Sau 4.000 năm thất truyền, các nhà khoa học tuyên bố đã tìm ra được luật chơi của một boardgame có từ thời cổ đại
Sau hàng thiên niên kỷ bị lãng quên, một trong những boardgame cổ xưa nhất thế giới có thể đã được giải mã cách chơi, hoặc ít nhất là một phiên bản gần đúng đầy thú vị.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1977, khi các nhà khảo cổ học người Ý và Iran khai quật một khu nghĩa trang tại Shahr-i Sokhta, thuộc vùng đông nam Iran. Trong ngôi mộ mang số hiệu 731, họ phát hiện ra một món đồ kỳ lạ: một boardgame cổ, được xác định có niên đại từ 2600–2400 TCN thông qua phương pháp định tuổi bằng phóng xạ carbon.
Tuy nhiên, món cổ vật này không được chôn cất cùng với sách hướng dẫn cách chơi, khiến các nhà khoa học chỉ còn biết suy đoán dựa trên những manh mối ít ỏi còn sót lại. Dẫu vậy, những nỗ lực nghiên cứu đã giúp chúng ta tái dựng được một bộ quy tắc tương đối hợp lý, giúp trò chơi có thể chơi được trong thời hiện đại.
Đây không phải là lần đầu tiên một boardgame cổ xưa được phát hiện. Một trò chơi nổi tiếng khác là Royal Game of Ur – một boardgame có niên đại cùng thời, từng phổ biến tại vùng Mesopotamia. May mắn hơn, luật chơi của trò này đã được ghi lại trên một tấm bảng chữ hình nêm, giúp nhà nghiên cứu Irving Finkel của Bảo tàng Anh giải mã và phục dựng để chơi lại sau hàng ngàn năm.
Dựa trên sự tương đồng giữa hai trò chơi, nhóm nghiên cứu Shahr-i Sokhta đã phỏng đoán rằng boardgame này cũng là một trò chơi chiến lược dạng "chạy đua", nhưng có tính chiến thuật cao hơn nhờ các quân cản (blocker) và các quy tắc phức tạp hơn.
Theo nhóm nghiên cứu, mục tiêu của trò chơi là đưa toàn bộ 10 quân cờ của mình ra khỏi bàn chơi trước đối thủ. Để làm được điều này, người chơi cần tận dụng xúc xắc để di chuyển các quân cờ, bao gồm cả quân chạy (runner) và quân cản (blocker).
Quân cản không thể tấn công quân cản của đối thủ, mà tập trung vào việc cản trở bước tiến của quân chạy. Mỗi khi quân chạy bị tấn công, quân đó phải quay lại điểm xuất phát. Cách di chuyển của quân cản có thể được điều chỉnh chiến lược hơn nhờ các kết quả đặc biệt từ xúc xắc. Những yếu tố này khiến trò chơi được xem như một phiên bản "backgammon thời tiền sử" – đơn giản mà đầy cuốn hút.
Để kiểm tra tính khả thi, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trò chơi với 50 người chơi có kinh nghiệm. Kết quả cho thấy boardgame này không chỉ dễ hiểu mà còn mang lại trải nghiệm thú vị và kịch tính. Một số người chơi còn so sánh boardgame này với Royal Game of Ur, nhưng nhận xét rằng luật chơi mới mang tính chiến thuật cao hơn.
Dù không thể chắc chắn 100% rằng luật chơi hiện tại trùng khớp với bản gốc, nhưng điều này không làm giảm đi sự hấp dẫn của trò chơi. Thậm chí, như nhóm nghiên cứu nhận định, ngay cả những trò chơi hiện đại như Monopoly, nhiều người cũng thường không chơi theo đúng luật mà nhà sản xuất đưa ra.
Điều thú vị là giờ đây bạn có thể thử chơi trò chơi cổ đại này trực tuyến nhờ vào nỗ lực phục dựng của nhóm nghiên cứu. Boardgame này không chỉ giúp chúng ta hình dung về lối sống và văn hóa của con người thời tiền sử, mà còn mang đến trải nghiệm độc đáo khi chính tay chúng ta điều khiển những quân cờ đã từng lăn trên bàn chơi cách đây hơn 4.000 năm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Chúng ta có thể đã sai về T. rex một lần nữa: 'Thông minh như khỉ' hay chỉ là lời đồn?