Spotify chi hơn 1 tỷ USD gây dựng ‘đế chế’: Đặt mục tiêu trở thành gã khổng lồ âm thanh, doanh thu 2030 đạt 100 tỷ USD
Spotify được kỳ vọng trở thành công ty âm thanh lớn nhất thế giới.
Spotify đã chi hơn 1 tỷ USD để xây dựng đế chế podcast và đạt được nhiều thỏa thuận hấp dẫn với Kim Kardashian, Hoàng tử Harry và Meghan Markle. Công ty cũng chi 286 triệu USD đầu tư studio và ít nhất 250.000 USD cho mỗi tập độc quyền nhằm thu hút người xem mới.
Tuy nhiên, nỗ lực này đến nay vẫn chưa được đền đáp. Theo WSJ, hầu hết các podcast đều chưa mang lại nhiều lợi nhuận. Công ty gần đây cũng đã cắt giảm nhân sự để co gọn các khoản lỗ vốn đã lên tới 527 triệu euro sau 6 tháng đầu năm. Amazon, Apple và Google cũng đầu tư vào dịch vụ phát trực tuyến song có những hoạt động kinh doanh khác sinh lời bù vào.
Theo Cục Quảng cáo Tương tác, doanh thu podcast ở Mỹ dự kiến sẽ đạt 2,3 tỷ USD trong năm nay, tăng 25% so với năm 2022 và dự kiến gấp đôi vào năm 2025. Tuy nhiên, con số trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số 200 USD tỷ định giá thị trường quảng cáo kỹ thuật số. Spotify nỗ lực vươn lên dẫn đầu một ngành công nghiệp, song hóa ra lại kém sinh lợi hơn so với phần còn lại của lĩnh vực quảng cáo.
Lượng người nghe podcast đang tăng lên. Spotify hiện có 220 triệu người đăng ký trả phí cho dịch vụ cao cấp vào tháng 6. Ứng dụng cũng ghi nhận hơn 100 triệu người nghe podcast trên nền tảng, gấp 10 lần so với năm 2019.
Dưới áp lực từ các nhà đầu tư trong việc đáp ứng mục tiêu doanh thu, vào tháng 6, Spotify sa thải 200 nhân viên và chọn lọc các chương trình độc quyền ổn định. Sau khi loại bỏ Parcast và Gimlet, công ty hợp nhất thành một đơn vị có tên Spotify Studios và tăng phí đăng ký cốt lõi lên 10,99 USD/tháng.
Giám đốc điều hành Daniel Ek kỳ vọng Spotify sẽ trở thành công ty âm thanh lớn nhất thế giới, bao gồm sách nói, giáo dục, thể thao và tin tức. Podcast chỉ là bước đầu trong mục tiêu từ một công ty phát nhạc trực tuyến trở thành gã khổng lồ về âm thanh và tạo ra doanh thu 100 tỷ USD vào năm 2030. Spotify báo cáo doanh thu 11,7 tỷ euro vào năm 2022.
Theo ông Ek, có thể Spotify đã chi quá nhiều cho một số nội dung, song khoản đầu tư này đã giúp công ty đạt mục tiêu trở thành nền tảng podcast hàng đầu. Công ty kỳ vọng doanh thu quảng cáo podcast sẽ tăng 30% trong năm nay, vượt xa mức tăng trưởng doanh thu chung của Spotify.
“Chúng tôi đã tập trung theo đuổi các chương trình thu hút khán giả trung thành và các nhà quảng cáo”, Sahar Elhabashi, người đứng đầu mảng kinh doanh podcast của Spotify. “Hiện tại chúng tôi có một danh mục đầu tư rất mạnh để thực hiện điều đó”.
Spotify vào năm 2018 đã đặt mục tiêu phát triển podcast sau khi các giám đốc điều hành nhận ra nhu cầu đối với sách nói và podcast tại Đức. Podcast vào thời điểm đó là một phương tiện nhỏ nhưng đang phát triển, thu hút nhiều thính giả trẻ có trình độ học vấn và một số các nhà quảng cáo.
Spotify đã ký thỏa thuận độc quyền với một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực podcasting, bao gồm Joe Rogan và Alex Cooper. Sau khi mua lại Gimlet, công ty cũng tập trung sáng tạo các chương trình phát sóng viễn tưởng và phi hư cấu. Người dẫn dắt được yêu cầu theo đuổi cách kể chuyện đầy tham vọng mà không phải lo lắng quá nhiều về thù lao.
Vào thời điểm đó, các buổi phát sóng của Gimlet thường có giá từ 75.000 đến 250.000 USD/tập. Trong khi đó, chương trình Parcast có giá từ 5.000 đến 20.000 USD/tập. Các studio podcast của Spotify đôi khi phải cạnh tranh nhau để đưa ra các đề xuất chương trình.
Doanh thu podcast của Spotify chủ yếu đến từ quảng cáo - thứ vốn đóng góp tới 13% doanh thu cho nền tảng. Công ty đang đặt mục tiêu đưa con số này lên 20%.
Hiện, lãnh đạo Spotify đang ấp ủ kế hoạch khiến nền tảng này trở nên giống YouTube. Công ty cũng muốn có nhiều người sáng tạo hơn để phân phối podcast thông qua Spotify, từ đó tăng doanh thu quảng cáo và bán hàng.
Theo: WSJ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI