cho đến nay. Thậm chí, kích thước xương sọ của loài người đã tuyệt chủng này còn ngang hàng với hộp sọ của khỉ đột và sư tử.

    Theo dữ liệu của nhóm chuyên gia từng phát hiện ra hộp sọ của Người Rồng vào năm 2021, kích thước khổng lồ của loài người cổ đại này có thể phản ánh sự tiến hóa và thích nghi với nhiệt độ đóng băng của vùng Cáp Nhĩ Tân, vốn có thể đạt tới âm 16 độ C (3,2 độ F) vào mùa đông.

    Tham khảo IFL Science

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày