Lọt vào thế gọng kìm giữa Apple và các đối thủ Trung Quốc, gã khổng lồ di động Hàn Quốc phải tìm cách bứt phá với những cải tiến trong công nghệ.
Năm 2007, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee nhận định rằng Hàn Quốc đang như một miếng bánh kẹp chẳng mấy thoải mái giữa một bên là các nền kinh tế công nghệ cao phát triển và bên còn lại là Trung Quốc vốn nổi tiếng về giá rẻ.
11 năm sau, công ty lớn nhất Hàn Quốc này quả thực chẳng khác gì miếng bít-tết ở giữa chiếc bánh kẹp. Phía trên là Apple với giá trị 1 nghìn tỷ USD và nhiều sản phẩm được người tiêu dùng thèm khát. Phía dưới là các nhãn hiệu giá rẻ của Trung Quốc với tham vọng mở rộng ra toàn cầu và giành lấy "miếng ăn" của Samsung.
Áp lực từ phía dưới đang ngày một tăng cao. Huawei Technologies (trụ sở tại Thâm Quyến) đẩy Apple xuống vị trí thứ 3 trong Quý 2 (từ tháng 4 đến tháng 6). Dù Samsung vẫn dẫn đầu ngành công nghiệp smartphone toàn cầu - với mức thị phần 20% - sự hiện diện của hãng tại Trung Quốc đang ngày một phai nhạt. Trong Quý 2 vừa qua, hãng chỉ đạt được 1% thị phần tại đất nước đông dân nhất thế giới này; những ngày vinh quang với mức thị phần 2 con số đã trôi về nơi rất xa.
Cùng lúc đó, các nhãn hiệu Trung Quốc gồm Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi đang hành quân vòng quanh châu Á, và thậm chí còn chiếm mất thị phần của Samsung tại phương Tây. Vấn đề đối với Samsung là Trung Quốc hiện nay không chỉ cạnh tranh về mặt giá cả, họ còn đe doạ về mặt cải tiến và chất lượng sản phẩm.
Sự trỗi dậy của các nhãn hiệu Trung Quốc cũng là một điềm gở đối với Apple. Trong nhiều năm qua, hai nhãn hiệu iPhone và Galaxy đã thống trị thị trường di động vốn có giá trị đến 500 tỷ USD. Nhưng ít nhất, Apple còn tạo ra tăng trưởng từ các dịch vụ liên quan đến iPhone nhờ hệ sinh thái iTunes của mình. Giá cổ phiếu của hãng tiếp tục tăng, và hiện tại đã cao hơn 2 tháng trước đây đến 37%.
Trong khi đó, cổ phiếu của Samsung Electronics vẫn không thay đổi là bao trong cùng khoảng thời gian đó, còn lợi nhuận thì ngày càng thu nhỏ lại. Thu nhập ròng ở mức 9,8 tỷ USD trong Quý 2 của Samsung đã không đạt được kỳ vọng của các nhà phân tích, trong bối cảnh doanh số Galaxy cực kỳ ảm đạm. Nhu cầu chip nhớ Samsung dù tăng rất cao nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho doanh thu tụt dốc không phanh của mảng smartphone.
Tình hình càng tồi tệ hơn khi thị trường công nghệ tại Trung Quốc đang dậy sóng. Huawei có khả năng trở thành hãng đầu tiên tung ra thị trường chiếc điện thoại gập đầu tiên - loại công nghệ mà người kế vị Lee Jae-yong đã thề sẽ do Samsung thống trị.
Lee, 50 tuổi, là con trai của Lee Kun-hee (nay đã 76 tuổi). Từ tháng 5/2014, Lee Kun-hee đã phải nhập viện sau một cơn đau tim. Đó cũng là khoảng thời gian đầy sóng gió với Samsung. Đầu năm đó, Lee Jae-yong đã được tha tù sau khi bị tuyên án tham nhũng vào tháng 8/2017. Cũng chính scandal này đã dẫn đến vụ việc Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị tố cáo vào tháng 3/2017. Tiếp đó, scandal điện thoại phát nổ (Galaxy Note7) vào năm 2016 càng khiến Samsung chao đảo hơn, trở thành một biểu tượng chua chát mà hãng không bao giờ muốn nhắc đến.
Những rắc rối về lợi nhuận của Samsung không thể xảy ra ở một thời điểm tồi tệ hơn. Lee Jae-yong từng kỳ vọng có thể tận dụng được lợi thế của dòng sản phẩm Galaxy để biến Samsung từ gã khổng lồ sản xuất thành người tiên phong trên thị trường. Ông muốn tập đoàn hàng đầu quốc gia tiến vào lĩnh vực robotic, trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, xe hơi tự động hoá, và các ngành công nghiệp đột phá khác của tương lai.
Đầu tiên, công ty của Lee phải vượt lên hệ thống kinh tế của quốc gia quê nhà. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Hàn Quốc là "Cộng hoà Samsung". Nếu đoàn tàu Samsung trật bánh, tương lai của 51 triệu người Hàn Quốc cũng vậy. Một mình Samsung đã tạo ra gần 1/4 tổng doanh thu từ thuế của nước này.
Những thách thức đối với Samsung chính là bản sao quy mô nhỏ của những thách thức đối với Hàn Quốc. Cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump thực ra cũng góp một phần nguyên nhân, nhưng vấn đề lớn hơn là các tập đoàn Hàn Quốc, như Samsung chẳng hạn, không tự tạo ra được cuộc chơi cho chính mình.
Cũng như việc Samsung thiếu những sản phẩm mang tính đột phá trên thị trường, cả nền kinh tế Hàn Quốc hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu vắng những ngành công nghiệp mới có khả năng tạo ra việc làm. Trong 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống của mình, bà Park đã cam kết sẽ xây dựng một mô hình tăng trưởng sáng tạo hơn nhằm thay thế cho mô hình vốn bị thống trị bởi các tập đoàn sở hữu gia đình khổng lồ như Samsung. Tuy nhiên, bà lại bị bắt giam vì hối lộ và nhiều scandal liên quan quyền lực khác.
Từ khi thay thế vị trí của Tổng thống Park vào tháng 5/2017, người kế nhiệm Moon Jae-in đã hứa sẽ tạo ra không gian rộng mở cho các startup và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quá trình cải tổ diễn ra chậm chạp, khi mà Moon tập trung nhiều hơn vào việc hoà giải căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, thay vì vào việc giảm tỉ lệ 9,2% người trẻ thất nghiệp. Chưa hết, hệ thống tập đoàn của Hàn Quốc còn tìm cách ngăn cản những thay đổi mà Moon muốn thực hiện.
Những Chaebol Hàn Quốc từ lâu đã được bao bọc bởi một hệ thống chính trị luôn tìm cách giảm nhẹ tính cạnh tranh. Hàn Quốc ngày nay có quá nhiều những gã khổng lồ Goliath già cỗi, và quá ít những chàng David tí hon có khả năng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ. Ngay cả khi một nhóm hiếm hoi những người trẻ tuổi tại đất nước này thành lập một startup đi chăng nữa, Samsung, Daewoo, Hyundai, LG, Lotte và những gã khổng lồ khác cũng sẽ ăn tươi nuốt sống bất kỳ đối thủ cạnh tranh bé nhỏ nào nhăm nhe bước vào cuộc chơi. Bởi kích cỡ quan trọng hơn tầm nhìn, nên Hàn Quốc sản xuất giỏi hơn phát minh.
Thái tử Samsung Lee Jae-yong
Lee Jae-yong lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, khi vừa phải phá vỡ những thông lệ truyền thống của các tập đoàn Hàn Quốc, vừa phải tìm kiếm tinh thần Steve Jobs - thần tượng của Lee - trong chính bản thân mình. Lee cần bắt đầu bằng cách hiện đại hoá cấu trúc quản lý của Samsung, bao gồm dẹp bỏ mạng lưới sở hữu chéo phức tạp. Cần phải thừa nhận rằng, việc này có thể làm giảm đi sự kiểm soát của gia đình Lee đối với Samsung và các công ty con xoay quanh hãng. Hợp nhất Samsung theo tuyến ngang và đẩy mạnh trọng dụng nhân tài là bước đầu tiên tiến đến sự tái sinh của hãng.
Lee Jae-yong và CEO Samsung Electronics Koh Dong-jin cần tăng tốc quá trình chuyển dịch sang lĩnh vực AI và các công nghệ thế hệ mới. Đầu tháng này, Samsung cho biết sẽ bỏ ra 22 tỷ USD để củng cố vị thế tương lai cho tập đoàn, tập trung vào hành động và thúc đẩy các tài năng ngay trong tập đoàn nghĩ lớn và chấp nhận rủi ro.
Nếu Chủ tịch Lee không còn quá nhiều thời gian, thì Lee "thái tử" phải gồng mình để vừa tái định hình tập đoàn từ bên trong, vừa phản công những đối thủ cạnh tranh từ bên ngoài. Vấn đề này ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu cho thấy thị trường smartphone và tablet đã chạm đỉnh. Nếu Samsung không thể tận dụng thời cơ với những sản phẩm mới, thì các công ty khác cũng sẽ làm điều tương tự.
Tất nhiên, Chính phủ Hàn Quốc cần phải làm điều tương tự. Trong khi Nhật Bản đang trên đà trở lại với tinh thần hoang dại quật cường, Trung Quốc thì đang đánh chiếm thị phần, Hàn Quốc phải tận dụng nhiều hơn những ý tưởng và phát minh mới thay vì dựa vào Thung lũng Silicon. Để làm được điều đó, họ cần một cuộc cách mạng về chính sách.
Samsung là người tiên phong trong quá trình biến đổi này. Việc tập đoàn của Lee sẽ đáp trả như thế nào với tình hình bị chèn ép giữa Apple và các đối thủ Trung Quốc sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các cổ đông. Nó thậm chí còn có ý nghĩa nhiều hơn nữa đối với hàng chục triệu người Hàn Quốc.
Tham khảo: NikkeiAsia
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"