Sóng thần hình thành như thế nào?

    Đức Khương, Phụ nữ Việt Nam 

    Hầu hết sóng hình thành do gió hoặc thủy triều, nhưng sóng thần thì lại có một nguyên nhân hoàn toàn khác.

    Sóng thần là gì?

    "Tsunami" là một từ tiếng Nhật có nghĩa là "sóng bến cảng", nhưng điều đó không nói lên nhiều điều về bản chất của chúng và sóng thần không chỉ giới hạn ở các bến cảng. Một thuật ngữ chính xác hơn sẽ là "sóng địa chấn biển" và nó cũng mô tả chúng chính xác hơn. Tuy nhiên, cái tên sóng thần lại được mọi người sử dụng phổ biến hơn.

    Sóng thần thực sự là sóng, nhưng không giống như sóng được hình thành từ gió, chúng có bước sóng lớn hơn nhiều. Một đặc điểm xác định của mọi loại sóng là bước sóng của nó. Sóng được hình thành từ gió có bước sóng ngắn, có thể nhìn thấy rõ ở bất kỳ bờ biển nào. Chúng xuất hiện cứ sau vài giây, với khoảng cách vài mét giữa các đỉnh.

    Nhưng sóng thần có bước sóng rất lớn, thường dài hơn một trăm km và đây là lý do tại sao chúng rất nguy hiểm. Sóng thần hầu như không phải là sóng đơn lẻ, mà xuất hiện dưới dạng sóng liên tiếp nhau.

    Sóng thần hình thành như thế nào? - Ảnh 1.

    Sóng thần địa chấn hình thành như thế nào?

    Phần lớn sóng thần hình thành do động đất - cụ thể là sóng thần kiến tạo. Khi một trận động đất xảy ra, mặt đất bên dưới nước bị dịch chuyển lên hoặc xuống đột ngột và khi chuyển động này xảy ra, một khối nước khổng lồ sẽ bị dịch chuyển và bắt đầu di chuyển theo mọi hướng. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của một cơn sóng thần.

    Nước bị dịch chuyển bắt đầu di chuyển như một làn sóng. Tại thời điểm này, nó có biên độ rất thấp do nằm ở vùng nước sâu (động đất ven biển hiếm khi gây ra sóng thần). Sóng thần trong vùng nước mở thường ngắn hơn 0,3 mét.

    Sóng thần hình thành như thế nào? - Ảnh 2.

    Khi con sóng bắt đầu di chuyển về phía bờ, một loạt các sự kiện bắt đầu xảy ra. Trước hết, nước ngày càng nông hơn. Kết quả là, chiều cao của sóng thần bắt đầu tăng lên. Đây là lý do chính khiến những con sóng này rất nguy hiểm: Chúng mang theo những khối nước khổng lồ. Khi chúng đến gần bờ biển hơn, thể tích của sóng thần dù không đổi, nhưng vì nước nông hơn nên chiều cao của chúng bắt đầu tăng lên.

    Sóng thần hình thành như thế nào? - Ảnh 3.

    Ngoài ra, vùng nước nông sẽ làm con sóng chậm lại nhưng điều này lại khiến các con sóng bắt đầu xích lại gần nhau hơn. Ở những nơi sâu nhất của đại dương, sóng thần có thể di chuyển nhanh hơn cả máy bay phản lực, với tốc độ 970 km/h. Điều này có nghĩa là chỉ trong vài giờ, nó có thể vượt qua toàn bộ đại dương.

    Sóng thần không dừng lại khi chúng đổ bộ vào đất liền. Phần lớn năng lượng của chúng bị tiêu tán và phản xạ trở lại, nhưng một phần vẫn được duy trì và sóng thần sẽ tiếp tục di chuyển vào đất liền cho đến khi hết năng lượng. Vì vậy, đừng nghĩ rằng nếu bạn ở xa bãi biển hơn một chút thì bạn sẽ an toàn. Trong một số trường hợp hiếm hoi, sóng thần cũng có thể di chuyển lên các thung lũng sông.

    Sóng thần hình thành như thế nào? - Ảnh 4.

    Các loại sóng thần khác hình thành như thế nào?

    Trong một số ít trường hợp, sóng thần cũng có thể được hình thành do lở đất, phun trào núi lửa và thiên thạch. Trong mọi trường hợp, nguyên tắc chính để hình thành sóng thần đều khá giống nhau - một khối nước bị dịch chuyển và khi đến gần bờ biển, nó bắt đầu tăng chiều cao. Tuy nhiên, cơ chế dịch chuyển khác nhau.

    Lở đất

    Ở dưới nước, lở đất thường tương tự như hiện tượng núi lở. Quá trình này xảy ra do một trận động đất, vì vậy theo một cách nào đó, nguyên nhân chính của loại sóng thần này vẫn là một trận động đất. Tuy nhiên, động đất cũng có thể chỉ đơn thuần là nới lỏng các khối đất và chúng bắt đầu rơi vào một thời điểm sau đó.

    Sóng thần hình thành như thế nào? - Ảnh 5.

    Núi lửa

    Núi lửa có thể hình thành sóng thần thông qua hai cơ chế. Hoặc là chúng sụp đổ hoặc chúng đẩy vật chất ra với sức mạnh lớn đến mức có thể nâng mực nước lên cao. Trong trường hợp thứ nhất, núi lửa trên đất liền cũng có thể gây ra sóng thần nếu chúng ở rất gần biển.

    Thiên thạch

    Nếu bạn đã từng ném một viên sỏi xuống nước, bạn sẽ thấy rằng nó tạo ra những gợn sóng. Thiên thạch hoạt động theo cách tương tự, ngoại trừ nó tạo ra những gợn sóng lớn hơn rất rất nhiều. Loại sóng thần này thực sự rất hiếm, nhưng có một trường hợp vào năm 1958 khi một đợt sóng thần như vậy được tạo ra do thiển thạc rơi ở Vịnh Lituya, Alaska.

    Sóng thần hình thành như thế nào? - Ảnh 6.

    Tại sao sóng thần rất nguy hiểm?

    Sóng thần không phải lúc nào cũng là những con sóng khổng lồ khi chúng vào bờ. Theo USGS, "hầu hết các cơn sóng thần không tạo ra những đợt sóng như sóng lướt bình thường ở bãi biển cuộn lại khi chúng tiến vào bờ. Thay vào đó, chúng xuất hiện giống như thủy triều rất mạnh và rất nhanh - nghĩa là mực nước biển dâng nhanh, cục bộ".

    Đến bây giờ, bạn hẳn đã có một ý tưởng khá rõ ràng về lý do tại sao sóng thần lại nguy hiểm đến vậy. Chúng có thể rất dài (thường là 100 km), rất cao (sóng thần Nhật Bản năm 2011 đo được có chiều cao hơn 10 mét) và có thể di chuyển cực nhanh mà không mất nhiều năng lượng. Một trận động đất lớn trong đại dương có thể gây ra một số cơn sóng thần tàn khốc cách đó hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km.

    Sóng thần hình thành như thế nào? - Ảnh 7.

    Năm 2004, một trận động đất có tâm chấn ngoài khơi bờ biển phía Tây Sumatra, Indonesia xảy ra với cường độ 9,1–9,3 độ richter. Mảng Ấn Độ bị mảng Miến Điện hút chìm và gây ra một loạt sóng thần tàn khốc, một số cao hơn 30 mét. Sóng thần đã giết chết hơn 230.000 người ở 14 quốc gia, và nó cũng trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ bi thảm làm nổi bật sức mạnh khủng khiếp của sóng thần.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ