Reviewer Hải Triều: Tháng lương đầu tiên chỉ đủ mua 2 cái áo jean, quyết định học Thạc sỹ cho nhân viên… nể

    An Vũ, Nhịp Sống Thị Trường 

    Hải Triều, sinh năm 1998, học ngôn ngữ Anh ở Đại học Thương mại nhưng lại bén duyên với nghề reviewer từ năm thứ hai đại học. Chàng trai 25 tuổi này hiện đang là leader của kênh Youtube Anh Em TV với gần 1,4 triệu lượt theo dõi và trang cá nhân 1,6 triệu lượt theo dõi, đồng thời đang theo học chương trình đào tạo thạc sỹ ngành truyền thông của Học viện báo chí tuyên truyền.

    Trượt Shipper, bén duyên nghề Reviewer

    Năm thứ hai đại học, chàng trai 19 tuổi Đặng Nam Hải Triều, như những thanh niên “lười học ham chơi” khác, thường xuyên khiến phụ huynh “ngứa mắt” với việc nằm nhà dán mắt vào máy tính.

    Một ngày, mẹ cậu bảo: "Kiếm việc gì làm đi, sao ở nhà mãi thế này!"

    Thế là Triều đi ứng tuyển làm shipper nhưng bị từ chối thẳng thừng vì… đi xe đạp điện. Vừa hay đúng dịp Schannel tổ chức cuộc thi làm reviewer, ai chiến thắng sẽ nhận được một chiếc điện thoại.

    *Schannel - Kênh video thông tin giải trí dành cho giới trẻ chuyên review công nghệ, ẩm thực, video tin tức theo phong cách vui vẻ, hài hước.

    *Nghề reviewer là nghề đánh giá những trải nghiệm về một sản phẩm, dịch vụ, món ăn, bộ phim…. Reviewer sẽ nói lên cảm nhận, đánh giá của cá nhân sau khi trải nghiệm để từ đó giúp mọi người quyết định có nên sử dụng sản phẩm, dịch vụ đó hay không.

    Đề bài của Schannel khi đó là: Hãy review một món đồ bất kỳ và tưởng tượng nó là một chiếc điện thoại.

    Triều mạnh dạn chọn một gói bim bim và tưởng tượng đó là một chiếc smartphone. Chiến thắng mang đến cho chàng trai trẻ một bước ngoặt lớn của cuộc đời khi Nguyễn Lạc Huy, Founder của Schannel nhắn tin cho Triều hỏi đại ý rằng: “Bọn anh đang tìm kiếm reviewer, em có muốn làm không?”

    Đã theo dõi Schannel từ lâu, lại đang cần tìm việc nên Triều không ngần ngại nhận lời, thậm chí còn mạnh dạn chém gió khi được hỏi: “Em tự tin kiến thức công nghệ của em được mấy điểm”.

    Triều cười lớn và kể lại: “Thực chất khi đó em không biết gì về công nghệ nhưng vẫn dõng dạc trả lời 8 điểm”.

    Thời gian sau đó, Hải Triều đã phải tự lấp đầy chỗ trống về kiến thức cho mình bằng cách tự học.

    Em học bằng cách xem rất nhiều”, Triều vừa kể vừa mở file theo dõi trên điện thoại, một danh sách khoảng vài chục YouTuber chuyên review các lĩnh vực cậu thường xuyên theo dõi.

    Reviewer Hải Triều: Tháng lương đầu tiên chỉ đủ mua 2 cái áo jean, quyết định học Thạc sỹ cho nhân viên… nể - Ảnh 1.

    Ảnh: NVCC

    Hành trình với nghề reviewer của Triều không phải cứ thế mà đi. Có thể điều này sẽ khiến nhiều người bất ngờ, nhưng Triều tự nhận cậu vốn không phải là người nhạy bén trong ngôn ngữ hay ăn nói, thậm chí, còn có tật xấu là nói lắp.

    Những ngày đầu, cậu còn rất ngại ngùng khi phải nói chuyện trước đám đông nên không thể hoàn thành thử thách phỏng vấn khách du lịch đi dạo ở Hồ Hoàn Kiếm do Schannel yêu cầu.

    Hôm ấy em không bắt chuyện được với ai, đã định bỏ đi về. Nhưng rồi có một anh nói với em “Kể cả có đi về thì rồi mày sẽ vẫn phải lên đây phỏng vấn tiếp. Một là làm cho xong, hai là hôm sau phải làm lại”. Chính điều ấy đã giúp em có tinh thần quyết tâm, việc đằng nào cũng phải làm cho xong. Cứ nhiều lần như thế mình dần rèn luyện được, biết phải nói chuyện, diễn đạt như thế nào.

    Hóa ra, không phải reviewer nào cũng hoạt ngôn ngay từ điểm xuất phát. Đằng sau khuôn mặt tươi cười đầy chuyên nghiệp khi lên sóng là những bước chân đầu tiên ngại ngùng và cả những lần mắc lỗi, va vấp.

    Triều nhớ mãi, lần đầu tiên đứng trước máy quay livetream, Hải Triều đã không chuẩn bị trước kịch bản và các tình huống nên kết quả là trong suốt 2 phút cậu đã bị “đơ”, không nói được câu nào, không biết phải tương tác với khán giả ra sao.

    Triều kể lại: “Anh Huy giận, ra lệnh cắt luôn livetream và nói “Lần sau không được thế nữa”.

    Em đã rất buồn và nhận ra tầm quan trọng của sự chuẩn bị. Chính từ những khoảnh khắc như thế khiến em nhận ra, thay đổi thái độ với công việc, từ một người lông bông thành một người cẩn thận và có tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt trước mỗi khi làm việc gì, dù lớn nhỏ đều cần chuẩn bị chu đáo”.

    Mở điện thoại, Hải Triều chỉ vào phần ghi chú với những đường link lưu trữ rõ ràng, có cả một kịch bản được highlight nhiều đoạn đang chờ quay.

    Quy trình sản xuất một video bắt đầu từ khâu ý tưởng. Triều thường chủ động tìm ý tưởng ngay trong khi đọc tin tức thường xuyên, lưu lại các thông tin hay. Sau đó khi viết kịch bản cần phải chia ra rõ ràng với các thông tin phân tích tham khảo được từ các nguồn.

    Triều so sánh, phải nghiên cứu, tổng hợp thông tin về đề tài mình đã chọn, giống như làm khóa luận. Thời gian xây dựng kịch bản cho một video Youtube có thời lượng 8-10 phút là từ 2 đến 3 tiếng, còn một video Tiktok 1-1,5 phút sẽ mất từ 30 phút đến 1 tiếng cho kịch bản.

    Chăm chỉ là điều kiện cần, nhưng độc đáo mới là điều kiện đủ của nghề Reviewer

    Hiện tại với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội video như TikTok hay YouTube, ai cũng có thể trở thành reviewer. Đây là một công việc mở không có rào cản, tuy nhiên, chính điều đó cũng dẫn đến sự bão hòa và “bội thực” cho khán giả. Vì vậy, muốn lâu dài với nghề này, theo Hải Triều, quan trọng nhất cần phải tìm ra được chất riêng của mình.

    Có tương đối nhiều cách để tìm ra điểm nổi bật cho mỗi người. Như Hải Triều, cậu tự nhận đặc trưng của mình là “rất đen”.

    Cái khiến cho video của em buồn cười không phải vì em hài hước hay nói ra câu gì hay, mà chỉ đơn giản vì em quá đen. Mọi người nhìn vào em và cười vào mặt em. Ví như nếu cùng tham gia một trận đấu bóng đá, anh Duy (PV: Duy Thẩm, một reviewer nổi tiếng ở Schannel) là cầu thủ rất VIP, được xuống sân, chào khán giả,... còn em thì bị đuổi khỏi sân 3 lần (cười). Dạo gần đây em nhận ra cần sự đối lập đó cho những mảng màu của Schannel, nếu như anh Duy và anh Huy (PV: Nguyễn Lạc Huy - Founder Schannel) rất tuyệt vời thì em phải rất tệ”, Triều vui vẻ chia sẻ.

    Công việc reviewer ngoài chăm chỉ còn cần độc đáo, sáng tạo, em nghĩ mỗi người không nên tiếc thời gian và công sức, thử nhiều con đường để biết mình phù hợp với hình tượng nào. Đến tận bây giờ, bản thân em vẫn đang phải đi tìm phong cách phù hợp với mình, chắc sắp tìm ra được rồi”, Triều nói.

    Reviewer Hải Triều: Tháng lương đầu tiên chỉ đủ mua 2 cái áo jean, quyết định học Thạc sỹ cho nhân viên… nể - Ảnh 2.

    Ảnh: NVCC

    Điều này nghe có vẻ hơi lạ, chẳng phải Hải Triều vẫn được biết đến với ngón nghề “drop test” (thử nghiệm thả rơi) và biệt danh chàng reviewer phá hoại nhất làng công nghệ?

    Triều giải thích: “Đúng là em hay làm thả test (kiểm tra) độ bền nên mọi người thường gắn em với biệt danh Drop test. Chẳng hạn với một chiếc điện thoại, em sẽ thử bẻ, cho vào thùng có chìa khóa, cho vào nước đông đá, thả rơi, cho xe máy cán, xe ô tô cán,… Ý nghĩa của tất cả những việc này là muốn thử xem trong những điều kiện bất lợi nhất, điện thoại có thể chịu đựng được đến đâu.”

    Một phần em khá vui với biệt danh đấy, một phần em khá lo ngại, các bạn trẻ xem sẽ học theo. Nếu như thế nó rất là tệ. Mong các bạn đừng bắt chước mình drop test”, Triều cười nói.

    Những ngày đầu khi bắt đầu công việc, chưa có màu sắc riêng, Triều nhận về nhiều lời chê bai của khán giả. Đã có lúc, chàng trai trẻ hoài nghi về sự phù hợp của bản thân mình. Lời động viên của người anh đi trước: “Anh tin mày làm được, ngày trước anh cũng trải qua như thế”, đã nâng đỡ Triều rất nhiều về mặt tinh thần.

    Cách đây 3-4 năm, nghề reviewer hay sáng tạo nội dung vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam và cộng đồng những người làm reviewer chưa đông đảo như ngày nay.

    Cho đến hiện tại, khi đã có một lượng khán giả yêu quý nhất định, Hải Triều vẫn luôn nhắc về những người đàn anh, người sếp ở Schannel với sự tôn trọng và biết ơn.

    Đối với Triều, họ là những tấm gương về sự đam mê và nghiêm túc với nghề. Không giống như những gì mọi người nghĩ về công việc này đó là tự do, không bị bó buộc, thích thì làm không thích thì nghỉ.

    Có khi sốt 40 độ, uống thuốc hạ sốt xong chỉ cần đứng trước máy quay là lại bật chế độ tươi cười”, Hải Triều tiết lộ.

    Tương lai có bấp bênh?

    Theo Hải Triều, reviewer hiện nay có thể coi là một nghề và được nhận lương cứng như các công việc khác. Ngoài ra có các khoản thu nhập nhận được của các nền tảng, như YouTube hay thu nhập từ các cửa hàng, các nhãn hàng quảng cáo.

    Triều nhấn mạnh, chính vì vậy, cần phải chú trọng xây dựng hình ảnh cá nhân tốt.

    Từ tháng lương đầu tiên Hải Triều nhận được là 1,2 triệu đồng vừa vặn đủ mua 2 cái áo jeans, tới nay, công việc reviewer đã cho chàng trai 25 tuổi một mức thu nhập rủng rỉnh, có thể mua sắm đồ thoải mái cho bản thân.

    Một vấn đề đặt ra là nghề reviewer mới xuất hiện chưa lâu và liệu nó có thể sẽ biến mất như một xu hướng nhất thời?

    Hoặc giả như, Triều có lo ngại không, khi tuổi tác nhiều lên, không còn cùng tâm lý với thế hệ trẻ, vốn đang là đối tượng khán giả chính?

    Hải Triều tâm sự: “Em đã từng có lúc cảm thấy mất niềm tin vào tương lai của nghề này. Giống như suy nghĩ của nhiều người, em nghĩ khi mình nhiều tuổi hơn, cần một công việc ổn định và có tương lai.

    Thậm chí em đã từng muốn nghỉ việc. Em nói chuyện đó với anh Huy (PV: Nguyễn Lạc Huy, Founder Schannel), anh Huy hỏi em: “Mấy Youtuber nước ngoài mày đang theo dõi bao nhiêu tuổi?”

    Lúc đó em mới chợt nhận ra, ồ, họ già thật. Có những người đã gần 40 tuổi nhưng vẫn đang làm reviewer, thậm chí làm rất tốt. Em hiểu ra, quan trọng nhất là ở bản thân mình. Tuổi tác có thể tăng lên nhưng quan trọng là suy nghĩ của mình, mindset của mình.

    Quan trọng nhất, mình hãy sống thật, đừng bao giờ để con người của mình khác với con người thể hiện trên các video. Khán giả đã yêu quý con người của mình sẽ không quay lưng chỉ vì mình già đi”.

    Reviewer Hải Triều: Tháng lương đầu tiên chỉ đủ mua 2 cái áo jean, quyết định học Thạc sỹ cho nhân viên… nể - Ảnh 3.

    Ảnh: NVCC

    Hiện nay, Hải Triều đang theo học thạc sỹ ngành truyền thông ở Học viện Báo chí tuyên truyền. Khi được hỏi động lực của cậu là gì khi công việc đang làm không yêu cầu bằng cấp, chàng trai sinh năm 1998 bộc bạch: “Năm ngoái em bắt đầu lên làm leader của team Anh Em TV. Hồi đấy, em vẫn là sinh viên, em nói nhân viên không nghe. Đã thế em quyết định, mình phải giỏi hơn. Em nghĩ, muốn có sự tôn trọng, nể phục từ nhân viên mình cũng phải có kiến thức và trình độ nhất định. Không phải cứ làm sếp mà nói nhân viên sẽ nghe, cũng cần có kiến thức và lý luận để thuyết phục. Nói nôm na, em học thạc sỹ để nhân viên nể”.

    Trước đó, Hải Triều vừa thú nhận, mất 6 năm mới ra trường đại học, lý do vì “Học kém, nợ môn nhiều”. Vẫn với nụ cười híp mắt có duyên, Hải Triều kết thúc cuộc trò chuyện với lời nhắn nhủ: “Cái này cũng khuyến cáo các bạn không nên giống mình”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ