Startup xe điện ra mắt mẫu xe máy "bán tải" cho shipper: Lô đầu tiên bàn giao cho Lazada Logistics, người dùng không phải mua pin
Mẫu xe máy điện của Selex Motors có tải trọng 225 kg, cao hơn 50% so với xe máy phổ thông hiện nay, thể hiện rõ định hướng tập trung vào thị trường giao vận. Startup này còn phát triển một hệ sinh thái cho xe điện với trọng tâm là giải pháp đổi pin ở các trạm, người dùng không phải mua pin.
Mẫu xe Selex Camel của startup Selex Motors.
Trong “Lễ ra mắt Hệ sinh thái xe máy điện tối ưu cho giao vận đầu tiên tại Đông Nam Á” được tổ chức ở Hà Nội hôm 27/11, TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Co-founder & CEO của Selex Motors chỉ ra hàng loạt vấn đề nan giải đang tồn tại như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, giá xăng dầu tăng cao. Đặc biệt, Việt Nam có tới hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, thải ra lượng khí CO2 khổng lồ.
“ Tất cả những điều này là biểu hiện của một cuộc chuyển dịch mang tính lịch sử 100 năm mới có một lần trong lĩnh vực giao thông – lĩnh vực ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của chúng ta ”, ông Nguyên phát biểu.
Theo vị CEO này, thế giới đang bước vào kỷ nguyên giao thông thông minh và bền vững, trong đó phương tiện điện thông minh là trọng tâm, kết hợp với các công nghệ mới nhất như IoT, Big data, AI.
Trước xu thế đó, Selex Motors, một startup về phương tiện điện thông minh và công nghệ pin được thành lập từ năm 2018, quyết định trước hết tập trung vào logistics – ngành có nhu cầu di chuyển nhiều nhất và muốn tối ưu chi phí nhất.
Hướng vào thị trường giao vận và "cái bắt tay" với Lazada Logistics
“ Giao vận chính là lĩnh vực sẽ chấp nhận được sự chuyển đổi sang xe điện đầu tiên và sớm nhất. Xe điện có rất nhiều lợi thế phù hợp với nhu cầu của giao vận. Cụ thể, giao vận là lĩnh vực sử dụng phương tiện đi lại nhiều nhất, khí thải nhiều nhất, và người ta cũng quan tâm tới tiết kiệm chi phí. Chính vì thế công ty tập trung vào lĩnh vực này ”, ông Nguyên trả lời chúng tôi.
Selex Camel – loại xe được Selex Motors thiết kế chuyên dụng cho giao vận được giới thiệu là “mẫu xe máy điện bán tải đầu tiên ở Đông Nam Á”. Xe có tải trọng 225 kg, cao hơn 50% so với xe máy phổ thông hiện nay, trong khi tiết kiệm 25-35% chi phí nhiên liệu và 50% chi phí bảo trì. Selex Camel được trang bị tối đa 3 pack pin, với quãng đường đi được tối đa là 150 km, có khả năng lội nước, đi được ở các đường dốc thông thường như cầu, hầm.
Ông Nguyên chia sẻ thêm rằng người dùng Selex Camel có thể tháo rời yên sau một cách dễ dàng mà không cần dụng cụ, giúp tối ưu lắp đặt những thùng to, qua đó tăng hiệu suất giao vận. “ Những xe thông thường hiện tại không lắp được những thùng to như vậy ”, ông nói.
Selex Motor đã ký kết hợp tác chiến lược với Lazada Logistics. Theo đó, Lazada Logistics sẽ là đơn vị tiên phong tại Việt Nam nhận bàn giao lô xe máy điện đầu tiên từ Selex Motors, dự kiến đưa vào hoạt động ít nhất 100 chiếc trong năm 2023.
Co-founder & CEO của Selex Motors Nguyễn Hữu Phước Nguyên (trái) bàn giao lô xe máy điện đầu tiên của công ty cho Giám đốc Lazada Logistics Vũ Đức Thịnh.
“Lazada là đơn vị tiên phong trong mảng giao vận xanh. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đưa xe điện vào giao vận. Sự hợp tác giữa Selex Motors với Lazada Logistics coi như hai bên tiên phong gặp nhau ”, ông Nguyên chia sẻ lý do “bắt tay” với Lazada Logistics.
Trong khi đó, Giám đốc Lazada Logistics Vũ Đức Thịnh cho biết công ty đã thực hiện rất nhiều ý tưởng phát triển xanh, như về đóng gói hàng hóa và năng lượng.
“ Trong hàng triệu xe máy đi ngoài đường hàng ngày có bao nhiêu phần trăm là shipper? Có lẽ không dưới 10%. Tốc độ phát triển của thương mại điện tử khiến số lượng xe tham gia giao thông ngày càng nhiều. Với lượng xe như thế, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến phát triển bền vững sẽ rất nặng nề. Đó là lý do chúng tôi luôn hướng đến phương tiện xanh ”, ông Thịnh cho biết.
“ Trong thời gian tới, Selex Motors và Lazada Logistics sẽ có nhiều nghiên cứu để phát triển thêm các sản phẩm phù hợp với yêu cầu đặc thù của logistics, đặc biệt là logistics cho thương mại điện tử. Vấn đề này cần những nỗ lực, đầu tư riêng biệt ”, ông nói thêm.
Hệ sinh thái giúp người dùng không phải mua pin, tỷ lệ nội địa hóa sản xuất hơn 70%
Hệ sinh thái xe điện của Selex Motors gồm 4 thành phần: mẫu xe Selex Camel, pin Selex, trạm đổi pin tự động, ứng dụng giúp quản lý toàn bộ hệ sinh thái.
Trọng tâm của hệ sinh thái này là giải pháp đổi pin, giúp người dùng không cần mất 3-8 tiếng để sạc đầy. Selex Motors hiện có 24 trạm đổi pin tự động tại Hà Nội và 7 trạm ở TP. HCM, dự kiến sắp tới nâng con số này lên 200 tại hai thành phố lớn để phục vụ các đối tác giao vận, đồng thời hướng đến mở rộng mạng lưới đổi pin trên toàn quốc.
“ Trạm đổi pin này hoàn toàn tự động, nhỏ gọn, dễ dàng triển khai ở khắp mọi nơi như cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, sảnh chung cư. Điểm đặc biệt là tính mở và tính chia sẻ. Chúng tôi chào đón người dùng của các hãng xe khác tới sử dụng và chia sẻ mạng lưới đổi pin này ”, ông Nguyên cho hay.
Trạm đổi pin tự động của Selex Motors. Người dùng có thể để pin cũ và lấy pin mới từ các khoang chứa.
Loại pin do Selex sản xuất có tính tương thích cao, sử dụng được với khoảng 70% xe máy điện trên thị trường. Để đổi pin, người dùng vào app và chọn một trạm gần mình nhất, app sẽ hiển thị địa chỉ và số lượng pin đang khả dụng ở trạm này.
Tới nơi, người dùng đăng nhập vào hệ thống tại trạm bằng tài khoản đã đăng ký khi mua xe hoặc quét mã QR, sau đó làm theo các hướng dẫn trên màn hình. Trong vòng chưa đầy 2 phút, người dùng có thể nạp đầy năng lượng và đi được 150 km.
“ Điểm vô cùng quan trọng trong giải pháp của chúng tôi là khách hàng không phải mua pin, giảm được đáng kể giá thành của xe, giúp xe điện thực sự có thể cạnh tranh sòng phẳng với xe máy xăng ”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Chiếc Selex Camel hiện có giá 21.890.000 đồng, chưa gồm VAT, pin và thùng. Giá dịch vụ đổi pin được chia làm 4 gói, trước mắt được thiết kế tập trung phục vụ giao vận, trong đó gói rẻ nhất có giá 1.400.000 và đắt nhất là 3.800.000. Ông Nguyên cho biết chi phí đổi pin thấp hơn giá xăng từ 25-35%, tính trên cùng một quãng đường đi được.
Theo chia sẻ của ông Nguyên, mẫu xe máy điện của Selex Motors đã được đưa vào sử dụng thực tế từ năm ngoái. Nhà máy sản xuất xe máy điện và pack pin lithium-ion của Selex Motors hiện đạt công suất 20.000 xe và 100.000 pack pin/năm. Các sản phẩm của công ty được sản xuất với tỷ lệ nội địa hoá hơn 70%.
Ngoài mục tiêu mở rộng mạng lưới đổi pin, công ty cũng có kế hoạch phát triển các mẫu xe nhắm tới các phân khúc khác nhau, đồng thời hướng đến mở rộng thị trường ra các nước trong Đông Nam Á trong những năm tới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương