Pulsar giờ làm đồ quá 'đỉnh': Chuột siêu nhẹ chỉ 35g, bàn phím gaming tần số quét cao tới 35.000Hz
Dùng những món đồ này mà chơi thua game thì có lẽ chỉ trách được kĩ năng của bản thân thôi!
Dù không phải là thương hiệu lâu đời (thành lập năm 2020), nhưng Pulsar là một nhà sản xuất phụ kiện gaming rất đáng theo dõi vì dám thử nghiệm, thường xuyên ra mắt các sản phẩm thú vị và khác biệt so với phần còn lại của thị trường.

2 sản phẩm mới được thương hiệu này ra mắt là những ví dụ điển hình nhất: Một con chuột nhẹ tới 35g nhưng với chất lượng hoàn thiện chắc chắn, cùng bộ bàn phím gaming với tần số quét lên tới 35.000Hz, độ trễ thấp chỉ 0.16 mili-giây!
Pulsar X2 CrazyLight - Nhẹ đến 'khó hiểu'

X2 là một trong những dòng chuột nổi tiếng nhất của Pulsar, và đến với 2025 dòng chuột này lại tiếp tục được nâng cấp lên phiên bản mới tên là CrazyLight (dịch tạm là "Nhẹ điên luôn!" ). Khác với thế hệ trước chỉ có 2 màu đen và trắng, X2 CrazyLight có khá nhiều màu 'vui vẻ' như hồng, xám pha xanh và màu mà ta có ở đây: xanh lá cây phối với xanh dương.

Mở hộp, ta có bộ phụ kiện bao gồm hướng dẫn sử dụng, một tấm thẻ trang trí (giống bài Pokemon), dây USB-C, dongle và một bộ Dot Skate - một loạt feet chuột có độ ma sát thấp, thường được Pulsar bán riêng cho các chuột khác.

Dây kết nối có màu xanh dương khá đẹp, được bọc dù dày dặn và ở đầu USB-C được làm cong lên để tránh tiếp xúc với bàn.

Dongle của X2 CrazyLight cũng có thiết kế khá đặc biệt, vỏ ngoài bằng nhựa màu xanh trong suốt, có đèn LED ở bên trong nên mỗi khi sử dụng sẽ phát sáng lên. Đây là kiểu dongle phải cắm dây chứ không có đầu USB-A để cắm thẳng vào máy tính, nhưng bù lại là tích hợp tần số quét cao 8K - một nâng cấp so với mức 1K thường thấy.

Nếu như không có phối màu 'siêu nổi bật', nhiều người sẽ tưởng nhầm X2 CrazyLight là phiên bản X2 v3 trước đó vì thiết kế của chuột không hề thay đổi.

Điểm khác biệt nằm ở trọng lượng, được giảm từ xấp xỉ 50g xuống chỉ còn 35g. Cái tên "Nhẹ điên luôn" rất đúng với con chuột này, vì bạn có thể nhấc nó lên bằng chỉ 1 ngón và thậm chí còn không cảm nhận là đang cầm trên tay luôn!

Lớp phủ trên chuột có độ sần, cho khả năng bám tốt, với phiên bản màu xanh này thì không để lại dấu vân tay nên sẽ khá sạch khi dùng lâu ngày.

Cổng USB-C của chuột được đặt 'thụt' vào trong một chút để 'giấu' được một phần cổng kết nối, nhưng sẽ không dùng được với những sợi dây có phần nhựa bọc quá dày.

Pulsar trong những năm gần đây đã chuyển qua sử dụng switch bấm quang học 'nhà trồng được', và ở X2 CrazyLight cũng không phải là ngoại lệ. Switch này cho cảm giác bấm chắc tay, không bị rung sang 2 bên, hành trình có vẻ ngắn hơn 1 xíu so với switch quang học từ Lamzu.

Nhìn xuống dưới đáy, bạn sẽ hiểu vì sao con chuột này lại nhẹ đến vậy! Phải tới một nửa mặt dưới được 'khoét lỗ' để giảm trọng lượng, thậm chí đến gạt bật tắt chuột và nút chỉnh DPI cũng được để thẳng lên mạch điều khiển ở bên dưới luôn!
Cảm biến được sử dụng là Pulsar XS-1, một cảm biến đã được tôi trải nghiệm trong chiếc Xlite V4 lần trước với mức DPI cao nhất là 32.000 cùng vị trí nhận chuột thấp nhất 0.7mm. Cảm biến hiện nay đã quá tốt rồi, tôi không thể cảm nhận được sự khác biệt giữa XS-1 và PAW 3395 của chiếc Pulsar Xlite V3 đang sử dụng, đều cho độ chính xác cao kể cả khi di chuyển chậm (chỉnh sửa video, ảnh) và cũng không thể bị 'trôi' nếu vẩy nhanh (chơi game tốc độ cao).

Sora V2 là con chuột từ thương hiệu khác có kiểu dáng giống với X2 CrazyLight
Về dáng chuột, X2 v3 thế hệ trước và cả X2 CrazyLight đều là những con chuột cân xứng (symmetrical) dáng thấp, đẩy cao 1 chút ở phần 'đuôi' chuột.

Dáng chuột này sẽ phù hợp nhất với kiểu cầm Claw (cầm bằng lòng bàn tay và nửa ngón tay) và Fingertip-grip (chỉ cầm bằng các đầu ngón tay). Đây không phải là con chuột công thái học dành cho những bạn thích cầm kiểu Palm-grip (cầm chuột bằng toàn bộ bàn tay), có lẽ các bạn nữ tay nhỏ thì vẫn có thể cầm được như vậy.
Cá nhân tôi là người có bàn tay to nên vẫn cảm thấy thích dáng của dòng Xlite V3, V4 vì cho cảm giác 'đầy tay' hơn, tuy vậy một điều phải khẳng định là những dòng chuột nhỏ như X2 CrazyLight cho độ linh hoạt cao hơn hẳn, dễ dàng 'vẩy' mà không bị vướng trong lòng bàn tay.



Phần mềm điều khiển Pulsar X2 CrazyLight
Có lẽ những bạn cầm chuột bằng đầu ngón tay sẽ đặc biệt thích phiên bản này: Lớp phủ có độ bám dính tốt nên dù không cần cầm bằng toàn bộ bàn tay thì cũng không sợ tuột, trọng lượng chỉ 35g nên thoải mái khi di chuyển trong thời gian dài.
Pulsar Xboard MS - Vẻ ngoài đơn giản nhưng tính năng 'đẩy giới hạn'

Nổi tiếng với việc sản xuất chuột, nên cũng ít ai biết rằng Pulsar còn có cả bàn phím! Ở đây chúng ta có chiếc Pulsar Xboard MS TKL cũng mới được ra mắt trong thời gian gần đây.

Bộ phụ kiện của phím gồm có dây kết nối, một miếng dán thương hiệu Pulsar, cây gắp keycap - switch và 3 switch dự phòng.

Bộ bàn phím này có khả năng hot-swap (tháo lắp được switch), và nếu như có switch nào bị hỏng thì có thể lấy những chiếc 'sơ-cua' trong hộp để thay thế vào và sử dụng luôn.

Được định vị là một dòng bàn phím dành cho cả công việc lẫn chơi game, nên Xboard MS có thiết kế khá đơn giản, nếu như tắt sạch đèn nền đi thì chỉ độc một màu đen mà thôi! Đây là một bộ bàn phím Tenkeyless, chỉ loại bỏ duy nhất cụm Numpad so với một bộ bàn phím đầy đủ, giữ lại hàng Function và các nút điều hướng.

Vỏ của phím được hoàn thiện bằng nhựa, có vẻ như muốn đạt được kiểu dáng nguyên khối nên mặt dưới không có chân dựng luôn.

Bản thân phím cũng đã có một độ dốc nhất định rồi, nếu như đã vừa tay thì cũng không cần phải kiếm thêm chân để dựng cao hơn.

Không có vỏ ngoài bằng nhôm, nhưng Xboard MS vẫn có cấu trúc bên trong giống với những bộ bàn phím cao cấp: Tấm plate giữ switch được làm bằng kim loại, gắn theo kiểu Gasket Mount với những lớp mút bọt biển dày để giảm thiểu tiếng ồn.
Âm thanh khi gõ phím của Xboard MS vẫn khá đặc trưng của những bàn phím vỏ nhựa, sẽ ra tiếng 'lộp bộp' hơn là 'lách tách' của những bàn phím nhôm. Nhưng vì có đầy đủ các tính năng giảm thanh nên tiếng phát ra khá trầm, không bị vang khó chịu, có thể sử dụng được ở môi trường văn phòng mà không ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Ở cạnh trên phím của 2 nút hình dấu cộng và dấu nhân và một vòng xoay. Vòng xoay mặc định để chỉnh âm lượng, và có thể chuyển thành các tính năng khác trong phần mềm. Còn 2 nút bấm kia để chuyển nhanh giữa 2 chế độ "Văn phòng" và "Chơi game".

Chế độ văn phòng được kích hoạt bằng dấu cộng với đèn nền màu xanh dương, chuyển tần số quét phím sang 10.000Hz, tần số quét tín hiệu của máy tính (Polling Rate) 1000Hz để tiết kiệm điện. Còn khi chuyển qua chế độ chơi game ở dấu nhân, đèn nền sẽ chuyển qua màu đỏ, phím tắt nút Windows (nút hay bấm nhầm gây thoát game), tăng tần số quét lên 35.000Hz và Polling Rate lên 8000Hz để có độ trễ chỉ còn 0.16ms.

Giữa nút F12 và cụm chức năng bên phải có một nút tùy chỉnh để gán bất cứ thứ gì vào
Trong điều kiện sử dụng thông thường để lướt web, gõ văn bản thì ta sẽ rất khó để nhận ra được sự khác biệt giữa 2 chế độ này. Nhưng với những bạn chơi game với tốc độ cao, từng mili-giây đều có thể quyết định được thắng thua thì việc có độ trễ thấp nhất là cần thiết.

Không chạy theo xu hướng sử dụng switch 'nhà làm', Pulsar vẫn sử dụng loại switch lâu đời Cherry cho Xboard MS. Cherry MX2A Red là một loại switch Linear (nhấn thẳng, không có khấc), có kiểm kích hoạt và chạm đáy tiêu chuẩn (lần lượt là 2mm và 4mm) cùng lực nhấn khá nhẹ chỉ 45g.
Đây là loại switch tôi đã sử dụng trong suốt 3 năm nên khi sử dụng lại vẫn cho cảm giác quen thuộc: Nhấn sâu, nhẹ đầu ngón tay, không thể 'mượt' được như những loại switch đã được bôi dầu sẵn nhưng không hề tệ một chút nào. Switch ở Xboard MS được lắp ngược lại để có thể xuyên LED tốt hơn, không ảnh hưởng gì tới trải nghiệm gõ cả.

2 điểm đáng để khen ở Xboard MS đó là keycap được hoàn thiện bằng nhựa PBT Double-shot cho khả năng chống mài mòi, chống bóng cao; và những thanh cân bằng phím dài đều được cân chỉnh tốt nên nhấn xuống không thấy bị 'lọc xọc'.






Phần mềm điều khiển Xboard MS "Bibimbap" chạy trên nền web, không phải tải về máy
Phần mềm điều khiển Xboard MS có tên là Bibimbap (một món ăn của Hàn Quốc, quê hương của Pulsar), chạy trên nền web nên ta cũng không phải tải về máy. Tại đây ngoài các tính năng cơ bản của một bàn phím như chỉnh hiệu ứng đèn, chỉnh chức năng phím, các macro, chức năng của vòng xoay thì còn có thể gán tất cả tùy chỉnh này vào 3 profile sau đó chỉnh nhanh lại ngay trên bàn phím - cho phép phím có thể dùng chung giữa nhiều người.

Các nút 1, 2, 3 có thể dùng để chuyển nhanh giữa các profile phím
Nói riêng về hiệu ứng đèn của Xboard MS, trong phần mềm chỉ có 6 hiệu ứng chính, nhưng mỗi tùy chọn lại có các hiệu ứng phụ nên tổng cộng có tới 44 hiệu ứng khác nhau, thêm cả việc có thể phối các màu khác nhau nữa thì khả năng tùy chỉnh đèn gần như là không có giới hạn!
Các hiệu ứng đèn chính của Pulsar Xboard MS
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đã tìm thấy điện thoại 5G rẻ nhất của Xiaomi: Thiết kế đẹp, pin khủng, săn sale giá chỉ hơn 4 triệu nhưng dùng xong mới thấy quen quen!
POCO M7 Pro là mẫu smartphone 5G giá siêu rẻ của Xiaomi, chỉ hơn 4 triệu đồng nhưng vẫn được trang bị đầy đủ ưu điểm, từ thiết kế trẻ trung, màn hình đẹp, camera chụp đẹp và thời lượng dùng pin ấn tượng.
Làm thế nào mà con người có thể biến 'đồ chơi pháo hoa' thành tên lửa Mặt Trăng?