Quá khứ chứng minh rằng dù tốn kém bao nhiêu Samsung vẫn nên thu hồi Galaxy Note7

    Neo,  

    Việc thu hồi hàng triệu chiếc smartphone màn hình lớn sẽ khiến Samsung thiệt hại không hề nhỏ nhưng điều đó là cần thiết.

    Theo ước tính của Bloomberg, Samsung có thể phải chi ra 1 tỷ USD để thu hồi toàn bộ 2,5 triệu chiếc Note7 đã bán ra toàn cầu trong vòng hai tuần qua. Phía Samsung chỉ nói rằng số tiền mà họ bỏ ra đủ lớn để họ phải đau lòng. Nhưng khoảng ba chục chiếc Note7 được phát hiện ra có lỗi pin, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khiến Samsung buộc phải thu hồi toàn bộ số Note7 đã bán ra chứ không còn cách nào khác.

    Sự cố này diễn ra vào thời điểm không thể nào tệ hơn. Samsung đang trên đà trở lại với sự thành công của Galaxy S7. Cổ phiếu của hãng đã đạt kỷ lục trong tháng trước và lợi nhuận hàng quý của hãng đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua, một thành quả đáng nể trong thời điểm thị trường smartphone toàn cầu đang từ từ lao dốc. Note7 được cho là một sản phẩm hoàn thiện, con át chủ bài của Samsung đối chọi lại mẫu iPhone mới sắp ra mắt của Apple.

    Là vua trong thị trường smartphone Android, Samsung không thể để thương hiệu của nó phải chịu bất cứ tổn thương nào dù chỉ là nhỏ nhất.

    "Thiệt hại tiềm tàng với danh tiếng lớn hơn nhiều so với những thiệt hại tài chính trong thời gian ngắn", Chang Sea Jin, một giáo sự tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

    Ước tính từ Credit Suisse Group AG, Daishin Securities Co. và Pelham Smithers Associates cho thấy việc thu hồi các mẫu smartphone Note7 đã bán ra có thể tiêu tốn của Samsung khoảng 1 tỷ USD. Khi được hỏi về những tác động tài chính, Koh Hong Jin, người đứng đầu mảng kinh doanh smartphone của Samsung chia sẻ rằng số tiền mà họ bỏ ra đủ lớn để khiến họ phải đau lòng.

    Tuy nhiên, ước tính số tiền thiệt hại này chỉ chiếm dưới 5% lợi nhuận sau thuế dự kiến của Samsung trong năm nay, khoảng 23 nghìn tỷ won (20,6 tỷ USD). Và không rõ Samsung SDI Co., công ty con chịu trách nhiệm sản xuất pin của tập đoàn Samsung, có phải gánh chịu toàn bộ số thiệt hại này hay không.

    Dù Samsung chưa công bố danh sách các nhà cung cấp pin cho Note7 nhưng chắc chắn Samsung SDI phải chịu một phần phí tổn bởi hãng này cung cấp tới 70% pin cho Samsung Electronics và hãng Amperex Technology Ltd của Trung Quốc cung cấp 30% còn lại. Hiện Samsung Electronics đã ngừng đặt hàng pin từ Samsung SDI. Cổ phiếu SDI giảm 3,2% trong phiên giao dịch mới nhất nâng tổng mức giảm trong tuần lên 11%. Cổ phiếu của Samsung Electronics chỉ thay đổi đôi chút.

    Credit Suisse ước tính, Samsung Electronics nhận về khoảng 600 USD doanh thu và 108 USD lợi nhuận hoạt động cho mỗi chiếc Note7 được bán ra. Nhà phân tích Keon Han cho biết gã khổng lồ Hàn Quốc dự tính xuất xưởng khoảng 4 tới 5 triệu chiếc Note7 trong quý hiện tại và khoảng 8 tới 9 triệu chiếc trong vòng ba tháng cuối năm 2016.

    Câu hỏi lớn nhất trong những tuần sắp tới là vụ thu hồi này sẽ gây thiệt hại như thế nào tới thương hiệu của Samsung. Sau tranh chấp pháp lý căng thẳng, thiệt hại lớn với Apple, Samsung đã làm việc chăm chỉ để xây dựng danh tiếng của mình về chất lượng và đổi mới thông qua những sản phầm màn hình lớn và cong tiên phong. Khi Note7 được phát hành nó đã được giới chuyên gia đánh giá rất cao và doanh số những ngày đầu cực kỳ hứa hẹn trong bối cảnh iPhone mới chưa ra mắt. Hiện tại, Note7 đã bị ngừng bán tại 10 thị trường mà nó đã sẵn hàng.

    "Lợi thế thời điểm mà Note7 có so với iPhone đã bốc hơi", Bryan Ma, một nhà phân tích của IDC chia sẻ. "Rõ ràng là Samsung đã mất quý này nhưng nếu họ giải quyết nhanh chóng các vấn đề và trở lại kịp lúc thì sẽ không bị ảnh hưởng trong thời gian dài".

    Rõ ràng vụ thu hồi này là vết đen với Samsung nhưng không thể phủ nhận Gã khổng lồ Hàn Quốc đã phản ứng nhanh với một khiếm khuyết nghiêm trọng trong sản phẩm của họ. Samsung Electronics là một đế chế khổng lồ với hơn 320.000 nhân viên và sản xuất mọi thứ từ chất bán dẫn tới thiết bị mạng, smartphone, điều hòa không khí và lò vi sóng.

    Sanghyun Park, chuyên gia phân tích tại Pelham Smithers Associates, cho biết ông tin rằng Phó chủ tịch Lee Jae Yong, con trai chủ tịch Lee Kun Hee, trực tiếp ra quyết định thu hồi toàn cầu Galaxe Note7. Ông Lee bắt đầu xử lý các công việc ở Samsung sau khi cha ông bị một cơn đau tim vào tháng 5/2014.

    "Sự thật là ở Samsung ngoài ông ấy chẳng ai có thể ra những quyết định táo bạo như thế này", Park nói. "Là một thành viên của gia đình sáng lập ra Samsung, Lee muốn bảo vệ danh tiếng của công ty được ông nội ông ấy thành lập".

    Nếu các bạn chưa biết thì trong quá khứ các sếp gia tộc họ Lee đã từng nhiều lần quyết định chấp nhận thiệt hại nhỏ hiện tại để bảo vệ danh tiếng.

    Tháng 11/1993, khi Samsung cho ra đời mẫu SH-700, ông Lee Kun Hee đã rất tự hào đem một số máy đi làm quà tặng năm mới. Khi ông Lee biết rằng 1 số máy mình tặng bị hỏng khi vừa ra khỏi hộp, ông yêu cầu nhân viên dưới quyền tập trung tất cả 150 ngàn máy SH-700 trong kho thành 1 đống, triệu tập hơn 2000 nhân viên Samsung đến và đốt tất cả đống sản phẩm lỗi. Khi lửa tắt, máy ủi được điều đến cày xới tan nát phần còn lại. "Nếu các anh tiếp tục làm ra những sản phẩm chất lượng kém, tôi sẽ quay lại và làm y như vừa nãy".

    Tháng 5/2012, 3 tuần trước khi Galaxy S3 lên kệ, có người phàn nàn rằng chất lượng lớp sơn ở sản phẩm sắp bán không đẹp được như sản phẩm mẫu. Sau khi điều tra rằng lời phàn nàn này là đúng sự thực "phần vân xước không được mịn như hàng mẫu", 100 ngàn ốp lưng Galaxy S3 đang ở trong kho và cả hàng chờ xuất ở sân bay bị lôi ra tiêu hủy và thay thế.

    Theo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ