Sự kiện cha đẻ iPod rời Google Nest là minh chứng cho tương lai u tối của startup

    Lê Hoàng,  

    Bạn khó có thể vẽ ra một kịch bản startup đẹp hơn câu chuyện đời thực của Nest. Ít nhất là cho tới năm 2014.

    Năm 2010, nhận thấy thị trường máy đo nhiệt độ chỉ có toàn những sản phẩm xấu xí và thua kém về tính năng, Tony Fadell, từng nổi danh với vai trò "cha đẻ" của iPod, đã cùng với một đồng nghiệp tại Apple chế tạo ra Nest Thermostat.

    Khác với tất cả những chiếc máy đo nhiệt độ đã từng có trong lịch sử, Nest Learning Thermostat có khả năng "học" thói quen sử dụng của người dùng để căn chỉnh nhiệt độ phòng thông qua khả năng tương tác hoàn hảo với các hệ thống điều hòa phổ biến. Được kết nối qua Wi-Fi, máy đo nhiệt độ của Fadell có thể cập nhật phần mềm và gia tăng tính năng một cách dễ dàng. Cuối cùng, Nest Thermostat là một chiếc máy dễ sử dụng và có thiết kế rất đẹp và sang trọng.

    Không phải vô cớ mà Nest khiến báo giới tốn nhiều giấy mực tới vậy. 5 năm trước, ai hình dung được rằng người tiêu dùng sẽ sẵn sàng bỏ ra tới 250 USD chỉ để mua một chiếc máy đo nhiệt độ phòng? Ấy vậy mà chiếc Thermostat không chỉ thành công mà còn mở ra tiềm năng thực sự của lĩnh vực nhà thông minh. Một lần nữa, Tony Fadell được tung hô là người góp phần mở ra một kỷ nguyên mới cho công nghệ.

    Larry Page chụp ảnh cùng 2 nhà sáng lập Nest, cũng là 2 cựu nhân viên của Apple.
    Larry Page chụp ảnh cùng 2 nhà sáng lập Nest, cũng là 2 cựu nhân viên của Apple.

    Thành công của Nest và chiếc Learning Thermostat là câu chuyện thành công điển hình mà chúng ta từng thấy ở các công ty startup: 1, sáng tạo lại những thứ tưởng chừng quá quen thuộc, bất kể đó là nhiệt kế hay ứng dụng ghi chú; 2, đạt thành công khổng lồ với sáng tạo siêu việt của mình và 3, lên sàn với mức cổ phiếu "khủng" đem lại bộn lời cho các nhà đầu tư ban đầu (thường là các quỹ đầu tư mạo hiểm) hoặc bán lại cho một tập đoàn lớn với giá "khủng".

    Nhưng vấn đề lớn nhất của Tony Fadell, của Nest và của rất nhiều startup khác là ở chỗ cuộc sống không dừng ở bước thứ 3.

    Vẫn là bài toán "một sản phẩm"

    Chúng tôi đã từng có lần phân tích về khó khăn của các startup ứng dụng/dịch vụ dữ liệu: họ thường chỉ tạo ra được một sản phẩm thành công duy nhất rồi thất bại với tất cả các sản phẩm sau đó. Thực tế, đây là bài toán sống còn xảy đến với bất cứ một công ty nào, bao gồm cả Apple.

    Điểm khác biệt mấu chốt là những tập đoàn lớn như Apple và Google luôn khả năng tiếp tục tìm kiếm thành công. Ví dụ, Google từ tìm kiếm sau này đã mở rộng thành công ra cả những lĩnh vực như email, bản đồ, video, nội dung và hệ điều hành di động. Trong trường hợp bắt đầu bế tắc, các hãng lớn hoặc là sẽ thâu tóm nhân tài, hoặc là "nuốt" các startup, hoặc là copy các ý tưởng một cách trắng trợn.

    Fadell (thứ 2 từ trái sang) từng là một thành viên trong đội ngũ thân cận của Steve Jobs.
    Fadell (thứ 2 từ trái sang) từng là một thành viên trong đội ngũ thân cận của Steve Jobs.

    Trong bối cảnh ngay cả các unicorn lên sàn thành công như Box, GoPro hay thậm chí là Twitter cũng vẫn khốn đốn, hướng đi IPO ngày càng trở nên kém hấp dẫn với tất cả các bên liên quan. Đến năm 2015, tỷ lệ công ty công nghệ/tổng số IPO chỉ chiếm 16%, thấp nhất từ khi thế giới vẫn còn đang khốn đốn với bong bóng dot-com vào thập niên 1990. Trong cả 4 tháng đầu năm 2016, chỉ duy nhất một công ty hi-tech lên sàn và... thất bại.

    Thê thảm hơn, tìm ra một startup sinh lời còn khó hơn tìm được một startup thành công giữa "rừng" startup. Dĩ nhiên, "thành công" ở đây được đo bằng thông số giá trị vốn hóa hoặc doanh thu – những con số không đại diện cho lợi nhuận. Giống như những bong bóng đã vỡ từ 20 năm trước, startup của ngày nay "đốt tiền" để phình to.

    Tình cảnh IPO không mấy dễ chịu này khiến cho những thương vụ sáp nhập như Google-Nest thực sự là giấc mơ của nhiều founder (nhà sáng lập) startup.

    Mộng tàn qua những con số

    Vào thời điểm năm 2014, cơn sốt smartphone vẫn còn đang ở mức đỉnh điểm và Google cũng bắt đầu nhăm nhe chiếm vị trí số 1 thế giới (về giá trị vốn hóa) của Apple. Không chỉ hùng mạnh về tài chính, Google cũng là một trong số ít những công ty công nghệ đã sống sót qua bong bóng dot-com: tạo ra cơ sở kinh nghiệm giúp Nest có thể vững bước đến sáng tạo tiếp theo. Cuối cùng, tại Google, các startup nhỏ lẻ như YouTube và Android đã vươn lên trở thành những sản phẩm thống trị thế giới.

    Tony Fadell vào thời kỳ tiếp quản Google Glass (đầu 2015).
    Tony Fadell vào thời kỳ tiếp quản Google Glass (đầu 2015).

    Quan trọng hơn hết, Google năm 2014 mang tham vọng phần cứng rất rõ ràng. Điện thoại Nexus, đầu phát Chromecast, smartphone xếp hình Ara, kính thông minh Google Glass và laptop ChromeBook Pixel vẽ ra một kịch bản tươi đẹp về "đế chế phần cứng Google", theo lời gọi của tạp chí công nghệ lừng danh The Verge. Trong khi phần nhiều các sản phẩm này đều có ý nghĩa quảng bá cho các nền tảng phần mềm và dịch vụ có sẵn của Google, thương vụ mua lại Nest có một ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều. Đây là tấm vé cho Google bước chân vào thị trường nhà thông minh đang rục rịch bùng nổ.

    Ai cũng có một ngôi nhà. Và họ nên thay thế chiếc nhiệt kế xấu xí, ngu ngốc của họ bằng Nest Thermostat. Họ nên chuyển sang sử dụng đồ gia dụng kết nối thông minh thay vì tiếp tục ở lại với những chiếc nhiệt kế, máy báo khói, tủ lạnh, máy giặt... đã không mấy thay đổi trong vòng hàng chục năm qua. Tiềm năng để Nest phát triển tại Google và làm nên tương lai của Google là vô cùng to lớn.

    Mọi chuyện đã không tiếp diễn với Nest và Fadell theo cách như vậy. Khi bán vào tay Google, Fadell đưa ra lời hứa rằng doanh thu sẽ đạt 300 triệu USD mỗi năm. Nest thất bại hoàn toàn so với mục tiêu này, bởi chỉ khi cộng cả doanh thu vào Dropcam (được Nest mua lại ngay sau khi về tay Google) thì tổng doanh thu của Nest mới đạt mức 340 triệu USD. Những tưởng thương vụ mua lại Dropcam như vậy là thành công thì vấn đề mới lại nảy sinh: trong vòng 1 năm đầu, gần như toàn bộ các nhân viên cốt lõi của Dropcam từ bỏ Nest.

    Nest chỉ là nhiệt kế

     Nest Learning Thermostat.

    Nest Learning Thermostat.

    Những con số đáng thất vọng của Nest đều đến từ một vấn đề cốt lõi: sau khi về tay Google, công ty của Tony Fadell chẳng tạo ra được bất cứ thứ gì mới mẻ cả. Trong suốt 2 năm qua, trang web của Nest vẫn chỉ có nhiệt kế Learning Thermostat, máy báo khói Protect và camera an ninh Nest Cam, vốn là chiếc Dropcam được đặt thương hiệu mới. Thậm chí, Nest trì trệ tới mức khai tử thiết bị phát hiện cửa sổ đóng/mở của Dropcam và copy ý tưởng này sang một sản phẩm... chết từ trứng nước.

    "50 nhân viên Dropcam từ bỏ Nest là vì họ cảm thấy khả năng phát triển các sản phẩm tuyệt vời của họ đã bị bóp vụn", cựu CEO của Dropcam, Greg Duffy khẳng định.

    Đến cả chiếc máy báo khói Nest Protect cũng thất bại thảm hại. Đầu tiên, chẳng hiểu vì lý do gì Fadell nghĩ ra tính năng vẫy tay để tắt chuông trong trường hợp báo nhầm. Người tiêu dùng "than trời" vì tính năng ngớ ngẩn này có thể khiến họ gặp nguy hiểm trong đám cháy thực sự. Đến tháng 4/2014, Nest ngừng bán Protect và thu hồi tới 440.000 sản phẩm đã bán ra vì lỗi phần mềm có thể gây tắt máy. May mắn là Nest lúc đó đã về tay Google (được... 3 tháng), bởi một đợt thu hồi như vậy đủ sức để bóp chết bất cứ một startup phần cứng nào.

    Đầu 2015, khi Google đau đớn tuyên bố khai tử chương trình bán Google Glass tới người dùng, Tony Fadell được tiếp quản dự án phát triển thế hệ kính thông minh tiếp theo cho công ty mẹ. Kể từ đó cho tới nay, Glass 2.0 vẫn bặt vô âm tín và Nest vẫn trì trệ. Thật trớ trêu, khi đưa một huyền thoại phần cứng lên tiếp quản một sản phẩm từng được báo giới 2013 tung hô là "tương lai công nghệ", tất cả những gì Google nhận được chỉ là con số 0.

    Thảm họa Nest Protect.
    "Thảm họa" Nest Protect.

    Nói tóm lại, dù đã về tay Google nhưng Nest vẫn không thể tạo ra một sản phẩm nào mới mẻ cả. Từng nổi danh với vai trò cha đẻ của iPod, Tony Fadell có vẻ đã kiệt quệ sức sáng tạo khi về dưới trướng Larry Page. Bài toán cốt lõi ở đây vẫn chỉ có một: bất kể là trước hay sau khi IPO/về tay các công ty lớn, các startup muốn sống "tốt" vẫn sẽ phải tìm cách mở rộng thành công ra khỏi sản phẩm đã làm nên tên tuổi của họ.

    Tony Fadell đã không thể hoàn thành mục tiêu đó. Ông bị chỉ trích thậm tệ vì lối lãnh đạo vô lý tại Nest, và cuối cùng Larry Page cũng đã phải "trảm tướng". Ấy vậy mà mới 2 năm trước, vị cha đẻ của iPod đã lần thứ 2 cách mạng thị trường công nghệ và cũng đã tìm ra được lối ra đẹp nhất cho startup của mình khi được Google mua lại với giá 3,2 tỷ USD.

    Vậy có tương lai nào dành cho những startup tỷ đô chưa có gì ngoài 1 chiếc camera hành động, 1 chiếc smartwatch màn hình mực điện tử, 1 vòng đeo luyện tập thông minh hay không?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ