Siêu cá mập thời tiền sử trong The Meg hóa ra là sản phẩm của AI và 2.500 vi xử lý Intel Xeon

    Chíp,  

    Dù vậy, nó vẫn được đánh giá là con cá mập giả chân thực nhất mà chúng ta từng thấy.

    Cuối tuần vừa rồi, siêu cá mập thời tiền sử dài 23 mét đã chi phối toàn bộ các phòng vé trên toàn cầu. The Meg, một bộ phim của Warner Bros., đã thu về hơn 140 triệu USD và rất nhiều người muốn biết các nhà làm phim đã làm thế nào để tạo ra một con siêu cá mập megalodon chân thực đến như vậy.

    Câu trả lời, tất nhiên rồi, là nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).

    Siêu cá mập thời tiền sử mà Jonas Taylor (Jason Statham) phải tiêu diệt trong phim thực chất là một con cá mập trắng lớn (great white shark) được tạo ra bởi máy tính sau đó phóng đại kích thước từ dài 5,1 mét lên gần 23 mét. Các chuyên gia đã phải rất vất vả mới đưa được con quái vật này vào những cảnh phim.

    Siêu cá mập thời tiền sử trong The Meg hóa ra là sản phẩm của AI và 2.500 vi xử lý Intel Xeon - Ảnh 1.

    Hãng Scanline VFX đã tạo ra những hiệu ứng của con megalodon bằng cách sử dụng phần mềm Ziva Dynamics cùng với AI. Cần nhiều, rất nhiều vi xử lý Intel Xeon Scalable để có thể xử lý được quá trình này.

    "Để tạo ra "The Meg", chúng tôi cần một lượng sức mạnh xử lý lớn trong hệ thống máy tính của chúng tôi. Cách đây nhiều năm, bạn sẽ cần một phim trường lớn với rất nhiều người để có thể tạo ra từng cảnh nhỏ của một bộ phim. Nhưng nay, chúng tôi có thể dùng 2.500 vi xử lý Intel Xeon với gần 100.000 lõi xử lý để tạo ra những hiệu ứng cần cho bộ phim. Điều này cho phép chúng tôi tạo ra các bản dựng một cách nhanh chóng và khả năng trình bày nhiều tùy chọn cho đạo diễn, điều này rất quan trọng trong việc tạo ra hiệu ứng hình ảnh tốt nhất có thể", Stephen Trojansky, chủ tịch kiêm giám sát viên VFX tại Scanline tuyên bố.

    Siêu cá mập thời tiền sử trong The Meg hóa ra là sản phẩm của AI và 2.500 vi xử lý Intel Xeon - Ảnh 2.

    Tốc độ cũng rất quan trọng trong quá trình làm những phim cần hiệu ứng hình ảnh như The Meg. Các đạo diễn Hollywood thường đột ngột thay đổi cảnh quay. Đôi lúc, đội hiệu ứng đặc biệt vừa dựng xong một cảnh phim thì đạo diễn lại muốn thứ gì đó khác biệt hơn. Vì thế, trong ngành làm phim, phần hiệu ứng tạo ra bởi máy tính thường được để lại sau cùng. Tuy nhiên, các công ty như Ziva Dynamics và Scanline đang tận dụng sức mạnh của AI để có thể tạo ra những hiệu ứng cần thiết trong một khoảng thời gian nhỏ.

    Phần hấp dẫn nhất chính là cách các chuyên gia hình ảnh tạo ra con cá mập. Thay vì đơn giản là dựng hình ảnh của một con cá mập, họ đã xây dựng lên một con cá mập siêu khổng lồ chân thực nhất có thể. Đầu tiên, họ tiến hành tạo ra bộ khung xương, sau đó phủ lên đó thịt, mỡ và da. Sau đó, họ hoạt hóa con cá mập bằng cách dùng AI để đoán chuyển động của nó trong chất lỏng. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động, những cú đớp, quẫy của siêu cá mập trong The Meg hoàn toàn tuân theo các định luật vật lý.

    Siêu cá mập thời tiền sử trong The Meg hóa ra là sản phẩm của AI và 2.500 vi xử lý Intel Xeon - Ảnh 3.

    Siêu cá mập mà bạn thấy trên màn hình ở rạp phim không hề có thật, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, nhưng cơ của nó cuộn lên khi nó bơi và chất béo dưới da của nó phản ứng lại với áp lực nước khi nó nhảy lên khỏi mặt biển. Dù chỉ là một đối tượng được tạo ra bởi máy tính trong một bộ phim giải trí mùa hè này nhưng The Meg được đánh giá là một con cá mập giả chân thực nhất mà chúng ta từng thấy trên màn ảnh.

    Sự kết hợp giữa tài năng của con người và sức mạnh của trí tuệ nhân tạo một lần nữa tạo ra siêu phẩm khó có thể bỏ qua. The Meg hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ