Quên smartphone đi, Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị cho "thời kỳ hậu di động"

    Nam Nguyễn,  

    Đã qua rồi cái thời các công ty Trung Quốc chỉ biết máy móc sao chép công nghệ của Mỹ.

    Trong mắt các nhà kinh tế học, Trung Quốc vẫn chỉ là một nền kinh tế đang phát triển. Nhưng các chuyên gia công nghệ lại đang nhìn thấy một quốc gia đi đầu trong những ý tưởng và sản phẩm công nghệ mới. Tại Hội nghị Internet di động toàn cầu (GMIC) ở Bắc Kinh vừa qua, một giám đốc của Tesla đã tuyên bố Trung Quốc có vai trò sống còn cho kế hoạch phổ cập ô tô điện ra toàn cầu của hãng xe này. Nhưng quyền năng của Trung Quốc không chỉ nằm ở quy mô khổng lồ của thị trường tiêu dùng và nguồn cung lao động ở nước này. Trung Quốc quan trọng vì nước này có thể là động cơ thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo của thế giới.

    Theo trung tâm nghiên cứu Pew, số người sở hữu smartphone ở Trung Quốc chiếm 58% dân số trong năm ngoái. Giới trẻ là nhóm dân số sử dụng smartphone nhiều nhất. Ở những người từ 18-34 tuổi, tỷ lệ sở hữu smartphone là 85%. Tỷ lệ này vẫn đang gia tăng với tốc độ “tên lửa”. Khát khao chiếm lĩnh thị trường khổng lồ này đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất smartphone của Trung Quốc. Điều này đã buộc họ phải liên tục đổi mới và sáng tạo nhằm tạo ra sản phẩm mang tính đột phá và thu hút người dùng. Đã qua rồi cái thời Trung Quốc chỉ biết máy móc sao chép công nghệ của Mỹ.

    Ở sự kiện GMIC, có dấu hiệu cho thấy smartphone sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời. Alvin Wang, giám đốc của HTC VR tại Trung Quốc đã tuyên bố rằng thế giới đang bước vào “kỷ nguyên hậu di động”.

    “2016 là năm đầu tiên của kỷ nguyên thực tế ảo (VR) và cuộc cách mạng đang diễn ra rồi”, Wang nói. “Một số người vẫn cho rằng các thiết bị VR chỉ là những máy chơi game cao cấp. Thực tế là VR có nhiều ứng dụng hơn họ nghĩ rất nhiều”.

    Wang cho biết VR sẽ đem lại cách mạng trong nhiều lĩnh vực, từ giải trí cho đến giáo dục. Trong khi đó, Xiaomi đã công bố kế hoạch ra mắt mẫu drone và smartwatch đầu tiên của công ty này. Nhiều thiết bị gia dụng thông minh cũng được trưng bày tại GMIC. Nhưng có lẽ cú hit lớn nhất trong tất cả là Hover Camera, thiết bị bay điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Hover Camera được quảng cáo là nền tảng chụp ảnh tự sướng tốt nhất, nhưng đây chỉ là một trong nhiều ứng dụng của thiết bị này mà thôi.

    Rồi chúng ta sẽ thấy smartphone, từng là đỉnh cao của công nghệ di động, chỉ là bước khởi đầu cho một tương lai kết nối Internet nhiều hơn. Kỷ nguyên tiếp theo sẽ là của drone, thiết bị kết nối WiFi, AI và VR. Hai thập kỷ nữa, chúng ta có thể thăm các bảo tàng ảo, nơi hướng dẫn viên AI sẽ chỉ cho con cháu chúng ta về những công nghệ lạc hậu như iPhone.

    Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn trong sự phát triển của công nghệ hậu di động. Các sản phẩm công nghệ phát triển dựa trên quy mô của thị trường tiêu dùng và Trung Quốc có quy mô mà không nước nào sánh bằng. Quan trọng không kém, do là một nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc còn không gian phát triển công nghệ lớn hơn nhiều nước tiên tiến khác. Quốc gia này không phải mất thời gian phát triển những công nghệ lạc hậu như điện thoại để bàn mà có thể tiến thẳng vào các công nghệ mới.

    Thay vì lo lắng, các công ty Mỹ và Châu Âu nên nhìn sự trỗi dẫy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ như là một cơ hội lớn. Khi mà sự sáng tạo của các nước phương tây đang có dấu hiệu đi xuống, Trung Quốc sẽ là động lực mới để thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ. Dĩ nhiên, sẽ có những rào cản văn hóa và pháp lý trong quá trình nổi lên của Trung Quốc. Nhưng xu hướng chung là Thung lũng Silicon sẽ không còn giữ vị thế độc quyền trong sự phát triển của công nghệ nữa.

    Tham khảo: venturebeat

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ