PRISM: Lộ tẩy tham vọng điên cuồng

    PV,  

    Chương trình PRISM được tiến hành vào tháng 12-2007 để thay thế cho chương trình theo dõi khủng bố đã được thực hiện sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

    Những ngày qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý đến thông tin chung quanh vụ chương trình theo dõi điện tử (gọi tắt là PRISM), được Cơ quan An ninh quốc gia của Mỹ (NSA) vận hành, bị tiết lộ cho giới báo chí, gây rúng động nước Mỹ.

    Đây là công cụ thu thập và xử lý thông tin tình báo nước ngoài qua các máy chủ của Mỹ. PRISM là tên mật mã đặt cho nỗ lực thu thập dữ liệu vốn được biết đến một cách chính thức là US-984XN.

    Bản chất không thay đổi

    Đầu thập niên 1970, NSA đã câu trộm các đường truyền cáp nước ngoài. Cơ quan này không cần được cấp phép vì đó là công việc của họ. Biên giới quốc gia không thể cản trở các đặc vụ NSA tiếp cận dữ liệu qua internet. Chẳng hạn, email gửi từ Pakistan đến Afghanistan có thể đi qua một máy chủ xử lý mail ở Mỹ. Chính máy tính này cũng xử lý các bức điện gửi đến Mỹ và từ Mỹ gửi ra nước ngoài.

    Được biết, theo quy định về chức trách, NSA bị cấm do thám người Mỹ hoặc bất kỳ ai ở bên trong nước Mỹ. Đó là việc của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và cần có trát của tòa án. Thế nhưng, bất chấp sự cấm đoán này, ngay sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, tổng thống (TT) George W. Bush đã bí mật cho phép NSA kết nối với các đường truyền sợi cáp quang ra vào nước Mỹ và cung cấp cho chính phủ những cuộc chuyện trò riêng tư của người Mỹ, hành vi chưa từng có và không được phép của tòa án.

     Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ được phép theo dõi một cách tỉ mỉ các cuộc tiếp xúc sống độngvà thông tin lưu trữ trên internet. Ảnh: AP

    Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ được phép theo dõi một cách tỉ mỉ các cuộc tiếp xúc sống độngvà thông tin lưu trữ trên internet. Ảnh: AP

    Thêm vào đó, theo hãng tin AP, trong những tháng và những năm đầu sau vụ 11-9, các đặc vụ FBI xuất hiện ở Công ty Microsoft thường xuyên hơn trước, yêu cầu cung cấp thông tin về khách hàng. Khi đó, các điệp viên và chuyên viên nghe trộm của Chính phủ Mỹ theo dõi các email và địa chỉ internet mà các nghi can khủng bố sử dụng trên khắp thế giới.

    Lần theo dấu vết các cuộc theo dõi, nhà chức trách Mỹ đã đến các công ty phần mềm lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp email lớn nhất vào thời điểm đó, yêu cầu được tiếp cận hồ sơ lưu trữ email, thông tin về tài khoản, nói chung là tất cả mọi thứ, một cách nhanh chóng.

    Nhà chức trách Mỹ nhấn mạnh mục đích của chương trình PRISM là chống chủ nghĩa khủng bố vì an ninh quốc gia. Chương trình được miêu tả là cho phép theo dõi một cách sâu xa các cuộc tiếp xúc sống động và thông tin được lưu trữ trên internet. PRISM đã được tiến hành vào tháng 12-2007 để thay thế cho chương trình theo dõi khủng bố - vốn được thực hiện sau vụ tấn công ngày 11-9 và đã bị chỉ trích cũng như đặt vấn đề tính hợp pháp vì nó không được tòa án theo dõi tình báo nước ngoài (FISC) chuẩn thuận.

    PRISM có cơ hội ra đời sau khi báo The New York Times tiết lộ sự tồn tại của hoạt động theo dõi đại trà như nêu trên. Lúc này, chính phủ Mỹ chỉ cần giải thích cho quốc hội và tòa án một cách chính xác cách thức mà chương trình PRISM định thu thập thông tin, như email, đoạn băng video Skype và tin nhắn trên Facebook. Khi được tòa án chấp thuận các nguyên tắc thu thập, chính phủ Mỹ được phép“chộp lấy” bất cứ gì họ muốn. Và FISC đã cho phép sử dụng PRISM qua một sắc lệnh.

    Obama mở rộng

    Dữ liệu mà NSA thu thập được qua chương trình PRISM bao gồm email, hình ảnh và tiếng nói qua các cuộc trò chuyện trên internet, các công cụ chuyển file, các khai báo đăng nhập và các chi tiết trên mạng xã hội. Chương trình này nhằm vào bất kỳ khách hàng nào sử dụng internet sống bên ngoài nước Mỹ hoặc các công dân Mỹ có tiếp xúc với nội dung web của những người ở bên ngoài nước Mỹ.

    Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết quốc hội Mỹ giám sát chương trình này. Các thủ tục mở rộng bảo đảm việc tiếp nhận, lưu trữ và phổ biến các dữ liệu được thu thập tình cờ về người dân Mỹ sẽ được giữ ở mức tối thiểu. Theo ông Clapper, chính phủ Mỹ có thể dễ dàng có được thông tin về số điện thoại của người dân Mỹ, những người họ trò chuyện, nơi họ gọi đến...

    “Đối với tôi, việc thu thập dữ liệu của một người Mỹ giống như lấy một cuốn sách từ trên kệ, mở nó ra và đọc” - ông James Clapper nói. Ngoài ra, một số cựu giới chức tình báo Mỹ cho hãng tin AP biết đôi khi các cơ quan tình báo phải tiêu hủy tài liệu về các công dân Mỹ mà họ không nên xem nhưng đã được NSA chuyển cho.

    Báo The Washington Post lưu ý tài liệu bị rò rỉ cho thấy PRISM là nguồn thông tin tình báo thô được sử dụng cho các bản báo cáo phân tích của NSA. Bản thông tin tóm tắt hằng ngày của TT Mỹ (The President’s Daily Brief), tài liệu tối mật gồm mọi nguồn tin tình báo trình TT mỗi buổi sáng, đã trích dẫn dữ liệu của PRISM như một nguồn tin trong 1.477 mục tin vào năm 2012.

    Theo tờ The Guardian, cựu giám đốc NSA dưới thời TT George W. Bush, ông Michael Hayden, cho biết các chương trình theo dõi đã được mở rộng dưới thời TT Barack Obama. Ông cho rằng NSA hiện có nhiều quyền lực hơn khi ông còn lãnh đạo cơ quan tình báo này. Ngoài ra, ông khẳng định: “Chúng ta có 2 vị TT rất khác nhau làm một việc giống nhau liên quan đến hành vi theo dõi điện tử”.

    Email châu Á dễ bị xâm phạm

    Theo hãng tin Reuters, các giới chức chính phủ và an ninh ở nhiều nơi trên khắp châu Á vẫn gửi thông tin nhạy cảm và các văn bản về chính sách qua dịch vụ email của các công ty Mỹ. Do đó, người ta lo ngại rằng việc trao đổi thông tin như vậy có thể đã bị theo dõi và NSA đã thu thập dữ liệu của họ.

    Các giới chức khắp thế giới sử dụng địa chỉ email cá nhân cho các công việc cá nhân, còn các giới chức châu Á sử dụng chúng cho cả công việc chính thức của họ. Một số bộ và cơ quan không có tên miền riêng của họ, thậm chí họ được phục vụ thiếu thốn và không thể tiếp cận internet thông qua điện thoại di động thông minh. Các nhân viên chính phủ ở các nước châu Á - Thái Bình Dương thường yêu cầu gửi email qua tài khoản Gmail hoặc Yahoo! bởi email chính thức của họ không chấp nhận file đính kèm có dung lượng lớn hoặc được viết thành mật mã.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày