Sau tất cả, hãy công nhận Microsoft là công ty công nghệ thú vị và sáng tạo nhất trong năm 2016
Microsoft đã có một năm 2016 tuyệt vời với vị thế của một công ty công nghệ thú vị và sáng tạo nhất trên thế giới.
Năm 2016 là một năm tuyệt vời của các tín đồ công nghệ với đầy đủ các cung bậc cảm xúc khác nhau. Và Microsoft là một trong những cái tên quan trọng nhất góp phần tạo ra bức tranh công nghệ đầy màu sắc đó.
Công bằng mà nói những thành quả của Microsoft chưa đến mức thay đổi cả thế giới công nghệ. Tuy nhiên, hình ảnh Microsoft năm 2016 là một công ty phần mềm nhiều tham vọng và tự tin hơn bao giờ hết. Điều này thể hiện cụ thể qua nhiều thiết bị cải tiến và một số sản phẩm mới đáng chú ý. Nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất của Microsoft là việc người dùng thường đề cập đến công ty với tất cả sự phấn khích.
Đối thủ gần nhất của Microsoft là Google đã có một năm kinh doanh “được nhiều mà mất cũng không phải ít”. Google đã khai tử thương hiệu được yêu thích Nexus để trình làng dòng flagship mới Pixel. Google Pixel được giới công nghệ đánh giá cao, đặc biệt là ở tính năng chụp ảnh nhưng cuối cùng đây cũng không phải là một chiếc smartphone mang tính cách mạng. Một cái mới nữa của Google là phiên bản Android 7.0 Nougat với một số cải tiến quan trọng nhưng vấn đề là vẫn còn quá ít người dùng được tận hưởng phiên bản Android mới nhất. Theo thống kê, sau 3 tháng phát hành, mới chỉ có 0,4% thiết bị được lên đời Android Nougat – một con số quá nhỏ nếu so sánh với tốc độ cập nhật phiên bản iOS mới nhất từ Apple.
Google cũng gây nhiều chú ý với việc trình làng 2 ứng dụng tin nhắn mới trong tháng Năm là Allo và Duo. Tuy nhiên, hiệu ứng mang lại từ phía người dùng vẫn chưa được khả quan lắm. Google cũng ồ ạt thu nhỏ tham vọng của mình trong nhiều lĩnh vực mặc dù chúng khá tiềm năng. Dự án điện thoại lắp ghép Ara bị giết chết, lĩnh vực xe tự lái có dấu hiệu chững lại so với nhiều đối thủ khác.
Apple có một năm 2016 không trọn vẹn với một loạt thất vọng. Đầu tiên là dòng sản phẩm MacBook Pro với tính năng Touch Bar được chào mời như là ý tưởng sáng tạo đỉnh cao của Apple. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây chỉ là một tính năng tinh tế được cải tiến từ các ý tưởng cũ của những công ty khác. Các cổng kết nối của MacBook Pro cũng gây khó khăn trong việc kết nối với các thiết bị khác (kể cả iPhone).
Sau đó là ý tưởng loại bỏ jack cắm tai nghe 3.5mm quen thuộc trên iPhone mới. Đi kèm với quyết định này là việc ra mắt tai nghe không dây AirPods. Sản phẩm này sau nhiều lần trì hoãn đã có mặt trên thị trường nhưng lại gặp phàn nàn của người dùng về thời lượng pin. Bên cạnh đó, một số bản cập nhật phần mềm (iOS, watchOS) cũng gây ra nhiều lỗi cho thiết bị. Trong khi đó, một chiếc máy tính để bàn Mac mới mà nhiều người trông chờ từ lâu lại không được Apple đáp ứng.
Trước đây, có một khoảng thời gian dài, Microsoft được xem là một tập đoàn nhàm chán, thiếu sáng tạo và họ phải vật lộn với chính mình để thay đổi hình ảnh này. Nhưng năm 2016 là một năm rất khác với Microsoft khi họ vượt qua được những quan điểm “cổ hủ” đã đeo bám công ty nhiều năm trước. Tháng Mười vừa qua, Mashable từng có một bài viết về Microsoft với tựa đề: “Hãy thừa nhận điều đó: Microsoft hiện nay là một công ty dũng cảm, sáng tạo hơn so với Apple”. Trang công nghệ uy tín Theverge cũng đăng tải một bài viết tương tự ca ngợi những ý tưởng táo bạo của Microsoft với dòng sản phẩm desktop.
Tháng Bảy vừa qua, Microsoft thừa nhận rằng họ khó lòng đạt được mục tiêu 1 tỷ thiết bị chạy Windows 10 vào năm 2018. Hơi kì lạ khi công ty đổ lỗi cho việc kinh doanh điện thoại của mình, mặc cho điện thoại Windows chưa bao giờ đóng góp đáng kể vào doanh số bán hàng của Microsoft. Thật vậy, chỉ vài tháng sau khi Terry Myerson – giám đốc phụ trách Windows – công bố mục tiêu đến năm 2015, Microsoft đã thua lỗ 7,6 tỷ USD vào việc kinh doanh điện thoại thông minh (chủ yếu liên quan đến thương vụ mua lại mảng di động của Nokia). Cùng với đó là việc sa thải khoảng 7.800 nhân viên trong vòng đầu tiên của kế hoạch cải tổ lớn.
Việc cơ cấu lại tác động xấu lên nền tảng điện thoại Windows trong năm 2016. Microsoft cuối cùng cũng tung ra 4 thiết bị chạy Windows 10 Mobile trong tháng Hai nhưng hiện tại chúng chỉ còn bán ra tại một số thị trường vì doanh số thấp. Song song đó, Microsoft vẫn không nói gì đến một phiên bản thay thế cho những thiết bị này trong năm mới.
Chỉ có một số ít nhà sản xuất cam kết phát hành các thiết bị chạy Windows 10 Mobile và những công ty này cũng không bán ra được quá nhiều các sản phẩm chạy hệ điều hành của Microsoft. Theo ước tính của IDC thì cuối năm 2016, thị phần điện thoại Windows chỉ còn chiếm 0,4%. Trong đó, 97% điện thoại chạy Windows 10 mang thương hiệu Lumia. Việc Microsoft tạm rút lui khỏi thị trường phần cứng điện thoại đã ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh thái di động của công ty.
Tuy nhiên, tương lai cho những chiếc điện thoại Windows trong tương lai có lẽ tươi sáng hơn một chút. Đầu tháng Mười Hai, Microsoft đã chính thức thông báo kế hoạch mang đến một hệ điều hành Windows 10 đầy đủ hơn cho các thiết bị di động sử dụng chip Snapdragon của Qualcomm.
Trong khi nhiều người mong đợi những chiếc máy tính xách tay và máy tính bảng mới của Microsoft thì cũng không ít fan trông chờ chiếc điện thoại “Surface Phone” mà theo tin đồn là sẽ được trình làng vào đầu năm 2017.
Tháng Tám vừa qua, Microsoft phát hành bản cập nhật Windows 10 Anniversary dành cho máy tính, điện thoại, HoloLens, Xbox One và nhiều thiết bị khác. So với bản cập nhật khiêm tốn vào cuối năm 2015, Windows 10 Anniversary mang đến nhiều thay đổi lớn cho hệ điều hành của Microsoft bao gồm Cortana, Action Center mới, trải nghiệm Windows Ink tốt hơn…
Bản cập nhật này nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người sử dụng dù cho nó cũng gây ra phiền toái cho một số máy tính, ví dụ như khiến hàng triệu webcam không hoạt động.
Trong tháng Mười, Microsoft đã công bố chi tiết bản cập nhật lớn tiếp theo là Creators Update sẽ đến vào năm 2017. Bản cập nhật này sẽ mở rộng và cải tiến nhiều tính năng của hệ điều hành. Thông báo này cũng đề cập đến một thiết bị thú vị mới trong năm nay.
Microsoft còn gì nữa trong năm 2016? Đó là việc ra mắt Surface Studio – một chiếc máy tính để bàn tất cả trong một tập trung vào sự sáng tạo. Thiết bị sở hữu một màn hình hiển thị 28 inch với sự hỗ trợ của bút cảm ứng Surface Pen, cho phép người dùng vẽ và viết trực tiếp lên màn hình. Thiết kế sản phẩm này của Microsoft giành được nhiều lời khen từ giới công nghệ và người dùng, đặc biệt là màn hình LCD mỏng nhất từ trước đến nay.
Nhiều nhà quan sát đã tỏ ra ngạc nhiên khi Microsoft thiết kế được một thiết bị như vậy và liên tưởng đến một chiếc máy tính được xây dựng bởi Apple trước đây. Điều đáng nói là những lời khen dành cho Microsoft đến trong bối cảnh Apple bị chỉ trích vì đã “cạn” ý tưởng sáng tạo trong thời gian qua.
Cùng với Surface Studio, Microsoft cũng giới thiệu Surface Dial – “một công cụ mới cho quá trình sáng tạo”. Thiết bị dạng hình trụ này có thể đặt trực tiếp lên màn hình Surface Studio để truy cập nhanh đến nhiều Menu (kể cả trên các ứng dụng cảm ứng). Surface Dial cũng tương thích với nhiều thiết bị Windows khác ở các mức độ khác nhau.
Trong khi Apple quay lưng lại với số khách hàng trung thành nhất của mình, Microsoft đã dang tay ôm lấy tất cả người dùng, trên tất cả các nền tảng.
Trong tháng 2/2016, Microsoft mua lại nền tảng chuyên phát triển ứng dụng Xamarin. Một tuần sau đó, họ tuyên bố công cụ phát triển của Xamarin giờ là mã nguồn mở và được phát hành rộng rãi cho mọi người. Điều này cho thấy ước muốn của Microsoft trong việc cung cấp những trải nghiệm phát triển phần mềm tốt nhất và hoàn thiện nhất.
Thương vụ này cũng là tiền đề giúp Microsoft phát hành Visual Studio cho Mac trong tháng Mười Một, cũng như Visual Studio 2017 và Visual Studio Center Mobile – “một trung tâm điều khiển cho các ứng dụng di động”, khiến các phần mềm được phát triển cho điện thoại và máy tính bảng trở trên mượt mà và ít phức tạp hơn.
Cùng với thông báo đó, Microsoft cũng đã công bố một bản thử nghiệm của SQL Server on Linux.
Tháng 9/2016, Microsoft đã ra một một thông báo hết sức quan trọng – sự hình thành một trí tuệ nhân tạo mới và Research Group với sự tham gia của hơn 5000 nhà khoa học máy tính. Vào đầu năm nay, Dave Coplin của Microsoft đã mô tả AI là "công nghệ quan trọng nhất trên hành tinh". Ông nói: “Công nghệ này sẽ thay đổi cách chúng ta liên quan đến công nghệ. Nó sẽ thay đổi cách chúng ta liên quan đến nhau. Tôi cho rằng nó thậm chí sẽ thay đổi cách chúng ta nhận thức những gì nó có nghĩa là con người”.
Dĩ nhiên, Microsoft còn phải hoàn thiện công nghệ AI của mình hơn nữa trong tương lai.
Microsoft cho biết họ có kế hoạch “xây dựng siêu máy tính AI mạnh mẽ nhất thế giới với Azure và làm cho nó sẵn sàng phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người”. Họ cũng hứa rằng sẽ làm cho “AI thay đổi sự tương tác của con người và máy tính thông qua Cortana”.
Mới đây, công ty đã tiến một bước lớn hướng tới việc khai thác đầy đủ tiềm năng của trợ lý kỹ thuật số khi giới thiệu Cortana Skills Kit và Devices SDK mới. Những công cụ mới này cho phép các công ty kết nối với trợ lý ảo bằng nhiều cách đa dạng hơn trước đây, giúp mở rộng trải nghiệm của người dùng. Các nhà sản xuất cũng dễ dàng hơn trong việc thiết kế các thiết bị riêng với Cortana. Thiết bị đầu tiên như vậy đã được Harman Kardon tiết lộ trong tuần vừa qua.
Báo cáo tài chính trong quý gần nhất của Microsoft cũng cho thấy một sự tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều bộ phận kinh doanh. Cụ thể, doanh thu Office 365 tăng 51% (so với cùng kỳ năm trước), Dynamics tăng 11% và đặc biệt là dịch vụ đám mây Azure tăng trưởng đến 116%.
Thành công này đã đẩy giá cổ phiếu của công ty liên tục tăng trưởng trong năm qua.
Giới công nghệ đang theo dõi sát sao mọi chuyển động của Microsoft khi công ty này mua lại nền tảng mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn hồi tháng Sáu với giá 26,2 tỷ USD. Đây là thương vụ có giá trị lớn nhất của Microsoft từ trước đến nay.
Dù cho phải bỏ ra một số tiền lớn nhưng Microsoft cũng được lợi không nhỏ từ thương vụ này. Họ đã bắt đầu tích hợp LinkedIn với các dịch vụ quan trọng của công ty.
Tại triễn lãm game E3 diễn ra hồi tháng Sáu vừa qua, Microsoft đã tiết lộ chương trình “Xbox Play Anywhere program” cho phép người dùng mua trò chơi một lần và có thể chơi cả trên máy tính lẫn Xbox One mà không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào nữa. Trò chơi đầu tiên của chương trình này được phát hành là ReCore (trong tháng Chín) nhưng Microsoft hi vọng sẽ có thêm nhiều game nữa trong thời gian tới.
Tại sự kiện này, Microsoft cũng đã công bố Xbox One S, phiên bản cập nhật (và nhỏ hơn nhiều) của thiết bị chơi game cầm tay mà họ đã công bố từ cuối năm 2013. Với sự hỗ trợ HDR và các nội dung 4K, Xbox One S có giá khởi điểm 299 USD (được phát hành cùng với một số trò chơi miễn phí). Ngoài ra để lôi kéo người dùng, Microsoft cho biết Xbox One S cũng sẽ được tích hợp nhiều dịch vụ khác của công ty.
Điều này chắc chắn sẽ làm tăng sức hấp dẫn cho dòng máy chơi game cầm tay của Microsoft sau nhiều năm bị PlayStation 4 vượt mặt. Trong tháng Mười Một vừa qua, Xbox One và One S đã chiếm 56% thị phần thiết bị chơi game cầm tay tại Anh. Trong khi đó, tại Mỹ, thiết bị của Microsoft bán chạy hơn PS4 trong 3 tháng liên tiếp.
Bên cạnh đó, tại sự kiện E3 vừa qua, Microsoft cũng đã hé lộ thông tin về “Project Scorpio”: một dự án với tham vọng tạo ra một thiết bị chơi game cầm tay mạnh nhất từ trước đến nay. Thiết bị này cũng sẽ hỗ trợ 4K, các nội dung thực tế ảo và nhiều khả năng sẽ được phát hành vào cuối năm 2017.
Sau tất cả những gì đã làm được, bạn thấy Microsoft có xứng đáng với danh hiệu “công ty công nghệ thú vị nhất năm 2016” hay không?
Tham khảo: Neowin
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời