Reviewer công nghệ “lão làng” Vinh Vật Vờ: Mua sản phẩm bị lừa nên quyết tâm làm review, 15 năm làm nghề chưa từng nghĩ phải kiếm nhiều tiền từ công việc
Bắt đầu làm reviewer như một sở thích, sau 15 năm, anh Vinh Vật Vờ đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể trong lĩnh vực của mình. Anh Vinh chia sẻ, dù làm nghề đã hơn 1 thập kỷ nhưng anh vẫn luôn giữ tinh thần học hỏi, "đổi mới, sáng tạo" hơn mỗi ngày.
Anh Trần Xuân Vinh - Vinh Vật Vờ hay Vinh Xô (SN1993), nhà sáng lập Vật Vờ Studio được biết là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực review công nghệ tại Việt Nam. Vật Vờ Studio được nhiều bạn trẻ yêu thích với những video chi tiết, chân thực về các sản phẩm công nghệ, thiết bị điện tử. Hiện tại, kênh Youtube Vật Vờ Studio sở hữu hơn 2,3 triệu lượt người đăng ký, kênh TikTok của Vật Vờ Studio cũng có hơn 1,2 triệu lượt đăng ký.
Bước vào con đường sáng tạo nội dung trên MXH cách đây 15 năm, hơn 1 thập kỷ, anh Vinh Vật Vờ cùng đội ngũ Vật Vờ Studio cũng đã ghi được nhiều dấu ấn trong lòng khán giả với những video review, đánh giá sắc sảo, đa chiều về các sản phẩm công nghệ.
Anh Trần Xuân Vinh cũng là thành viên của Hội đồng thẩm định giải thưởng Better Choice Awards 2024 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp tổ chức cùng Công ty cổ phần VCCorp, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ở thời điểm hiện tại, mỗi lần nhắc đến Vinh Vật Vờ, mọi người thường nhắc kèm cụm từ như “reviewer công nghệ đời đầu”, “reviewer công nghệ nổi tiếng nhất nhì” hay “reviewer lão làng”. Anh cảm thấy như thế nào về điều này?
Tôi thiên về hướng là một trong những reviewer đời đầu hơn. Thời điểm tôi mới bắt đầu review đồ công nghệ thì mới có một số bên làm. Lúc ấy, tôi xem những kênh đó là tấm gương để mình học theo. Tuy nhiên, thời điểm đó, công việc reviewer vẫn chưa có định nghĩa, hình dung quá rõ ràng. Càng làm theo thời gian, tôi bắt đầu thấy sự phát triển của công việc này đồng thời một thời gian sau đó, một loạt các kênh bắt đầu mở ra. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu của các reviewer. Tôi thích việc mình được nhắc đến là một trong những người làm review công nghệ đầu tiên hơn được nhắc đến với sự nổi tiếng.
Bắt đầu phát triển nội dung trên Youtube từ năm 2009, cách đây 15 năm, thời kỳ bắt đầu làm Youtube, làm reviewer của anh diễn ra như thế nào?
Thời điểm đó, chúng tôi chưa gọi công việc mình làm là reviewer công nghệ, mà chỉ gọi là Youtuber. Lúc ấy, chỉ có vài kênh làm như “Thế giới di động” hay “Mai Nguyên” làm để giới thiệu sản phẩm mới, có cả diễn đàn “Tinh tế”. Còn bây giờ, các cá nhân, công ty truyền thông đều có thể làm review được, review từ xe cộ, ăn uống, sản phẩm nào người dùng dùng cũng có thể review được.
Những ngày đầu làm review của tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, có nhiều khán giả đánh giá tôi là khả năng kém, không có nhiều kinh nghiệm, giọng nhà quê, tôi ăn nhiều “gạch đá” lắm (cười). Điều khó khăn nhất là tự kiếm, mượn được các sản phẩm để review. Hơn nữa, từ địa điểm quay, sản phẩm, trang thiết bị cũng rất hạn chế. Nhưng bây giờ, chỉ cần 1 chiếc điện thoại, mọi người cũng đã có thể trở thành content creator được rồi.
Lúc ấy, tôi tự quay và tự làm mọi thứ để có được 1 video review, cũng có nhiều kỷ niệm như: Chiếc máy ảnh không có phải đi mượn nhưng lại lỡ làm hỏng, phải quay trên bàn trang điểm của chị gái, anh trai lắp cho 1 cái bóng đèn, thả từ trên trần xuống bàn học,... Thuở ban đầu, tôi cứ làm mọi cách để quay được tốt nhất.
Điều gì khiến anh lúc ấy quyết định làm review?
Tôi nhận ra mình rất thích tìm tòi thông tin về các sản phẩm công nghệ nên theo đuổi công việc này. Từ năm cấp 3 lớp 11, tôi đã tham gia diễn đàn công nghệ và làm copywriter
Bên cạnh niềm vui và sở thích, động lực khiến tôi làm review cũng một phần do tôi bị lừa khi đi mua điện thoại. Vậy nên tôi quyết tâm làm review, không thể để người khác bị lừa như mình được. Cũng vì thời điểm đó có quá nhiều hàng xách tay trên thị trường.
Tôi làm những clip review từ năm nhất Đại học, làm được hơn 3 năm thì xin nghỉ để tập trung vào việc học. Trong thời gian sau đó, tôi lại quay lại làm clip review vì sở thích, làm vì niềm vui. Trong thời gian không phải đi học, tôi lên content, lên hình, quay dựng để làm clip review khiến mình vui, xong tự nhiên cũng có chút thành quả và thành cái nghề (cười).
Khởi đầu làm hoàn toàn vì sở thích và niềm vui, khi nào bắt đầu xem đây thực sự là công việc hay sự nghiệp?
Cuối năm đại học, tôi muốn hoàn thiện chương trình tốt nghiệp đúng hạn nên quyết định nghỉ và khi đó thấy có sản phẩm nào hay thì tôi sẽ chạy tới cửa hàng để xin mượn quay. Tôi học kế toán, ban đầu cũng nghĩ sau này đi làm kế toán, làm công ty bình thường. Đến khi làm công việc này thấy mình vui, cũng tương đối ổn và đây là sở thích của mình nên tiếp tục theo đuổi.
Năm cuối ĐH, cứ có máy mới tôi lại rủ mấy người bạn đi cafe trải nghiệm sản phẩm mới, lập group trên facebook để giao lưu. Sau khi tốt nghiệp khoảng 4 tháng, tôi rủ vài bạn về làm cùng. Lúc ấy, tôi bắt đầu định hướng đây sẽ là công việc của mình, mình sẽ làm chăm chỉ hơn, làm nhiều clip hơn.
Ở thời điểm đó, tôi có nhận được lời mời về làm việc ở 2 công ty lớn. Đứng trước cả 2 sự lựa chọn, tôi sợ mình phải vào guồng một bộ máy lớn quá sớm, làm mất đi sự thoải mái, sáng tạo của mình. Tôi quyết định tự làm bằng sức mình đến khi nào mình còn có thể. Tôi luôn sẵn sàng cho câu chuyện việc tôi tự làm đều có thể thất bại vào một lúc nào đó.
Thời điểm anh muốn làm reviewer công nghệ, mong muốn mà anh đặt ra là gì?
Tôi muốn tự làm kênh review công nghệ là vì tôi muốn được đi sự kiện nước ngoài, cầm trên tay sản phẩm sớm nhất sau đó làm clip chia sẻ đến mọi người. Vì sao hồi ấy các bên lớn mời, tôi quyết định không về? Vì nếu ở công ty lớn, để đi được sự kiện nước ngoài, mình phải có được kinh nghiệm tích lũy đủ lâu cũng như mối quan hệ. Về đấy bao giờ mới đến lượt mình (cười).
Mình cứ tự làm, cứ cố gắng rồi những nỗ lực cũng sẽ được đền đáp. Bây giờ, tôi đã hoàn thiện được “bộ sưu tập” sự kiện ở nước ngoài mà tôi mong muốn. Đặc biệt, thời điểm đó Apple chưa có bán chính hãng và chưa bao giờ mời media tới sự kiện iPhone nên tôi đã ao ước có cơ hội được 1 lần tham dự và 3 năm gần đây tôi đã đạt được gần như là hoàn thiện những mục tiêu của mình.
Anh đã làm như thế nào để khám phá ra được đam mê của mình, rồi từng bước biến đam mê, sở thích đó thành sự nghiệp?
Nhiều người không biết đam mê của mình là gì, mỗi thứ thích một chút. Tôi may mắn là tìm được đam mê của mình khá sớm, tôi mê đồ công nghệ, muốn trải nghiệm những sản phẩm mới. Nhưng đến nay khi trưởng thành hơn, được làm việc với các bạn trẻ và qua những comment từ người xem, mỗi khi đọc được những lời cảm ơn hay những cuộc gặp gỡ ngoài đời, tôi đã hiểu được niềm vui của mình đó chính là chia sẻ tất cả những gì mình biết, đóng góp thêm giá trị dù là rất nhỏ cho xã hội nhưng khiến mình thấy thật sự hạnh phúc. Tôi thường nói với các bạn nhân viên rằng, sau này tôi qua đời, trên bia mộ của tôi sẽ khắc tất cả các kênh youtube mà tôi đã từng làm.
Lúc ấy còn sinh viên, đi làm thêm, tôi làm content writer sau đó chuyển sang làm review, tự làm content, học hỏi mọi người cách quay, cắt ghép video sau đó tự làm. Để đi từ số 0 đến số 1 thì mình phải tìm thấy đam mê và không bao giờ ngừng học và ngừng làm.
Thời khóa biểu năm cuối ĐH của tôi là đi học đến 6h30 tối sau đó làm clip review đến 10 giờ tối rồi ăn cơm. Cứ như vậy, tôi học tất cả các kỹ năng mình có thể. Tôi nghĩ nếu không phải công việc mình thích thì sẽ không ai có thể làm điều đấy được hoặc phải có động lực cực kỳ lớn.
Khi quyết định trở thành reviewer, anh có cân nhắc nhiều khi đưa ra lựa chọn?
Ngày trước, khi học kế toán, tôi cũng chỉ ao ước sau này làm công việc văn phòng, tháng kiếm 10-15 triệu là sống ngon lành rồi (cười). Khi tôi làm review, may mắn là gia đình ủng hộ, tất nhiên mọi người cũng không biết tôi làm nghề này là nghề gì.
Đến bây giờ mọi người hỏi tài chính hàng năm thu nhập bao nhiêu, tôi cũng không biết. Tôi vẫn cứ tiếp tục kiếm được tiền thì sẽ đầu tư vào những ao ước, định hướng mới. Có nhiều thứ tôi muốn làm lắm. Tôi luôn có cảm giác mỗi ngày sẽ làm một điều gì đấy, không bao giờ muốn dừng tại một chỗ.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình cần phải kiếm thật nhiều tiền từ công việc này. Tôi có thể dừng lại vào một thời điểm nào đó nhưng thành quả tôi để lại sẽ có người tiếp nối, vẫn tạo ra giá trị, điều đó quan trọng hơn so với việc là mình kiếm được tiền không. Tất nhiên đó là do tôi may mắn. Thật sự mọi thứ mình làm đều cần có may mắn, không có may mắn rất khó đạt được thành công.
Có những người tìm được đam mê nhưng không đúng thời điểm. Giai đoạn đang đi học, tôi dành đam mê của mình vào quãng thời gian khác. Có 1 điểm tôi phải đánh đổi là gần như tôi không có bạn bè. Khi bạn bè rủ nhau tụ tập đi chơi gặp gỡ thì tôi chọn ở nhà và tranh thủ thời gian tối đa để làm công việc của mình nên từ từ cũng không còn những mối quan hệ thân thiết nữa. Tôi luôn tin rằng con người ta không có được sự trọn vẹn, có cái này tôi phải đánh mất cái khác. Nhưng những bạn mà có đam mê nhưng sợ không kiếm được tiền thì bạn phải nỗ lực nhiều.
Hãy nỗ lực để theo đuổi đam mê. Nếu mà không theo được, bỏ cuộc thì đó không phải đam mê, chỉ là sở thích nhất thời.
Sau hơn 1 thập kỷ làm review, bây giờ, mong muốn của anh với công việc này khác biệt như thế nào với thuở ban đầu?
15 năm trước, mong muốn của tôi thiên về cá nhân hơn, muốn được đi sự kiện, trải nghiệm sản phẩm mới… Đến lúc này, mong ước và kỳ vọng không còn như trước, tôi mong muốn nhiều hơn ở việc tạo ra được những người giỏi hơn mình.
Mình không phải là người giỏi nếu không thể đào tạo ra những người giỏi hơn mình. Những người giỏi đều có những “đệ tử” xuất chúng thì người ta mới thật sự nể. Tôi cũng muốn tạo ra những bạn thế hệ kế nhiệm thật sự giỏi.
Tôi xây dựng văn hóa, môi trường công ty gần gũi thân thiện. Nhiều bạn làm với tôi chỉ kém tôi 1 tuổi hay công việc phụ của các bạn thôi nhưng tôi cảm thấy mọi người làm không chỉ đơn giản là kiếm tiền mà thật sự thấy hứng thú với những gì mình làm.
Từ khi nào anh quyết định thành lập Vật Vờ Studio?
Ban đầu chỉ là kênh Vinh Vật Vờ, nhưng sau đó thêm nhiều bạn làm chung rồi thì tôi đổi thành Vật Vờ Studio. Đó là lúc tôi bắt đầu thay đổi mindset của mình vì những sản phẩm đó không phải thành quả của riêng mình.
Trong công ty, ở mỗi buổi họp, tôi luôn nói rằng mỗi video lên trên kênh sẽ không chỉ là bộ mặt của tôi, còn là mỗi người đóng góp từng vai trò. Tôi không mong các bạn sẽ làm ở đây mãi, tôi chỉ muốn nếu các bạn làm ở đây thì khi các bạn nghỉ, các bạn có thể làm tốt hơn so với thời điểm trước khi các bạn vào làm. Nếu các bạn làm ở đây, các bạn không thay đổi, không tiến bộ thì hoàn toàn vô nghĩa.
Suốt bao nhiêu năm, nhiều khán giả vẫn luôn theo dõi Vinh Vật Vờ, Vật Vờ Studio và bây giờ là Vinh Xô. Theo anh, những yếu tố nào ở bản thân cũng như Vật Vờ Studio có thể níu chân khán giả ở lại?
Nhiều người làm review cùng thời với tôi cũng đã chuyển hướng sang thứ mới, không còn duy trì nữa. Tôi nghĩ sự khác biệt lớn nhất là có đường hướng rõ ràng, mục đích chuyển giao theo thời gian. Nếu tôi vẫn giữ mong muốn nổi tiếng, đi nước ngoài,… tôi sẽ không có vị trí như hôm nay. Tôi làm nghề này vì muốn được chia sẻ tới mọi người. Sự thành công luôn xuất phát từ cái tâm.
Tôi nói với cộng sự của mình rằng, làm công việc này là muốn giúp những người chưa tiếp cận với sản phẩm họ mua được thiết bị thỏa mãn đúng nhu cầu. Không có sản phẩm nào nào tốt nhất chỉ có sản phẩm nào phù hợp nhất. Tôi muốn giúp làm sao mọi người bỏ ra từng này tiền, mua được sản phẩm chuẩn, phù hợp với nhu cầu.
Tôi thấy mình đóng góp được cho xã hội. Làm công việc review này vì niềm vui chia sẻ cho mọi người, đây là kim chỉ nam của tôi. Đó cũng chính là lý do tôi có thể bền bỉ như vậy sau 15 năm. Nếu mình chỉ làm để thỏa mãn cái tôi thì có lẽ tôi đã dừng lại khá lâu.
Nếu theo đuổi công việc content creator hay reviewer vì tiền và sự nổi tiếng, bạn sẽ thất bại ngay từ đầu. Trên MXH, các bạn rất dễ tiếp cận với những bài khoe giàu, nên nhiều bạn thấy công việc này rất hào nhoáng. Tiếp cận công việc này với mục tiêu như vậy, các bạn thất bại ngay từ đầu.
Thời điểm tôi làm cũng có mặt khó là không có trang thiết bị hỗ trợ làm nhưng mặt dễ là tôi làm không có sự kỳ vọng gì cả, tôi làm vì tôi thích. Tôi thấy tất cả những content creator thành công nhất bây giờ, khởi điểm câu chuyện của họ sẽ luôn là làm làm việc mình thấy thích, vui vẻ. Tôi chưa thấy case study nào mà không đi ra từ sở thích dù là giàu hay khó khăn.
Anh có nói rằng: “Mình chỉ thật sự trở thành một người giỏi nếu có thể tạo ra những người giỏi hơn mình”. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Một vài bạn “case study” tôi đã đồng hành, góp phần giúp bạn ấy phát triển hơn như bạn Dương Công Nghệ, Tuấn Ngọc, Khôi Ngọng,...Tôi vẫn tin là các cuộc gặp gỡ đều phải có cái duyên. Nhiều bạn nhân viên mãi không tìm được đến lúc một ngày đẹp trời, tự nhiên mình lại gặp. Ai đến với mình thì tôi cũng đặt ra câu hỏi rằng lý do bạn xuất hiện, đóng vai trò gì,...
Trình độ là một phần nhưng thái độ phải thực sự đủ tốt, những bạn có trình độ tốt nhưng thái độ làm việc lười biếng, tôi sẽ bỏ qua. Mình có thể không phải là người giỏi nhất nhưng mình phải là người chịu khó học hỏi và có thể làm việc teamwork được tốt thì mới đi xa được.
Bây giờ, sau 15 năm làm nghề, câu hỏi lớn nhất anh đặt ra cho bản thân và luôn tìm lời giải đáp là gì?
Câu hỏi lớn nhất tôi đặt ra cho bản thân là “Mình sẽ làm gì tiếp và khi nào thì mình dừng lại?”. Tôi từng nghĩ, một lúc nào đó mình sẽ dành 30% thời gian làm review còn 70% thời gian chuyển sang lĩnh vực khác.
Đã đến lúc tôi cũng nên tìm lĩnh vực nào đó phù hợp, để có được đam mê, nhiệt huyết như thời trẻ. Hiện tại, đam mê với đồ công nghệ của tôi đã giảm đi vì đồ công nghệ bây giờ không còn quá lạ lẫm, khác biệt như trước. Tôi vẫn đang tìm cho mình đam mê khác tạo cho mình động lực lại tiếp tục như thời điểm ban đầu. Tôi vẫn có hàng loạt mông lung, kế hoạch mình chưa biết có nên tập trung để làm cái mới hay không. Tôi nghĩ, nếu bây giờ tôi có rời đi thì Vật Vờ Studio vẫn vận hành tốt vì đã có những bạn kế cận tiếp nối. Nhưng trách nhiệm của mình lớn hơn nên cũng càng phải cân nhắc.
Tôi thích làm xe, trước kia, tôi cũng đã từng lập kênh xe. Tôi thích làm xe kết hợp du lịch, trải nghiệm, rong ruổi khắp Việt Nam. Tôi muốn tích lũy cho mình thật nhiều thứ và chia sẻ cho thật nhiều người.
Với thị trường sáng tạo nội dung nói chung và reviewer nói riêng, anh có nhận định như thế nào về thị trường hiện nay?
Bây giờ, gần như ai cũng làm review được, thị trường đông đúc, sôi động mới tạo ra lực sốt. Nếu chỉ một người mãi cứ làm tốt nhất thì không có tính cạnh tranh, tất cả bị dừng lại. Sự phát triển của các bạn trẻ cũng tạo động lực cho tôi. Bây giờ, đi sự kiện, tôi cũng tự quay, dựng, tận dụng tối đa thời gian làm sau đó mới nghỉ ngơi. Tôi vẫn làm bình thường, không nhất thiết phải có nhân viên mới làm được việc.
Nhưng cũng có 1 nhược điểm lớn, dần dà ngành này sẽ không còn được gọi là Reviewer nữa là gọi là TikToker, Youtuber hay Content Creator. Bây giờ, nhiều bạn chỉ giới thiệu qua loa, lướt qua quá nhanh. Có một điểm trừ khi làm việc với nhiều nhãn hàng trong nhiều năm gần đây, đó là nhãn hàng bắt buộc reviewer nói đúng những gì nhãn hàng muốn. Tôi cũng bất đồng quan điểm với nhãn hàng nhiều.
Nhiều bạn chấp nhận cầm tiền để nói những gì khách hàng muốn. Nhãn hàng sẽ suy nghĩ rằng tất cả mọi người trên thị trường đều làm như thế và muốn những người như tôi làm vậy. Tôi nói rằng, chúng tôi làm review chứ không phải kênh quảng cáo, phải có những trải nghiệm của chúng tôi chứ không thể bắt ép nói những từ hoa mĩ được. Quá nhiều người làm thì sẽ có những hạn chế như vậy. Nhiều người có tâm với nghề cũng có những người chỉ làm vì kiếm tiền.
Một điều nữa, tôi thấy thệ cũ bắt buộc phải thay đổi. Nhiều bên làm đời đầu cũng bị chìm nghỉm so với thế hệ content creator trẻ. Tôi xuất phát điểm cách đây 15 năm, bây giờ vẫn phải không ngừng học hỏi, không ngừng cố gắng vì chỉ cần tôi dừng lại là tôi có kết cục “bị bỏ lại phía sau” so với thế hệ trẻ.
Thị trường Tiktoker, Reviewer hay KOL, KOC đến một thời điểm sẽ chắt lọc dần những bạn làm content bẩn, không có tâm. Bây giờ, nội dung làm chuyên sâu ngày càng ít đi, mọi người đều hướng đến những video giải trí, vui vẻ hơn. Tôi nghĩ, những video của mình 5 năm sau người dùng xem lại vẫn có giá trị. Tôi nghĩ rằng, những gì mình làm từ cái tâm sẽ tồn tại được lâu dài.
Nhiều người nghĩ rằng kiếm tiền bằng việc làm sáng tạo nội dung rất dễ dàng. Anh nghĩ như thế nào về điều này?
Theo tôi, đây vẫn là một thị trường màu mỡ để kiếm tiền nếu bạn chấp nhận vào đây để kiếm tiền thì có rất cách, từ livestream bán hàng, KOL, KOC. Chỉ cần có 1 chiếc điện thoại, bạn đã có thể bắt đầu bất ở kỳ đâu. Nếu bạn nào muốn có 1 nguồn thu nhập thứ 2 thì đây là một trong những thị trường màu mỡ, dễ làm nhất.
Còn nếu bạn nào muốn tiến xa và phát triển ở thị trường này thì đây là thị trường nhiều khó khăn. Để xây dựng tên tuổi và vị thế ở thời điểm hiện tại là rất khó.
Nếu liệt kê ra những yếu tố để đưa Vinh Vật Vờ từ thời điểm bắt đầu từ con số 0 đến reviewer công nghệ nổi tiếng, anh sẽ kể những yếu tố nào?
Đầu tiên là tính kỷ luật cao. Ngày còn đi học, nếu không có tính kỷ luật thì tôi sẽ không bao giờ cân bằng được việc đi học, đi làm. Thiếu tính kỷ luật sẽ đánh mất 1 trong 2. Mặc dù phải đảm nhiệm nhiều vai trò từ giám đốc, định hướng phát triển cho công ty và đồng thời cũng là content creator phải sáng tạo nội dung liên tục nên tôi phải cố gắng cân bằng cả 2 yếu tố đó và luôn cảm thấy mình bị thiếu thời gian. Mỗi người đều có 24 giờ/ngày, khác biệt giữa người thành công và không thành công là dùng 24 giờ đó như thế nào. Cá nhân tôi tự nhận thấy là mình vẫn chưa phải là người thành công vì thật ra bản thân còn nhiều lúc bị ì và chưa được quy củ như mong muốn mình đặt ra.
Thứ hai, tôi không bao giờ dừng học. Tôi vẫn xem các video nước ngoài, xem họ làm gì, thậm chí tôi xem video của những bạn không làm công nghệ để tìm hướng mới, ý tưởng để làm video vui vẻ hơn. Tôi không bao giờ ngừng học, học bằng nhiều cách khác nhau, xem video, đọc sách, xem documentary,...
Thứ ba, là đam mê. Đam mê chia sẻ của mình phải có thì mình mới làm content creator được.
Đây chính là 3 yếu tố quan trọng giúp tôi có được ngày hôm nay sau mười mấy năm vẫn có thể làm công việc này.
Theo anh, thế nào là một sản phẩm công nghệ tốt?
Sản phẩm công nghệ tốt chỉ đơn giản là phù hợp với mình, không nhất thiết phải có nhiều tính năng nhất hay xịn sò nhất. Tôi luôn cần những sản phẩm phải thỏa mãn được mong muốn tiêu dùng của mình. Ví dụ, tôi luôn dùng 2 điện thoại song song, 1 chiếc Iphone và 1 chiếc chạy hệ điều hành. Tôi dùng Iphone thì để đăng ảnh story, video,... rất thích. Nhưng tôi cũng thích dùng android để quản lý file, download file.
Sản phẩm tốt nhất là sản phẩm mua khi mua về dùng, mình tận hưởng được niềm vui khi sử dụng sản phẩm ấy.
Anh là một người tiêu dùng khó tính hay dễ tính?
Tôi là người tiêu dùng dễ tính. Nhiều người đi mua hàng soi rất kỹ như máy bị hơi trầy, tại sao camera hơi lệch,... Càng những người như vậy, máy rất hay hỏng. Các thiết bị tôi dùng trong 14 năm, số lần tôi ra trung tâm bảo hành chưa đếm hết 1 bàn tay.
Tôi đi ra cửa hàng, mua và mang về, với các sản phẩm công nghệ, tôi luôn tìm hiểu rằng mình cần cái gì. Tôi không cần nhân viên tư vấn, không check hàng vì tôi luôn tin sản phẩm chính hãng, không cần lo lắng nhiều.
Điều gì khiến anh tiếp tục tham gia năm thứ hai của Better Choice Awards với vai trò là thành viên Hội đồng thẩm định?
Tôi rất hứng thú với Better Choice Awards ở tiêu chí sản phẩm. Cách chấm như vậy gần giống với quan điểm của tôi, các hạng mục hướng đến sản phẩm phù hợp nhất, phù hợp với mục đích sử dụng.
Hơn nữa, các sự kiện của Better Choice Awards làm rất hay, bản thân tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều. Cách Better Choice Awards đưa ra thông điệp cũng rất ý nghĩa, khiến mọi người cảm thấy “enjoy” chứ không nặng nề về việc đạt giải.
Với tôi, những lĩnh vực mà tôi không có kiến thức, tôi sẽ quan tâm đến những sản phẩm đạt giải thưởng đầu tiên. Những sản phẩm nhận được giải thưởng đều có lý do. Giải thưởng Better Choice Awards sẽ là kim chỉ nam giúp các bạn tìm kiếm sản phẩm công nghệ phù hợp với mục đích, nhu cầu sử dụng mà không cần tốn nhiều thời gian tìm kiếm quá nhiều thông tin.
Là thành viên hội đồng thẩm định của Better Choice Awards, tôi đánh giá rất kỹ các sản phẩm và khá khó tính, khắt khe.
Để chia sẻ một vài lời khuyên cho các bạn đam mê làm sáng tạo nội dung đặc biệt là mảng công nghệ. Anh sẽ chia sẻ điều gì?
Từ trải nghiệm của mình, tôi muốn đưa ra lời khuyên rằng, hãy làm công việc này như một sở thích và học tập mọi thứ chỉn chu. Sau khi học xong, tôi không dùng nhiều kiến thức ở trường nhưng trường học đã dạy tôi sự kỷ luật, quy củ, áp lực lớn nhưng cũng tạo động lực cho tôi vượt qua thử thách.
Các bạn nên dành thời gian rảnh của mình để tìm tòi đam mê. Hãy dành ít nhất 6 tháng cho sở thích nào đó. Nếu sau 6 tháng, bạn cảm thấy vui vẻ với trải nghiệm của mình thì rất có thể nó thành đam mê thật và biến nó thành công việc.
Bên cạnh đó, dù đi làm ở đâu, làm công việc gì, bạn cũng không bao giờ được ngừng học hỏi. Đặc biệt, với công việc sáng tạo, bạn phải chủ động tìm ý tưởng, làm các video.
Làm công việc sáng tạo, các bạn đừng đặt ra kỳ vọng làm thế này sẽ có nhiều view, làm thế kia sợ sẽ ít view. Bạn cứ làm với sự yêu thích, lòng nhiệt thành, một ngày đẹp trời, biết đâu clip của bạn sẽ viral. Đôi khi trong công việc, bước ngoặt đến từ chỉ một khoảnh khắc lóe sáng.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?