Nó đe dọa mục tiêu của chính phủ, xóa sổ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030.
Như đã đưa tin vào tháng 1, khu vực Đông Nam Á, cụ thể là miền Tây Campuchia, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, đang phải chứng kiến sự trỗi dậy của một chủng siêu ký sinh trùng sốt rét đa kháng thuốc.
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam lại vừa xác nhận, chủng siêu ký sinh trùng này đã xuất hiện tại Bình Phước. Thông báo của họ đăng trên tạp chí Y khoa Lancet cũng nêu ra tỷ lệ “thất bại trong điều trị” sốt rét tại Việt Nam đang có sự gia tăng đáng báo động. Bác sĩ Nguyễn Khánh Hòa (từ Canada) cũng đã xác nhận thông tin này là khá chính xác.
Sau Châu Phi, các quốc gia tại khu vực tiểu vùng sông Mekong đang trở thành một điểm nóng mới của bệnh sốt rét. Nếu không được kiểm soát, các nhà nghiên cứu lo ngại nó có thể trở thành mối đe dọa toàn cầu.
Siêu ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại Campuchia đã lan sang Việt Nam
Giống như siêu vi khuẩn kháng kháng sinh, siêu ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc cũng là một vấn đề đáng lo ngại trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã đặc biệt chú ý đến một chủng sốt rét, gọi là P falciparum, đang lan rộng ở Đông Nam Á.
P falciparum được gọi là siêu ký sinh trùng sốt rét, bởi khả năng kháng cả 2 loại thuốc điều trị tốt nhất hiện tại là artemisinin và piperaquine. Trước đây, ký sinh trùng sốt rét cũng đã từng kháng được một loại thuốc đặc hiệu là chloroquine.
Vài năm trước, Campuchia đã được xác định là một điểm nóng bùng phát của siêu ký sinh trùng sốt rét P falciparum. Từ đó, sốt rét kháng thuốc đã lan sang Thái Lan và Lào. Bây giờ, một nhóm các chuyên gia đã xác nhận chủng siêu ký sinh trùng này xuất hiện tại Việt Nam.
Họ cho rằng nó phải chịu trách nhiệm cho một tỷ lệ “đáng báo động các ca điều trị thất bại” sử dụng thuốc artemisinin và piperaquine – là biện pháp đặc hiệu nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo nghiên cứu, 86 trong số 152 mẫu di truyền phân lập từ ký sinh trùng P falciparum tại Bình Phước có sự xuất hiện của gen đột biến C580Y, cùng loại với siêu ký sinh trùng tại Campuchia, Lào và Thái Lan. Nó chứng tỏ P falciparum đã lây lan quanh khu vực tiểu vùng sông Mekong.
Điều trị được tính là thất bại với sốt rét, khi thuốc không đáp ứng việc hạn chế biến chứng sốt, vàng da, tổn thương nội tạng, thiếu máu, động kinh, hôn mê và nặng nhất là tử vong.
Giáo sư Arjen Dondorp, tác giả chính nghiên cứu đến từ Đơn vị Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Mahidol-Oxford Thái Lan, cho biết tỷ lệ điều trị sốt rét thất bại ở Việt Nam là khoảng 1/3. Trong so sánh, con số của Campuchia, nơi siêu ký sinh trùng P falciparum bùng phát, lên tới 60%.
Sự lây lan của siêu ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc từ Campuchia - Ảnh Thelancet
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm Đông Nam Á có khoảng 1,5 triệu người mắc sốt rét. Trong đó, khoảng 600 người tử vong.
Năm 2016, Bộ Y tế Việt Nam báo cáo khoảng 4.000 trường hợp mắc sốt rét, giảm tới 52% so với năm 2015. Chính phủ đã đặt mục tiêu xóa sổ sốt rét vào năm 2030.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương xác nhận 5 tỉnh phía nam là Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Nông và Bình Phước có sự xuất hiện của ký sinh trùng sốt rét kháng artemisinin.
Bây giờ, bài đăng trên tạp chí Lancet lại xác nhận sự lây lan của siêu ký sinh trùng sốt rét P falciparum từ Campuchia. Nó cảnh báo sốt rét có nguy cơ quay lại, gia tăng số ca mắc, tử vong và có thể thành dịch nếu không có chiến lược phòng bệnh bền vững.
Tham khảo Gizmodo, BBC, Thelancet
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"