Samsung Galaxy Note7 bảo mật bằng mống mắt, vậy có thể mở nó bằng mắt người đã chết không?

    Dink,  

    Liệu ta có phải lo lắng "mất" gì khác ngoài khả năng bị "mượn đỡ một ngón tay" khi sử dụng bảo mật vân tay?

    Kẻ phản diện trên màn bạc bước tới trước cánh cửa có hệ thống bảo mật yêu cầu phải quét mắt để mở. Hắn ta từ từ lôi từ trong túi ra một con mắt lấy của nạn nhân và đưa vào hệ thống quét - “Access Granted” và hắn ngang nhiên bước qua cánh cửa đó.

    Điều đó chỉ có ở trên phim thôi ư? Không bạn ạ, điều đó là có thật và với tình hình Samsung Galaxy Note7 ra mắt hệ thống quét mống mắt để mở khóa, ta sẽ không thiếu những tình huống dở khóc dở cười khi vạch mắt gã người yêu đang ngủ ra để mở khóa điện thoại đọc tin nhắn.

    Trước hết bạn phải hiểu quét mống mắt là gì.

    Hãy nhớ, võng mạc và mống mắt là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn.

    Võng mạc là một mô mỏng gồm các tế bào thần kinh nằm tại phần phía sau của mắt. Chúng có một cấu trúc phức tạp gồm các mao dẫn máu lên võng mạc, chính chúng là lý do khiến cho võng mạc của mỗi cá nhân là duy nhất. Mạng lưới ấy phức tạp đến mức một cặp song sinh cũng không có cấu trúc võng mạc giống nhau. Võng mạc của một người sẽ giữ nguyên từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, nhưng chúng có thể bị thay đổi do mắc các bệnh như tiểu đường, tăng nhãn áp …

    Còn mống mắt, đó là một cấu trúc mỏng, tròn nằm phía trước của mắt, đảm nhiệm việc điều khiển kích cỡ của con ngươi, điều tiết lượng ánh sáng đi vào trong võng mạc. Cụm từ “màu mắt” chính là chỉ màu của mống mắt. Công nghệ nhận diện mống mắt được sử dụng thường xuyên trong xác định sinh trắc bởi một công nghệ toán học nhận định khuôn mẫu mống mắt mỗi cá nhân, bởi lẽ mống mắt có cho mình những dấu hiệu nhận biết ngẫu nhiên và phức tạp, hơn nữa có thể xác định được từ một khoảng cách xa.

    Với khái niệm về võng mạc và mống mắt, ta đã có thể hiểu tại sao người ta sử dụng công nghệ bảo mật bằng cách quét mống mắt thay vì quét võng mạc:

    - Độ chính xác của quét võng mạc có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, nhưng khuôn hình của mống mắt thì sẽ không bị ảnh hưởng.

    - Việc quét mống mắt đơn giản như việc chụp một tấm ảnh vậy, quét võng mạc cần nhiều hơn những công cụ nhìn xuyên thấu được cấu trúc mắt.

    - Việc quét mống mắt bị cho là hành vi xâm phạm đến thân thể con người.

    Đã trang bị thêm cho mình những kiến thức về hai kĩ năng quét mắt, nhưng câu hỏi về việc ta có thể sử dụng con mắt của một người đã chết để mở hệ thống bảo mật vẫn còn đó.

    Nhà nghiên cứu sinh trắc học Adam Czajka đã tiến hành những thử nghiệm để ngăn chặn việc “sử dụng con mắt của một người đã chết để qua mặt hệ thống an ninh”. Và khi mà người ta đang nghiên cứu tìm ra cách ngăn chặn việc này xảy ra, thì hẳn việc đó là hoàn toàn khả thi.

    Hiện tại, anh Czajka đang tiến hành nghiên cứu để phát hiện ra “sức sống” của một tròng mắt tại Đại học Notre Dame, Đại học Công nghệ Warsaw đang cố gắng tìm ra một công nghệ quét mống mắt bảo đảm hơn để máy quét không còn bị đánh lừa nữa.

    Với việc thử nghiệm bằng mắt người chết, anh đã làm phiền lòng nhiều người vốn tin rằng con mắt đã chết thì không thể sử dụng được trong việc xác minh mống mắt. Các nghiên cứu của anh Czajka cho thấy rằng nhiều giờ sau khi chết, mống mắt vẫn hoàn toàn sử dụng được để vượt qua hệ thống an ninh.

    Một hệ thống quét mống mắt thông thường sẽ sử dụng ánh sáng nhìn thấy được và ánh sáng gần-hồng ngoại để soi vào hàng trăm điểm khác nhau trong mỗi mống mắt của con người, rồi dựa vào những kết quả có được để xác định danh tính, nhằm khớp với mẫu mắt đã được đăng ký trước đó.

    Công nghệ này được sử dụng rộng rãi vì những lợi thế mà chúng mang lại, khiến chúng hơn hẳn việc so sánh vân tay: quét mống mắt được thực hiện nhanh chóng, không cần người phải thử động chạm tới bất kì thứ gì. Hơn nữa, mắt là một bộ phận thường xuyên được bảo vệ cẩn thận, còn vân tay có thể bị hỏng do nhiều lý do khác nhau.

    Quét được hình ảnh của mắt là một chuyện, nhưng để nhận diện ra rằng con mắt ấy có đang “còn sống” không mới thực sự là vấn đề. Để thúc đẩy những cải tiến trong lĩnh vực này, anh Czajka đã giúp đỡ trong việc tổ chức một cuộc thi về xác định “sự sống” trong một mống mắt, cuộc thi được diễn ra tại Hội nghị Sinh trắc học Quốc tế vừa diễn ra vào tháng 6 vừa rồi.

    Thử thách rất đơn giản và cũng rất cơ bản: phân biệt một mống mắt thật với một mống mắt được in ra trên giấy hay được in trên một kính mắt áp tròng. “Chỉ cần một mẫu mống mắt được in ra cũng đủ để đánh lừa hàng tá thiết bị đại trà thường thấy chúng tôi có trong phòng thí nghiệm rồi”, anh Czajka trả lời phỏng vấn.

    Để nhận diện được bản in so với bản thật, những phương pháp thường thấy là tìm ra những sự phản chiếu của những khu vực ẩm của mắt, sử dụng công nghệ dò nhiệt để xác định mắt nào có độ ấm hay tìm ra những điểm ma trận cực nhỏ chỉ có trên một sản phẩm được in ra bằng máy.

    Kết quả của cuộc thi vẫn chưa được công bố, nhưng anh Czajka nói rằng đã có một sự tiến bộ rõ rệt so với cuộc thi năm 2013, khi đó thuật toán đã loại bỏ tới 29% số lượng mắt thật và để lọt 6% bản in mống mắt. “Tôi cảm thấy thật vui sướng vì lĩnh vực này đang dần phát triển hơn”, anh Czajka lạc quan nói.

    Với việc nhiều người tin rằng một con mắt người chết sẽ hoàn toàn không sử dụng được trong việc vượt qua hệ thống an ninh, anh Czajka đã tiến hành thử nghiệm với một đồng nghiệp tại trường y thuộc Đại học Warsaw, Piotr Maciejewicz, người đã giúp đỡ anh trong việc chụp ảnh mắt người chết. Tổng cộng 3 bộ ảnh được chụp để thử nghiệm: mắt 5 tiếng sau khi chết, tiếp theo là 16 và 27 tiếng. Tất cả được mang ra thử xem chúng còn khớp với thông số đã được đưa vào trước đó.

    Các mẫu mắt người đã chết được mang ra thử nghiêm và kết quả là chúng hoàn toàn có thể sử dụng để quét được.
    Các mẫu mắt người đã chết được mang ra thử nghiêm và kết quả là chúng hoàn toàn có thể sử dụng để quét được.

    Và kết quả thật đáng ngạc nhiên: toàn bộ ảnh của 5 giờ sau khi chết được hệ thống quét chấp nhận dễ dàng, và nhiều trường hợp ảnh của 27 giờ sau khi chết cũng vẫn sử dụng được. “Chúng tôi chắc chắn rằng mống mắt vẫn có thể được sử dụng làm công cụ xác định sinh trắc (nói cách khác là vượt qua hệ thống an ninh) vài ngày sau khi chủ nhân đôi mắt đó qua đời”, anh Czajka nói. “Đó là lý do tại sao việc xác định được ‘sự sống’ của một mống mắt là cực kì quan trọng”.

    Bạn nghe thấy và cũng nhìn và đọc rõ rồi đó. Trước khi giải quyết được vấn đề này, bạn hãy cố gắng giữ con mắt (và cả tính mạng mình) cẩn thận.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ