Ra mắt xe điện được tạo nên từ công nghệ in 3D: Chỉ mất 3 ngày để sản xuất, tốc độ tối đa 70 km/h, giá 250 triệu đồng
Chiếc xe điện này được kỳ vọng sẽ làm nên cuộc cách mạng cho ngành giao thông, khi các nhà sản xuất chỉ cần có 3 ngày để "in" ra một chiếc xe bằng công nghệ 3D. Giá của nó cũng rất rẻ, chỉ vào khoảng 10.000 USD. Dự kiến sẽ được ra mắt tại Châu Âu và Châu Á vào năm sau.
Mới đây, một công ty đến từ Hong Kong có tên XEV đã cho ra mắt một mẫu xe vô cùng đặc biệt tại Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ làm nên cách mạng cho ngành giao thông. Đó là xe LSEV (Low-speed electric vehicles) hay xe điện tốc độ thấp. Điều đáng nói ở đây, là để tạo ra một chiếc xe như vậy, người ta chỉ cần có đúng... 3 ngày!
Chiếc xe vừa mới được ra mắt tại Trung Quốc và dự kiến sẽ có mặt trên thị trường Châu Á và Châu Âu vào tháng 4 năm sau
LSEV được tạo nên hầu hết từ công nghệ in 3D bởi một startup của Hong Kong
Bạn không nghe nhầm đâu! Với công nghệ in 3D hiện đại ngày nay, điều này là hoàn toàn khả thi. Hiện tại, nhà sản xuất XEV đang tiến hành lắp đặt một dây chuyền sản xuất, dự kiến sẽ cho ra lò LSEV vào tháng 4 năm 2019, với mức giá khởi điểm từ khoảng 10.000 USD (tương đương 250 triệu đồng) cho thị trường Châu Á và Châu Âu.
Cụ thể, LSEV chỉ có 2 chỗ ngồi nhưng rất gọn nhẹ. Chiếc xe sở hữu chiều cao 1,5m, dài 2,5m, rộng 1,3m cùng vẻ ngoài hiện đại và gọn gàng. Trọng lượng của xe cũng rất nhẹ, chỉ khoảng 450kg.
Chỉ được lắp ráp từ 40 đến 60 phần linh kiện, mỗi phần chỉ mất khoảng 1 giờ để "in", so với 2.000 linh kiện như xe thông thường.
Tốc độ tối đa mà LSEV có thể đạt là 70km/h và có thể di chuyển liên tục trong quãng đường 150km với một lần sạc pin đầy. Tất cả đều được XEV, một công ty startup có trụ sở sản xuất tại Hong Kong và trung tâm thiết kế ở Italy tạo nên.
Lou Tik, người sáng lập ra công ty này cho biết, chiếc xe được "in" từ 3 vật liệu chính như nylon tăng cường, polylactic acid (một chất liệu in 3D thông thường) và một loại cao su giống với TPU. Còn lại, tất cả các bộ phận kim loại của xe, chẳng hạn như khung gầm và động cơ, đều sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống.
Lou Tik, người sáng lập XEV cho biết, chỉ cần 3 ngày để tạo nên một chiếc LSEV
Startup XEV đã bắt đầu ý tưởng về xe LSEV cách đây 2 năm. Dự án đã thu hút được số tiền tài trợ lên tới gần 2,5 triệu USD từ chương trình Horizon 2020.
XEV cho biết, công ty sẽ hướng tới sản xuất 20.000 xe vào cuối năm 2019, bởi nếu so với phương pháp sản xuất xe hơi thông thường, sản xuất ô tô bằng công nghệ in 3D có thể cắt giảm 90% chi phí nghiên cứu và phát triển, đồng thời cũng đẩy nhanh chu trình sản xuất chỉ còn 3/4.
Có trụ sở thiết kế tại Ý và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, XEV cho biết chiếc xe sẽ vừa có vẻ ngoài đẹp mắt, vừa có hiệu năng hoạt động tốt
Giá bán của xe chỉ vào khoảng 10.000 USD, tương đương 250 triệu đồng
Hơn nữa, nếu xe thông thường có tới 2.000 bộ phận thì con số này trên LSEV chỉ là 40 đến 60. Về vấn đề an toàn, người sáng lập XEV chia sẻ, công ty đã tiến hành đánh giá và nhận thấy, chiếc xe có độ cứng gấp 4 tới 5 lần so với xe thông thường, do các cấu trúc "infill" đã được thêm vào các thành phần in 3D, cho phép nó có khả năng hấp thụ năng lượng tốt khi xảy ra va chạm.
Rất có thể đây sẽ là một cuộc cách mạng cho ngành sản xuất ô tô
Mặc dù công nghệ in 3D không thường được áp dụng trong ngành xe hơi, mà chỉ được sử dụng để làm nên các nguyên mẫu, thế nhưng đã có khá nhiều xe in 3D được tạo ra trước đây.
Vào năm 2014, một công ty vận tải tại Mỹ đã sản xuất ra Strati, chiếc xe 3D đầu tiên có thể chạy được. Năm ngoái, công ty startup có trụ sở ở California cũng đã cho ra mắt siêu xe Blade, có sức mạnh 700 mã lực và chỉ nặng 635 kg.
Đây thực sự là một công nghệ có khả năng làm thay đổi toàn bộ ngành xe hơi. Tuy nhiên phải đến năm sau, chúng ta mới biết được liệu LSEV có thực sự thành công hay không.
Tham khảo Dailymail
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập
Meta đang gặp sự cố ngừng hoạt động lớn trên tất cả các nền tảng của mình, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger và WhatsApp.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời