Sẽ không có chuyện HongMeng "nhanh hơn 60% so với Android", và hệ điều hành của Huawei cũng chẳng bao giờ thay thế được Android cả
Chính bản thân Huawei cũng hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Kể từ khi Huawei bị chặn đường làm ăn với các công ty Mỹ, hệ điều hành do công ty này tự phát triển cũng được nhắc đến nhiều hơn. Với các fan cuồng của Huawei, "HongMeng OS" được coi là một vũ khí có thể giúp xóa bỏ vị thế thống trị của Android.
Ít lâu sau, ước muốn này như được thổi bùng lên với phát biểu của Richard Yu, CEO mảng điện tử người tiêu dùng Huawei: "HongMeng OS nhanh hơn Android tới 60%". Ngay sau đó, Xiaomi, OPPO, Vivo và Tencent cũng đã được Huawei mời tham gia thử nghiệm hệ điều hành này: nếu HongMeng nhanh vượt trội so với Android đến vậy, người Trung có còn cần Android?
Nhanh hơn 60% so với Android???
Fan cuồng Huawei và những hy vọng dành cho HongMeng...
Nhưng thực tế không phải là như vậy. Đầu tiên, vấn đề lớn nhất là các báo đã đăng tải tuyên bố của ông Yu một cách... thiếu hiểu biết. Nguyên văn công bố của ông Yu như sau: "Hệ điều hành này đã được phát triển từ 2012, sẽ tương thích với toàn bộ ứng dụng Android và ứng dụng nền web. Nếu các ứng dụng Android được biên dịch lại, hiệu năng (trên HongMeng) sẽ được cải thiện 60%".
Đây mới là cách hiểu đúng: HongMeng có tương thích với Android, nhưng ứng dụng Android chạy trên HongMeng vẫn sẽ mang tính chắp vá. Các lập trình viên phải biên dịch lại mã nguồn thì ứng dụng của họ mới chạy được trên HongMeng ở độ tương thích cao nhất, tương đương với mức cải thiện 60% so với ứng dụng Android chạy giả lập. Nếu không, HongMeng chạy ứng dụng Android cũng chẳng khác gì BB10 chạy ứng dụng Android ngày trước, vẫn là chắp vá, vẫn là trải nghiệm dở tệ.
60% vì người ta hiểu sai những gì Richard Yu đã nói.
Thực tế, vẫn chưa có một sự so sánh trước tiếp nào giữa HongMeng và Android. Ngay chính chủ tịch Nhậm Chính Phi khi trả lời phỏng vấn cũng nói HongMeng "rất có thể" sẽ nhanh hơn Android chứ không đưa ra một con số cụ thể nào cả. Nếu Huawei thực sự có thể vượt mặt Android về hiệu năng (cùng một ứng dụng, trên cùng một phần cứng), đó sẽ là... điều kỳ diệu hoang đường.
Điều kỳ diệu hoang đường
Đầu tiên, tiền đâu? Quý 1 vừa qua, Google kiếm 6,6 tỷ USD lợi nhuận trên 36,3 tỷ USD doanh thu. Trong CẢ NĂM 2018, lợi nhuận của Huawei chỉ là 8,8 tỷ USD. Cứ giả sử Huawei vung tiền để phát triển một hệ điều hành thực sự là đối thủ của Android, chắc chắn ông lớn Trung Quốc vẫn sẽ hụt hơi trước Google.
Tiếp theo là vấn đề kinh nghiệm. Tất cả các hệ điều hành di động hiện tại, từ HongMeng cho đến Android, Tizen (Samsung) hay Sailfish (phát triển từ MeeGo của Nokia) đều bắt nguồn từ Linux. Nhưng Google (và trước đó là công ty Android của Andy Rubin) đã có 16 năm phát triển và cải thiện hệ điều hành con cưng của mình. Năm 2013, Google thậm chí còn ra mắt một bộ runtime (môi trường thực thi ứng dụng) mới cho Android.
Bắt kịp 16 năm phát triển và núi tiền 100 tỷ đô của Google ư?
Để phát triển được một hệ điều hành có độ hoàn thiện cao như Android trong vòng 1, 2 hay 3 năm là bất khả thi. Người dùng sẽ không ngồi đợi Huawei hoàn thiện hệ điều hành mới. Tại sao họ lại phải chờ đợi trong khi Samsung, Xiaomi, OPPO... vẫn cứ ra mắt Android?
Chết như BB10 và Windows Phone
Các nhà phát triển cũng sẽ không chờ đợi HongMeng chứng tỏ bản thân. Hãy nhớ rằng, theo đúng nhận định của Richard Yu, ứng dụng HongMeng chạy trực tiếp (native) sẽ có hiệu năng cải thiện tăng 60% so với ứng dụng Android chưa biên dịch lại. Điều này có nghĩa rằng giữa HongMeng và Android có sự khác biệt sâu xa về mặt kỹ thuật, và đi kèm với đó là một hệ sinh thái ứng dụng đòi hỏi nhiều công sức từ các bên thứ ba.
BB10 và Windows Phone đã chết theo cách này. Đó đều không phải là các hệ điều hành tệ, nhưng vì ra mắt muộn mà không thu hút được các nhà phát triển ứng dụng. Không có ứng dụng là không có người dùng.
Bản thân Huawei hiểu rõ điều này hơn ai hết. Mới gần đây, phó chủ tịch Liang Hua đã lên tiếng khẳng định: "HongMeng OS chủ yếu được phát triển cho thiết bị IoT để giảm độ trễ. Với smartphone, chúng tôi vẫn dùng Android và coi hệ sinh thái này là sự lựa chọn hàng đầu". Chủ tịch Nhậm Chính Phi trước đó cũng đã khẳng định điều tương tự, nhưng chẳng ai để ý tới cả.
Tức là, HongMeng rồi cũng sẽ như Tizen của Samsung. Cho dù tham vọng có lớn đến mấy, thay thế Android trên smartphone vẫn là điều không thể. Huawei đủ thông minh để hiểu điều này, và chắc chắn gã khổng lồ Trung Quốc sẽ không phí công sức để tạo ra một đối thủ thực thụ cho Android.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"