Singapore đổ 2,95 tỷ USD để trở thành "quốc gia lượng tử"

    Ánh Viên,  

    Singapore vừa công bố chiến lược quốc gia đầu tiên về công nghệ lượng tử, với khoản đầu tư gần 3 tỷ USD trong 5 năm. Quốc đảo sư tử đặt mục tiêu tự thiết kế và sản xuất bộ xử lý lượng tử, hướng đến vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ đột phá này.

    Phát biểu tại Triển lãm Công nghệ châu Á (ATxSG), Phó Thủ tướng Singapore, ông Vương Thụy Kiệt, đồng thời là Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF), đã công bố Chiến lược Lượng tử Quốc gia đầu tiên của Singapore. Chiến lược này, được tài trợ 2,95 tỷ USD từ chương trình “Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp 2025” (RIE 2025) của NRF, sẽ kéo dài trong 5 năm.

    Ông Vương Thụy Kiệt nhấn mạnh, công nghệ lượng tử ẩn chứa tiềm năng to lớn, và Singapore sẽ chuẩn bị sẵn sàng để khai thác tối đa giá trị mà nó mang lại. Theo ông, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo là những minh chứng cho sự tiến bộ của khoa học công nghệ, và công nghệ lượng tử cũng không ngoại lệ.

    Chiến lược Lượng tử Quốc gia của Singapore được chia thành bốn trụ cột chính, trong đó trọng tâm là thiết kế và sản xuất bộ xử lý lượng tử - “bộ não” của máy tính lượng tử - ngay tại đảo quốc này.

    Máy tính lượng tử, với khả năng tính toán dựa trên các nguyên lý vật lý, có tốc độ xử lý nhanh hơn siêu máy tính hiện nay tới 150 triệu lần. Chúng có thể giải quyết các bài toán phức tạp trong vài phút, trong khi siêu máy tính truyền thống phải mất hàng vạn năm. Singapore đã đầu tư 400 triệu USD vào nghiên cứu lượng tử từ năm 2007, và dự kiến sẽ cho ra mắt nguyên mẫu bộ xử lý lượng tử trong vòng ba năm tới.

    Bên cạnh đó, Singapore cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ lượng tử trong các loại cảm biến. Các cảm biến lượng tử có khả năng đo lường thời gian, địa hình, vị trí, cơ quan nội tạng, và thậm chí là cả suy nghĩ của con người. Nghiên cứu trong lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ giúp ngành y tế hiểu rõ hơn về các bệnh lý tâm thần và não bộ, từ đó phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả.

    Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt cũng lưu ý rằng công nghệ lượng tử vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Vẫn còn nhiều thách thức về mặt nghiên cứu khoa học và thương mại hóa cần phải vượt qua.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ