Khai tử Note7 nhưng không có nghĩa cuộc khủng hoảng do chiếc smartphone này gây ra đã kết thúc.
Hôm nay công ty Samsung Electronics vừa phải thông báo cắt giảm 1/3 dự tính lợi nhuận hàng quý của mình, có thể lên đến 2,3 tỷ USD, do hậu quả từ việc loại bỏ chiếc smartphone hàng đầu Note7. Cho đến nay, chiếc Galaxy Note 7 có lẽ là một trong những sản phẩm thất bại gây hậu quả tốn kém nhất trong lịch sử công nghệ.
Những thiệt hại tài chính từ việc loại bỏ chiếc smartphone Galaxy Note7 sau một đợt thu hồi toàn cầu và nhiều tuần khắc phục vấn đề, đã làm nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới này cho biết, họ kỳ vọng lợi nhuận của họ trong quý III (từ tháng Bẩy đến tháng Chín) sẽ chỉ ở mức 5.200 tỷ Won (khoảng 4,7 tỷ USD), giảm so với mức 7.800 tỷ Won (gần 7 tỷ USD) ước tính trước đây.
Trong tuyên bố của mình, Samsung cho biết khoản cắt giảm trị giá 2.600 tỷ Won (khoảng 2,3 tỷ USD) này cho thấy những tác động lên doanh thu và thu nhập từ quyết định dừng bán chiếc Note7 này. Ước tính doanh thu quý III của công ty cũng bị cắt giảm xuống còn khoảng 47.000 tỷ Won (khoảng 42 tỷ USD) thay vì 49.000 tỷ Won (gần 44 tỷ USD) như trước đây.
Việc ước tính thu nhập mới thấp hơn đến 30% so với lợi nhuận hoạt động cùng kỳ năm 2015 đã buộc các nhà đầu tư và các nhà phân tích phải cân nhắc tác động lâu dài lên thương hiệu và thu nhập của Samsung. Trong đó, các smartphone đối thủ của Samsung trong sân chơi Android sẽ là người được hưởng lợi nhiều từ sự cố của Note7, do người dùng sẽ tìm kiếm nhà cung cấp khác.
“Có thể lợi nhuận quý bốn sẽ vẫn bị ảnh hưởng, nhưng nó sẽ không lớn như quý ba.” Park Jung-hoon, nhà quản lý quỹ tại HDC Asset Management, quỹ đang sở hữu cổ phần của Samsung, cho biết. “Tôi nghĩ rất có thể lợi nhuận quý bốn sẽ nằm trong khoảng 7.000 tỷ Won (6,2 tỷ USD).”
Cổ phiếu của Samsung ngày hôm nay kết thúc ở mức giảm 0,7%, với việc thị trường chứng khoán Seoul đóng cửa trước khi bản ước tính thu nhập được công bố.
Ông Park cho biết những chỉ dẫn ban đầu về thu nhập được phát hành tuần trước đã cho thấy vấn đề của chiếc Note7 đã gây ra tác động 1.000 tỷ Won (gần 900 triệu USD) đến lợi nhuận, làm cho tổng thu nhập quý ba chỉ vào khoảng 3.600 tỷ Won (khoảng 3,22 tỷ USD). Trong khi đây đã là một cú đánh mạnh vào công ty, các nhà đầu tư vẫn e ngại rằng con số ảnh hưởng đến lợi nhuận sẽ lớn hơn 5.000 tỷ Won (gần 4,5 tỷ USD).
Có thể sẽ phải mua lại hàng tỷ USD cổ phiếu?
Cổ phiếu Samsung đã giảm 10% trong tuần này và vẫn đang tiếp tục đà sụt giảm theo tuần lớn nhất kể từ tháng Năm năm 2012. Thậm chí nó đã xuống đến mức thấp nhất trong tháng khi chạm mức giá 1.494.000 Won do các nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc khủng hoảng Note7 có thể gây thiệt hại lâu dài đến danh tiếng và thu nhập của Samsung.
Một số nhà đầu tư cho biết Samsung có thể cần trả lại tiền mặt cho các cổ đông, bằng cách chia cổ tức hoặc mua lại bổ sung, để trấn an thị trường đang bất ổn. Ông Park thuộc quỹ HDC cho biết, tập đoàn giàu tiền mặt này có thể phải thông báo một đợt mua lại cổ phiếu trị giá từ 2.000 tỷ Won (khoảng 1,79 tỷ USD) cho đến 3.000 tỷ Won (khoảng 2,69 tỷ USD) để xoa dịu các cổ đông đang bực tức.
Đầu tháng Chín vừa qua, người khổng lồ công nghệ này đã thông báo một đợt thu hồi khoảng 2,5 triệu chiếc Note 7 sau hàng loạt các báo cáo cho thấy chiếc điện thoại này bị bắt cháy. Hãng tưởng chừng như đã kiểm soát được tình hình khi họ đưa ra chương trình thay thế thiết bị với các viên pin khác, cho đến khi những chiếc điện thoại được thay mới cũng bắt đầu bốc khói và cháy.
Các nhà đầu tư và phân tích đều cho rằng thiệt hại đến thương hiệu và thu nhập tương lai của Samsung sẽ kéo dài hơn nữa, cho đến khi nào nguồn gốc của vấn đề được làm sáng tỏ. Một số người khác còn dự đoán rằng số doanh thu bị sụt giảm do vấn đề này có thể lên đến 17 tỷ USD cho Samsung.
“Cần phải có lời giải thích từ Samsung để người tiêu dùng biết rằng vấn đề sẽ không xảy ra đối với các phiên bản tiếp theo. Samsung cần giải thích rõ ràng và thừa nhận sai lầm nào đã xảy ra.” Nhà quản lý quỹ IBK Asset Management, Kim Hyun-su cho biết. Nhà quản lý quỹ này cũng đang sở hữu cổ phần của Samsung.
Những nhà quản lý quỹ này cho biết, vụ việc Note7 đang thúc đẩy Samsung ra mắt chiếc smartphone dòng S-series mới nhất của mình càng sớm càng tốt. Thông thường, công ty Hàn Quốc này sẽ ra mắt chiếc Galaxy S mới bên lề triển lãm công nghệ Mobile World Congress (thường tổ chức vào quý một hàng năm) để cạnh tranh với Apple trên thị trường smartphone.
Kiểm soát thiệt hại
Các chuyên gia đang bối rối về nguyên nhân gây ra hiện tượng quá nhiệt trên những chiếc điện thoại đã được thay thế, tuy nhiên Samsung cũng chưa bình luận gì. Một quan chức giấu tên tại Cơ quan Tiêu chuẩn và Công nghệ Hàn Quốc, đơn vị điều tra vấn đề này cùng với Samsung, cho rằng lỗi ở những chiếc điện thoại thay thế không giống với vấn đề của những sản phẩm ban đầu.
Các cơ quan hàng không và các hãng hàng không trên thế giới đang yêu cầu hành khách tắt chiếc Note7 và không để chúng trong hành lý ký gửi khi đi máy bay, do lo ngại chúng có thể gây hại cho chuyến bay.
“Bộ phận kiểm soát thiệt hại của Samsung sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để lấy lại hình ảnh, vốn đã bị hoen ố do sản phẩm của họ gây nguy hiểm cho người dùng.” Vijay Michalik, một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Frost & Sullivan cho biết.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, trong khi những thiệt hại cho thương hiệu của Samsung vẫn khó ước lượng được bằng tài chính, việc thu hồi các sản phẩm hỏng có thể gây ra một cuộc đua tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất Android khác để giành lấy thị phần mà Note7 bỏ lại. Với việc đại đa số người dùng vẫn chỉ lựa chọn giữa iOS của Apple và Android của Google, việc Samsung sẩy chân đang là cơ hội cho các nhà sản xuất khác như LG Electronics và Google thuộc Alphabet.
Tham khảo Reuters
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI