Steve Jobs có Tim Cook ở bên, còn Elon Musk chẳng có ai

    tvd,  

    Elon Musk quá đơn độc và không có ai san sẻ gánh nặng công việc tại Tesla.

    Để có thể giúp Tesla đạt được chỉ tiêu số lượng xe Model 3 xuất xưởng, CEO Elon Musk cho biết ông đã phải làm việc tới 120 giờ mỗi tuần. Elon Musk thậm chí còn không có thời gian để nghe điện thoại, hạn chế cả việc tắm rửa và phải ngủ trên sàn nhà trong nhà máy sản xuất của Tesla.

    Elon Musk cho biết năm vừa qua là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp từ trước đến nay. Phải chịu sức ép rất lớn và có vẻ như đã kiệt sức, nhưng Elon Musk trả lời phỏng vấn tờ New York Times và cho biết không hề có ý định từ chức CEO tại Tesla. Tuy nhiên, Elon Musk cũng đang tìm kiếm một người giúp sức để giảm bớt những gánh nặng công việc.

    Steve Jobs có Tim Cook ở bên, còn Elon Musk chẳng có ai - Ảnh 1.

    Elon Musk quá đơn độc.

    Vấn đề mà tỷ phú Elon Musk đang gặp phải cũng là một trong những rắc rối kinh điển mà các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới phải đối mặt. Đó là không muốn giao phó quyền lực cho một người khác.

    Hầu hết các nhà lãnh đạo của giới công nghệ muốn nắm trong tay quyền điều khiển mọi thứ của công ty. Có thể họ không tin tưởng vào bất kỳ ai khác, hoặc họ cho rằng không ai có thể hiểu rõ và làm tốt bằng mình. Nhưng chính điều đó lại là con dao hai lưỡi.

    Nó dẫn tới việc một nhà lãnh đạo phải quản lý quá nhiều hoạt động của công ty, mất rất nhiều thời gian và công sức. Thậm chí nó có thể khiến họ không nhìn được toàn cảnh bức tranh rộng lớn hơn, mà chỉ suốt ngày soi xét các tiểu tiết. Kết quả là công ty sẽ phát triển chậm hơn, hoặc có thể đi sai hướng.

    Giáo sư lĩnh vực quản lý Peter Harms đến từ Đại học Alabama cho biết: “Các nhà sáng lập như Elon Musk có thể cảm thấy sự quan trọng của mình, vì chỉ họ mới hiểu hết được sự phức tạp trong hoạt động của công ty. Đối với nhà sáng lập, công ty cũng giống như đứa con của họ, vì vậy họ không thể giao đứa con của mình cho người lạ”.

    Steve Jobs có Tim Cook ở bên, còn Elon Musk chẳng có ai - Ảnh 2.

    Steve Jobs may mắn khi có Tim Cook bên cạnh giúp ông điều hành Apple.

    Elon Musk không phải là nhà sáng lập duy nhất kiêm luôn vị trí CEO. Trong giới công nghệ có rất nhiều người như vậy, như Mark Zuckerberg tại Facebook, Jack Dorsey tại Twitter, Evan Spiegel tại Snapchat hay trước đây là Steve Jobs tại Apple.

    “Steve Jobs thật may khi ông có Tim Cook, còn Elon Musk không có bất kỳ ai ở bên cạnh cả”, giáo sư Harms chia sẻ.

    Ngay cả thiên tài cũng có lúc sức khỏe sẽ gặp vấn đề, đặc biệt là với cường độ làm việc cao như những CEO của làng công nghệ. Khi Steve Jobs bị bệnh và phải điều trị, ông đã phải nhờ tới Tim Cook để điều hành Apple. Sau khi Steve Jobs qua đời, Tim Cook cũng trở thành CEO mới và giúp Apple đạt được rất nhiều thành công.

    Còn đối với Elon Musk, nếu một ngày nào đó vị CEO này đổ bệnh thì ai sẽ là người điều hành Tesla và SpaceX? Không ai có đủ năng lực để làm được điều đó, bởi hiện tại Elon Musk không chia sẻ bất kỳ công việc nào của mình cho một người khác.

    Để có thể chuẩn bị cho điều đó, Elon Musk nên học tập cách quản lý của Jeff Bezos hoặc Warren Buffet.

    Steve Jobs có Tim Cook ở bên, còn Elon Musk chẳng có ai - Ảnh 3.

    Warren Buffet điều hành các giám đốc điều hành khác.

    Nhà đầu tư Warren Buffet vẫn có các giám đốc điều hành riêng cho từng công ty trong danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway. Ông nắm giữ trách nhiệm như là giám đốc điều hành của các giám đốc điều hành khác. Warren Buffet vẫn cho phép các CEO khác có quyền tự quyết và ít khi tham gia vào chi tiết hoạt động của từng công ty.

    Trong khi đó, Jeff Bezos vẫn là CEO của Amazon, nhưng ông chỉ tập trung vào việc đưa ra quyết định loại 1. Đó là những quyết định chiến lược và nhiệm vụ quan trọng của công ty. Trong khi đó, những quyết định khác sẽ do cấp dưới của ông chịu trách nhiệm.

    Steve Jobs có Tim Cook ở bên, còn Elon Musk chẳng có ai - Ảnh 4.

    Jeff Bezos trao quyền quyết định cho cấp dưới và chỉ đưa ra những quyết định chiến lược.

    Theo giáo sư Peter Harms, các nhà sáng lập nên tập trung vào bức tranh rộng lớn và áp dụng quy tắc 90/10. Trong đó, họ chỉ cần đưa ra 10% các quyết định và 90% còn lại sẽ được xử lý bởi nhân viên.

    Sự thay đổi này có thể khiến các nhà sáng lập như Elon Musk cảm thấy bị mất đi quyền lực, thiếu tự tin, thậm chí là lo sợ vì những quyết định sai của nhân viên. Tuy nhiên đó là điều cần thiết để một công ty có thể tiến xa hơn trên một chặng đường dài.

    Quan trọng nhất lúc này, có lẽ Elon Musk nên tìm cho mình một Tim Cook thứ hai để làm cánh tay phải đắc lực.

    Tham khảo: CNBC

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ