SteelSeries Siberia V3 – Chuẩn mực mới cho tai nghe game thủ
Trong bài viết đánh giá chi tiết ngày hôm nay, chúng ta sẽ trải nghiệm mẫu tai nghe Siberia V3 đến từ cái tên đình đám SteelSeries.
Kể từ khi ra mắt, Siberia V2 đã trở thành một trong số những chuẩn mực cho cộng đồng game thủ chuyên nghiệp cũng như những người đam mê gaming gear trên toàn thế giới. Thiết kế hiện đại, hầm hố nhưng lại cực kỳ thoải mái và dễ dàng trong việc sử dụng đã khiến cho chiếc tai nghe của thương hiệu Đan Mạch SteelSeries có được chỗ đứng vô cùng vững chắc trong lòng người hâm mộ.
Mới đây, thương hiệu đình đám của làng gaming gear thế giới này đã tung ra phiên bản V3 của dòng tai nghe dành riêng cho game thủ này. Điều đáng nói là thay vì chỉ tung ra một phiên bản, SteelSeries lại cho ra mắt cùng lúc ba mẫu Siberia mới với mức giá dao động từ khoảng 900.000 VNĐ cho tới 2,9 triệu Đồng: Siberia RAW, V3 và V3 Prism.
Trong bài viết đánh giá chi tiết ngày hôm nay, chúng ta sẽ trải nghiệm mẫu tai nghe Siberia V3. Hiện tại nhà phân phối Mai Hoàng Computer đang bán sản phẩm này tại thị trường Việt Nam với giá 1.999.000 VNĐ.
Thiết kế
Ở mức giá 2 triệu Đồng, điều đáng khen ngợi dành cho SteelSeries đó là bất chấp những sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều tên tuổi lớn của thị trường gaming gear, thiết kế của Siberia V3 vẫn giữ được sự hiện đại, cá tính và phù hợp với cộng đồng game thủ. Dĩ nhiên để đạt được điều này, những chi tiết được đánh giá cao trên Siberia V2 vẫn được giữ lại.
Vẫn là thiết kế gọng nhựa với vành kim loại chịu lực kiêm cáp kết nối tín hiệu từ phần earcup bên phải sang bên trái, vẫn là khả năng kéo dài và thu gọn microphone vào bên trong earcup, vẫn là thiết kế driver lệch 30 độ so với trục nằm ngang để tạo ra trải nghiệm âm thanh như mong muốn đối với game thủ, thế nhưng Siberia V3 hoàn toàn không phải một bản sao 100% của người tiền nhiệm V2. Một số chi tiết đã được SteelSeries cải tiến so với phiên bản cũ để tạo ra trải nghiệm sử dụng thoải mái hơn cho người sử dụng.
Xét về mặt thiết kế thì điểm đáng chú ý nhất là nếu so sánh với V2, thì Siberia V3 đã có trọng lượng nhẹ đi phần nào. Cộng với đó là trong quá trình sử dụng, lực ép (clamping force) tác động lên đầu của game thủ đã không còn nhiều như trước đây. Chỉ hai thay đổi này đã khiến cho game thủ có thể đeo V3 trong một khoảng thời gian dài, phục vụ cho các tác vụ từ nghe nhạc, xem phim cho tới chơi game một cách thoải mái hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, tuy vẫn sử dụng hệ thống cáp kéo cổ điển đã gặp trong rất nhiều chiếc tai nghe từ trước tới nay thay cho hệ thống thay đổi chiều dài của connector, thế nhưng phần headband đã được SteelSeries loại bỏ lớp bọc vải ở mặt tiếp xúc với đầu của game thủ. Điều này khiến cho headband có độ bền cao hơn và không còn bị tác động bởi mồ hôi của người dùng trong quá trình sử dụng.
Thay đổi thứ ba là về cáp kết nối. Thay vì giữ lại hệ thống tăng giảm âm lượng và switch bật tắt microphone tích hợp trên cáp tín hiệu, SteelSeries đã lược bỏ chúng hoàn toàn, thay vào đó là switch microphone được đặt ở ngay phía sau earcup bên trái, giúp người sử dụng linh hoạt hơn thay vì phải lần mò dây cáp để tắt mic như trước đây.
Kèm với đó là khả năng tương tác. Với cáp kết nối dài 1,2 mét và jack 3.5 4 chấu, game thủ có thể tùy ý sử dụng Siberia V3 với điện thoại, với tay cầm PS4 thông qua cổng tích hợp, hay bất kỳ thiết bị nào sở hữu cổng âm thanh 3.5 mà vẫn có thể sử dụng microphone đi kèm. Tuy nhiên với PC, người sử dụng sẽ cần tới đoạn cáp kéo dài với khả năng chia kênh headphone và microphone riêng để đem V3 vào những trận đấu game kịch tính.
Tuy nhiên một điểm trừ của Siberia V3 là phần bao bì tuy tinh tế, đậm chất hiện đại nhưng phần vỏ nhựa giữ tai nghe bên trong lại có xu hướng hơi "dìm hàng" giá trị của chiếc tai nghe.
Âm thanh
Có lẽ sẽ là bất công nếu chúng ta chỉ xét Siberia V3 như một chiếc tai nghe dành riêng cho game. Lý do là, ở cái giá 2 triệu Đồng, nhiều game thủ Việt sẽ muốn tìm cho mình một thiết bị âm thanh có khả năng sử dụng với hầu hết mọi tác vụ, từ nghe nhạc, xem phim, chat voice và dĩ nhiên là chơi game.
Với Counter Strike: Global Offensive, driver được nâng cấp của Siberia V3 phát huy được gần như tối đa khả năng của một chiếc tai nghe, thứ vốn cực kỳ quan trọng với game thủ FPS competitive chỉ sau chú chuột chơi game. So sánh với Siberia V2, âm thanh trong game đã bớt chói, dễ nghe hơn nhưng đi kèm với đó là mức độ chi tiết cũng như âm trường của những tiếng động trong game tái tạo, ngay cả khi thiết lập vulume thấp để không gây ảnh hưởng tới thính giác của người chơi.
Trong khi đó với DOTA 2 và… Skype (dùng để thử nghiệm khả năng của microphone), phản hồi của những người đồng đội tôi chơi cùng là khá tốt, khi âm thanh mà đồng đội nghe được thông qua micrphone khá trong trẻo, dễ nghe, không bị tạp âm nhiều trong khi độ nhạy của mic vẫn được giữ nguyên. Vào ban đêm, những lời thì thầm khá nhỏ của tôi vẫn được nghe thấy một cách trọn vẹn, đó là điều Siberia V3 làm khá tốt.
Đó là về âm thanh trong game.
Đối với nhiều game thủ, đã từ lâu họ coi Siberia V2 như một trong số những chiếc tai nghe chơi game có chất lượng âm thanh phù hợp với âm nhạc nhất: Tiếng nịnh tai, ấm áp, bass dày, hợp với nhiều loại nhạc mà game thủ hay thưởng thức như pop, dance, dubstep hay EDM nói chung.
Tuy nhiên với bản thân tôi, Siberia V2 gần như không thể thỏa mãn được nhu cầu âm nhạc. Chính vì thế khi thử nghiệm Siberia V3, thay vì thử nghiệm game, tôi cắm vào điện thoại và máy tính để nghe nhạc trước tiên.
Vẫn là thứ âm thanh ấm áp vốn có của những chiếc tai nghe SteelSeries, thế nhưng nếu xét một cách tổng thể, V3 có chất lượng âm thanh tốt hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Thay vì sở hữu bass dày dặn, có sức mạnh, thì dải mid mượt mà, ấm áp và hơi thiên về midbass khiến cho V3 hợp với những bản pop ballad hơn. Tương tự như vậy, mid bass có texture và chi tiết tốt, phù hợp với nhiều thể loại nhạc điện tử. Trong khi đó với thử nghiệm nhạc jazz và một số thể loại khác, cả dải high lẫn low bass đều bị roll off, hơi chới với và thiếu lực, cũng như sub bass không xuống đủ sâu để thỏa mãn những đôi tai khó tính.
Điều đáng chú ý là, tuy chỉ có trở kháng 32 Ohm, thế nhưng độ nhạy của Siberia V3 chỉ nằm ở ngưỡng 80 dB. Nó có thể có được “độ to” đáng ngạc nhiên trên điện thoại di động cũng như laptop, nhưng để có được độ chi tiết tốt của âm thanh, thứ mà dải mid trình diễn rất xuất sắc nếu xét tới những chiếc tai nghe chơi game trong tầm giá 2 triệu Đồng, thì một chiếc headamp hay soundcard lại là thứ cần thiết cho game thủ.
Sử dụng
Dĩ nhiên bên cạnh chất lượng âm thanh, thì trải nghiệm sử dụng vẫn là một trong số những điều đáng quan tâm với những chiếc tai nghe dành cho game thủ. Với Siberia V3, tuy mất thêm một vài giây để cố định hai earcup sao cho vừa khít với tai của tôi, tuy nhiên khả năng cách âm của chiếc tai nghe là rất đáng ngạc nhiên, đi kèm với đó là trọng lượng nhẹ hơn và lực ép không quá mạnh, giúp những người đeo kính như tôi trải nghiệm game khá thoải mái.
Tạm kết
Một lần nữa, SteelSeries lại đặt ra một chuẩn mực mới cho chiếc tai nghe dành riêng cho game thủ. Họ đã cân bằng được phần nào mức giá, trải nghiệm sử dụng thoải mái cũng như chất lượng âm thanh ở phiên bản thứ ba của dòng tai nghe Siberia đình đám.
Xin chân thành cám ơn công ty tin học Mai Hoàng đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương