Ra mắt dịch vụ tiết kiệm lãi suất cao, Apple âm thầm trở thành đối thủ đáng gờm với ngành ngân hàng
Với lãi suất lên đến 4,15%/năm, tài khoản tiết kiệm của Apple đang là một trong các dịch vụ tiết kiệm có lãi suất hấp dẫn nhất nước Mỹ.
- Apple 'in tiền' đỉnh thế nào: Cá kiếm từ cả điện thoại cũ lẫn mới, đến iPhone 8 lỗi thời vẫn tạo doanh thu, 1 máy qua tay tới 3 chủ
- Dòng sản phẩm 'kỳ lạ' và không ai ngờ tới này đang giúp Apple 'thống trị' thị trường smartphone ở Mỹ
- Apple chốt thiết kế iPhone 15 Pro Max, thay đổi phút chót khác xa với tin đồn
- Chuyện lạ khó tin: Khi phần đông thế giới lao đao vì khủng hoảng, Facebook, Google, Apple… lại ngày càng “phát phì” vì hưởng lợi lớn từ các gói cứu trợ
Thứ Hai vừa qua, Apple đã giới thiệu tài khoản tiết kiệm Apple Card với lãi suất hàng năm 4,15%. Theo tuyên bố của Apple, tài khoản này không yêu cầu người dùng phải duy trì số dư tối thiểu hoặc khoản đặt cọc này và thậm chí người dùng còn có thể thiết lập tài khoản ngay trên ứng dụng Wallet trên iPhone.
Tất nhiên, người dùng vẫn cần phải có thẻ Apple Card để mở được tài khoản tiết kiệm này. Được biết dịch vụ này do Apple hợp tác với Goldman Sachs để cung cấp các tính năng trên.
Điều đáng chú ý là mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn mà Apple mang đến cho người dùng. Rất ít ngân hàng tại Mỹ có thể đưa ra mức lãi suất tiết kiệm cao hơn của Apple đi kèm với nhiều ưu đãi như vậy.
Ví dụ ngân hàng CTI Banks đưa ra mức lãi suất tiết kiệm 4,75%/năm, cao hơn so với Apple nhưng lại yêu cầu khách hàng phải duy trì tối thiểu 5.000 USD trong tài khoản. Ngân hàng Marcus của Goldman Sachs dù không yêu cầu số dư tối thiểu trong tài khoản hay phí hàng tháng, nhưng lại chỉ có lãi suất 3,9%/năm, thấp hơn một chút so với Apple.
Apple đang âm thầm tiến vào một mảng kinh doanh mới
Tài khoản tiết kiệm này được Apple giới thiệu chỉ một vài tuần sau khi vừa mới giới thiệu một dịch vụ tài chính khác vào cuối tháng 3 vừa qua: dịch vụ mua ngay trả sau – Buy Now, Pay Later – trên iPhone và iPad. Với dịch vụ này, người dùng có thể có được khoản vay từ 50 USD cho đến 1.000 USD và có thể hoàn trả khoản vay đó thông qua 4 lần thanh toán trong 6 tuần mà không bị tính lãi hoặc phí.
Hàng loạt dịch vụ tài chính mới được Apple triển khai trong thời gian gần đây cho thấy nhà sản xuất iPhone này đang nhắm tới một mảnh đất màu mỡ mới: thị trường tiêu dùng cá nhân của người dùng Mỹ – một mảng kinh doanh truyền thống vốn đang nằm trong tay các ngân hàng.
Cho đến nay, Apple vẫn được mệnh danh là cỗ máy in tiền với khả năng khai thác triệt để mọi ngóc ngách thị trường để kiếm tiền, từ iPhone, iPad, máy tính Mac, thiết bị AirPods, Apple Watch, đến cả các dịch vụ đi kèm như bảo hành, hoa hồng mua bán ứng dụng trên thiết bị và mới đây là cả các gói dịch vụ như iCloud, Apple Music, Apple TV+, … Tổng cộng hàng loạt mảng kinh doanh này mang lại cho Apple nguồn thu khổng lồ với hơn 100 tỷ USD mỗi quý tài chính.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng Mỹ đang lâm vào tình thế khó khăn vì lãi suất cơ bản đột ngột tăng cao trong năm qua, gây ra thua lỗ lớn đối với nhiều khoản đầu tư của họ, thậm chí một số ngân hàng phải lâm vào tình trạng sụp đổ như Silicon Valley Bank (SVB). Điều này càng khiến cho người dùng e ngại và gây nên làn sóng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng trong thời gian qua. Chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 3 vừa qua, đã có khoảng 100 tỷ USD bị rút khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ. Còn so với một năm trước đó, hơn 500 tỷ USD đã bị rút khỏi hệ thống.
Đây chính là thời cơ cho các công ty có nguồn tiền mặt dồi dào và hoạt động kinh doanh ổn định như Apple – lên tới 200 tỷ USD – khi người dùng cảm thấy yên tâm rằng khoản tiền gửi của mình sẽ ít bị rủi ro. Mức lãi suất tiết kiệm cao với ít điều kiện ràng buộc sẽ càng khiến dịch vụ của Apple trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người dùng, hơn thế nữa, sự thân quen về thương hiệu Apple càng làm người dùng tự tin hơn khi gửi tiền vào người khổng lồ công nghệ này.
Kết hợp với dịch vụ cho vay ra mắt cuối tháng 3 vừa qua, Apple đang tiến vào 2 mảng kinh doanh trụ cột của các ngân hàng truyền thống: huy động tiền và cho vay tiền, đặc biệt là các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất và lợi nhuận hấp dẫn. Bằng cách đó, Apple đang âm thầm trở thành một người khổng lồ trên sân chơi Fintech mà ít ai để ý.
Không chỉ là một hệ sinh thái, Apple đang trở thành một đế chế
Nguồn tiền mặt khổng lồ của Apple không phải là lý do duy nhất để công ty có thể thành công trên sân chơi này. Xuất phát điểm là một người khổng lồ công nghệ, Apple có một lợi thế mà khó có ngân hàng hay tổ chức tài chính truyền thống nào có được, đó là nhanh nhạy với công nghệ mới và nắm bắt được xu hướng của người dùng – ngoài ra còn dữ liệu hàng tỷ người dùng trong hệ sinh thái của Apple.
Xuất phát điểm là một hãng công nghệ, giờ đây Apple đang mở rộng đế chế của mình sang nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả các dịch vụ giải trí như âm nhạc, sản xuất phim, dịch vụ truyền hình, dịch vụ gaming, …
Giờ đây công ty đang bắt đầu lấn sân sang mảng dịch vụ tài chính ngân hàng – một mảng kinh doanh xương sống của mỗi nền kinh tế. Với khả năng tạo ra các ứng dụng thuận tiện cho người dùng cũng như kho tiền khổng lồ mà Apple đang nắm trong tay, biết đâu trong tương lai, người khổng lồ công nghệ này còn bán cả bảo hiểm, dịch vụ mua bán chứng khoán cho người dùng của mình ngay trên iPhone?
Tất nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là giữ chặt người dùng trong hệ sinh thái của Apple và kiếm được nhiều tiền hơn nữa từ mỗi khoản chi tiêu của họ. Hệ sinh thái càng đa dạng, người dùng càng có xu hướng ở lại lâu hơn trong đó và cuối cùng vẫn là chi tiêu nhiều hơn cho Apple.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4