SpaceX đạt được cột mốc lịch sử: tàu Crew Dragon đưa 2 phi hành gia NASA về Trái đất thành công
Đưa các phi hành gia trở về Trái đất an toàn từng là nỗi lo lớn nhất của ông Elon Musk trong chuyến đi lần này và SpaceX đã thực hiện thành công sứ mệnh đó.
Hai tháng trước, khi sự kiện tàu vũ trụ tự hành Crew Dragon của SpaceX thực hiện thành công sứ mệnh đưa hai phi hành gia NASA lên trạm không gian ISS được mọi người xem như một bước tiến dài cho quá trình chinh phục vũ trụ của con người, ông Elon Musk lại không nghĩ như vậy. Đối với ông, điều quan trọng nhất của sứ mệnh lần này không phải là việc đưa các phi hành gia lên vũ trụ, mà là đón họ về Trái Đất.
Và đến sáng sớm hôm nay theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ Crew Dragon đã thực hiện được điều quan trọng nhất của sứ mệnh lần này. Con tàu vũ trụ đã đưa 2 phi hành gia NASA trở về Trái đất an toàn khi hạ cánh xuống khu vực vịnh Mexico ngoài khơi Florida và đã được các con tàu thu hồi chờ sẵn ở đó để đón về.
Hành trình kéo dài 19 tiếng từ không gian về Trái đất
Khác với chuyến đi ra ngoài vũ trụ phần lớn nhờ vào hệ thống tự hành trên tàu Crew Dragon, trong hành trình trở về Trái đất kéo dài 19 tiếng đồng hồ vừa qua, các phi hành gia sẽ phải thao tác một cách chính xác nhiều công đoạn để đảm bảo quá trình hạ cánh diễn ra an toàn.
Điều đầu tiên phải làm sau khi tách khỏi trạm vũ trụ ISS, viên nang chở hai phi hành gia – được đặt tên là Endeavour – phải được khởi động động cơ đẩy để vào đúng quỹ đạo hạ cánh. Điều này được NASA thực hiện từ xa trong khi các phi hành gia đang ngủ. Khoảng vài tiếng sau đó, các phi hành gia sẽ phải vứt bỏ phần đuôi tàu vũ trụ để giảm nhẹ khối lượng khi hạ cánhm cũng như lộ ra tấm khiên chắn nhiệt cho Endeavour, chuẩn bị cho giai đoạn hạ cánh tiếp theo.
Hình ảnh minh họa cảnh tàu vũ trụ Crew Dragon xuyên qua lớp khí quyển Trái đất
Vài phút sau đó, các phi hành gia sẽ phải khởi động động cơ đẩy của Endeavour trong 11 phút để hãm tốc độ hạ cánh của viên nang. Ngay cả như vậy, với việc đi xuyên qua bầu khí quyển với tốc độ gấp 25 lần tốc độ âm thanh, tấm chắn nhiệt nói trên sẽ phải hấp thụ và làm chệch hướng lượng nhiệt tới gần 2.000oC để bảo vệ các phi hành gia bên trong.
Đây chính là giai đoạn làm ông Elon Musk thấy lo lắng nhất trong hành trình trở về khi thiết kế bất đối xứng của Endeavour (do phải chứa thêm hệ thống thoát nạn khẩn cấp) có thể làm nó bị lắc lư trong quá trình hạ cánh, gây ra mất kiểm soát hoặc bị quá nhiệt tại một số phần của viên nang.
Vượt qua được các thách thức kể trên, khi đến độ cao 5,5 km trên mực nước biển, viên nang Endeavour sẽ tự động bung các loại dù của mình ra để giảm tốc độ hạ cánh và chạm mặt nước ở tốc độ khoảng 24 km/h.
Cảnh viên nang Endeavour hạ cánh xuống mặt biển.
Mở ra một kỷ nguyên mới về du hành không gian
Với lần hạ cánh này, SpaceX đã kết thúc thành công chuyến bay đưa người vào vũ trụ đầu tiên của mình. Không chỉ là hãng vũ trụ tư nhân đầu tiên đưa người vào vũ trụ thành công, họ còn đưa các phi hành gia đó về nhà an toàn trên con tàu của mình. Thành công này sẽ mở đường cho những chuyến bay của SpaceX thường xuyên hơn trong tương lai để đưa thêm các phi hành gia vào vũ trụ.
Không chỉ vậy, điều này còn giúp NASA bước vào "một kỷ nguyên tiếp theo của việc đưa người vào không gian" khi có thể dựa vào một công ty tư nhân như SpaceX, với chi phí thấp hơn đáng kể so với dựa vào tên lửa Soyuz của Nga. Tính đến nay, việc đưa mỗi người lên vũ trụ bằng tên lửa Soyuz tốn của NASA từ 80 triệu USD đến 90 triệu USD. Nhưng với SpaceX, chi phí này chỉ còn khoảng 55 triệu USD cho mỗi người.
Hình ảnh trục vớt viên nang Endeavour trên mặt biển
Dễ dàng tiếp cận với trạm vũ trụ ISS hơn sẽ giúp các phi hành gia NASA thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học hơn về dược phẩm, khoa học vật liệu, thiên văn học, …. Không những thế nó còn có ý nghĩa hơn nữa khi đưa nước Mỹ quay trở lại cuộc đua chinh phục vũ trụ và không gian.
Đối với SpaceX, chuyến đi thành công này không chỉ mang lại nguồn lợi khổng lồ về tài chính khi có một khách hàng lớn và thường xuyên như NASA, mà còn giúp họ có được kinh nghiệm bay vũ trụ để chinh phục các mục tiêu xa hơn.
Không chỉ thiết lập nên mảng kinh doanh du lịch không gian đầy hứa hẹn, nó còn là một cột mốc cho giấc mơ "điên rồ" mà ông Elon Musk thường nhắc đến từ lâu: chinh phục sao Hỏa và đưa 1 triệu người lên định cư trên hành tinh Đỏ.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"