Quan tâm Huawei làm gì khi mà Cisco sẽ giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc đua 5G

    Tấn Minh,  

    Đến năm 2022, các mạng di động 5G sẽ đảm nhận 9% lượng kết nối dữ liệu di động trên toàn nước Mỹ, so với chỉ 4% tại châu Á - đó là những gì Cisco khẳng định.

    Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thời gian qua luôn trong tình trạng đau đầu nhức óc khi tìm cách giúp cường quốc số một thế giới cạnh tranh với Trung Quốc trong việc xây dựng mạng không dây 5G phục vụ thị trường đại chúng đầu tiên trên thế giới.

    Nhưng một báo cáo mới từ Cisco vừa qua có lẽ đã mang đến cho họ một số lý do để thở phào nhẹ nhõm.

    Theo Cisco, đến năm 2022, các mạng di động thế hệ thứ 5 sẽ đảm nhiệm 9% lượng kết nối dữ liệu di động trên toàn Bắc Mỹ, so với chỉ 4% tại châu Á.

    Dự báo mới này được công bố hôm thứ ba vừa qua, là một phần trong báo cáo thường niên Virtual Networking Index trên thị trường di động của Cisco - một báo cáo nghiên cứu về các xu hướng của ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới này.

    Quan tâm Huawei làm gì khi mà Cisco sẽ giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc đua 5G - Ảnh 1.

    Chipset 5G Balong 5000 của Huawei

    Những kết quả mà Cisco tuyên bố cho thấy những quốc gia như Trung Quốc vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tìm cách phát triển vượt mặt các quốc gia phương Tây. Và chúng phản ánh những chính sách trước đây của Mỹ nhằm giúp nước này duy trì một vị trí dẫn đầu khá vững chắc - theo lời Cisco, công ty chuyên về công nghệ mạng của Mỹ.

    Chúng ta đã được nghe khá nhiều rằng 5G sẽ mang lại tốc độ download nhanh hơn nhiều so với tốc độ của các kết nối Internet tại gia mà nhiều hộ gia đình hiện đang sử dụng. Bên cạnh đó, sự ổn định của 5G sẽ giúp mở khóa những khả năng mới như xe hơi tự lái, thuốc điều khiển từ xa, và một hệ sinh thái giàu mạnh gồm những thiết bị gia dụng thông minh đòi hỏi phải được thường xuyên kết nối Internet.

    Dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ là nơi có số thiết bị 5G cao gấp đôi so với Bắc Mỹ vào năm 2022, nhưng khu vực này lại chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 422 triệu thiết bị thực tế hoạt động trong mạng 5G toàn thế giới - theo lời Cisco. Bắc Mỹ sẽ chiếm phần lớn nhất; và hầu hết phần còn lại, khoảng 6,5%, sẽ nằm ở Tây Âu.

    Quan tâm Huawei làm gì khi mà Cisco sẽ giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc đua 5G - Ảnh 2.

    Cột 5G đầu tiên của nhà mạng di động Úc Optus nằm ở ngoại ô vùng Dicksson của Canberra

    Báo cáo hôm thứ 3 vừa qua cũng đánh dấu lần đầu tiên Cisco dành riêng ra một phần trong báo cáo di động của mình để nói về công nghệ 5G.

    "Nước Mỹ đã thực hiện những bước khởi đầu tốt trong việc thay đổi chính sách hỗ trợ cho triển khai 5G, và khi chúng tôi nhìn ra phần còn lại của thế giới, những thay đổi chính sách như những gì chúng tôi thấy ở Mỹ vẫn chưa diễn ra. Chúng tôi dự đoán điều đó sẽ thay đổi trong 12 đến 18 tháng tới, và lúc đó cuộc đua tới 5G sẽ diễn ra rất gay cấn" - Mary Brown, Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề chính phủ tại Cisco nói.

    Một khởi đầu tốt trong cuộc đua 5G sẽ có tầm quan trọng đặc biệt nhằm xác định quốc gia nào định hình - và hưởng lợi - từ những cải tiến trong các ứng dụng, dịch vụ, và những thành tựu kinh tế khác mà công nghệ này mang lại. Khi Mỹ dẫn đầu thế giới về công nghệ di động 4G, chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của một nền kinh tế ứng dụng mà cho đến ngày nay, các công ty Mỹ vẫn đang thống trị - Brown nói.

    "Kỳ vọng với 5G thậm chí còn cao hơn" - bà nhận định

    Quan tâm Huawei làm gì khi mà Cisco sẽ giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc đua 5G - Ảnh 3.

    "5G is now" là một slogan được Huawei Technologies sử dụng trong sự kiện công bố chip Balong 5000 cho các thiết bị 5G tại Bắc Kinh hôm 24/1

    Hiện nay, người tiêu dùng thông thường vẫn chưa được trải nghiệm 5G thực thụ. Những chiếc smartphone 5G đầu tiên phải đến cuối năm nay mới xuất hiện; và trong thời gian chờ đợi, các nhà mạng như AT&T và Verizon đã bước vào một cuộc chiến nhằm thuyết phục người tiêu dùng rằng họ đã và đang đạt được những bước tiến thần tốc (dù AT&T gần đây mới bị kiện vì một số hoạt động quảng cáo không trung thực).

    Các lãnh đạo ngành viễn thông và nhiều quan chức liên bang đã viện dẫn sự cạnh tranh khốc liệt nhằm đối chọi với các đối thủ toàn cầu làm lý do để đẩy nhanh quá trình mở rộng phạm vi phủ sóng 5G tại Mỹ, với những chính sách và những quy định được bãi bỏ nhằm tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp này.

    "Sự lãnh đạo của Mỹ trong công nghệ 5G là điều kiện tiên quyết mang tầm vóc quốc gia để phát triển kinh tế và đảm bảo tính cạnh tranh" - Ajit Pai, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) nnói tại một hội nghị của Nhà Trắng vào năm ngoái. Ông nói thêm rằng: "Chúng ta không thể để nạn quan liêu ngày nay bót nghẹt tương lai của 5G".

    Năm ngoái, trong một cuộc đấu thầu nhằm tạo điều kiện cho quá trình phủ sống 5G ở cấp độ địa phương, FCC đã tìm cách hạn chế khoản chi phí mà các thành phố có thể thu từ các công ty viễn thông để cho phép họ sử dụng những trụ điện thuộc sở hữu công, và yêu cầu các thành phố phải nhanh gọn hơn trong việc đưa ra những quyết định cho phép sử dụng cơ sở hạ tầng.

    Kế hoạch này đã được chào đón bởi các tập đoàn trong ngành công nghiệp viễn thông như một bước tiến quan trọng để xây dựng 5G, nhưng lại bị giới chỉ trích tấn công vì hành động này chẳng khác gì mang tài sản công đi cho các tập đoàn trên quy mô lớn.

    "Kế hoạch này đã chuyển 2 tỷ USD từ các thành phố sang các nhà mạng" - Blair Levin, cựu chánh văn phòng FCC cho biết - "Đổi lại, FCC không yêu cầu gì từ các nhà mạng cả".

    Góp phần làm cho bức tranh tổng thể trở nên phức tạp hơn là những quan ngại đang hiện hữu về tính bảo mật của các trang thiết bị mạng từ các công ty như Huawei của Trung Quốc, mà theo nhiều thông tin thì chính quyền của ông Donald Trump đang nhắm đến công ty này với một sắc lệnh hành pháp.

    FCC, trong một nước đi riêng của mình, đã đề xuất giới hạn nguồn ngân sách liên bang dành cho các công ty viễn thông Mỹ sử dụng phần cứng của Huawei. Các nhà làm chính sách lo lắng rằng các nhà sản xuất nước ngoài có thể bí mật cài đặt spyware vào các sản phẩm của họ, cho phép các chính phủ khác nghe lén các cuộc liên lạc nhạy cảm của Mỹ. Nhà sáng lập Huawei hôm thứ ba vừa qua đã phủ nhận những cáo buộc này trong một bài phỏng vấn với CBS.

    Sự không chắc chắn xoay quanh chính sách cơ sở hạ tầng của Mỹ, lập trường của Washington đối với các công ty nước ngoài, và những chi tiết về công nghệ 5G vẫn đang được tích cực thảo luận, tất cả có thể dẫn đến kết quả là quá trình triển khai mạng 5G trên toàn nước Mỹ bị trì hoãn.

    "Chúng tôi dự đoán rằng một số kế hoạch triển khai mạng 5G thương mại quy mô lớn có thể sẽ không được thực hiện cho đến sau chu kỳ dự báo hiện tại" sau năm 2022, Cisco nói.

    Nhưng kể cả khi đã cân nhắc những yếu tố đó, Bắc Mỹ vẫn sẽ đi trước các đối thủ trong quá trình phủ sống 5G vào năm 2022, Cisco khẳng định.

    Tham khảo: SCMP

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ