Samsung và LG quyết khô máu với chiến lược kinh doanh đề cao "số lượng” để tăng doanh thu smartphone
Khó có thể cạnh tranh về khả năng “phá giá” của các đối thủ Trung Quốc, các hãng smartphone Hàn Quốc đang tính áp dụng chiến lược kinh doanh số đông để giành lại lợi thế và tạo độ phủ sóng rộng hơn trên thị trường.
Theo giới thạo tin, Samsung và LG sẽ áp dụng chính sách mới để tăng doanh thu smartphone thông qua việc tung nhiều mẫu smartphone mới hơn trong năm 2018.
Dù là những người đi trước trên thị trường smartphone nhưng cả Samsung và LG đều đang phải vật lộn để cạnh tranh với những "cây măng" vô cùng khỏe mạnh
Điều này gần như tương phản với trọng tâm trước đây của hai hãng điện tử Hàn Quốc, đó là tập trung kiếm doanh thu từ những mẫu smartphone cao cấp.
Tính đến nay cả Samsung và LG đã tung ra 9 và 8 mẫu smartphone mới chỉ trong vòng nửa đầu năm 2018. So với số smartphone tung ra trong năm 2016 và 2017 chỉ là 11 mẫu thì đây quả thực là một con số rất ấn tượng.
Nhưng bất ngờ hơn thế khi chính sách mới được cả Samsung và LG áp dụng trong thời điểm thị trường smartphone toàn cầu đang suy giảm. Tổng sản lượng smartphone xuất xưởng toàn cầu trong Q1/2018 đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Strategy Analytics cho thấy, thị phần toàn cầu của Samsung đã giảm xuống chỉ còn 22,6% trong Q1/2018, giảm nhẹ từ mức 22,7% hồi năm ngoái. Trong khi thị phần của LG giảm xuống chỉ còn 3,3%.
Cũng trong Q1/2018, thị phần của Apple lại tăng nhẹ từ 14,4% lên 15,1%. Huawei cũng tăng 2% thị phần và đạt 11,4%. Trong khi Xiaomi tăng gấp đôi thị phần để chạm mốc 8,2%.
Khác với các ông lớn Hàn Quốc, những nhà sản xuất Trung Quốc luôn lấy lợi thế về cấu hình và giá bán để cạnh tranh trực tiếp với đối thủ.
Nhờ lợi thế được chính phủ hậu thuẫn, nguồn tài nguyên và nhân công sẵn có nên các hãng như Xiaomi hay Huawei, OnePlus dễ dàng tạo ra các sản phẩm có cấu hình khủng nhưng giá bản chỉ bằng một nửa so với những mẫu smartphone cao cấp từ các thương hiệu lớn như Samsung hay LG.
Kết quả là doanh số của Samsung hay LG tại nhiều thị trường trọng điểm trước kia như Châu Á và Châu Âu bất ngờ lao dốc không phanh trong khi các "tay chơi mới nổi" như Huawei, Xiaomi lại lên như diều gặp gió.
Bằng chứng dễ thấy nhất là doanh số tăng mạnh của các hãng sản xuất Trung Quốc. Huawei khẳng định đã bán được hơn 6 triệu chiếc P20 kể từ khi ra mắt vào tháng 6, tăng 81% so với phiên bản P10 trước đó.
Hay như Xiaomi Mi 8 cũng chứng kiến doanh số bán hàng cao ngất ngưởng, thậm chí sản phẩm còn khan hàng trong những ngày đầu lên kệ. Chỉ trong vòng 18 ngày đầu bán ra thị trường, Xiaomi đã bán được hơn 1 triệu chiếc Mi 8. Đó là những con số đáng nể và cũng đáng gờm với các hãng sản xuất Hàn Quốc như Samsung.
Không chỉ chiếm ưu thế tại các thị trường trọng điểm ở Nam Á, Đông Nam Á, một số hãng smartphone ví dụ như Huawei còn liều lĩnh lấn sân sang các thị trường Đông Á khó tính như Nhật Bản và thậm chí quê hương của Samsung và LG là Hàn Quốc.
Có lẽ bởi vậy, để đối chọi lại với chiến lược cấu hình cao giá rẻ của đối thủ, hai hãng smartphone hàng đầu Hàn Quốc buộc phải chọn cách tung ra càng nhiều smartphone càng tốt, hòng đánh phủ đầu và tạo sự hiện diện dày đặc hơn trên thị trường.
Chưa rõ chiến lược này có đem lại kết quả theo hướng thuận lợi hay không nhưng đây có thể là con dao hai lưỡi nếu doanh số không như mong muốn.
Tham khảo Digitimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"