Đổi mới ngân hàng và xây dựng thành phố thông minh là hai lĩnh vực trọng tâm mà Samsung cam kết sẽ hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam về mặt công nghệ tại sự kiện Industry 4.0 Summit vừa diễn ra.
Industry Summit 4.0 là Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 được tổ chức hôm 2-3/10 vừa qua, với sự tham gia đồng bảo trợ và chỉ đạo về chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với sự tham gia phối hợp của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Tại sự kiện này, tập đoàn Hàn Quốc tham gia với vai trò đối tác. Di động hóa cho doanh nghiệp và chính phủ; xây dựng chính phủ điện tử, mạng di động 5G hay một số thiết bị chuyên dụng cho B2B, B2G là những giải pháp Samsung cung cấp cho công cuộc chuyển đổi số, hiện đã áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Hàn Quốc. Samsung cũng cam kết sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ nguồn lực công nghệ, con người, kinh nghiệm, kiến thức từ hệ thống trên toàn thế giới để góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số.
Trong đó, hai lĩnh vực nổi bật được đề cập tới trong sự kiện năm nay là xây dựng thành phố thông minh cùng đổi mới ngân hàng.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đến thăm quan gian hàng triển lãm của Tập đoàn Samsung trước lễ khai mạc Industry 4.0 Summit.
Trên thực tế, đô thị thông minh là chủ đề nóng của khu vực, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết 52 vừa được Bộ Chính trị ban hành mới đây đã nêu rất rõ mục tiêu của Việt Nam về đô thị thông minh. Cụ thể, đến năm 2025, đích ngắm của Việt Nam là có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Samsung đã chung tay trong việc xây dựng phát triển đô thị thông minh ở Hàn Quốc trong 15 – 20 năm qua. Do đó, công ty này khẳng định có thể mang tới nhiều giải pháp thú vị cho các thành phố thông minh ở Việt Nam.
Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc ngành hàng CNTT và Khối doanh nghiệp, Công ty Điện tử Samsung Vina thuyết trình tại Industry 4.0 Summit.
Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc ngành hàng CNTT và Khối doanh nghiệp, công ty Điện tử Samsung Vina cho biết Samsung đang cung cấp giải pháp thành phố thông minh dựa trên nền tảng kết nối Brightics IoT, do chính công ty tự phát triển.
Brightics IoT, có thể hiểu là một nền tảng về kết cấu, hỗ trợ cho việc quản lý thời gian thực, nó cũng hỗ trợ cho việc kiểm soát đánh giá các trang thiết bị đang sử dụng trong một khu vực, từ tòa nhà đến thành phố.
Theo ông Hải, nền tảng này sẽ đáp ứng được 3 yếu tố quan trọng.
Thứ nhất là dễ dàng tích hợp và kết hợp với các trang thiết bị thông minh khác.
Thứ hai là vấn đề xử lý thông tin. Việc chuyển đổi và xử lý toàn bộ thông tin trên hệ thống về máy chủ vốn mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, điều này sẽ được khắc phục trên nền tảng của Samsung khi mà dữ liệu đã được phân tích, xử lý, đóng gói ngay tại thời điểm thu thập.
Thứ ba là vấn đề bảo mật. Dữ liệu trên nền tảng của Samsung sẽ được bảo mật ngay từ khi tiếp nhận với nhiều lớp khóa cũng như được mã hóa toàn bộ trên đường truyền
Với nền tảng Brightics IoT, hiện Samsung đang đưa ra 4 giải pháp bao gồm: quản lý tòa nhà thông minh, hệ thống chiếu sáng đường phố thông minh, quản lý nông trại thông minh và quản lý từ xa…
Ví dụ như với giải pháp quản lý tòa nhà thông minh, dữ liệu sẽ được thu thập từ các trang thiết bị trong tòa nhà, phân tích và đưa ra giải pháp tối ưu nhằm chủ động hạn chế hư hỏng và dự báo mức năng lượng sử dụng hợp lý nhất. BMS sử dụng những công cụ tự động để giảm thời gian và chi phí triển khai việc vận hành hoạt động của tòa nhà và các trang thiết bị đi cùng . Công tác quản lý cũng được đơn giản hóa thông qua các thiết bị di động nhưng vẫn an toàn nhờ mã hóa thông tin, mật mã một lần và chỉ cho phép kết nối đối với các thiết bị đăng ký trước.
Hay với giải pháp đèn đường thông minh và các ứng dụng, với công nghệ của Samsung, hệ thống chiếu sáng sẽ được thay đổi theo kịch bản đồng thời tích hợp các cảm biến thu thập thông tin khác. Ở Việt Nam, Samsung cũng đã làm việc với một số tỉnh thành như Bắc Ninh để triển khai thí điểm hệ thống chiếu sáng thông minh ở một số khu vực hẹp. Các hệ thống đèn trong hệ thống này sẽ được lắp đặt cảm biến đa nhiệm, từ đó thu thập dữ liệu theo yêu cầu của cơ quan chủ quản.
"Việt Nam đi sau, đấy là yếu tố thuận lợi vì chúng ta sẽ học được rất nhiều thứ từ kinh nghiệm của các nước. Mặt khác, thời điểm này là lúc công nghệ chín muồi. Vậy việc cần làm là lựa chọn công nghệ nào, bắt đầu từ đâu", ông Hải nhận xét.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không nhỏ. Điểm khó khăn hiện nay chính các bên tham gia vẫn đang phải chờ đợi những định hướng chính sách.
Ông Lê Khôi Nguyên, Giám đốc chiến lược sản phẩm ngành hàng di động Samsung Vina
Còn trong vấn đề đổi mới ngân hàng, Samsung hứa hẹn mang tới trải nghiệm công nghệ mới cho khách hàng di động. Đơn cử như công nghệ Beacon cung cấp dịch vụ đăng ký khách hàng cá nhân, trong khi máy tính bảng Galaxy và Samsung DeX cho phép các cộng tác viên ngân hàng bán lẻ tương tác liền mạch với khách hàng trên phạm vi toàn hệ thống. Kết quả đem tới là một trải nghiệm từ đầu đến cuối hoàn toàn được cá nhân hóa, hoạt động hiệu quả và an toàn, với hiệu suất cao.
Bên cạnh đó, Samsung vẫn đang là cái tên nổi bật trong mô hình thanh toán POS không cần thẻ ở Việt Nam, với Samsung Pay. Có thể nói, với thẻ ngân hàng được mã hóa trong ứng dụng Samsung Pay, việc thanh toán chỉ đơn giản bằng cách vuốt điện thoại, xác thực và thao tác trên máy POS.
So với các mô hình thanh toán khác, công nghệ của công ty Hàn Quốc này có ba ưu điểm lớn. Thứ nhất là tập khách hàng có sẵn, với thị phần 46,88% trên thị trường điện thoại thông minh. Sau 2 năm kể từ ngày ra mắt, Samsung Pay hiện có khoảng 600.000 người dùng đã đăng ký; hơn 4.000 giao dịch mỗi ngày và những con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thứ hai là sự đa dạng thiết bị cung cấp dịch vụ thanh toán Samsung Pay, khi vừa có thể sử dụng trên điện thoại và hỗ trợ đồng hồ thông minh Samsung Gear. Điểm mạnh thứ ba là ngoài hỗ trợ cho khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến, Samsung Pay còn hỗ trợ ở mảng dịch vụ trực tiếp.
Bên cạnh khách hàng cá nhân, Samsung còn có bộ phận phụ trách các thiết bị và giải pháp dành cho khách hàng doanh nghiệp. Bộ phận này chuyên về R & D, tư vấn và triển khai các giải pháp di động cùng với các thiết bị thông minh của doanh nghiệp để đảm bảo năng suất, khả năng quản lý và bảo mật tối ưu dựa trên nền tảng Knox. Có thể nói, Samsung hiện nay là một trong các công ty hiếm hoi có khả năng cung cấp một hệ sinh thái hoàn chỉnh và bảo mật cho các doanh nghiệp và tổ chức, trong quá trình chuyển đổi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Theo ông Lê Khôi Nguyên, Giám đốc chiến lược sản phẩm ngành hàng di động của Samsung Vina thì: "Bất kỳ nơi nào người dùng có thể quẹt thẻ là có thể thanh toán được bằng Samsung Pay".
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cho biết: "Để thay đổi thói quen của người dùng, chúng tôi rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự hợp tác toàn diện của các bên trong hệ sinh thái, bao gồm các ngân hàng, các cửa hàng bán lẻ, trong đó các cửa hàng đóng một vai trò quan trọng".
Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến hết năm 2018, toàn thị trường Việt Nam có khoảng 220 ngàn máy POS, chưa tới 30 ngàn máy mPOS, trên tổng số hàng triệu các cửa hàng. Và Samsung Pay hiện đã liên kết với 21 ngân hàng gồm Agribank, Vietcombank, Techcombank…; 3 tổ chức chuyển mạch thẻ như Napas, Visa, Mastercard…
"Giờ đây, thói quen không thể thiếu khi chúng ta đi ra ngoài là có một chiếc điện thoại thông minh kề bên. Chỉ bằng thao tác một chạm đơn giản vào máy quẹt thẻ với thiết bị đi dộng Samsung, người dùng đã có thể thanh toán dễ dàng mà không cần mang ví, không cần xuất trình thẻ, cũng như không cần e ngại việc bị đánh cắp thông tin thẻ trong quá trình thanh toán. An toàn hơn, đơn giản hơn, nhanh chóng hơn", đại diện Samsung này bổ sung thêm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập
Meta đang gặp sự cố ngừng hoạt động lớn trên tất cả các nền tảng của mình, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger và WhatsApp.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời