Samsung bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1938 với hoạt động chủ đạo là xuất khẩu rau xanh và thực phẩm đóng hộp. Năm 2013, Gã khổng lồ xứ Kim Chi “khoe” với toàn thế giới công nghệ những thế hệ mới nhất của TV 4K, TV OLED cùng hàng tá những smartphone cao cấp khác. Với chiếc SmartTV, bạn chỉ cần khẽ nói “Comedies”, một danh sách với hàng loạt các tác phẩm hài sẽ được đưa ra gợi ý cho bạn.
Samsung cũng vừa mới thông báo về mức doanh thu kỷ lục 53 tỷ USD của mình cùng 8,3 tỷ USD lợi nhuận ròng trong quý 4 năm 2012. Điều này cũng chẳng có gì quá khó hiểu, bởi nếu chỉ tính riêng về các sản phẩm di động, trung bình trong 3 tháng cuối năm 2012, Samsung bán ra được 500 chiếc điện thoại mỗi phút.
Xét một cách tổng thể, Samsung đang đứng đầu (hoặc ít nhất cũng đứng thứ 2) trong rất nhiều những sản phẩm công nghệ của thế giới như smartphone, TV, màn hình LCD, bộ nhớ flash, DRAM. Tập đoàn này hiện đang có hơn 100 công ty con trên toàn thế giới, liên quan tới hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời sống. Samsung Electronics chỉ là công ty lớn nhất của cả đế chế này mà thôi.
Sự vươn lên thần kỳ của Samsung nằm ở ý chí kiên định của đội ngũ lãnh đạo. Nhớ lại vào những năm 1980, Sony của Nhật Bản đã là một tên tuổi lẫy lừng còn Samsung dường như vẫn còn khá vô danh. Sony tự tạo ra rất nhiều các dòng sản phẩm mới như Walkman, rồi từ đó “lái” cả thị trường theo ý mình. Đối với công chúng, Sony là sự kết hợp hoàn hảo của những gì tinh túy nhất và hoạt động như một quốc gia độc lập.
Tuy nhiên, đó là những gì đã diễn ra của 30 năm về trước, còn giờ đây, chúng ta thật sự phải ngưỡng mộ sự táo bạo và kiên trì của Samsung. Đứng trước một đối thủ to lớn như thế, hãng vẫn kiên quyết đi theo con đường công nghệ. Và rồi để ngày nay chúng ta có thể được tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời mang tên "Samsung".
Một điểm mạnh khác của Samsung đó chình là chiến lược marketing vô cùng hiệu quả. Hiếm có tập đoàn nào lại chịu bỏ số tiền lớn như Samsung trong các chiến dịch quảng bá thương hiệu. Chấp nhận mức lợi nhuận chỉ là 17%, số tiền 12 tỷ USD cho truyền thông đã mang về cho Samsung nhiều hơn thế. Và công thức đó đã thành công. Về giá trị thương hiệu, Samsung đã vượt qua Sony từ rất lâu rồi. Giờ đây, nhắc tới Hàn Quốc có lẽ Samsung là cái tên mà ai cũng nghĩ tới đầu tiên.
Số tiền Samsung bỏ ra cho những chiến dịch marketing là rất lớn.
Vậy phải chăng Samsung sẽ cứ mãi bất khả chiến bại như vậy? Điều gì có thể khiến Samsung dừng lại? Dưới đây là một vài yếu tố có thể sẽ cản bước tiến của Samsung trong tương lai:
Thị trường còn nhiều đối thủ cạnh tranh
Có lẽ Apple vẫn là một cái tên “khó nghe” nhất đối với Samsung cho đến lúc này. Thế nhưng, hiện tại, Apple đang ở trên bờ vực của sự khủng hoảng và còn vô vàn những thách thức cần phải vượt qua vào thời điểm này. Tuy vậy, liệu có ai dám khẳng định gã khổng lồ sẽ lại không đứng dậy và thống trị như thập kỷ vừa qua. Nhưng thị trường đâu chỉ có mỗi Apple và Samsung. Vẫn còn vô vàn các đổi thủ tiềm tàng khác không ngừng công kích họ như Nokia, Microsoft, Google, Sony hay RIM.
Thị trường smartphone đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết khi tốc độ quay vòng smartphone đã được các nhà sản xuất “thi nhau” rút ngắn. Nếu không vượt qua được cái bóng của chính mình, rất có thể chúng ta sẽ thấy được sự sụp đổ của gã khổng lồ "mới nổi” trong thời gian sắp tới.
Thiếu sự sáng tạo
Không thể phủ nhận Samsung đã thêm vào rất nhiều những tính năng độc đáo và mới mẻ cho các sản phẩm của mình, thế nhưng từng đó là chưa đủ. Bởi đó mới chỉ là những gì mà Samsung tạo ra dựa trên những nền tảng đã có sẵn. Thử hỏi rằng nếu thiếu đi Android hay những ý tưởng “mượn” được từ Apple, Samsung liệu có được vị trí như ngày hôm nay trong làng di động thế giới hay không. Hay họ sẽ mãi vẫn chỉ là những anh chàng bán điện thoại giá rẻ cho dân nhà nghèo.
Năm 2012 đã chứng kiến cuộc chiến pháp lý nảy lửa giữa Apple và Samsung, dù số tiền thua kiện chẳng đáng là bao so với con số mà tập đoàn này thu về cả năm vừa qua, danh tiếng của Samsung cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Chính sự thiếu sáng tạo đã khiến cho gã khổng lồ này trở nên dễ bị tổn thương trong cuộc cạnh tranh với đối thủ của mình.
Không phải vô tình mà Apple lại kiện Samsung về chuyện đi "copy".
Thiếu tham vọng
Nếu như Mobile là điểm sáng của Samsung thì lại có rất nhiều những mảng tối khác của tập đoàn này. Năng lượng sạch là một ví dụ điển hình. Samsung không ngừng tuyên bố muốn đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực còn rất mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.
Chỉ cách đây không lâu, gã khổng lồ xứ Kim Chi quyết định sẽ đầu tư trên 7 tỷ USD vào các hệ thống năng lượng sạch tại một số quốc gia trên thế giới. Trong một thời đại khủng hoảng như hiện nay, làm chủ được năng lượng sẽ tạo dựng một nền tảng vô cùng vững chắc cho sự phát triển lâu dài các ngành khác. Đây quả là cơ hội tốt để Samsung vươn lên dẫn đầu thị trường trên các lĩnh vực mà họ đang tham gia. Tuy nhiên, gã khổng lồ này lại gặp phải một số rào cản như cạnh tranh về nhân công giá rẻ với Trung Quốc hay những chính sách phản đối từ Hàn Quốc. Đứng trước tình thế đó, một Samsung giàu mạnh là vậy lại quyết định “khoanh tay đứng nhìn” và không hề có động tĩnh gì!!!
Thiếu các chiến lược dự phòng
Khác với Samsung, nhiều tập đoàn nổi tiếng của thế giới như GE hay Philips đều có những sản phẩm “sơ cua” của riêng họ. Với hơn 100 năm kinh nghiệm, Phillips là nhà cung cấp các thiết bị y tế uy tín của thế giới, còn GE lại khá nổi tiếng với động cơ phản lực của riêng mình. Samsung có thể nổi tiếng về mặt cung cấp thiết bị phần cứng, nhưng về phần mềm, tất cả vẫn chỉ là con số không.
Chúng ta đều biết, đến một lúc nào đó, các thông số về phần cứng sẽ đạt tới đỉnh của nó và nhu cầu nâng cấp phần cứng cũng sẽ trở nên thừa thãi hoặc theo một chu kỳ rất dài. Đến lúc đó, người dùng sẽ dừng trả tiền và những công ty chỉ tập trung vào phát triển phần cứng như Samsung rất dễ đi vào vết xe đổ của Apple thập kỷ 90. Nhưng điều khác biệt ở Apple là họ có Steve Jobs, còn Samsung thì không.
Samsung có gì ngoài phần cứng?
Tóm lại, trong một thế giới mà công nghệ thay đổi tính theo từng giây, không có ai là hoàn hảo cả. Hiện tại, Samsung là nhà vô địch trong thế giới di động, nhưng như vậy không có nghĩa là tương lai cũng như thế. Lịch sử luôn chứng tỏ cho chúng ta điều này. Ngày hôm qua là Apple còn ngày hôm nay là Samsung, nhưng chẳng ai biết ngày mai, cái tên nào được cả thế giới tung hô. Nhưng suy cho cùng, cũng vì sự không hoàn hảo này mà khách hàng như chúng ta mới có thể thưởng thức một bữa tiệc đủ hương vị như vậy, món nào cũng ngon nhưng chẳng thể ăn mãi được.