Samsung mở cơ sở sản xuất máy giặt đầu tiên tại Mỹ, câu trả lời cho áp lệnh thuế suất khắc nghiệt

    Thiên Long,  

    Nhà máy sản xuất điện gia dụng mới của Samsung tại Mỹ hứa hẹn sẽ giảm bớt gánh nặng về thuế suất cho các mặt hàng máy giặt nhập khẩu của Samsung vào thị trường Mỹ.

    Samsung vừa khởi động dây chuyền sản xuất các sản phẩm điện gia đình đầu tiên tại Newberry County, South Carolina, Mỹ. Nhà máy hứa hẹn sẽ giúp giảm bớt phần nào gánh nặng về thuế trước các áp lệnh từ chính phủ Mỹ.

    Buổi lễ khai trương nhà máy điện tử gia dụng đầu tiên của Samsung tại Mỹ có sự tham gia của Giám đốc bộ phận điện tử tiêu dùng Samsung, ông Kim Hyun-suk, Thống đốc bang South Carolina, ông Henry McMaster và nhiều chính trị gia khác.

    Hãng điện tử Hàn Quốc khẳng định sẽ đầu tư 380 triệu USD vào cơ sở này trong vòng 3 năm tới với mục tiêu sản xuất 1 triệu chiếc máy giặt và tạo ra hơn 1.000 việc làm mỗi năm.

    Hai dây chuyền sản xuất và lắp ráp có diện tích khoảng 14 ngàn m2. Trong đó, Samsung sẽ kết hợp nguồn cung nội bộ và mô-đun từ đối tác để sản xuất các dòng sản phẩm điện gia dụng đưa tới người tiêu dùng Mỹ.

    Sự xuất hiện của nhà máy điện gia dụng Samsung đầu tiên tại Mỹ là một bất ngờ khá lớn, nói đúng hơn là câu trả lời "cương quyết" của Samsung dù chính quyền Donald Trump có tiếp tục bảo hộ nền kinh tế hay không.

    Hồi tháng 11/2017, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã đưa ra khuyến nghị với chính quyền Donald Trump về việc áp dụng thuế suất 50% đối với hàng nhập khẩu là các sản phẩm máy giặt, điện gia dụng của Samsung và LG.

    Mức thuế suất này được áp dụng khi số lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch 1,2 triệu chiếc trong vòng 3 năm.

    Hãng Whirlpool hiện đang dẫn đầu thị trường máy giặt tại Mỹ với khoảng 40% thị phần, trong khi đó, hai ông lớn LG và Samsung đang chiếm tới 30% thị phần và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

    Chính sách bảo hộ nền kinh tế Mỹ khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc lao đao

    Tất nhiên, cả Samsung và LG đều quan ngại trước động thái bảo hộ của chính quyền Mỹ. Ông Kim Hyun-suk tỏ ra khá lo lắng trước những tác động từ biện pháp bảo vệ nền kinh tế của Mỹ.

    Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ vận hành nhà máy mới ở Mỹ nhưng tôi không chắc rằng, nhà máy này có đủ nguồn lực cung cấp cho toàn bộ thị trường Mỹ hay không. Mức hạn ngạch và thuế suất đều không thuận lợi cho Samsung”.

    Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sẽ công bố quyết định cuối cùng về việc ban hành các đạo luật tự vệ nền kinh tế vào tháng tới.

    Đáp trả lại áp lệnh trên của Mỹ, chính phủ Hàn Quốc cũng yêu cầu Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại hàng năm lên các mặt hàng của Mỹ với giá trị ít nhất 711 triệu USD.

    Chính phủ Hàn Quốc ước tính mức thiệt hại trên sau khi Mỹ không tuân thủ phán quyết đối với các thiết bị điện tử gia dụng của Samsung và LG vào tháng 2/2013.

    Tại thời điểm đó, Mỹ đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá cho nhiều sản phẩm của Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc sau đó kiện Mỹ lên WTO vào tháng 8/2013. Cuối cùng vào tháng 9/2016, WTO đã ra phán quyết có lợi cho Hàn Quốc và buộc Mỹ phải bãi bỏ áp lệnh trên.

    Tham khảo KoreaHerald

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ