Để được nhận vào một "vườn ươm" startup tại thung lũng Silicon là chuyện không đơn giản. Một startup Việt đã làm được điều đó và đang nuôi tham vọng trở thành gã khổng lồ tại đây.
“Đã 2 năm kể từ khi Hùng Trần - một tiến sĩ ngành khoa học máy tính - bước qua cánh cửa ở incubator của tôi (nơi được xem là vườn ươm của giới khởi nghiệp). Chúng tôi ngồi xuống, chia sẻ tầm nhìn của mình về việc tạo điều kiện cho bất cứ ai được học tập một cách chủ động trên một nền tảng nhắn tin.
Tôi góp vốn 120.000 USD giống với các startup thông thường được chúng tôi chấp nhận. Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đó. Đó là câu chuyện tôi muốn chia sẻ hôm nay: công ty là cuộc sống của Hùng. Tôi rất vui mừng được chọn là người đồng sáng lập và chủ tịch của công ty”, Peter Relan - một trong những “khủng long” của giới đầu tư tại thung lũng Silicon mở đầu bài viết có tên “khoản đầu tư bất thường cho một ý tưởng điên rồ” trên trang Medium.
Startup ông muốn nói đến là GotIt! - công ty khởi nghiệp do Trần Việt Hùng sáng lập.
Chia sẻ với Zing.vn về quá trình thành lập GotIt!, Trần Việt Hùng cho biết phỏng vấn để được gia nhập vào incubator của Relan là một quá trình cân não. “Khi đó, tôi muốn gia nhập incubator của ông ấy để chuyển từ Iowa sang thung lũng Silicon. Sau khi nói chuyện qua điện thoại, ông ta thấy ổn và mua vé máy bay cho tôi cùng một người khác sang thung lũng Silicon để phỏng vấn”, Hùng chia sẻ.
Ngay khi gặp mặt, Hùng và người đồng sáng lập GotIt! đã chết lặng khi nghe Relan khẳng định, nền web sẽ chết. “Trong đầu tôi hình dung ra cảnh cần bỏ nền tảng Tutor Universe hiện tại để tìm hướng mới. Tôi choáng vì những gì mình xây dựng suốt 2 năm sẽ phải bỏ đi vì không có tương lai sáng”, Hùng chia sẻ.
“Ông ta cho tôi thời gian suy nghĩ. Bám lấy nền tảng hiện tại sẽ sống khỏe nhưng không thể trở thành ‘next big thing’ được. Ngay hôm đó, tôi tìm hiểu thông tin và quyết định ‘chiến’. Chúng tôi ngồi với nhau và vạch ra kế hoạch xem mình phải làm gì, bắt đầu bằng 2 chữ 'giáo dục' và 'di động'", Trần Việt Hùng cho biết thêm.
Hiện tại, GotIt! nằm trong top 5 ứng dụng mảng giáo dục có lượt tải lớn nhất, với hơn 2 triệu bài giảng mini dành cho học sinh, sinh viên có nhu cầu. Công ty này cũng vừa phát hành bản ứng dụng dành cho hệ điều hành Android.
GotIt! gọi được số vốn 9 triệu USD và nuôi tham vọng trở thành nền tảng “kiến thức theo yêu cầu”. Đây là nơi hội tụ nhiều nhân tài của thung lũng Silicon với các nhân vật cao cấp đến từ Google, Facebook hay Lyft. GotIt! có 2 văn phòng tại thung lũng Silicon và Hà Nội.
“Chúng tôi hình dung về một thế giới, nơi 500 triệu sinh viên nhận được các bài giảng miễn phí mỗi tuần trong thời gian 10 phút, bất cứ khi nào họ bế tắc”, Peter Relan viết.
Theo nhà đầu tư này, GotIt! không phải một trang cộng đồng nơi các câu hỏi dạng Q&A được đưa ra. Nó là một dịch vụ với cam kết: nếu bạn muốn chat với một chuyên gia ngay lúc này, chúng tôi sẽ kết nối trong vòng vài giây. Những trang như Quora, Stack Overflow thực sự hấp dẫn, nhưng không đáp ứng các yếu tố: theo yêu cầu, tương tác và ngay lập tức.
Incubator là những “vườn ươm khởi nghiệp” tại Mỹ. Thông thường khi mở một startup, người sáng lập sẽ tìm đến các incubator để gọi vốn và mong muốn gia nhập vào incubator đó. Nếu được chọn, chủ startup sẽ được đầu tư và huấn luyện trong một chương trình kéo dài khoảng 3 tháng gọi là hardcore. Tại Mỹ, có khá nhiều các incubator.
YouWeb của Peter Relan là một trong những incubator như vậy. Đây là nơi ươm mầm những startup nổi danh như CrowdStar hay OpenFeint. Thời điểm Trần Việt Hùng gặp mặt Peter Relan cũng là lúc OpenFeint được bán cho GREE với giá 102 triệu USD. Thông thường mỗi năm Relan chỉ nhận khoảng vài startup vào vườn ươm của mình.
Theo Zing
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"