Quốc gia công nghệ và khát vọng hùng cường của Việt Nam

    BBT, Theo Trí Thức Trẻ 

    Sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội có 1 – 0 – 2 cho đất nước.

    Là một trong số những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong 20 năm qua, nhưng nếu xét trên góc độ về "chất lượng", Việt Nam vẫn là một quốc gia... đang phát triển.

    Hàn Quốc, Trung Quốc... chỉ đi trước Việt Nam một thời gian ngắn nhưng đã nhanh chóng trở thành cường quốc về công nghệ của thế giới. Việt Nam cũng đang hướng đến việc trở thành một trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp toàn cầu và tự thân cũng là một nơi sản sinh ra những sản phẩm, giải pháp công nghệ đột phá.

    Báo cáo của Austrade, công bố hồi tháng 9/2019, nhận xét Việt Nam đã tăng trưởng phi thường về số lượng statup: từ 400 của năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017. Dòng vốn đổ vào các statup cũng tăng 3 lần trong giai đoạn 2016 – 2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD.

    Số liệu cũng ghi nhận trong 10 năm qua, giá trị của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã chiếm 15% GDP, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

    Nhận xét về nhóm các doanh nghiệp này, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên ĐH Fulbright cho biết: "Các doanh nghiệp công nghệ có thể giúp các nước gia tăng đáng kể tốc độ phát triển cho nền kinh tế".

    Tiềm năng, cơ hội là có cho Việt Nam. Nhưng để nắm bắt và bước đi cùng thời đại hay không lại là một vấn đề khác. Hiện tại số lượng startup Việt tuy nhiều nhưng thực tế Việt Nam mới chỉ có 1 startup kỳ lân (định giá từ 1 tỷ USD trở lên). Mặt khác, nhiều chính sách còn chưa phù hợp, bắt kịp với biến đổi chóng mặt của làn sóng 4.0.

    Theo đó, Việt Nam vẫn cần có thêm nhiều nhân tố hơn để thúc đẩy đổi mới môi trường kinh doanh, doanh nghiệp, phát triển hạ tầng, công nghệ, khung pháp lý hỗ trợ… nhằm hướng đến một quốc gia công nghệ trong tương lai.

    "Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu, giải các bài toán toàn cầu. Sử dụng công nghệ nhân loại sẽ đưa Việt Nam ra thế giới", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu hồi tháng 5/2019 trong diễn đàn công nghệ mang tầm quốc gia bàn về tương lai phát triển đất nước.

    Để cổ vũ cho những mục tiêu, khát vọng đó, từ ngày 22/10/2019, báo Trí Thức Trẻ sẽ khởi đăng tuyến bài "Quốc gia công nghệ" với câu chuyện về các chính sách, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã và đang nỗ lực trong quá trình xây dựng những điều mới mẻ bằng công nghệ, góp phần thay đổi cuộc sống của người Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành đất nước công nghiệp hiện đại mà công nghệ chính là động lực tăng trưởng chính.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ