Nhìn vào phim chụp phổi của cậu, bác sĩ phải thốt lên: Chưa từng thấy thứ "quỷ tha ma bắt" nào như vậy trong đời.
Trong một buổi họp báo mới được tổ chức tại ở Detroit, Hoa Kỳ, các bác sĩ đến từ Bệnh viện Henry Ford đã công bố một trường hợp bệnh nhân 17 tuổi bị tổn thương phổi hoàn toàn sau khi hút thuốc lá điện tử.
Cả hai lá phổi ủa nam thiếu niên này đã bị hỏng toàn bộ và mất chức năng, các bác sĩ đã phải thực hiện một ca ghép phổi mới để duy trì mạng sống cho cậu.
Nếu không được cấy ghép cả hai lá phổi mới vào tháng trước, bệnh nhân có thể đã phải đối mặt với cái chết, bác sĩ Hassan Nemeh, trưởng kíp phẫu thuật cho biết.
Phổi bệnh nhân bị sẹo, cứng, mục ruỗng với những điểm chết và viêm nặng. Ảnh chụp CT trước khi phẫu thuật cho thấy ngực cậu bé gần như trống rỗng, cả hai lá phổi cứ như đã biến mất khỏi đó.
Thông thường, những lá phổi của người khỏe mạnh sẽ tối đi trên phim vì chúng lấp đầy không khí. Phổi của bệnh nhân này không thể nhìn thấy vì chúng không làm việc. Không có chút không khí nào trong lá phổi.
"Tôi chưa từng thấy thứ gì giống như phổi của cậu bé này trong suốt 20 năm phẫu thuật cấy ghép phổi của mình", bác sĩ Nemeh nói. "Thứ quỷ tha ma bắt đó là thứ mà tôi chưa từng phải đối mặt".
Bác sĩ Nemeh và phim chụp phổi của bệnh nhân 17 tuổi bị ruỗng phổi do hút thuốc lá điện tử.
Bác sĩ cũng chưa từng thấy thứ "quỷ tha ma bắt" nào như vậy trong đời
Trong bệnh án của thiếu niên 17 tuổi, các bác sĩ ở Bệnh viện Henry Ford mô tả đó là một tổn thương phổi do hút thuốc lá điện tử dẫn đến bỏng hóa chất. Đó là một tình trạng tương tự vết thương ở những người hít phải khói độc công nghiệp, hoặc những người lính bị tấn công bằng khí mù tạt trong Thế chiến thứ nhất.
Ngày 6 tháng 9, cậu bé này đã được cho nhập viện ở một cơ sở y tế khác, với các triệu chứng được chẩn đoán là viêm phổi. Nhưng các điều trị kháng sinh thông thường đã không đáp ứng. Tình trạng của cậu bé tiếp tục xấu đi nhanh chóng, cho đến này 12 tháng 9 thì phải đặt máy thở.
Nằm tại bệnh viện này thêm 5 ngày nhưng không có gì tiến triển, các bác sĩ buộc phải chuyển cậu bé tới một bệnh viện khác, nơi có một cỗ máy hiện đại cho phép đưa oxy trực tiếp vào máu cho cậu ấy.
Thế nhưng, sức khỏe của cậu bé cũng không biến chuyển tích cực mà còn có chiều hướng tệ đi. Đến ngày 3 tháng 10, cậu được cho nhập viện Henry Ford để chờ ghép phổi. Bởi tuổi đời còn rất trẻ và tình trạng suy kiệt nặng, cậu bé đã được ưu tiên trong danh sách nhận tạng ghép.
Đến này 15 tháng 10, ca mổ chính thức diễn ra. Các bác sĩ cho biết họ không thể tiết lộ danh tính người đã hiến cả hai bên lá phổi cho cậu bé, ngoại trừ thông tin rằng đó là một người hoàn toàn khỏe mạnh.
Bệnh nhân lẽ ra đã chết nếu không được ghép phổi mới, bác sĩ Nemeh nói. Phổi của cậu bé trắng xóa trên phim cho thấy nó đã bị viêm nặng, mục ruỗng với những phần chết không thể phục hồi.
"Tôi chưa từng thấy thứ gì giống như phổi của cậu bé này trong suốt 20 năm phẫu thuật cấy ghép phổi của mình", bác sĩ Nemeh nói. "Thứ quỷ tha ma bắt đó là thứ mà tôi chưa từng phải đối mặt".
Cậu thiếu niên 17 tuổi này đã rất may mắn khi được ưu tiên ghép tạng. Ca phẫu thuật diễn ra thành công và cậu ấy đang trong quá trình hồi phục tích cực ở bệnh viện Henry Ford.
Nhưng tính đến ngày 5 tháng 11, tại Mỹ đã có khoảng 40 người khác bị giết chết bởi thuốc lá điện tử khi mắc các căn bệnh phổi bí ẩn. Tổng số người phải nhập viện vì thuốc lá điện tử được ghi nhận lên tới 2.051 trường hợp.
Tuy nhiên, bác sĩ Nemeh cho biết những bi kịch này có thể phòng ngừa được, chỉ cần mọi người bỏ thuốc lá điện tử, một thứ mà ông gọi là sản phẩm vô nghĩa.
Bệnh nhân 17 tuổi không được tiết lộ danh tính ở Bệnh viện Henry Ford.
Bệnh nhân ghép phổi sẽ sống thêm được trung bình 7 năm
Cậu bé 17 tuổi và gia đình muốn được giữ kín danh tính. Tuy nhiên, họ đã đồng ý cho các bác sĩ tiết lộ thông tin về trường hợp của mình, với hy vọng nó có thể thuyết phục những người khác từ bỏ thuốc lá điện tử hoặc không bao giờ dính vào loại hình thuốc lá này.
Tại cuộc họp báo, một bác sĩ đã đọc lá thư của gia đình cậu bé, trong đó có viết:
Chúng tôi đã yêu cầu các bác sĩ ở Henry Ford chia sẻ về những tác động khủng khiếp của thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử có thể giết chết người, điều đó hoàn toàn là sự thật!
Gia đình chúng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được chính mình sẽ trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, cuộc khủng hoảng liên quan đến trẻ vị thành niên mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt hiện nay.
Trong một khoảng thời gian rất ngắn, cuộc sống của chúng tôi đã bị đảo lộn vĩnh viễn. Từ một vận động viên 16 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh – vẫn hàng ngày đi học, đi chơi với bạn bè, chèo thuyền và chơi điện tử - con chúng tôi bây giờ phải thức dậy với một ống nội khí quản, hai lá phổi mới và đối mặt với quá trình hồi phục đau đớn kéo dài, phải đấu tranh để lấy lại sức mạnh của mình, thậm chí đi lại được. Cả cuộc sống của con tôi đã bị hủy hoại nghiêm trọng.
Bác sĩ Lisa Allenspach, chuyên gia về phổi tại Bệnh viện Henry Ford cho biết tỷ lệ sống sót trung bình của bệnh nhân sau ghép phổi là 7 năm. Để có thể đạt được con số đó, cậu bé này sẽ phải dùng thuốc chống thải ghép để ức chế hệ miễn dịch của mình, ngăn không cho cơ thể đào thải lá phổi mới.
Mặc dù vậy, có hi vọng rằng tỷ lệ sống của bệnh nhân ghép phổi sẽ được cải thiện hơn trong điều kiện y tế hiện nay. Và một ca cấy ghép thứ hai cũng có thể giúp ích cho điều đó.
"Chúng tôi hi vọng cậy ấy sẽ kéo dài được cuộc sống khỏe mạnh trong một thời gian", bác sĩ Allenspach nói. Là một vận động viên thời trung học cũng được tính là một lợi thế giúp cậu ấy chiến đấu với tình trạng của mình.
Lá phổi gần như đã mục ruỗng hết của cậu bé 17 tuổi
Tác hại của thuốc lá điện tử: Tất cả mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi
Khi được hỏi thêm thông tin về sản phẩm thuốc lá điện tử và thời gian mà cậu thiếu niên này đã sử dụng nó, phía bệnh viện đã từ chối tiết lộ. Trên thực tế, khoảng 86% trường hợp bệnh nhân bị chấn thương phổi trong đợt bùng phát này tại Mỹ đã sử dụng dung dịch thuốc lá điện tử chứa THC, một hóa chất có trong cần sa giúp người sử dụng hưng cảm.
Trường hợp cậu bé 17 tuổi này là trường hợp đầu tiên được ghi nhận liên quan đến thuốc lá điện tử khiến bệnh nhân phải ghép cả hai lá phổi. Nó một lần nữa nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của những tổn thương mà hình thức thuốc lá này có thể gây ra
"Tôi tin rằng chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy phần nổi của tảng băng trôi", bác sĩ Allenspach nói.
Trong khi đó vào tuần trước, các quan chức y tế Mỹ đã công bố kết quả bước đầu của cuộc điều tra liên quan đến những trường hợp mắc bệnh phổi bí ẩn trên toàn quốc. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra thủ phạm là một dạng vitamin E được tìm thấy trong các sản phẩm thuốc lá điện tử và trong phổi của những bệnh nhân sử dụng chúng.
Chất này được gọi là vitamin E acetate, thường được các nhà sản xuất dùng để pha loãng THC, nhằm giảm giá thành sản phẩm đồng thời tăng lợi nhuận. Với tính chấy nhày và dính, vitamin E acetate có thể gây ra những tổn thương phổi mà chúng ta chưa thể hình dung hết được.
Thuốc lá điện tử có thể gây hại cho người hút theo nhiều cách.
"Vitamin E acetate là hóa chất có tính kết dính cực cao", Jim Pirkle, một chuyên gia tại phòng thí nghiệm của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết. "Bạn có thể tưởng tượng nó giống như mật ong vậy. Và khi lọt được vào phổi, chất này sẽ dính lại ở đó".
Các bác sĩ ở Detroit không cho biết liệu vitamin E acetate đã được tìm thấy trong phổi của cậu bé 17 tuổi hay không. Nhưng với tiên lượng tốt của cậu bé hiện tại, bác sĩ Nemeh cho biết ông mong bệnh nhân của mình sẽ sớm hồi phục để quay trở lại trường học.
Ở đó, bác sĩ Nemeh hi vọng cậu bé sẽ trở thành một minh chứng sống cho tác hại của thuốc lá điện tử, đồng thời khuyến khích những đứa trẻ khác, bạn bè cùng trang lứa đừng động đến những thiết bị nguy hại này.
Tham khảo Nytimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"