Rủi ro trên mạng khi học sinh tiểu học dùng smartphone

    Pv, VTV 

    Trong thời đại 4.0, điện thoại và Internet đã trở thành công cụ không thể thiếu.

    Khi học trực tuyến lên ngôi, cũng là khi nhiều bố mẹ cho các con sử dụng Internet bằng các thiết bị như máy tính bảng, máy tính hay ngay cả điện thoại thông minh, với nhu cầu cho con sử dụng liên lạc lúc cần. Tại "Hội thảo Môi trường Internet an toàn" diễn ra vào tháng 3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố một thông tin từ Khảo sát của Google năm 2022, đó là trung bình, trẻ Việt Nam từ 9 tuổi đã bắt đầu dùng điện thoại thông minh. Trong khi con số tương tự ở trên thế giới là 13 tuổi.

    Trong khi đó, theo các mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram... độ tuổi yêu cầu tối thiểu để sử dụng phải là 13 tuổi... Như vậy, trong suốt 4 năm (từ 9 đến 13 tuổi), trẻ em tại Việt Nam không được bảo vệ tốt trên không gian mạng.

    Hiểm họa khi trẻ tiểu học dùng smartphone

    Rủi ro trên mạng khi trẻ dùng smartphone từ tiểu học - Ảnh 1.

    Trong số các học sinh tiểu học, rất nhiều em đã được tiếp xúc với mạng xã hội từ sớm. Bởi hiện nay, một số nền tảng mạng xã hội thậm chí không cần xác minh chính xác độ tuổi của các em. Việc tự lập tài khoản dù chưa đủ tuổi với các em là không khó. Tự sử dụng mạng xã hội, đồng nghĩa với việc các em phải đối mặt với những nội dung xấu độc, tin nhắn từ người lạ.

    Theo một khảo sát được thực hiện tại hai trường tiểu học tại Hà Nội, trong số các học sinh lớp 4, 5 tham gia có 6.5% em đã tiếp cận nội dung người lớn, 3.9% em gặp trường hợp bị người xấu lôi kéo, rủ rê trên mạng. Cuộc khảo sát chỉ tại 2 trường, nhưng có thể thấy các em vẫn đang đối mặt nguy cơ trên Internet.

    Các nguy cơ trẻ có thể đối mặt trên Internet

    Việc trẻ tiếp xúc sớm với điện thoại và Internet làm gia tăng tỉ lệ những nội dung xấu độc có cơ hội tiếp cận đến các em. Và bên cạnh việc trẻ phải đối diện với những nội dung này và nhiều khi phải tự loay hoay không biết giải quyết như thế nào thì việc sử dụng smartphone trong thời gian dài còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ toàn diện của trẻ.

    Rủi ro trên mạng khi trẻ dùng smartphone từ tiểu học - Ảnh 2.

    Lắc đầu, giật cổ nháy mắt… hay đột nhiên co giật không kiểm soát, những đoạn video với nội dung về trẻ với chứng rối loạn tic đang được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Cùng với đó là những lời cảnh báo về việc sử dụng thiết bị điện tử.

    Rủi ro trên mạng khi trẻ dùng smartphone từ tiểu học - Ảnh 3.

    Rối loạn Tic chỉ là một trong rất nhiều những hội chứng có nguy cơ tăng và diễn biến nặng hơn do việc sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử. Bên cạnh chứng rối loạn đang được chia sẻ này thì còn có những hệ luỵ trực tiếp đến sức khỏe từ việc sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ.

    Rủi ro trên mạng khi trẻ dùng smartphone từ tiểu học - Ảnh 4.

    Theo tổ chức y tế Thế giới khuyến cáo, trẻ từ 4 tuổi đến 6 tuổi thì chỉ nên sử dụng thời gian là không quá 1 tiếng. Còn ở lứa tuổi tiểu học thì không quá 2 giờ 1 ngày.

    Giải pháp an toàn cho trẻ trên không gian số

    Việc giới hạn thời gian sử dụng điện thoại của trẻ cần có sự góp sức của phụ huynh, để khi sử dụng thiết bị điện tử sẽ đem lại giá trị đối với trẻ thay vì những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Tuy nhiên dùng điện thoại lành mạnh không chỉ dừng lại ở việc tiếp xúc với màn hình bao lâu, mà còn nằm ở việc tiếp xúc với nội dung như thế nào trên một không gian số với đầy ắp thông tin như hiện nay.

    Hơn cả việc chỉ đưa con những thiết bị sử dụng mạng, phụ huynh cần trang bị kỹ năng cho con, đồng hành cùng con trong quá trình sử dụng Internet là điều mà nhiều phụ huynh đang làm để các con được bảo vệ tốt nhất trên không gian mạng. 

    Sau những giờ học, để con không dành thời gian quá nhiều vào Internet, làm sao để tìm ra những hoạt động thú vị hơn chiếc điện thoại thông minh trên tay cũng là giải pháp mà bố mẹ đang tìm đến.

    Các kỹ năng cho trẻ khi sử dụng điện thoại thông minh, cùng nhiều kỹ năng phòng vệ cũng được nhiều nhà trường đưa vào giảng dạy. Thay vì điện thoại, máy tính, công nghệ thực tế ảo được áp dụng để các em có thể nhìn những tình huống có thể xảy ra, học hỏi cách xử lý.

    Học cùng con, chơi cùng con, giúp các con trang bị các kỹ năng cần thiết. Cha mẹ cũng có thể cùng con dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời, để gắn kết tình cảm, thư giãn bên nhau. Để các em nhỏ được sống vui vẻ, an toàn, lành mạnh trên không gian mạng và môi trường ngoài đời thực.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ