Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ

    Trọng Đạt, Theo ICTNews 

    Theo đề xuất của Bộ TT&TT, Hà Nội nên định vị mình vào Top thành phố về đổi mới sáng tạo, xem bưu chính là hạ tầng của TMĐT, đi đầu về đầu tư cho 5G, đề ra chiến lược chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số.

    Theo đề xuất của Bộ TT&TT, Hà Nội nên định vị mình vào Top thành phố về đổi mới sáng tạo, xem bưu chính là hạ tầng của TMĐT, đi đầu về đầu tư cho 5G, đề ra chiến lược chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số.

    Chiều 5/6, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã có buổi làm việc tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội.

    Buổi làm việc nhằm trao đổi kết quả triển khai các nội dung tại Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND thành phố Hà Nội về hợp tác phát triển TT&TT. Chương trình còn được tổ chức nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp Hà Nội cần thúc đẩy triển khai trong giai đoạn mới.

    Hà Nội phải tham gia sâu vào chuỗi cung ứng TMĐT

    Theo số liệu của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), bưu chính hiện có tốc độ tăng trưởng tốt trong 3 năm qua và dự báo sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm tới.

    Lĩnh vực bưu chính sẽ trở thành hạ tầng cho logistic và thương mại điện tử. Dự báo tăng trưởng thương mại điện tử trong thời gian tới có thể lên tới 43%/năm.

    Riêng với Hà Nội, đến năm 2025, số tiền nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn sẽ tăng trưởng 4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

    Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hoá cho rằng, Hà Nội cần có những biện pháp nhằm phát triển ngành bưu chính, hạ tầng của thương mại điện tử. Ảnh: Trọng Đạt

    Theo ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hoá, Hà Nội cần phát triển đồng bộ hạ tầng mạng lưới chuyển phát và có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn thành phố, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn.

    Doanh nghiệp bưu chính trung chuyển hàng hóa phục vụ thương mại điện tử cần được bố trí quỹ đất để đầu tư, xây dựng các kho bãi. Hà Nội phải đặt mục tiêu trở thành trung tâm về hàng hóa của các vùng lân cận, qua đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử.

    Để phát triển lĩnh vực bưu chính, Cục Tin học hoá đề xuất Thành phố cần tạo điều kiện cho các xe chuyên ngành của doanh nghiệp bưu chính được lưu thông, dừng, đỗ trong đô thị để thu gom, vận chuyển bưu gửi.

    Hà Nội cũng cần hoàn thiện hệ thống quản lý địa chỉ trên nền tảng mã bưu chính Vpostcode và gán mã địa chỉ kèm theo vị trí để hướng tới việc xây dựng dữ liệu địa chỉ trong phạm vi toàn thành phố.

    Bộ TT&TT mong muốn Hà Nội hỗ trợ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cập nhật chính xác mã địa chỉ bưu chính của các hộ dân trên toàn thành phố.

    Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ - Ảnh 2.

    Bộ TT&TT đã đề ra nhiều giải pháp để giúp Hà Nội phát triển đột phá tại Hội nghị thường trực Thành ủy Hà Nội vừa diễn ra chiều 5/6. Ảnh: Trọng Đạt

    Quy hoạch sớm 5G, tăng lượng người sử dụng smartphone

    Hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông, băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây là thành phần quan trọng nhất của kinh tế số. Nếu muốn phát triển kinh tế số, Hà Nội phải đầu tư vào hạ tầng số đầu tiên. Thế nhưng, khoảng 15 năm nay, thành phố không bỏ kinh phí để đầu tư vào hạ tầng này.

    Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động (antena, nhà trạm, cống bể cáp, cột treo cáp) giữa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa tốt. Điều này dẫn tới sự lãng phí, chồng chéo trong đầu tư, chậm triển khai các công nghệ mới.

    Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ - Ảnh 3.

    Hà Nội cần tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông.

    Theo ông Hoàng Minh Cường - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), nếu muốn đạt mục tiêu dẫn đầu về chuyển đổi số, thành phố thông minh, hạ tầng viễn thông là điều mà thành phố Hà Nội phải quan tâm phát triển.

    Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 lọt vào Top 50 thế giới về hạ tầng viễn thông. Bộ TT&TT khuyến nghị thành phố nên có hạ tầng viễn thông tương đương Top 30 nước dẫn đầu trên thế giới.

    Hà Nội nên đặt mục tiêu đi đầu về đầu tư 5G. Khi triển khai 5G, sẽ phải giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến hạ tầng để lắp đặt trạm. Do vậy, thành phố cần chủ động trong việc quy hoạch, định hướng phát triển hạ tầng.

    Một số địa điểm cần triển khai sớm 5G như các khu công nghiệp, khu thương mại,... Sẽ là tốt hơn nếu Hà Nội đặt ra đề bài cho các nhà mạng thay vì để các doanh nghiệp này tự đi tìm địa điểm triển khai.

    Ông Hoàng Minh Cường cũng đặt vấn đề về việc rút ngắn quy trình thủ tục cấp phép, cho phép sử dụng các hạ tầng liên ngành, đặc biệt là hạ tầng chiếu sáng, cột đèn, cột điện, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước,...

    Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ - Ảnh 4.

    Việt Nam sẽ triển khai 5G vào tháng 10 năm 2020 bằng thiết bị Make in Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

    Cục Viễn thông đề xuất Hà Nội nghiên cứu thúc đẩy hệ sinh thái 5G. Trong đó có sự xuất hiện của các khu nghiên cứu, thí điểm, phát triển công nghệ, thúc đẩy nông nghiệp thông minh, y tế thông minh, fintech,... sử dụng 5G. Với các giải pháp thành phố thông minh, Hà Nội nên ưu tiên những hệ thống có sử dụng 5G.

    Có một thực tế đáng buồn là tỷ lệ phủ sóng 4G của Hà Nội lại thấp hơn trung bình cả nước. Tỷ lệ này tại Hà Nội là 95,8%, trong khi đó, tính trung bình trên toàn quốc, tỷ lệ này xấp xỉ 98%. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi một số khu vực của thành phố rất khó tiếp cận. Bộ TT&TT mong muốn thành phố Hà Nội trực tiếp hỗ trợ để giải bài toán này.

    Để chuyển đổi số, mỗi người dân Thủ đô phải có một chiếc smartphone và một đường truyền Internet cáp quang. Tuy vậy, số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, 33% thuê bao di động tại Hà Nội hiện vẫn còn sử dụng 2G, gần 40% các hộ gia đình tại Hà Nội hiện vẫn có đường cáp quang riêng.

    Hà Nội cần đặt mục tiêu đến năm 2021, về cơ bản mỗi người dân có một chiếc smartphone. Đến năm 2023, về cơ bản mỗi hộ gia đình ở thành phố phải có một đường truyền cáp quang Internet.

    Theo Cục Viễn thông, Hà Nội có thể hỗ trợ nguồn lực cho các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất thiết bị giúp người dùng chuyển đổi sang smartphone. Nếu đạt được tỷ lệ trên, Hà Nội sẽ tương đương với một nước phát triển về các chỉ số kết nối Internet.

    Chuyển đổi số bằng nền tảng Make in Việt Nam

    Tại Hà Nội, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 4 có phát sinh hồ sơ chưa cao. Từ năm 2019 đến tháng 4/2020, trong tổng số 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của thành phố, chỉ có 117 dịch vụ có phát sinh hồ sơ (chiếm tỷ lệ 12,22%).

    Bên cạnh đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Hà Nội còn thấp, chỉ đạt 17,51%, kém xa mục tiêu tối thiểu 30% của Nghị quyết 17/NQ-CP về một số giải pháp phát triển chính phủ điện tử.

    Khuyến nghị của Bộ TT&TT là Hà Nội nên đặt mục tiêu cao hơn TP.HCM trong việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số cũng như chính quyền số.

    Hà Nội cần đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào ý chí chính trị của người đứng đầu. Nếu thành phố quyết tâm, Bộ TT&TT sẽ đồng hành để đẩy nhanh các dịch vụ công trực tuyến của Thành phố lên mức độ 4.

    Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ - Ảnh 5.

    Một buổi họp trực tuyến trên nền tảng Zavi của Việt Nam được triển khai tại Bộ TT&TT. Sử dụng nền tảng của các doanh nghiệp Việt Nam là một trong những giải pháp được đề ra để thúc đẩy chuyển đổi số. Ảnh: Trọng Đạt

    Bộ TT&TT cũng đã thống nhất với Hà Nội về việc cần có một chiến lược chuyển đổi số cho thành phố. Cách nhanh nhất để làm điều này là dùng các nền tảng chuyển đổi số.

    Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã giới thiệu nhiều nền tảng Make in Việt Nam như đào tạo từ xa, khám bệnh từ xa, hội nghị trực tuyến,... Các nền tảng này chính là lời giải cho bài toán chuyển đổi số của Hà Nội.

    Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Hà Nội cần đặt mục tiêu tới năm 2025, 30% GDP của thành phố sẽ từ kinh tế số.

    Giảm tỷ lệ lây nhiễm mã độc bằng bảo mật 4 lớp

    Hà Nội và TP.HCM luôn nằm trong top những thành phố có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại lớn do tỷ lệ dân số trẻ, mật độ kết nối mạng cao nhưng an toàn an ninh mạng chưa được chú trọng. Do vậy, việc thành phố cần làm là hạ thấp tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại.

    Cục Tin học hóa đề xuất, Hà Nội cần triển khai bảo vệ theo mô hình 4 lớp, bao gồm lớp tại chỗ, dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp, kiểm tra đánh giá độc lập định kỳ và kết nối với hệ thống giám sát quốc gia. Kinh phí cho an toàn an ninh mạng tại Hà Nội cần chiếm tối thiểu 10% kinh phí cho các dự án CNTT.

    Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ - Ảnh 6.

    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Hà Nội dùng sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước khi xây dựng hệ thống an toàn thông tin mạng. Ảnh: Trọng Đạt

    Trong lĩnh vực an toàn thông tin, cách tiếp cận tốt nhất là quản trị rủi ro thay vì yêu cầu rủi ro bằng 0. Điều Thành phố cần làm là phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn thông tin, ứng cứu kịp thời và hồi phục nhanh. Hà Nội phải đặt mục tiêu không chỉ trở thành một thành phố đi đầu về an ninh mạng trong khu vực mà còn có tầm cỡ trên thế giới.

    Trong quá trình xây dựng hệ thống an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT mong muốn Hà Nội dùng sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Việc dùng các sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam sẽ đảm bảo kiểm soát tốt hơn và giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển.

    Định vị đổi mới sáng tạo: Đón sóng đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp số

    Công nghiệp ICT là điểm đột phá mà Hà Nội và TP.HCM có lợi thế đặc biệt so với tất cả các địa phương khác trên cả nước. Hà Nội hiện có khoảng 20.000 doanh nghiệp công nghệ số. Đến năm 2025, con số này cần tăng lên thành 30.000 và đến năm 2030 là 40.000.

    Trong 5 năm tới, Việt Nam cần ít nhất 1,2 triệu nhân lực trong lĩnh vực CNTT và truyền thông. Với vai trò hạt nhân, Bộ TT&T đề xuất Hà Nội đóng góp khoảng 400.000 nhân lực của cả nước. Điều này cũng có nghĩa, trong 5 năm tới, Hà Nội cần bổ sung 250.000 nhân lực cho lĩnh vực ICT.

    Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ - Ảnh 7.

    Một vài thông số về hiện trạng và mục tiêu phát triển của ngành Công nghiệp ICT. Ảnh: Trọng Đạt

    Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP theo Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, ngành CNTT ít nhất phải đạt tốc độ tăng trưởng gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Đây cũng là điều mà Hà Nội cần phải thúc đẩy trong vòng 5 năm tới.

    Theo ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), Hà Nội hoàn toàn có tiềm năng thay thế Singapore và trở thành trung tâm của khu vực về an toàn an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.

    Dữ liệu lớn quốc gia phụ thuộc vào quy mô dân số của quốc gia đó. Việt Nam cũng đã có những đột phá lớn về an toàn an ninh mạng. Do đó, kịch bản chuyển đổi số cho Hà Nội cần lấy trọng tâm là an toàn an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Hà Nội nên định vị mình vào top những thành phố đổi mới sáng tạo và công nghệ số.

    Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ - Ảnh 8.

    Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến đóng góp của Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

    Sẽ có một làn sóng đưa các trung tâm nghiên cứu phát triển về Việt Nam. Thành phố Hà Nội nên ưu tiên đầu tư cho các khu CNTT tập trung để đón nhận làn sóng này.

    Đối với việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Hà Nội phải có từ 10.000 - 20.000 doanh nghiệp triển khai, tư vấn. Các doanh nghiệp loại này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa công nghệ vào mọi mặt của đời sống.

    Thành phố cũng nên hỗ trợ phát triển công nghiệp 4.0 bằng việc đầu tư các phòng lab để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nhất là các công nghệ về AI, Big Data và IoT.

    Chuyển đổi số truyền hình, đưa nội dung lên mạng

    Nhiều tồn tại, hạn chế của Hà nội trong lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng đã được Bộ TT&TT chỉ ra. Theo đó, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phát triển chưa xứng tầm với truyền thống và tầm vóc. Doanh thu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trong những năm qua còn hạn chế, thiếu các chương trình mang tính điểm nhấn.

    Theo ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), thực tế này cho thấy kênh truyền hình của Hà Nội chưa tương xứng, thậm chí tụt hậu so với các địa phương khác

    Ông Phúc cho rằng, cần phát huy được các nền tảng, bản sắc văn hóa của người Hà Nội thông qua kênh truyền hình này. Thành phố cần xây dựng đề án xây dựng một cơ quan truyền thông đa phương tiện của Thủ đô, trong đó Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đóng vai trò nòng cốt.

    Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ - Ảnh 9.

    Lễ ký thỏa thuận hợp tác phát triển TT&TT trong các năm 2020, 2021 giữa Bộ TT&TT và UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt

    Hà Nội cần phải tư duy theo hướng phát hành nội dung trên nền tảng đa phương tiện. Nội dung kênh truyền hình có thể đưa lên web, mobile, app OTT, thậm chí là mạng xã hội hay các nền tảng xuyên biên giới khác.

    Bộ TT&TT sẽ tham vấn và hỗ trợ Hà Nội trong việc chuyển đổi số báo chí và truyền hình, đồng hành với thành phố để xây dựng đề án phát triển cơ quan truyền thông đa phương tiện của Thủ đô.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ