So sánh ổ cắm điện thông minh giá rẻ từ Xiaomi và Remax: Ai cũng nên có nhưng phải chọn loại nào?
Chỉ cần chi khoảng 200.000 đồng là có thể mua được một chiếc ổ cắm điện thông minh có sẵn cổng USB rồi, nhưng nên chọn loại nào giữa Xiaomi và Remax bây giờ?
Ổ cắm điện thông minh kèm cổng USB có lẽ đã rất quen thuộc với chúng ta rồi. Trên thị trường hiện cũng có kha khá mẫu mã mà phần lớn đều đến từ Trung Quốc. Trong đó nổi bật nhất hẳn là những lựa chọn đến từ Xiaomi và Remax - hai thương hiệu phụ kiện đã quá quen thuộc với người dùng tại Việt Nam.
Đây là Xiaomi Power Strip và Remax RU-S2.
Nhìn thoáng qua, hai sản phẩm trông không khác nhau là bao, đều có những tính năng cơ bản như tích hợp 3 ổ cắm đa năng, hỗ trợ nhiều chuẩn quốc tế (có cả Việt Nam); cổng USB để sạc cho điện thoại, máy tính bảng…, chip xử lý nguồn ra thông minh, hỗ trợ sạc nhanh Quickcharge 2.0, mạch chống đoản, cháy nổ, quá nhiệt…
Sản phẩm của Xiaomi phần lớn là hàng chính hãng, giá giao động trong khoảng 200.000 - 350.000 đồng.
Sản phẩm của Remax thì có cả hàng xách tay lẫn chính hãng. Giá cũng trong khoảng 200.000 - 300.000 đồng tùy nơi bán và khuyến mãi.
Tựu chung lại, dù có giá chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng thôi nhưng cả hai đều hứa hẹn rất nhiều tính năng cao cấp, thông minh. Vậy thì, đâu là sự khác biệt giữa hai sản phẩm này, và bạn nên lựa chọn mua loại nào cho phù hợp? Hãy cùng xem nhé.
Ngoại hình: Xiaomi thắng chắc!
Ngay từ lần đầu tiên cầm trên tay hai ổ cắm điện này, chắc chắn bạn sẽ thấy thích sản phẩm của Xiaomi hơn. Lớp vỏ nhựa của nó được xử lý kĩ càng hơn, tạo cảm giác “xịn” hơn hẳn mẫu của Remax. Tông trắng của Xiaomi thực sự trắng chứ không đục màu, xám xịt và có ít lỗi gia công hơn, các khớp nối sát hơn, không bị thừa nhựa, trong khi ổ cắm Remax thì "kém sang" hơn, nhựa nhìn khá “rởm”.
Tông trắng của Xiaomi trông "xịn" hơn Remax nhiều.
Không chỉ vậy, nút bật/tắt của ổ điện Remax lại lỏng lẻo, kém chắc chắn, đèn báo trạng thái thì lem ra cả các cổng USB xung quanh. Trong khi đó, nút của Xiaomi thì chắc chắn và đèn LED dạng chấm nhỏ màu trắng trông sang hơn hẳn.
Công tắc bật tắt của Xiaomi bấm thích hơn, chắn chắn, không lỏng lẻo như Remax.
Điểm trừ của cả hai về thiết kế là không có lỗ treo tường, chỉ đặt được ở dưới nền nhà/trên mặt bàn…; độ dài dây (1.8m) ổn nhưng quá cứng, to và khó uốn nắn.
Đèn LED của Xiaomi được thiết kế tinh tế hơn hẳn Remax.
Chuẩn chân cắm: Remax có hai, Xiaomi chỉ một
Chuẩn chân cắm thực tế khá quan trọng, bởi hai sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc (3 chân dẹt) với chuẩn khác so với Việt Nam (hai chân tròn/dẹt). Vì thế, bạn sẽ phải tìm mua thêm một bộ chuyển đổi từ 3 chân thành 2 chân ở các cửa hàng đồ điện. Mức giá của chúng không đắt, chỉ 15.000 - 25.000 đồng thôi, nhưng lại khiến chân cắm trở nên cồng kềnh, xấu xí hơn.
Cả hai ổ cắm đều dùng chuẩn 3 chân chéo của Trung Quốc...
Nên cần có thêm bộ chuyển đổi như thế này, khá cổng kềnh và có thể ảnh hưởng tới chất lượng nguồn điện.
Tuy nhiên, điểm cộng cho sản phẩm của Remax là có tới 2 lựa chọn chân cắm, còn Xiaomi thì chỉ có 1. Nếu tìm kĩ hơn, bạn sẽ thấy phiên bản ổ cắm điện Remax với chân cắm dạng tròn đúng chuẩn Việt Nam/Châu Âu, dùng tiện hơn nhiều so với sản phẩm của Xiaomi.
Một số cửa hàng có bán cả phiên bản với chân cắm đúng chuẩn Việt Nam. Bạn có thể hỏi kỹ trước khi mua.
Trải nghiệm sử dụng: Tốt, nhưng chưa đủ tốt
Cả hai sản phẩm đều cho trải nghiệm gần như tương đồng nhau trong mọi điều kiện. Dù đã cắm hết các ổ điện và thêm cổng sạc USB nữa nhưng chúng đều chỉ tỏa chút nhiệt không đáng kể.
Xiaomi Power Strip có 3 cổng USB, còn Remax RU-S2 thì có 4.
Nguồn ra của cổng USB cũng tương đương nhau, đạt tối đa 5V/2.1A và có hỗ trợ sạc nhanh Quick Charge 2.0 cho các thiết bị Android. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết, còn thực tế sử dụng thì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác.
Sản phẩm của Remax phân chia rõ ràng 2 cổng sạc nhanh và 2 cổng sạc thường.
Qua thử nghiệm trong gần 1 tháng với vài chiếc điện thoại như Xperia XA2 (QC 3.0), Galaxy A7 2018 (không sạc nhanh) và Galaxy A9 2018 (QC 3.0), cả hai sản phẩm đều không chuyển sang chế độ sạc Quick Charge mà chỉ dừng ở mức tối đa ~1500mAh. Tốc độ này cũng có thể coi là khá nhanh rồi, nhưng không phải “nhanh” theo tiêu chuẩn của Qualcomm.
Với cả 2 ổ điện, thường thì nguồn sạc sẽ nằm quanh mức 800 - 1200mAh...
Khi pin điện thoại yếu, chip quản lý bên trong sẽ tự nâng nguồn lên cao hơn...
... rồi giảm dần khi sắp đầy...
...và khi đạt 100% thì sẽ ngừng sạc chứ không "nhồi" pin nữa.
Một điểm cộng nhỏ cho ổ cắm Remax khi nó có tới 4 cổng sạc USB và được phân chia rõ ràng, bao gồm 2 cổng hỗ trợ sạc nhanh và 2 cổng sạc thường. Điều này khá quan trọng vì đôi khi bạn sẽ không muốn máy sạc quá nhanh để bảo vệ pin, ví dụ như cắm sạc qua đêm. Lưu ý rằng hai cổng này vẫn có nguồn ra lên tới ~1500mAh chứ không phải 1000mAh chậm rì như sạc iPhone đâu nhé.
Trong khi đó, cả 3 cổng của ổ cắm Xiaomi đều hỗ trợ sạc nhanh nhưng chúng ta lại không được phép bật tắt tính năng này. Với những ai thường xuyên cắm sạc trong thời gian dài thì điều này có thể ảnh hưởng tới tuổi thọ của pin.
Kết
Nhìn chung, cả hai ổ cắm Xiaomi và Remax đều khá tốt trong tầm giá. Tuy nhiên, nếu buộc phải lựa chọn thì có lẽ sản phẩm của Xiaomi sẽ được lòng nhiều người hơn bởi thiết kế đẹp mắt hơn, gia công chắc chắn, ít lỗi. Dù vậy, nếu bạn có 4 hoặc nhiều thiết bị di động hơn thì lại nên mua ổ cắm của Remax để tận dụng hết các cổng USB, đồng thời còn có thể lựa chọn phiên bản chân cắm đúng chuẩn Việt Nam.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"