Sở hữu lượng đất đai lớn hơn cả diện tích Singapore, Bill Gates khiến các chuyên gia lo lắng

    Phương Linh, Doanh nghiệp & Tiếp thị 

    Chủ của hơn 200.000 mẫu đất, Bill Gates là ông trùm bất động sản đích thực.

    Sở hữu lượng đất đai lớn hơn cả diện tích Singapore, Bill Gates khiến các chuyên gia lo lắng - Ảnh 1.

    Bill Gates chưa bao giờ là một người nông dân. Nhưng tại sao ông lại được tờ Land Report gọi là "Lão nông Bill"?

    Người đàn ông giàu thứ 3 thế giới chưa bao giờ là một người nông dân "mát tay", khéo trồng trọt. Ông ấy cũng không chưa từng trực tiếp lao động nông nghiệp. Biệt danh mới của Gates, theo bài báo kể trên là bởi ông hiện đang là cá nhân sở hữu nhiều đất nông nghiệp nhất ở Mỹ. Năm 2018, ông đã mua 14.500 mẫu đất nông nghiệp ở phía đông Washington với giá 171 triệu USD.

    Tổng cộng, Gates sở hữu gần 242.000 mẫu đất nông nghiệp với giá trị lên tới 190 triệu USD. Để thấy được mức độ to lớn của con số này, bạn có thể tưởng tượng kích thước đó còn lớn hơn cả diện tích của quốc đảo Singapore.

    Trong đó, các khu đất lớn nhất của vị tỷ phú là ở Louisiana (28.000 hecta), Arkansas (19.000 hecta) và Nebraska (8.000 hecta). Ngoài ra, ông còn có cổ phần trong 11.000 hecta đất chuyển đổi ở phía tây Phoenix (Arizona), nơi đang được phát triển như một vùng ngoại ô mới.

    Theo nghiên cứu của The Land Report, khu đất này được công ty đầu tư cá nhân của Gates là Cascade Investments nắm giữ trực tiếp và thông qua các bên thứ ba. Một số khoản đầu tư khác của Cascade bao gồm công ty an toàn thực phẩm Ecolab, nhà bán lẻ ô tô đã qua sử dụng Vroom và công ty Đường sắt Quốc gia Canada.

    Tại sao một người đàn ông duy nhất lại sở hữu nhiều đất tới vậy?

    Đất đai là quyền lực, là của cải. Tuy nhiên đối với những tỷ phú như Bill Gates, việc thâu tóm nhiều đất đai như vậy chủ yếu là bởi họ quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu và đang tìm kiếm các giải pháp "xanh".

    New York Post cho biết đế chế nông nghiệp của ông Bill Gates do công ty Cottonwood Ag Management quản lý. Đây là công ty thành viên của tổ chức phi lợi nhuận Leading Harvest chuyên giúp đỡ nhà nông trên khắp thế giới thay đổi thói quen canh tác có lợi hơn.

    Các báo cáo trước đây cho rằng nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi bò lấy thịt, cũng chiếm phần tạo ra lượng khí thải CO2, gây hiệu ứng nhà kính và dẫn đến biến đổi khí hậu.

    Tỷ phú Gates từng tuyên bố rằng nếu không có sự đổi mới, thế giới sẽ không thể đối phó với biến đổi khí hậu - điều mà giới khoa học cho rằng sẽ dẫn đến nhiệt độ khắc nghiệt, thiên tai và sự sụp đổ của các hệ sinh thái.

    Vì vậy, ông tham gia vào nhiều dự án về môi trường và đầu tư vào nhiều công ty khác nhau. Một trong số đó là Impossible Foods sản xuất các sản phẩm thay thế thịt bò.

    Bruce Sherrick, Giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của Leading Harvest, cho biết các trang trại không chỉ là một phần của vấn đề biến đổi khí hậu mà còn có thể trở thành một giải pháp.

    Sherrick tin rằng người đồng sáng lập Microsoft sẽ tạo ra sự khác biệt lớn nếu ông chứng minh được rằng việc trồng trọt có thể mang lại lợi nhuận và bền vững.

    Liệu có đáng lo ngại?

    Theo nghiên cứu của Oxfam năm 2020, lượng carbon thải ra của 1% người giàu nhất thế giới nhiều gấp đôi 50% người nghèo nhất. Theo Forbes, các tỷ phú thế giới đã kiếm thêm tổng cộng 1,9 tỷ USD vào năm 2020, trong khi đó, 22 triệu công nhân Mỹ (chủ yếu là phụ nữ) mất việc làm.

    Giống như của cải, đất nông nghiệp đang ngày một tập trung vào một số ít người. Hiện 1% trang trại trên toàn thế giới đang kiểm soát 70% diện tích đất nông nghiệp.

    Mối nguy hiểm chính đến từ các chủ đất nông nghiệp tư nhân như Bill Gates không liên quan tới những lời tự xưng của họ về cam kết với nông nghiệp bền vững. Vấn đề nằm ở vai trò độc quyền của họ trong việc xác định hệ thống thực phẩm và mô hình sử dụng đất của chúng ta.

    Những nông dân nhỏ lẻ và người bản địa thường thận trọng hơn với việc sử dụng đất. Đối với họ, việc sử dụng đất không được tính trên lợi tức đầu tư; đó là về việc duy trì đất đai cho thế hệ tiếp theo, đáp ứng nhu cầu của hiện tại và tôn trọng sự đa dạng của cuộc sống. Đó là lý do tại sao các vùng đất vẫn được quản lý bởi các dân tộc bản địa trên toàn thế giới, bảo vệ và duy trì 80% đa dạng sinh học của thế giới. Các chuyên gia đều cho rằng, những vùng đất mà tất cả chúng ta đang sống không nên là tài sản duy nhất của một số ít người.

    Nguồn: Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ