(GenK.vn) - Cơ quan thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc nhận định chiếc máy bay P-8A Mỹ điều tới Nhật Bản cuối năm 2013 chưa thể hiện hiệu quả trong nhiệm vụ săn ngầm và do thám.
Trong bản báo cáo thường niên về các loại vũ khí chủ chốt của quân đội Mỹ được tờ Bloomberg trích dẫn, Michael Gilmore, người phụ trách Cơ quan thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc nhận xét rằng, chiếc máy bay săn ngầm P-8A Poseidon mới chứa đựng "tất cả những thiếu sót lớn" như đã được xác định trong các cuộc diễn tập trước đó khi nó phải trải qua các cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu thực tế căng thẳng hơn từ tháng 9/2012 tới tháng 3/2013. Các vấn đề chủ yếu nằm ở hoạt động của radar, tích hợp cảm biến và truyền dữ liệu của máy bay.
Cụ thể, Gilmore cho biết các đợt thử nghiệm chiến đấu thực tế gần đây đã xác nhận các lỗi được phát hiện trước đó đối với radar của P-8A, cho thấy hạn chế trong hoạt động của radar trước một số mục tiêu. Những chi tiết về vấn đề này hiện đang được bảo mật. Hãng Raytheon là nhà chế tạo radar trên bộ và trên biển nói trên.
Bên cạnh đó, thững trục trặc đối với các thiết bị điện tử trên máy bay dùng để phát hiện radar chống máy bay của đối phương đã hạn chế việc phát hiện các mối đe dọa, đồng thời làm giảm nghiêm trọng khả năng hoạt động và sống sót của máy bay khi thực hiện các nhiệm vụ lớn. Được biết, các thiết bị hỗ trợ điện tử của P-8A do tập đoàn Northrop Grumman cung cấp.
Rất nhiều trong số những thiếu sót nói trên đã khiến Gilmore đưa ra nhận định rằng chiếc P-8A sẽ không phát huy hiệu quả trong các nhiệm vụ do thám, theo dõi, trinh sát, cũng như đối với nhiệm vụ săn ngầm trong một khu vực rộng lớn.
Kết luận của Gilmore ám chỉ rằng những chiếc P-8A đầu tiên của chương trình 35 tỷ USD, vốn là một chiếc Boeing 737-800 được cải tiến trang bị với radar và các cảm biến, hiện vẫn chưa sẵn sàng để triển khai. Một trong những nhiệm vụ cơ bản mà P-8A phải thực hiện là theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc. Mới đây, 6 trong số những máy bay này đã được triển khai tới Nhật Bản nhằm hỗ trợ hoạt động tuần tra của Hạm đội 7 tại căn cứ Không quân Hải quân Atsugi.
Trong khi đó, trong một thông cáo báo chí ngày 10/1, Phó Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 phát biểu rằng P-8A "chứa đựng bước cải tiến đáng kể" so với chiếc P-3C Orion đời trước của hãng Lockheed Martin, nó “mang lại khả năng phát hiện, theo dõi và báo cáo về nhiều mục tiêu hơn trước đây”. Trong chuyến thăm tới Nhật Bản hồi tháng 10/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng hết lời tung hô những công nghệ tối tân của P-8A.
Tháng trước, hãng Boeing đã bàn giao chiếc P-8A thứ 13 cho Hải quân Mỹ. Trước đó, vào tháng 11/2013, Hải quân Mỹ tuyên bố chiếc máy bay này đã sẵn sàng triển khai chiến đấu sau khi thấy rằng nó "đáp ứng được đầy đủ" các tiêu chí về hoạt động tuần tra hiệu quả.Caroline Hutcheson, người phát ngôn của Hải quân Mỹ trả lời trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng: “Chiếc P-8A đã sẵn sàng và sẽ đáp ứng hơn cả sự kì vọng của chỉ huy Hải quân Mỹ”.
"Hầu hết các vấn đề được nêu ra đã được xác định và Hải quân Mỹ đã triển khai nâng cấp các phần mềm để khắc phục những thiếu sót" - Hutcheson cho biết.
Tuy nhiên, tới thời điểm bản báo cáo của Gilmore được đưa ra, chưa có ai công khai đưa ra bình luận hay phản đối về vấn đề này.
Trước đó, cơ quan của Gilmore đã kết luận rằng loại P-8A chỉ phát huy vai trò trong các hoạt động tìm kiếm, săn ngầm ở những khu vực nhỏ tương tự như phạm vị hoạt động của chiếc P-3C Orion trước đó. Ngoài ra, chúng cũng phát huy hiệu quả trong việc đảm nhiệm các nhiệm vụ tác chiến chống tàu mặt nước phi vũ trang, radar và những cảm biến hỗ trợ tạo hiệu quả trong các hoạt động tìm kiếm mục tiêu mặt nước trong mọi điều kiện thời tiết. Bên cạnh đó, cơ quan thử nghiệm này cũng kết luận rằng khung máy bay của P-8A "có sự cải thiện rõ rệt về độ tin cậy, khả năng phục hồi và khả năng huy động" so với P-3C. Nhìn chung hệ thống của Boeing cung cấp phạm vi hoạt động, khả năng chứa vũ khí và tốc độ được tăng lên đáng kể.
Hiện tại, Hải quân Mỹ đang tiến hành thêm các đợt thử nghiệm để đánh giá một vài cải tiến kĩ thuật hệ thống trên các máy bay P-8A, sau đó sẽ được cơ quan kiểm định của Gilmore đánh giá lại khi bàn giao. Hải quân Mỹ hiện có kế hoạch triển khai hai lô máy bay nâng cấp để cải thiện khả năng tác chiến săn ngầm trong những năm tới và đã triển khai những kế hoạch đánh giá tổng thể, cũng như thử nghiệm tương ứng để đánh giá những cải tiến trên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"