Spiber - startup Nhật Bản tạo ra sợi "tơ nhện": Cứng hơn thép, dẻo hơn nylon, dễ phân huỷ sinh học và giảm phát thải nhà kính, thu hút nhà đầu tư khắp thế giới
Spiber, một công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học của Nhật Bản có trụ sở tại Tsuruoka, tỉnh Yamagata, đang thu hút nhiều giám đốc điều hành và các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới...
Công ty khởi nghiệp Spiber được thành lập vào năm 2007 để thúc đẩy nghiên cứu về tơ nhện tổng hợp của Viện Sinh học Tiên tiến thuộc Đại học Keio (Keio University's Institute for Advanced Biosciences). Các nhà nghiên cứu đã phát triển công nghệ sản xuất protein tổng hợp, sau đó kéo thành sợi có độ cứng hơn thép gấp 4 lần nhưng lại dẻo hơn nylon. Sản phẩm độc đáo này thu hút khoảng 1.000 người đến tham quan công ty hàng năm.
Brewed Protein là sản phẩm đặc trưng của công ty, một nguyên liệu được sản xuất thông qua một quy trình lên men độc quyền. Sản phẩm được tạo ra bằng cách cho vi khuẩn ăn các loại đường có nguồn gốc từ thực vật như glucose và tạo ra protein thông qua quá trình lên men.
Protein này được tạo thành một sợi bền, thân thiện với môi trường, có thể được sử dụng để sản xuất nhiều loại sản phẩm như quần áo, thiết bị y tế và máy tự động. Không giống như polyester, nylon và các loại sợi hóa dầu khác, Brewed Protein có thể phân hủy sinh học và giảm phát thải khí nhà kính. Spiber hy vọng sản phẩm có thể được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp chất tổng hợp và đáp ứng 15% đến 20% nhu cầu sợi tổng hợp toàn cầu.
Sản phẩm sợi của Spiber có tên gọi Qmonos, từ tiếng Nhật "kumonosu" (mạng nhện), thu hút nguồn vốn đầu tư trị giá 2,5 tỷ yên (20,9 triệu USD) từ Ngân hàng Shinsei.
Công ty Spiber còn huy động được 5 tỷ yên (44,1 triệu USD) để xây dựng một cơ sở mới tại Thái Lan đưa vào sản xuất hàng loạt Brewed Protein. Nhà máy có công suất dự kiến lớn hơn 100 lần so với nhà máy thử nghiệm ở Nhật Bản
Số tiền được huy động từ Quỹ Cool Japan Fund và các nhà đầu tư khác, đẩy vốn của Spiber lên 22,4 tỷ yên, một trong những mức đầu tư cao nhất cho các công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trên thị trường của Nhật Bản.
Spiber chọn Thái Lan một phần vì có thể cung cấp dồi dào các nguồn nguyên liệu cần thiết cho quá trình sản xuất. Mặt khác, chi phí nguyên liệu thấp ở các quốc gia Đông Nam Á là một lợi thế cho phép họ sản xuất Brewed Protein với giá dưới 100 USD/ kg. Đất nước này cũng là một trung tâm chính cho các nhà sản xuất quần áo và ô tô, hai trong số những mục tiêu chính của Spiber.
Trang phục là thị trường đầu tiên mà công ty hướng đến. Goldwin, công ty Nhật Bản sản xuất đồ thể thao cho The North Face, đã bán áo phông và áo len phiên bản giới hạn được làm bằng Brewed Protein vào năm 2019 và 2020, nhưng giá rất cao. Sợi Qmonos có giá thành sản xuất cao đã cản trở cho thương mại hóa, việc sản xuất hàng loạt tại nhà máy Thái Lan sẽ giúp nguyên liệu này được tiếp cận với nhiều.
Spiber đang đặt mục tiêu tiếp theo vào ngành công nghiệp ô tô. Brewed Protein có thể thu hút các nhà sản xuất ô tô làm cho xe của họ nhẹ hơn để tiết kiệm nhiên liệu. Các nhà sản xuất linh kiện trực thuộc Toyota Motor là Kojima Industries và Toyota Boshoku đã đầu tư vào Spiber.
Spiber còn nhận về 34,4 tỷ yên (312 triệu USD) từ các nhà đầu tư do công ty cổ phần tư nhân Carlyle Group tại Mỹ dẫn đầu. Việc gọi vốn đã nâng giá trị thị trường của Spiber lên 139,7 tỷ yên (khoảng 1,26 tỷ USD).
Carlyle Group sẽ kết nối Spiber với các đối tác kinh doanh tiềm năng ở nước ngoài và sẽ hỗ trợ trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Spiber đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt sản phẩm của mình cho thị trường nước ngoài với sự trợ giúp từ kinh nghiệm và mối quan hệ của Carlyle. Tại Hoa Kỳ, Spiber đã hợp tác với nhà chế biến ngô Archer-Daniels-Midland để xây dựng nhà máy Brewed Protein. Việc sản xuất hàng loạt sẽ sớm nhất là vào năm 2023.
Rất ít công ty khởi nghiệp Nhật Bản có thể huy động được số tiền lớn như vậy. Ngành công nghệ sinh học đang chứng tỏ một khoản đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm vì nó có tiềm năng sản xuất công nghệ tạo lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đang đi sau so với Mỹ và các nước lớn ở châu Âu trong việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ sinh học.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"