Snapchat - hành trình từ những bức ảnh nhạy cảm, tình bạn đổ vỡ đến startup tỷ đô đang chuẩn bị lên sàn
Khởi điểm của Snapchat nghe có vẻ rất giống những gì diễn ra với Facebook trong bộ phim “The Social Network”.
Chỉ khác là trong trường hợp của Snapchat, nhân vật chính không phải anh em sinh đôi Winklevoss kiện Mark Zuckerberg chuyện ăn cắp ý tưởng mạng xã hội (và nhận được 65 triệu USD tiền đền bù từ ông chủ Facebook) mà là nhà đồng sáng lập có tên Reggie Brown.
Một bức ảnh cũ của Evan Spiegel (trái) và Bobby Murphy
Sau khi khởi kiện hai nhà đồng sáng lập Evan Spiegel và Bobby Murphy chuyện bị đá khỏi công ty mà không được chia cổ phần, Reggie Brown cuối cùng cũng nhận được 157.5 triệu USD tiền dàn xếp để…biến mất luôn.
Snapchat đã vượt qua chặng khởi đầu đầy sóng gió ra sao để đến được với cột mốc IPO hàng tỷ USD sắp tới đây? Hãy cùng xem lại lịch sử của startup gây sốt này qua bài viết dưới đây.
Cũng giống như nhiều startup nổi tiếng khác tại Mỹ, khởi thủy của Snapchat là trường ĐH Stanford danh tiếng, nơi các nhà đồng sáng lập cùng theo học. Khi đó, Evan Spiegel (sinh năm 1990) và Reggie Brown (sinh năm 1990) đã kết bạn với nhau và quyết định gia nhập hội nam sinh Kappa Sigma – nơi họ gặp nhà đồng sáng lập thứ ba là Bobby Murphy, dù cũng phải mất vài năm sau họ mới biến ý tưởng ảnh tự hủy thành một mô hình kinh doanh thực sự.
ĐH Stanford
Snapchat cũng không phải startup đầu tiên của Spiegel. Trước khi đến với Snapchat, Murphy từng thuê Spiegel (kém 1 tuổi) về làm cùng ý tưởng về một mạng xã hội khác. Năm 2010, họ cùng nhau sáng lập Future Freshman, một site hỗ trợ quá trình nộp đơn vào đại học cho học sinh cấp ba. Tuy website chưa bao giờ được nhiều người biết tới nhưng nó đã truyền cho Spiegel không ít đam mê kinh doanh.
Trang giới thiệu công ty Future Freshman
Cho tới tận khi Spiegel học năm ba thì ý tưởng về Snapchat mới thành hình. Tháng 4 năm 2011, Brown có nói với Spiegel trong lúc chat "nhạy cảm" với các cô bạn gái rằng: “Ước gì những bức ảnh tôi đang gửi cho cô ấy lúc này đây sẽ biến mất.” Spiegel ngay lập tức hứng thú với ý tưởng và cho rằng nó đáng giá cả triệu đô. 5 năm sau, ý tưởng quái dị ngày nào đã mang về hàng tỷ USD.
Reggie Brown
Mùa hè năm 2011, Snapchat ra đời, nhưng ban đầu chưa mang tên Snapchat. Khi mới xuất hiện trên App Store, nó có tên là “Pictaboo”. Brown, Spiegel và Murphy đã dành cả mùa hè miệt mài với sản phẩm. Spiegel thậm chí còn vẽ cả icon Ghostface Chillah nay đã trở thành biểu tượng nổi tiếng của công ty.
Những hình ảnh đầu tiên về Pictaboo lưu trên Crunchbase
Thế nhưng Pictaboo chạy mãi vẫn chưa nổi lên được. Đến cuối hè, ứng dụng mới chỉ có 127 người dùng. Brown, Spiegel và Murphy lại nổ ra tranh cãi về quyền điều sở hữu công ty. Kết cục là Spiegel cúp máy và khóa sạch các tài khoản của Pictaboo không cho Brown vào. Tranh chấp này cuối cùng đã khiến họ mất hàng trăm triệu USD.
Từ trái sang: Reggie Brown, Bobby Murphy và Evan Spiegel
Đôi bạn Spiegel và Murphy đổi tên app thành Snapchat vào tháng 9 năm 2011 – ngày công ty chính thức ra đời. Lúc này, tuy chưa thực sự thành “hit” nhưng ứng dụng bắt đầu trở nên phổ biến hơn kể từ khi em họ Spiegel sử dụng với bạn bè ở trường trung học tại Los Angeles. Giới thanh thiếu niên khi đó đã tìm được một công cụ mới để gửi đi những tin nhắn tự hủy chỉ vài giây sau khi mở ra.
Ứng dụng Snapchat hồi mới đổi tên
Mùa thu năm 2012, ứng dụng từng chỉ có hơn 100 người dùng đã đạt mốc 100.000 người dùng hàng ngày. Điều này cũng làm phát sinh chi phí server. Spiegel và Murphy phải trả gần 5000 USD mỗi tháng để duy trì ứng dụng và đang nhanh chóng cạn sạch tiền. Vị cứu tinh rót những đồng vốn đầu tiên cho Snapchat khi đó là Jeremy Liew của quỹ đầu tư Lightspeed Venture.
Jeremy Liew
Câu chuyện phát hiện ra Snapchat của Jeremy Liew cũng rất tình cờ khi thấy cô con gái tuổi teen sử dụng app trên điện thoại. Cô bé hào hứng cho biết tụi học sinh ở trường chỉ dùng đúng 3 app là Angry Birds, Instagram và Snapchat. Liew đã quen thuộc với 2 app đầu, nhưng Snapchat thì chưa. Sau một hồi dò dẫm qua các group Facebook của sinh viên Stanford, cuối cùng ông cũng tìm được tài khoản của Evan Spiegel để inbox đặt một cuộc hẹn.
Chính bức ảnh avatar Liew chụp cùng Tổng thống Obama đã thu hút Evan Spiegel
Tại cuộc gặp, Spiegel đã chia sẻ với Liew về ý tưởng đằng sau Snapchat: Trái với Facebook, nơi người ta thường chỉ cập nhật những lúc vui vẻ hay cảm thấy tự tin, Snapchat là nơi bạn giãi bày những cảm xúc chân thành nhất, gần gũi nhất, ngay cả khi đang buồn bực, đau khổ mà không lo bị dòm ngó hay phán xét vì tin nhắn sẽ tự hủy. Xét cho cùng thì tình bạn đích thực cũng được xây dựng trên những khoảnh khắc cả vui lẫn buồn mà con người ta chia sẻ với nhau. Snapchat khi đó chưa có nhiều lượt download nhưng những chỉ số tương tác thì trên cả tuyệt vời – người dùng sử dụng liên tục và dành rất nhiều thời gian trên ứng dụng. Liew đã bị thuyết phục và đầu tư vào Snapchat 485.000 USD – khoản vốn duy nhất cho vòng seed funding mà Spiegel huy động được trong năm 2012.
Ngay khi tiền về đến tài khoản, Spiegel đã quyết định bỏ học để dành toàn lực cho Snapchat dù chỉ còn 3 tín chỉ nữa là có thể tốt nghiệp. Team Snapchat (lúc này đã có thêm 2 developer mới) chuyển về căn nhà của bố Spiegel ở Los Angeles. Cuối năm 2012, Snapchat cán mốc 1 triệu người dùng hàng ngày.
Căn nhà mượn tạm của bố Spiegel
Đây cũng chính là lúc Facebook “dành tặng” Snapchat một quả tạ cỡ bự khi cho ra mắt ứng dụng đối thủ Poke vào tháng 12 năm 2012. Đầu tiên, Spiegel đã lo ngại Poke có thể nghiền nát Snapchat, nhưng cuối cùng đã lèo lát vượt Poke thành công. CEO Snapchat giờ đây lại coi Poke là “món quà Giáng Sinh tuyệt vời nhất” cho công ty.
Ứng dụng Poke của Facebook
Snapchat tiếp tục tăng trưởng và thu hút thêm nhiều sự chú ý của giới đầu tư, chỉ có điều sóng gió cũng bắt đầu nổi lên y như trong phim “The Social Network”. Tháng 2 năm 2013, Reggie Brown – chàng sinh viên với ý tưởng ảnh tự hủy năm nào thình lình xuất hiện để đâm đơn kiện Murphy, Spiegel và Snapchat vì đã “đá” anh ra mà không chia một chút cổ phần nào.
Tuy nhiên, phiên tòa tranh chấp đó vẫn không thể cản bước tăng trưởng của Snapchat. Mùa thu năm 2013, công ty giới thiệu tính năng Snapchat Stories – bước tiến đầu tiên giúp cập nhật của người dùng được lưu lại lâu hơn. Họ có thể đăng tải các snap (ảnh/video) của mình lên thành một câu chuyện tự hủy sau 24h chứ không phải chỉ sau vài giây như trước đây. Đây chính là vũ khí giúp Snapchat cạnh tranh với dòng thời gian của Facebook.
Tăng trưởng chóng mặt của Snapchat đã đánh bại hoàn toàn Facebook Poke và thu hút sự chú ý của Zuckerberg. CEO Facebook đã nỗ lực “gạ” Spiegel bán lại công ty với giá 3 tỷ USD. Thậm chí còn có tin đồn Google định hớt tay trên Facebook với giá 4 tỷ USD. Tuy nhiên, CEO Snapchat đã rất nổi tiếng với độ “cứng” của mình.
Đoạn email hẹn gặp thương lượng về vụ sáp nhập giữa Mark Zuckerberg và Evan Spiegel
Chỉ một tháng sau đó, Snapchat bị tấn công. Tên đăng nhập và số điện thoại của hơn 4 triệu tài khoản bị hack, dấy lên mối lo lắng trên diện rộng. Cho đến thời điểm này, Snapchat vẫn được coi là một ứng dụng “sexting” (viết ghép của sex texting – chat sex) nên không ít người dùng sợ bị lộ thêm nhiều dữ liệu khác.
Ban đầu, vị CEO trẻ không thấy cần phải đưa ra một lời xin lỗi bởi màn hack chỉ diễn ra rất nhanh. Vài tháng sau, công ty cũng dàn xếp xong với Ủy ban Thương mại Liên bang về chuyện cáo buộc lừa dối người dùng.
Tháng 5 năm 2014, những email “nhếch nhác” của Spiegel hồi còn học ở Stanford bị post lên Valleywag, một trang tin phổ biến ở Thung lũng Silicon. Từng được khắc họa như “soái ca”, thậm chí được so sánh với Steve Jobs khi còn trẻ, những đoạn email táo bạo thời đại học với ngôn từ như F*ck B*tch…, hé lộ một Spiegel nổi loạn với nhiều tai tiếng về tiệc tùng, tình dục, kỳ thị hôn nhân đồng tính,…, một Spiegel rất khác với những gì công chúng được biết.
Thế nhưng những điều đó cũng vẫn không làm giảm sức nóng của Snapchat. Công ty tiếp đưa vào tính năng Live Stories thu thập những khoảnh khắc tức thời của hàng ngàn người dùng. Đến tháng 7 năm 2014, các nhà đầu tư đã định giá công ty ở mức 10 tỷ USD. Chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi, Snapchat đã leo từ ý tưởng 1 triệu USD thành một startup tầm cỡ tại Mỹ.
Tính năng Live Stories của Snapchat được lấy cảm hứng từ David Blaine, một họa sỹ vẽ minh họa tại tổng hành dinh của công ty. Sau khi xem bạn bè mình đăng tải những video được lồng ghép thú vị, David muốn được thấy tất cả chúng trên một màn hình thay vì chỉ xem từng cái một.
Công ty bắt đầu mở rộng ra ngoài căn nhà gỗ nhỏ ở bờ biển Venice (trụ sở chính sau khi Spiegel chuyển team ra khỏi căn nhà của bố mình). Snapchat cũng thuê về một đội ngũ quản lý cấp cao chống lưng cho vị CEO mới chỉ 24 tuổi. Giám đốc chiến lược của công ty là Imran Khan, nhân viên kỳ cựu của Goldman Sachs, trong khi giám đốc tài chính Drew Vollero thì chuyển từ Mattel sang Snapchat vào năm 2015. Tất nhiên, Spiegel vẫn là người chủ chốt hoạch định đường đi nước bước cho công ty.
Đầu năm 2015, Snapchat bắt đầu mở cửa cho các nội dung bên ngoài, chẳng hạn như từ các hãng tin CNN, Daily Mail, National Geographic,… trong mục Discover. Ứng dụng không còn chỉ là nơi chia sẻ ảnh với bạn bè mà còn là nơi người dùng khám phá và chia sẻ tức thời các bài báo xuất bản format dọc từ mục Discover cho bạn bè.
Snapchat luôn tìm ra cách kiếm được doanh thu để xoa dịu các nhà đầu tư. Công ty khởi đầu bằng việc thêm quảng cáo cho cho các bộ lọc theo địa điểm (geofilter). Ví dụ nếu đang ở một cửa hàng McDonald’s, bạn có thể chia sẻ ảnh mình ở đây với bộ lọc một đống…khoai tây chiên trên đầu.
Người dùng sử dụng Geofilter
Geofilter chỉ mới được đưa vào kể từ khi Snapchat mua lại startup Looksery nhưng đến cuối năm 2015 đã được hơn 100 triệu người sử dụng hàng ngày.
Snapchat cũng âm thầm mua lại Bitmoji, ứng dụng thêm các sticker dạng cartoon từng gây bão trên Facebook. Thương vụ này mới chỉ chính thức được xác nhận sau khi siêu mẫu Miranda Kerr, bạn gái Spiegel đăng tải hình ảnh minh họa màn cầu hôn của vị CEO trẻ tuổi.
Bức ảnh Miranda Kerr chia sẻ trên Instagram
Ngay khi ứng dụng đang lên, Spiegel và Murphy đã bắt tay vào một dự án sản xuất kính râm. Tại sự kiện Sony Hack 2014, công ty tiết lộ đã mua lại hãng sản xuất kính mắt thông minh Vergence Labs để thành lập bộ phận bí mật là Snap Labs chuyên phát triển sản phẩm phần cứng.
Tháng 6 năm 2016, Spiegel được giới paparazzi chụp được cảnh đang đeo một mẫu kính mát kỳ lạ trong kỳ nghỉ với Miranda Kerr.
Ngay sau khi ra mắt chiếc kính râm camera Spetacles có thể quay mọi khoảnh khắc người dùng nhìn thấy và chia sẻ lên Snapchat, công ty đã đổi tên thành Snap Inc. trong sự ngỡ ngàng của các nhân viên. Sự thay đổi này cũng thể hiện rõ rằng Snap nay không chỉ còn là một công ty ứng dụng trước đây nữa.
Chiếc kính râm thời thượng Spectacles
Cái tên mới cũng cho thấy Snap đã sẵn sàng lên sàn: “Bạn có thể tìm Snapchat hay Spectacles để vui đùa, còn Snap Inc. thì cứ để dân phố Wall lo :)” – công ty đăng tải trên một bài blog.
Tháng 2 năm 2017, với 158 triệu người dùng hàng ngày, Snap cuối cùng cũng nộp đơn xin lên sàn.
Trong hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán, chúng ta cũng biết được rằng Snap đã trả cho Reggie Brown khoảng 158 triệu USD để biến mất – quả là một con số rất sát với lượng người dùng.
Nghe số tiền chuộc có vẻ lớn nhưng thực tế là Snap đang chuẩn bị cho màn IPO lên đến 3 tỷ USD. Trong hồ sơ của mình, công ty cho biết: “Khi chúng tôi mới bắt đầu, nhiều người chẳng hiểu Snapchat là cái gì và cho rằng nó chỉ dành cho chat sex, ngay cả khi chúng tôi hiểu rõ rằng nó được người ta dùng để chia sẻ nhiều điều hơn thế.” Và chặng đường từ một ứng dụng camera đến khi trở thành một công ty tỷ USD đã minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI