Shein - Startup mạnh nhất thế giới thời điểm này: Được định giá 66 tỷ USD, tuyên bố đã có lãi khiến Zara, H&M run sợ

    Phương Linh , Nhịp sống thị trường 

    Shein là startup hiếm hoi tuyên bố đã có lãi tính tới thời điểm này.

    Shein - Startup mạnh nhất thế giới thời điểm này: Được định giá 66 tỷ USD, tuyên bố đã có lãi khiến Zara, H&M run sợ - Ảnh 1.

    Trong một bức thư gửi các nhà đầu tư mới đây, Shein cho biết họ đã ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay trong nửa đầu năm nay. Điều đáng nói là thông tin này được tiết lộ ra bên ngoài khi mà có tin đồn về việc gã khổng lồ thời trang nhanh sắp nộp đơn xin chào bán cổ phiếu công khai lần đầu tiên tại Mỹ.

    Thông báo hôm thứ tư từ Phó chủ tịch điều hành của Shein là Donald Tang, cho thấy startup này ghi nhận tăng trưởng doanh số bán hàng tăng tốc và lợi nhuận được cải thiện trong nửa đầu năm 2023 so với nửa cuối năm 2022.

    “Chúng tôi đã ghi nhận lợi nhuận nửa đầu năm cao nhất trong lịch sử công ty so với mức gần hòa vốn trong cùng giai đoạn vào năm 2022”, ông Tang viết. “Đặc biệt, động lực phát triển ở Mỹ tiếp tục diễn ra đã củng cố lại vị thế dẫn đầu thị trường của chúng tôi”.

    Công ty thời trang của Trung Quốc cung cấp nhiều lựa chọn sản phẩm từ váy, áo croptop và quần jean với mức rẻ nhằm thu hút thế hệ Gen Z và người tiêu dùng trẻ. Công ty này cũng đang củng cố bản thân là công ty bán lẻ dẫn đầu trong thị trường thời trang nhanh vốn rất đông đúc.

    Công ty này đã thu về 23 tỷ USD doanh thu trong năm 2022 và hiện trị giá 66 tỷ USD theo nguồn tin của WSJ.

    Shein đã có thời gian dài tập trung vào việc ra mắt hàng nghìn phong cách mới dựa trên các xu hướng mới nhất nhưng công ty này cũng đang nỗ lực để phát triển hơn nữa nền tảng trực tuyến của mình.

    Cụ thể, sàn online của Shein cho phép các nhà cung cấp bên thứ ba xuất hiện, những người bán nhiều loại hàng hóa cho khách hàng của Shein. Hoạt động này cho phép Shein tăng doanh thu, cung cấp sản phẩm nhanh hơn và thu hút người mua sắm mới mà không phải đau đầu về sản xuất và quản lý hàng tồn kho.

    Trong thư, ông Tang đã đi sâu vào chiến lược thị trường của Shein và sự ra mắt gần đây của nền tảng trực tuyến ở Brazil và Mỹ. Ông nói với các nhà đầu tư rằng tổng giá trị hàng hóa được bán kể từ đầu năm 2023 đã tăng gấp ba lần lên gần 100 triệu USD ở Brazil, với 6.000 người bán trên thị trường đang hoạt động.

    “Nền tảng online của Shien hiện chiếm 1/3 GMV (tổng giá trị hàng hóa) của Brazil. Hơn nữa, chúng tôi tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm trên nền tảng của mình ngoài thời trang và quần áo sang những thứ khác gồm cả đồ gia dụng và đồ dùng nhà bếp”.

    Shein tuyên bố ra mắt nền tảng online tại Brazil và Mỹ vào tháng 5. Công ty cũng lên kế hoạch mở sàn tương tự tại Mexico, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Ý.

    IPO

    Shein – công ty vốn đã nhiều lần được đồn đoán IPO hiện đối mặt với những sự theo dõi sát sao về hoạt động giao dịch và chuỗi cung ứng, cùng với cáo buộc vi phạm sở hữu trí tuệ và vấn đề bóc lột lao động. Công ty hoàn toàn chối bỏ những cáo buộc vi phạm sở hữu trí tuệ và còn khẳng định rằng “không tha thứ” cho hành động bóc lột lao động.

    Mới đây, H&M đã khởi kiện Shein vì "vi phạm bản quyền", theo các tài liệu tòa án được nộp tại Hong Kong. Cụ thể, Hennes & Mauritz - công ty thời trang của Thụy Điển (thường được gọi tắt là H&M) cáo buộc Shein sao chép các thiết kế từ thương hiệu. H&M đang xác định những thiệt hại, đồng thời xin lệnh tòa án để ngăn Shein vi phảm bản quyền và nhãn hiệu của hãng.

    Zoetop Business Co - chủ sở hữu cũ của Shein có trụ sở tại Hong Kong và Shein Group Ltd được coi là bị đơn trong vụ kiện này. Bên cạnh đó, một chuỗi kiện tụng đã được tiến hành kể từ tháng 7/2021.

    "Chúng tôi tin rằng Shein đã nhiều lần vi phạm bản quyền các thiết kế của H&M, do đó dẫn đến vụ kiện này. Và bởi sự việc vẫn đang tiến hành, nên chúng tôi sẽ không chia sẻ thêm" , phía H&M cho biết. Trong khi đó, phía Shein từ chối bình luận về vụ kiện đang chờ giải quyết.

    Trên thực tế, Shein nhiều lần bị tố vi phạm bản quyền trong suốt 3 năm qua. Theo như The Independent, đã có hơn chục vụ kiện chống lại Shein chỉ trong năm nay tại Mỹ, các nguyên đơn cáo buộc hãng này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các luật sự cho rằng hành động vi phạm bản quyền của Shein là một phần trong mô hình kinh doanh của hãng, và công ty thường trả một khoản tiền nhỏ cho các nhà thiết kế.

    Hồi tháng 6, một cơ quan của chính phủ Mỹ đã công bố báo cáo chỉ trích việc Shein sử dụng quy tắc tối thiểu cho phép các nhà bán lẻ nhập sản phẩm vào Mỹ được miễn thuế và ít sự soi xét miễn là những gói hàng có giá trị dưới 800 USD.

    Hôm thứ 3, ông Tang đã gửi thư tới Hiệp hội quần áo và trang phục thể thao Mỹ kêu gọi toàn ngành công nghiệp hướng tới xây dựng lại quy định này đồng thời khẳng định Shein chỉ "đang làm theo đúng luật".

    Nguồn: CNBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ