Từ chuyện pin iPhone: Chỉ gay gắt với một mình Apple thôi là không công bằng
Đây không phải là bài viết để bênh vực Apple. Đây là bài viết yêu cầu quyền lợi cho tất cả người dùng smartphone, bất kể họ đã lựa chọn thương hiệu nào.
*Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả
Khi đọc bài viết của biên tập viên Jacob Kastrenakes của trang công nghệ The Verge về việc Apple cố tình làm chậm iPhone đã bị chai pin, điều khiến tôi chú ý nhất không phải là nguyên nhân được Apple đưa ra. Trái lại, chỉ một câu nói của Kasstrenakes đã làm tôi nhíu mày:
"Hơn nữa, chúng ta cũng không biết là liệu các hãng khác có giảm hiệu suất của điện thoại cũ như Apple hay không. Không riêng Apple, tất cả các nhà sản xuất điện thoại đều luôn tìm cách giảm thiểu các vấn đề liên quan tới pin. Kết tội Apple là đúng nhưng nên nhớ, họ có thể không phải là những người duy nhất làm việc này."
Nhân danh pin làm chậm máy là một hành động khó có thể chấp nhận.
Bởi tôi đã sử dụng cả iPhone và nhiều chiếc Android trong một thời gian dài. Chiếc iPhone 5 của tôi có hiện tượng chậm giật sau khi pin chai, không thể phủ nhận được. iPad Air cũng vậy.
Nhưng chiếc One M7, sau một thời gian cũng chậm giật dù đã reset máy. Chiếc Nexus 5 dùng được 2 năm thì chậm đến mức không thể dùng được nữa vì cứ bật lên ít lâu là nóng.
Thực tế, theo lời kể của 2 người bạn tôi đang dùng Google Pixel 1 và Galaxy S8, họ cũng có cảm giác smartphone bị chậm đi sau một thời gian.
Nhưng ai sẽ xác thực sản phẩm của đối thủ cũng không bị chậm theo thời gian?
Bạn đọc đọc đến đây chắc chắn đã chau mày. Chỉ là “cảm giác” chậm đi mà thôi. Việc những chiếc Android bị chậm đi chưa bị chứng minh rõ ràng, chưa được nhà sản xuất xác nhận như trường hợp của iPhone.
Càng khó khăn hơn nữa, “gian lận” trong benchmark Android đã bị các nhà sản xuất Android áp dụng từ khi hệ điều hành này mới ra đời cho đến tận bây giờ. Trong một bài viết vào đầu tháng 2 vừa qua để "vạch mặt" OnePlus (nhãn hiệu "anh em" của OPPO và Vivo), trang Android Authority chỉ ra rằng để đảm bảo thời lượng pin, các mẫu smartphone Android thường được thiết kế để không hoạt động hết công suất nhằm tăng thời lượng pin và bảo vệ thiết bị.
Thế nhưng, khi phát hiện ra ID của ứng dụng benchmark, các nhà sản xuất Android có thể dễ dàng ép xung chip chỉ trong vòng 1, 2 phút để tăng điểm. Kiểm tra hiệu năng thực tế của Android thực chất đã là một nhiệm vụ khó khăn hơn kiểm tra iOS rất nhiều, xác thực các chiêu trò với pin/hiệu năng sẽ lại càng khó khăn hơn.
Dĩ nhiên, không có nhãn hiệu nào muốn thừa nhận smartphone của họ chậm đi sau một thời gian sử dụng. Vấn đề là, chúng ta mới chỉ bỏ công sức để kiểm tra iPhone mà thôi.
Hiện tượng riêng mình Apple "đứng mũi chịu sào" (dù đúng hay sai) đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, trong suốt những năm tháng theo dõi thị trường công nghệ, tôi vẫn chưa từng thấy một sự cố bảo mật đình đám trên Android nào có thể gây chú ý bằng việc một công ty bảo mật qua mặt Face ID theo những cách... phi thực tế. Thậm chí, chưa cần nói đến sinh trắc học, Android đã tồn tại vô số lỗ hổng cho phép hacker lấy cắp thông tin từ xa chứ không cần đến tận nơi và cầm máy quét 3D “quơ quơ” trước mặt “nạn nhân” để tạo một chiếc mặt nạ đủ chính xác trong vòng 5 lần thử/48 giờ.
Hoặc, khi Apple bỏ cổng tai nghe khỏi iPhone, mọi sự chỉ trích đều nhắm vào Apple. Nhưng khi các hãng như Xiaomi, HTC, Motorola, Google, Huawei làm vậy thì những lời chỉ trích lại không gay gắt đến mức bùng nổ như khi nhắm vào Apple. Sự thật là người dùng của tất cả các hãng này đều phải chịu chung một sự bất tiện khi không còn cổng tai nghe.
Hoặc, khi Apple đứng lên chống lại FBI, người ta cũng nhanh chóng chỉ trích “Apple chống lại luật pháp” mà không nhận ra rằng Google và Microsoft cũng đứng về phe Apple trên tòa án. Khi Apple và Qualcomm thực hiện cuộc chiến pháp lý, nhiều người cũng chỉ mong Apple thua cuộc mà không nhận ra rằng cả Samsung, Intel, Google đều đứng về phía Apple.
Lùi sâu hơn nữa về quá khứ, những câu chuyện tương tự cũng đã từng xảy ra. Khi MacBook Air ra mắt, người ta đã nhanh chóng chỉ trích thậm tệ chiếc laptop này vì thiếu quá nhiều cổng kết nối.
Thế rồi, các hãng đối thủ đều làm theo Apple. Chẳng có chiếc Ultrabook nào khiến người ta xôn xao cả. Cuối cùng, người dùng đã bị đẩy đến chỗ phải chấp nhận những chiếc laptop thiếu cổng kết nối.
Có những scandal bắt đầu từ Apple...
Tôi chỉ ra những điều này không phải để nói “À, vì đối thủ cũng thiếu sót nên tôi sẵn sàng chấp nhận những thiếu sót của Apple”. Tôi nói những điều này để chỉ ra rằng, nếu chúng ta không nghiêm khắc với các thương hiệu khác như đang nghiêm khắc với Apple, đến cuối cùng, chính chúng ta sẽ là người chịu thiệt.
Hãy nhớ lại sự cố “bendgate” của iPhone 6 Plus. Sau scandal này, Apple đã gia cố chắc chắn hơn cho lớp vỏ của 6 Plus. Nhưng một hiệu ứng đáng khích lệ khác của Bendgate là nhiều tờ báo, nhiều kênh YouTube đã có thói quen... mang smartphone ra bẻ.
Cuối năm 2015, chiếc Nexus 6P do Huawei sản xuất bị bẻ dễ dàng như... bẻ bánh quy. Những tranh cãi nổ ra, và bất kể là ai đúng sai sai thì những chiếc Huawei đầu bảng sau đó đều khó bẻ cong hơn. Suốt 2 năm qua, người tiêu dùng đã không còn phải chấp nhận những chiếc smartphone dễ cong trong điều kiện sử dụng thực tế.
Hoặc, khi Apple vừa mới sao chép stylus lên iPad Pro thì Galaxy Note 5 cũng gặp "sự cố" rất "giời ơi đất hỡi" là người dùng cắm ngược bút. Không vòng vo, Samsung đã thẳng thắn cải tiến tất cả các sản phẩm Note5 ra mắt sau đó với đầu tẩy rộng hơn. Trong việc cắm ngược S Pen đã là vô cùng hy hữu, ở đây rõ ràng hãng smartphone Hàn Quốc vẫn chấp nhận phản hồi để phục vụ người dùng tốt hơn nữa: khả năng bút bị kẹt trong máy đã giảm từ... 1% xuống còn 0%. Chỉ bằng một chút phản hồi (vô lý), người dùng đã được hưởng lợi.
Những câu chuyện hiện tại cũng cần đi theo một hướng tương tự. Khi Geenbench chỉ có thể xác thực trên iOS còn Android vốn đã có truyền thống gian lận benchmark, tất cả chúng ta đều đang tập trung mọi sự chỉ trích vào Apple mà không nhận ra rằng smartphone nào cũng có thể bị “ngầm” làm chậm để đẩy người mua sang đời mới. Khi một công ty tuyên bố “bảo mật khuôn mặt luôn kém cỏi” nhưng cũng không có ai thử hack và chứng minh rằng vân tay và mật khẩu an toàn hơn Face ID thì những gì tất cả người dùng phải chấp nhận có thể đều chỉ là... những chiếc smartphone bảo mật kém cỏi.
Còn chuyện có thể hay chắc chắn, một lần nữa, phải gay gắt với tất cả các nhãn hiệu chúng ta mới có được câu trả lời.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?