Sau hàng thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học đã giải mã được máy tính 2000 tuổi cổ nhất thế giới
Với niên đại hơn 2000 năm cùng những bí ẩn bị chôn vùi dưới đáy biển suốt thời gian qua, chiếc "máy tính" Hy Lạp cổ đại này từng gắn liền với nhiều câu hỏi mà hiện các nhà khoa học chưa tìm ra hết lời giải đáp cuối cùng xác đáng nhất.
Được tìm thấy và thu thập trên một xác tàu đắm thuộc khu vực gần đảo Crete (Hy Lạp) vào năm 1901, Antikythera Mechanism là tên gọi được các nhà khoa học gán cho chiếc máy tính có niên đại cổ nhất thế giới. Đặc biệt, một quá trình nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ được tiến hành trên thiết bị “lão làng” này đã hé mở nhiều bí ẩn từ trước tới nay chưa có lời giải đáp, liên quan tới cả việc chiếc máy tính còn được dùng vào những khía cạnh khác bên cạnh thiên văn học – lĩnh vực mà trước đó các nhà khoa học đã cho là mục đích duy nhất của việc tạo ra thiết bị trên.
Khám phá ra cổ vật Antikythera Mechanism là một trong những phát hiện đáng kinh ngạc và có ý nghĩa to lớn đối với ngành khảo cổ học, không chỉ chứng tỏ khả năng vượt trội trong kỹ thuật và công nghệ mà còn cả những lĩnh hội, nhận thức phi thường của người Hy Lạp cổ về vũ trụ, thiên văn học.Với cấu trúc có phần giống một chiếc đồng hồ làm bằng đồng, vai trò chủ yếu của dụng cụ này được dành để dự đoán thời điểm xảy ra nhật thực và nguyệt thực, đi kèm với sự chuyển đổi, tuần hoàn trong vị trí của các hành tinh và mặt trăng, mặt trời.
Tất nhiên, đây không thể là thiết bị được lập trình theo ngôn ngữ, hay ít nhất là dưới dạng gần như vậy so với thế hệ hiện đại, nhưng vẫn được coi là chiếc “máy tính” đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất. Xuất hiện vào khoảng năm 60 trước Công nguyên, đây thật sự là một thiết kế sáng tạo độc đáo có một không hai trong lịch sử phát triển của loài người.
Kể từ khi được trục vớt từ đáy biển Địa Trung Hải, các nhà nghiên cứu đã sốt sắng vào cuộc để làm rõ lý do và mục đích cỗ máy này được tạo ra. Không có một cuốn “sổ tay hướng dẫn” nào được tìm thấy kèm theo, nhưng lại có hàng tá những văn bản đi liền với nó đề cập đến những thiết bị tương tự đã từng tồn tại. Vì vậy, đội ngũ phụ trách đang dốc hết sức mình để tìm kiếm câu trả lời bằng cách xem xét, phân tích mọi cấu tạo và chức năng của chiếc máy tính.
Ngày hôm qua, tại một sự kiện diễn ra ở Thư viện Lịch sử Katerina Laskaridis (Hy Lạp), một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đưa ra công bố chính thức về tiến trình nghiên cứu cổ vật đã tốn đến hàng thập kỷ vừa qua. Kết quả thật đáng kinh ngạc: Mọi số liệu thu được đều chứng tỏ những dự đoán trước đó hầu hết là chính xác, thậm chí còn cung cấp thêm bằng chứng bất ngờ về những chi tiết mới được hé lộ.
Cụ thể, cấu tạo vật lý của chiếc máy tính không phải là một gánh nặng quá khó khăn đối với những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, vì vậy, trong quá trình “đào bới” sâu hơn nhằm tìm hiểu thêm về chức năng và vai trò vận hành, các nhà khoa học đã xem xét đến những dòng chữ khắc tỉ mỉ, công phu hiện lên ở bề mặt 82 mảnh ráp rời rạc. Vài ký hiệu và chữ cái có kích cỡ chỉ 1,2 mm chiều ngang (1/20 inch), xuất hiện ở cả những cạnh trước, sau và bên trong thiết bị. Để có thể thực hiện công đoạn trên, các chuyên gia phân tích đã phải sử dụng đến kỹ thuật thu thập dữ liệu hình ảnh hiện đại nhất như công nghệ chiếu tia X hiện nay.
“Thực chất, nhiệm vụ chính là tìm ra cơ chế hoạt động của chiếc máy tính, và thật sự kết quả đã phần nào thỏa mãn được niềm mong đợi của chúng tôi,” Mike Edmunds, Giáo sư Vật lý thiên văn tại Đại học Cardiff chia sẻ. “Điều duy nhất chúng tôi cảm thấy hơi tiếc nuối đó là tác dụng thiết thực của công nghệ hiện đại trong việc diễn giải, biểu hiện những chi tiết cổ lẽ ra phải được áp dụng sớm hơn trong quá trình nghiên cứu”. Nhìn tổng thể, khoảng 3.500 chữ cái, ký tự là con số đội ngũ phân tích đã “đọc” được cho tới thời điểm bấy giờ.
“Những dòng chữ đó giờ đây là chi tiết giá trị cho công cuộc tìm hiểu văn hóa và công nghệ Hy Lạp cổ; trước đấy, bằng chứng thu được chỉ là những tín hiệu radio nhiễu loạn, không rõ mục đích,” giải thích bởi Alexander Jones, nhà sử học tại Đại học New York. “Điều đó thực sự có ý nghĩa rất lớn vì cỗ máy này có nguồn gốc từ một thời điểm mà chúng ta hầu như không biết gì nhiều về thiên văn học cũng như công nghệ Hy Lạp cổ, ngoại trừ kết quả thu được cho tới hiện nay,” cho biết thêm bởi Jones.
Chiếc máy tính được mô tả như một loại thiết bị chỉ dẫn của các nhà triết gia, có tác dụng đối chiếu, theo dõi vị trí của các hành tinh, mặt trăng và mặt trời. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần dùng để nghiên cứu thiên văn, các nhà khoa học cho rằng nó cũng được sử dụng để phục vụ mục đích tiên đoán những hiện tượng xảy ra trong tương lai, dựa vào các dòng khắc có nội dung thể hiện, thông báo về một sự kiện nhật thực sắp xảy ra.
“Đến nay chúng tôi vẫn chưa thể giải thích tường tận giả thuyết này, nhưng chắc chắn những ký tự trên có điểm tương đồng, liên quan tới một hình thức, dấu hiệu dự đoán trước thời điểm tương lai,” trích lời Edmunds. “Dữ liệu được diễn giải qua dòng khắc cũng ám chỉ một loại hình thông tin nhất định chứ không chung chung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi đang đi đúng hướng, góp phần phát hiện thêm nhiều chức năng gắn liền với cả sự vận động của các vì sao, hơn là chỉ thuộc lĩnh vực thiên văn học đơn thuần”.
Dù vậy, sau cùng các nhà nghiên cứu vẫn kết luận rằng mục đích chính của Antikythera Mechanism là thiên văn học nói chung chứ không thật sự tập trung hoàn toàn vào khía cạnh chi tiết nào. Nếu được lấy một ví dụ so sánh cụ thể và dễ hiểu nhất thì nó giống như một cuốn sổ ghi hay một chiếc tablet hiện nay hơn là thiết bị dùng để nghiên cứu.
“Không phải là công cụ tính toán dành cho các nhà thiên văn hay chiêm tinh học, chiếc máy tính này thực ra là phương thức được họ áp dụng để truyền bá, giáo dục nhận thức về vũ trụ và những lĩnh vực liên quan nói chung,” Jones phát biểu thêm. “Tương tự như một quyển sổ ghi chép tâm đắc, nó cung cấp lời giải đáp cho nhiều câu hỏi về chuyển động của các vì sao và tác động của chúng đối với nền kinh tế, văn hóa và môi trường Hy Lạp cổ”.
Bên cạnh đó, theo nguồn tin bên lề về một vài khám phá khác, Antikythera Mechanism thực ra được chế tạo trên đảo Rhodes (đông nam biển Aegea, Hy Lạp), và không phải là chiếc duy nhất từng xuất hiện trong lịch sử phát triển của con người. Những phân mảnh khác của dòng ký tự khắc trên thân cũng cung cấp thêm bằng chứng về việc có ít nhất 2 người tham gia vào quá trình phát minh cỗ máy (và có thể là nhiều người khác nữa thực hiện những quy trình sản xuất phụ kiện đi kèm).
“Chắc bạn cũng có thể tự nhận ra là hẳn phải có cả một "phân xưởng" phụ trách quá trình này, chứ không thể đơn thuần là một cá nhân được nhỉ,” Edmunds trả lời hóm hỉnh.
Tham khảo: Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI