Sẽ không còn chiếc smartphone nào được trang bị pin rời nữa, đây là lý do tại sao
Điện thoại với pin rời đã từng rất phổ biến vào những năm 1990 - 2000. Tuy nhiên hiện nay, có nhiều tính năng khác mà chúng ta phải ưu tiên thay vì những viên pin có thể tháo lắp được.
RâSau vụ lùm xùm Apple hạ hiệu năng iPhone với pin đã chai, nhiều người dùng dù đã chấp nhận tha thứ và tạm hài lòng với đề xuất giảm giá thay pin chỉ còn 29 USD, thì một số người khác vẫn tiếp tục chỉ trích Apple vì không thiết kế những chiếc iPhone với pin có thể tháo rời được.
Thoạt nghe thì đây là một ý tưởng khá...dễ thương, nhưng cũng khá thiển cận. Vấn đề không phải ở chỗ Apple không thể tạo ra một chiếc iPhone với pin rời, mà việc này chẳng có chút nghĩa lý gì. Ở thời điểm hiện tại, có nhiều tính năng khác mà các nhà sản xuất phải ưu tiên thay vì cứ giữ mãi những viên pin có thể tháo lắp vốn từng rất phổ biến vào những năm 1990 - 2000.
Đầu tiên, chúng ta hãy "học" lại lịch sử một chút. Việc đòi hỏi Apple làm ra iPhone với pin rời là điều không bao giờ có thể xảy ra được. Nếu bạn nói rằng đừng bao giờ nói không bao giờ, thì tôi xin khẳng định luôn là đừng trông ngóng điều đó, bởi từ trước đến nay, Apple chưa từng tung ra một mẫu iPhone nào mà người dùng có thể dễ dàng thay pin, chứ đừng nói đến việc bản thân viên pin đó có thể tháo ra lắp vào được.
Viên pin iPhone luôn được dán cứng bên trong thân máy và cách duy nhất để thay nó là bạn phải mang đến dịch vụ của Apple, hoặc tự mua một bộ công cụ và thử chơi trò "bé khéo tay", chấp nhận mất luôn bảo hành của máy!
Rất lâu từ trước cả khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào tháng 1/2007, Apple đã quyết định không đội trời chung với pin rời. Đó có thể là một lựa chọn thiết kế chướng tai gai mắt vào thời điểm đó, khi mà mọi chiếc điện thoại đều có pin rời, nhưng cuối cùng chính nó mới là điều đúng đắn mà mọi hãng smartphone sau này đều phải đi theo.
Đã có những chiếc điện thoại Android quảng cáo những viên pin rời "như một tính năng" để phân biệt chúng với iPhone, nhưng ngay lúc này bạn hãy nhìn lại thị trường Android thử xem? Bạn có thể kể tên một chiếc flagship Android với pin rời không? Samsung đã loại bỏ pin rời từ năm 2014 với hai dòng flagship là Galaxy S và Galaxy Note, trong khi LG là một trong những công ty cuối cùng từ bỏ pin rời sau chiếc G5 vào năm 2016.
Ưu tiên các tính năng khác
Tại sao các công ty ngừng sản xuất smartphone với pin rời? Tất nhiên câu trả lời không phải là: họ bắt chước Apple.
Khi bạn đưa ra quyết định không làm điều gì đó, tức là bạn đang đưa ra quyết định sẽ dành phần trống đó cho một thứ khác. Trong trường hợp của các điện thoại với pin rời, các nhà sản xuất quyết định hàn chết pin vào trong máy bởi nhiều lý do, trong đó nổi bật là:
- Mang lại thiết kế cao cấp hơn: pin rời rất tiện, nhưng chúng cũng góp phần làm giới hạn thiết kế của điện thoại. Lấy Galaxy S5 và Note 4 làm ví dụ: chúng đều tương đồng nhau ở chỗ có mặt lưng bằng nhựa mà khi tháo ra sẽ để lộ viên pin. Đó là một điều tốt, trừ khi người dùng muốn vỏ máy làm bằng chất liệu tốt hơn. Dù Note 4 có khung sườn kim loại, nhưng chiếc S5 với thân máy bằng nhựa và mặt sau trông như một miếng băng cá nhân đã khiến cộng đồng mạng cho rằng không phù hợp với xu hướng kim loại và kính đang nổi lên. Samsung sau đó đã chuyển qua thiết kế kính và kim loại trên chiếc S6 và thu được thành công vang đội từ đó trở đi.
Thân máy bằng kim loại và kính rõ ràng không mấy ăn khớp với pin rời. Chiếc LG G5 là một ví dụ. Việc hàn cứng pin vào thân máy sẽ làm cho smartphone mỏng hơn, đồng thời việc sử dụng các thiết kế mới với nguyên liệu cao cấp sẽ không thể đạt tính thẩm mỹ tối đa khi phải lo về viên pin rời.
- Chống nước: bạn muốn điện thoại của mình vẫn sống tốt sau khi bị rơi xuống hồ bơi hay toilet, có lẽ bạn sẽ cần phải thiết kế điện thoại càng ít khe hở và bên trong được "niêm phong" càng kỹ càng tốt để bảo vệ các linh kiện bên trong. Bạn không thể đạt được điều này nếu máy của bạn có nắp sau dễ rớt ra và bể, khiến nước có thể lọt vào trong máy. Chưa kể nhiều máy còn chống cả bụi nữa và chẳng ai muốn các hạt đá nhỏ xíu hay hạt cát làm hỏng linh kiện bên trong máy.
- Có không gian cho các thứ khác: rõ ràng một viên pin rời sẽ chiếm nhiều diện tích hơn bên trong một thân máy vốn đã khá chật chội của những chiếc smartphone ngày nay. Không như pin dính cứng, pin rời sẽ cần được bọc một lớp bảo vệ bên ngoài để giúp hạn chế các tác động từ bên ngoài trong quá trình sử dụng. Chính lớp bảo vệ này đã làm cho máy dày lên, và tất nhiên trong bối cảnh nhà nhà làm điện thoại mỏng, chỉ 1 milimet dày thêm cũng khiến bạn mất lợi thế cạnh tranh.
Thay vì phung phí không gian cho lớp bảo vệ pin, các nhà thiết kế và kỹ sư có thể tận dụng không gian cho các tính năng khác, như hệ thống loa tốt hơn (có thể là stereo chẳng hạn), hay sạc không dây, hay các miếng đệm phụ thêm để gia tăng khả năng chống chịu thời tiết, hay thêm một cảm biến vân tay ở mặt lưng...
- Những viên pin có hình dạng khác lạ: pin rời thường chỉ có thể được thiết kế hình chữ nhật hoặc vuông để dễ tháo lắp. Còn ngày nay, pin thường được thiết kế để lưu trữ nhiều năng lượng hơn, với các hình thù khác lạ hơn. Ví dụ: LG G2 sử dụng một viên pin có dạng bậc thang để có thể tận dụng tối đa thiết kế pin cong ở các cạnh. iPhone X thì sử dụng viên pin hình chữ L độc đáo, gồm 2 cell pin ghép lại.
Nếu những chiếc máy như vậy sử dụng pin rời hình chữ nhật truyền thống, chúng chắc chắn sẽ không thể có được thời lượng pin tuyệt vời như hiện tại. Về cơ bản, một chiếc smartphone với pin rời ngày nay sẽ to, nặng, và trông thật ngu ngốc.
Đã đến lúc bước tiếp rồi
Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta vẫn có hàng chục lý do để yêu quý một chiếc điện thoại với pin rời.
Pin rời thân thiện với môi trường hơn, bởi nếu pin hỏng, bạn chỉ việc thay pin chứ chẳng cần ném cả chiếc máy ra bãi rác.
Chúng cũng sẽ giải quyết gọn gẽ vấn đề chai pin mà Apple đang vướng phải, bởi chỉ cần thay một viên pin mới là mọi chuyện sẽ chẳng còn to tát nữa. Thậm chí bạn có thể mua pin của bên thứ 3 với giá rẻ hơn pin chính hãng, mà chất lượng cũng gần như nhau.
Cuối cùng, pin rời cho phép bạn có thể mang sẵn một vài viên dự trữ thay vì những cục sạc dự phòng nặng nề dễ cháy nổ.
Nhưng cũng như cái chết của cổng PS/2, ổ mềm, jack âm thanh 3.5... có lẽ đã đến lúc bước tiếp rồi. Pin rời quả thật rất thực dụng, và nó bị giới hạn bởi các thiết kế và công nghệ cũ, khi các điện thoại còn dày như một thanh snicker mà tính năng thì chẳng được là bao.
Có thể trong một thế giới hoàn hảo nào đó, bạn sẽ được sở hữu một chiếc iPhone X với pin rời. Nhưng chúng ta không sống trong thế giới hoàn hảo. Cuộc sống là phải đánh đổi, và chúng ta đã quyết định đánh đổi pin rời để lấy các tính năng đáng giá hơn. Nếu chúng ta không chấp nhận đánh đổi, có lẽ chiếc iPhone đã "ngủm" từ nhiều năm trước rồi.
Bạn có thể tiếp tục mơ ước, nhưng nó sẽ không thành hiện thực đâu. Tương lai của điện thoại sẽ ngày càng được tích hợp nhiều thành phần đặc trưng của từng nhà sản xuất hơn, và chắc chắn sẽ càng nguyên khối hơn cả thời điểm hiện tại.
Tham khảo: Mashable
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín