Số bằng sáng chế của Trung Quốc cấp tại Mỹ tăng gấp 10 lần sau 10 năm, lần đầu tiên lọt vào tốp 5 nước hàng đầu thế giới
Dù không phải là một yếu tố hoàn hảo, số lượng bằng sáng chế này cho thấy Trung Quốc đang trỗi dậy trở thành một người khổng lồ về khả năng sáng tạo, chứ không chỉ là một đất nước gia công như trước nữa.
Các công ty Trung Quốc đã gia tăng số bằng sáng chế mà họ nhận được ở Mỹ lên gấp 10 lần trong vòng chưa đến 10 năm – một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang thành công trong chiến lược chuyển mình từ nhà máy gia công cho thung lũng Silicon thành một thế lực trong lĩnh vực nghiên cứu.
Theo một báo cáo do dịch vụ IFI Claim Patent Services, một đơn vị của hãng Fairview Research LLC, các nhà sáng chế Trung Quốc đã nhận được 11.241 bằng sáng chế của Mỹ vào năm ngoái, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2016. Con số đó thúc đẩy quốc gia này lần đầu tiên lọt vào top năm nước đứng đầu về số bằng sáng chế tại Mỹ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức, nhưng đứng trước Đài Loan.
Số bằng sáng chế tại Mỹ được cấp cho các nhà sáng chế Trung Quốc đã tăng 28,4% so với năm ngoái.
Theo luật sư Don Featherstone của Sterne Kessler ở Washington, người giúp các công ty Trung Quốc tìm kiếm và nhận được bằng sáng chế của Mỹ, đơn yêu cầu được đệ trình bởi cả những công ty đã thành lập đang trong quá trình chuyển đổi và các startup, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử.
“Họ muốn ra mắt một sản phẩm ở Mỹ, họ muốn nhập khẩu sản phẩm vào Mỹ và có văn phòng bán hàng tại các địa phương trên đất Mỹ để đưa sản phẩm của họ ra thị trường.” Featherstone cho biết. “Họ muốn trở nên cạnh tranh hơn.”
Cho dù không phải là một yếu tố hoàn hảo, nhưng số lượng bằng sáng chế phản ánh sức sáng tạo của một quốc gia hay một công ty. Nó là một con số đáng tự hào và quan trọng hơn, nó giúp bảo vệ các công ty trong những thị trường cạnh tranh. Bằng cách lấy bằng sáng chế tại Mỹ, các công ty đang tuyên bố rằng họ sẽ bán sản phẩm của mình tại thị trường lớn nhất thế giới này.
Các quan chức chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc ưu tiên sáng tạo trong thập kỷ qua. Trọng tâm trong đó là tăng trưởng số bằng sáng chế cấp tại Trung Quốc – cho dù từ các công ty Trung Quốc hay nước ngoài – và xây dựng nên các doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trong 10 năm qua, các nhà sáng chế Trung Quốc đã tăng số bằng sáng chế cấp tại Mỹ lên gấp 10 lần.
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, văn phòng Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc (SIPO) đã nhận được 1,3 triệu đơn xin cấp bằng sáng chế trong năm 2016, nhiều hơn tổng số đơn xin cấp bằng ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn bắt kịp các quốc gia về thị phần bằng sáng chế tại Mỹ. Theo IFI, vào năm ngoái, Văn phòng Bằng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (U.S. Patent and Trademark Office) đã phát hành 320.003 bằng sáng chế, với các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 3,5% trong số chúng.
Cho dù vậy, Larry Cady, nhà phân tích cấp cao với IFI Claims, cho biết. “Trung Quốc đang tăng trưởng với một tốc độ đáng kinh ngạc.”
Sự trỗi dậy về năng lực sáng tạo của các hãng Trung Quốc
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất điện tử Trung Quốc, từng chủ yếu lắp ráp sản phẩm cho các công ty nước ngoài, dã bắt đầu phát triển công nghệ và các sản phẩm mang thương hiệu của riêng họ.
Tập đoàn BOE Technology Group, vốn nổi tiếng với các màn hình cho máy tính và tivi, đã chứng kiến mức tăng 63% về số lượng bằng sáng chế họ nhận được, và nhẩy lên vị trí thứ 21 trong danh sách 50 đơn vị nhận được nhiều bằng sáng chế nhất của IFI. Giờ đây họ còn đứng trước cả hãng Seiko Epson Corp của Nhật và ít hơn 200 bằng sáng chế so với General Electric Co.
“Nước Mỹ có một sức ảnh hưởng khổng lồ tới toàn cầu về sáng tạo khoa học và công nghệ,” ông Li Xinguo, phó chủ tịch của BOE, người chịu trách nhiệm về công nghệ và trung tâm quản lý tài sản trí tuệ của công ty, cho biết. “Các doanh nghiệp Trung Quốc đang có tiến bộ đáng kể trong các sáng tạo công nghệ cao và cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.”
BOE đang nghiên cứu và đầu tư vào công nghệ màn hình OLED thế hệ tiếp theo, với hy vọng rằng có thể cung cấp làn sóng tiếp theo của những màn hình độ phân giải cao này cho các công ty như Apple.
Huawei Technology Co., nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, đã nhận được 1.474 bằng sáng chế tại Mỹ - nhiều hơn 61 cái so với BOE, đưa công ty đứng vị trí thứ 20 trên danh sách. Lần đầu tiên công ty lọt vào danh sách này là năm 2014.
Shenzhen China Star Optoelectronics Technology Co Ltd, một nhà sản xuất LCD, đã có bước nhảy vọt khi gia tăng 25% về số lượng bằng sáng chế họ nhận được, vươn lên đứng thứ 45 trong danh sách của IFI. Không phải mọi công ty Trung Quốc đều chứng kiến sự gia tăng. ZTE Corp. sụt giảm 16% về số lượng bằng sáng chế họ nhận được.
Lĩnh vực lớn nhất cho các bằng sáng chế là công nghệ cao – xử lý và truyền dẫn dữ liệu kỹ thuật số (cả hai lĩnh vực đều do công ty IBM thống trị), bán dẫn và viễn thông không dây. Lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh là xử lý 3-D, máy học và máy bay không người lái, những lĩnh vực đang được các công ty Trung Quốc đầu tư.
Theo Jenny Chen, một luật sư về bằng sáng chế với Wolf Greenfield ở Boston, các startup về công nghệ sinh học, được sáng lập bởi những người đã được giáo dục tại Mỹ và làm nghiên cứu về những kỹ thuật như kháng thể để điều trị ung thư, cũng đang làm việc để được nhận bằng sáng chế tại Mỹ.
“Họ đang nhắm tới thị trường toàn cầu và nhận được bằng sáng chế ở Mỹ là bước đi phải có cho doanh nghiệp của họ.” Chen cho biết. “Nếu họ không có sự bảo hộ về bằng sáng chế của Mỹ, họ sẽ không thể thu hút đầu tư từ thị trường toàn cầu.”
Trong lịch sử, danh sách 50 người nhận bằng sáng chế hàng đầu thường là được thống trị bởi các công ty Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, với một số khác đến từ châu Âu. Trong khi các công ty Hàn Quốc và Đức tiếp tục gia tăng số lượng bằng sáng chế nhận được, Nhật Bản gần như dậm chân tại chỗ và Đài Loan còn giảm 2,5%. Các nhà sáng chế của Anh đã nhận được 10% số bằng sáng chế, nhiều hơn 4% so với cả Canada và Thụy Sỹ.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI