So sánh Huawei Band 7 và Xiaomi Mi Band 7 Pro: Có hơn 1 triệu chọn vòng tay thông minh nào đáng tiền hơn?
Huawei Band 7 và Xiaomi Mi Band 7 Pro đều đang có giá khoảng 1.2 - 1.4 triệu đồng, thiết kế và tính năng tưởng na ná nhau nhưng hóa ra có rất nhiều khác biệt.
Dòng Mi Band của Xiaomi năm nay đã gặp đối thủ “sừng sỏ” từ Huawei, khá nhiều điểm tương đồng từ thiết kế, tính năng đến mức giá. Tuy nhiên, dùng rồi mới thấy sự khác biệt giữa 2 thiết bị là rất lớn, hoàn toàn đáng cân nhắc trước khi xuống tiền. Nếu cũng đang lăn tăn không biết “chọn mặt gửi vàng” Huawei hay Xiaomi, mời các bạn xem phần so sánh chi tiết dưới đây.
Thiết kế: Huawei Band 7 “ăn đứt”
Sai lầm lớn nhất của Xiaomi là dùng viền nhựa sơn bóng trên Band 7 Pro, nhìn rất giả và kém sang, thậm chí trông còn xấu hơn các loại giá bằng 1 nửa. Trong khi đó, sản phẩm của Huawei dù thiết kế cũ, vẫn dùng chất liệu nhựa nhưng phủ sơn nhám nhìn cao cấp hơn hẳn.
Dây đeo của Mi Band 7 Pro nhìn đẹp hơn nhưng dùng rất ức chế vì phần vòng giữ dây quá lỏng, vận động mạnh như tập tành, chạy bộ 1 lúc là tuột ra. Ở Huawei Band 7 thì rất chắc chắn, gần như không bị tuột bao giờ. Ngoài ra, dây của Huawei cũng dài hơn, có nhiều khấc để chỉnh kích thước hơn, ai tay nhỏ quá hay to quá cũng chẳng sợ không vừa, phải mua dây cỡ khác về thay.
Hai mẫu vòng đều có thiết kế cong nhẹ để ôm cổ tay. Mi Band 7 Pro hơi cấn nhẹ vì bộ cảm biến ở mặt lưng nhô lên. Ban đầu đeo thấy khó chịu nhưng vài ngày là quen, không thành vấn đề. Ngoài ra, cả 2 đều cho cảm giác thoải mái vừa đủ vì trọng lượng nhẹ, kích thước gọn gàng.
Màn hình: Cả 2 đều sáng đẹp nhưng Xiaomi hơn chút đỉnh
Hai thiết bị đều sử dụng màn hình AMOLED nên màu đen sâu, tương phản cao, tiết kiệm pin và màu sắc rực rỡ bắt mắt. Tuy nhiên, Huawei Band 7 phải chào thua vì kích thước nhỏ hơn, độ phân giải kém hơn thấy rõ. Dù vậy, dùng bình thường bạn sẽ không để ý khoản này lắm. Cả 2 màn hình đều có độ sáng rất cao, đi ngoài trời nắng cũng nhìn rõ.
Ngoài ra, vòng tay Xiaomi còn ăn điểm ở phần viền mỏng hơn, tạo cảm giác màn hình “tràn viền” hơn. Cả 2 máy đều có mặt kính cường lực cong 2.5D, ưu điểm là đẹp mắt, vuốt cảm ứng mượt tay nhưng nhược điểm là dễ đụng chạm gây xước vỡ và khó tìm dán màn hình chất lượng, bền lâu phù hợp.
Giao diện: Xiaomi đẹp nhưng hơi lag, Huawei “ăn chắc mặc bền”
Xiaomi từ thời Band 4 trở đi đã đầu tư rất nhiều vào thiết kế giao diện, đến nay ngày càng đẹp hơn. Huawei đến nay thiết kế các icon trông vẫn hơi xấu, bảng màu cũng kém sang hơn.
Dù vậy, các thao tác với Mi Band 7 Pro đôi khi hơi giật lag, kém nhạy, nhất là khi xem thông báo, trong khi với vòng Huawei cảm giác luôn mượt hơn 1 chút.
Hơn nữa, Huawei Band 7 còn có thêm nút bấm Home cứng dùng rất tiện. Như trên Mi Band 7 Pro phải vuốt nhiều lần để trở về màn hình chính thì Band 7 chỉ cần bấm là được. Ngoài ra, nút bấm cũng có lợi để bật sáng màn hình mà không cần lắc cổ tay trong chế độ Không làm phiền hay khi đang nằm trên giường.
Vì đây đã là đời thứ 2 dùng thiết kế này nên Huawei Band 7 ăn điểm ở khoản có nhiều mặt đồng hồ hơn, lên tới hàng trăm, hàng nghìn mẫu cả trả phí lẫn miễn phí. Trong khi đó, Mi Band 7 Pro 1 mình 1 kích thước màn hình nên mới chỉ có khoảng 10 mặt đồng hồ do Xiaomi tích hợp sẵn. Ngay cả chế độ Màn hình luôn bật của Huawei cũng cho chọn nhiều mặt đồng hồ hơn, còn Mi Band chỉ có đúng 1 cái siêu tối giản.
Tính năng: Mi Band 7 Pro đúng là “Pro” hơn 1 tí
Gần như tất cả các tính năng của Mi Band 7 Pro đều có mặt trên Huawei Band 7, nhưng sản phẩm Xiaomi ăn điểm vì tích hợp sẵn GPS, tự động bật lên khi mở các chế độ thể thao liên quan như chạy bộ, đi bộ, đạp xe ngoài trời…
Các tính năng theo dõi vận động khá tương đồng. Riêng khoản đếm bước thì Huawei Band 7 chính xác hơn đáng kể, Mi Band 7 Pro luôn đếm thừa khoảng 10 - 15% so với thực tế. Ngoài ra, thông tin theo dõi giấc ngủ của Huawei Band 7 còn chi tiết hơn rất nhiều so với Mi Band 7 Pro.
Xiaomi Mi Band 7 Pro tích hợp micro nên dùng được cả trợ lý ảo Xiaomi AI. Trợ lý này hiển thị tiếng Trung trên màn hình nhưng khi nói tiếng Anh cũng nhận diện được, tuy nhiên thường không thực hiện được câu lệnh, kể cả những thứ đơn giản như hỏi thời tiết hay đặt báo thức. Nếu nhận diện và thực hiện thành công, kết quả cũng hiển thị bằng tiếng Trung chứ không phải tiếng Anh.
Thời lượng pin: Không khác biệt nhiều, cả hai đều quá đủ dùng
Mua Mi Band 7 Pro hay Huawei Band 7 dùng bạn đều sẽ không cần quá quan tâm đến thời lượng pin. Nếu tắt bớt các tính năng nâng cao (theo dõi nhịp tim/SpO2/nhận diện bài tập/Màn hình luôn bật…) thì cả hai đều dùng được trong khoảng 12 - 14 ngày, còn khi bật lên giảm còn 3 - 5 ngày thôi. Riêng Mi Band 7 Pro khi dùng GPS nhiều thì có khi chỉ 1 - 2 ngày đã phải sạc lại rồi.
Huawei Band 7 có tính năng sạc nhanh 5 phút dùng 2 ngày. Cả hai đều cần khoảng hơn 1 tiếng để sạc đầy 100% pin.
Ứng dụng điều khiển: Xiaomi thắng thế vì “gu sang” hơn
Đây chỉ là phần phụ khi dùng smartband nhưng vẫn cần được nhắc đến. Cũng như giao diện của đồng hồ, ứng dụng Mi Fitness có thiết kế hiện đại, đẹp mắt hơn nhiều so với Huawei Health. Các chi tiết to nhỏ, bảng màu, font chữ và nội dung đều tạo cảm giác vui mắt, cao cấp hơn nhiều. Ứng dụng của Huawei nhiều năm không thay đổi, giao diện xấu hơn, cảm giác như chỉ làm ra cho có chứ không được đầu tư về mặt thị giác.
Giao diện ứng dụng Mi Fitness (trái) làm đẹp mắt, chỉn chu hơn hẳn Huawei Health (phải).
Fan Xiaomi trả giá cho sự “Pro”
Nếu là fan Xiaomi hoặc vì lý do gì đó mà thích Mi Band 7 Pro hơn, bạn sẽ phải trả khoảng 1.4 triệu lận, mà còn là hàng xách tay chứ không có hàng chính hãng.
Trong khi đó, Huawei Band 7 giá gốc khoảng 1.2 triệu đồng nhưng dễ tìm thấy deal “ngon”, giảm xuống còn khoảng 1 triệu hoặc thấp hơn.
Tính ra, nếu không quan tâm đến thiết kế giao diện, ứng dụng điều khiển và không dùng GPS, bạn chẳng có lý do gì để chọn Mi Band 7 Pro thay vì Huawei Band 7. Cả hai đều rất tốt, ưu điểm nhiều hơn nhược điểm nhưng chính mức giá “phá đảo” thị trường của Huawei Band 7 đã biến nó thành lựa chọn tốt hơn ở phân khúc smartband này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI