Quảng cáo pop-up: Hình thức bị căm thù nhất mọi thời đại, ra đời vì 1 công ty phàn nàn rằng quảng cáo bị đặt cạnh trang 18+
Năm 2014, cha đẻ của quảng cáo pop-up đã lên tiếng xin lỗi thế giới vì "tội ác" của mình.
Bạn đang làm điều gì đó trên Internet như xem phim, đọc báo hay mua sắm trực tuyến thì một cửa sổ quảng cáo hiện ra và cản đường bạn. Chúng quảng cáo đủ thứ trên đời, cả những thứ bạn không hề có nhu cầu hay hứng thú. Chưa dừng lại ở đó, nút tắt thường rất nhỏ, khó phát hiện hoặc khi ấn vào, một trang web quảng cáo khác sẽ hiện ra. Đây là trải nghiệm gây ức chế cho rất nhiều người dùng Internet trong nhiều năm qua.
Quảng cáo pop-up đem lại trải nghiệm khó chịu cho người dùng.
Bạn có bao giờ tự hỏi thứ khó chịu như quảng cáo pop-up ra đời như thế nào và tại sao không? Hãy cũng tìm hiểu về cha đẻ của quảng cáo pop-up và hoàn cảnh ra đời của nó trong bài viết dưới đây!
Tất cả bắt đầu vào năm 1994 - thời kỳ đầu của Internet. Lập trình viên Ethan Zuckerman (khi đó 23 tuổi) đang làm việc cho công ty Tripod – một trong những nơi đầu tiên cho phép người dùng xây dựng trang web của riêng mình.
Ban đầu, Tripod là trang web marketing nội dung và dịch vụ cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Sau đó, họ thay đổi mô hình kinh doanh thành nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ trang web chuyên nghiệp. Các nguồn doanh thu của Tripod đến từ bán hàng hóa, dịch vụ đăng ký, tạp chí trả phí. Tuy nhiên, thứ đem lại doanh thu lớn nhất cho họ là quảng cáo.
Công việc của Ethan là tìm ra cách đặt quảng cáo trên những trang đó và kiếm tiền cho Tripod để trang trải chi phí máy chủ và băng thông. Năm 1997, một công ty xe hơi – một trong những khách hàng lớn của Tripod, phàn nàn rằng quảng cáo của họ được đặt cạnh một trang cổ vũ quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Vì thế, Ethan đã phát minh ra quảng cáo pop-up để khắc phục.
Để tạo ra một định dạng quảng cáo mới, Ethan sử dụng ngôn ngữ phần mềm Javascript. Ông tạo một quảng cáo nhỏ và lập trình để nó bật lên bên cạnh trang chủ của mỗi người dùng trên Tripod.
Và từ đó, chúng ta phải "chịu đựng" hình thức quảng cáo pop-up khi lướt Internet mỗi ngày. Những ngày đầu, người dùng có thể dễ dàng tắt quảng cáo pop-up. Nhưng ngày nay lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Có những cửa sổ bật lên chứa nội dung độc hại, tự động tải virus về thiết bị của người dùng và nhiều rắc rối hơn thế nữa.
Trong thời gian dài, không ai biết về Ethan và phát minh bị nguyền rủa của ông. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự "biến tướng" của hình thức quảng cáo này, năm 2014, ông đã lên tiếng xin lỗi thế giới và gọi quảng cáo pop-up là "Tội lỗi nguyên thủy của Internet". Bên cạnh đó, Ethan còn giải thích rằng việc tạo ra quảng cáo pop-up ban đầu của ông hoàn toàn là ý tốt.
Mặc dù vậy, có vẻ như Ethan không được mọi người tha thứ bởi quảng cáo pop-up vẫn tồn tại và ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của họ. Thậm chí, sau khi công khai xin lỗi, Ethan còn nhận được nhiều lời chửi bới và đe dọa sát hại.
Sau này, Ethan làm giám đốc của một trung tâm của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Phó giáo sư về Khoa học và Nghệ thuật của MIT đến tháng 5/2020. Ngoài ra, ông còn là tác giả của cuốn "Rewire: Digital Cosmopolitans in the Age of Connection". Ông hiện là Phó giáo sư về chính sách công, truyền thông và thông tin tại Đại học Massachusetts.
Ethan cũng cho rằng đã đến lúc các trang web và dịch vụ trực tuyến không coi quảng cáo là phương tiện chính để kiếm tiền. "Tôi từng nghĩ quảng cáo là một thứ tội lỗi trên Internet. Mọi thứ ngày nay, từ các trang web như Google hay mạng xã hội như Facebook, Instagram đều ‘theo dõi’ chúng ta để cài cắm nội dung quảng cáo phù hợp", ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Nguồn: Forbes, NBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"