Sự lựa chọn của doanh nhân Mỹ tại Trung Quốc: Mở rộng thị trường hay giữ bí mật công nghệ?

    Trọng Đại, Theo Người đồng hành 

    Sinh ra và lớn lên tại ngoại ô thành phố Philadelphia, Chris Alonzo chưa từng nghĩ một ngày nào đó, anh sẽ trở thành “thầy giáo” cho nông dân Trung Quốc, những người sống cách anh nửa vòng Trái đất, khi truyền dạy cho họ những kỹ năng trồng nấm.

    Chỉ 2 năm trước, lần đầu tiếp xúc với đối tác Trung Quốc , Alonzo đã nhận ra được một cơ hội bất ngờ có thể giúp anh đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Trung Quốc muốn gia tăng sản lượng cũng như độ an toàn của các sản phẩm nấm trồng. Quốc gia này sở hữu nguồn vốn khổng lồ và Alonzo, đang điều hành cơ sở trồng nấm trong nhà lớn nhất Mỹ, là người dạn dày kinh nghiệm.

    Để đổi lấy phần nhỏ cổ phần trong liên doanh này, Alonzo phải dạy những người nông dân Trung Quốc cách sử dụng hệ thống kiểm soát môi trường xuất xứ từ Hà Lan để duy trì nhiệt độ và độ ẩm tối ưu trong quá trình trồng nấm trong nhà, những kiến thức mà họ chưa từng được tiếp cận trước kia.

    Alonzo, ông chủ của Pietro Industries - một trong những trang trại trồng nấm lớn nhất tại hạt Chester, bang Pennsylvana, cho rằng đây là cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh của trang trại đã 80 năm tuổi sang một thị trường mới và đem về thêm lợi nhuận.

    Dự án của ông sẽ nhận được hơn 250.000 USD tiền đầu tư trong vòng 5 năm tới và dự kiến cho thu hoạch hơn 90.000 tấn nấm/năm từ các trang trại trong nhà được xây dựng tại một loạt thành phố phía đông của tỉnh An Huy. Con số này gấp khoảng 10 lần sản lượng nấm tại trang trại nằm trong vùng Kennet Square của ông, hiện duy trì ở mức khoảng 8.000 tấn/mỗi năm.

    Phần lớn trong khoảng 6.000 cư dân sống tại Pennsylvana đều biết về những vụ việc các công ty Trung Quốc “ăn cắp” công nghệ của Mỹ trong những năm gần đây. Nhưng điều đó dường như đã không thể cản trở Alonzo.

    “Tôi đã đọc được những bài báo viết về thực trạng ép buộc chuyển giao công nghệ, nhưng điều đó rất khó xảy ra trong trường hợp của tôi”, ông cho biết. “Phía Trung Quốc sẽ không thể ăn cắp được kiến thức của tôi vì nó không thể học được trong một sớm môt chiều. Tôi đã có 25 năm kinh nghiệm trồng nấm và chính tôi cũng đang phải trau dồi thêm những kiến thức mới”.

    “Điều đó dễ dàng xảy ra đối với lĩnh vực công nghệ. Nhưng với lĩnh vực nông nghiệp thì khác. Mẹ thiên nhiên luôn biến đổi không ngừng và bạn cần phải phản ứng rất nhanh với điều kiện thời tiết mỗi ngày”.

    Terrence Farrell, ủy viên hạt Chester - người giới thiệu Alonzo với Thomas Yang, một luật sư rẽ hướng sang kinh doanh đang sinh sống tại tỉnh An Huy, hoàn toàn đồng ý với những chia sẻ của Alonzo.

    “Đúng thế, người Trung Quốc có thể dễ dàng học được cách sử dụng một hệ thống máy tính”, Farrell cho biết. “Nhưng người ta có câu, món thịt nướng có ngon thì phần lớn là do nước chấm. Và đó chính là kinh nghiệm của Alonzo. Nó giống như việc ông ấy chỉ cần nhúng tay vào bát nước chấm và biết ngay nó cần thêm ớt bột vậy”.

    Sự lựa chọn của doanh nhân Mỹ tại Trung Quốc: Mở rộng thị trường hay giữ bí mật công nghệ? - Ảnh 1.

    Ảnh: SCMP.

    Thoạt nhìn thì công ty liên doanh của Alonzo sẽ không nằm trong phạm vi được đề cập trong những chỉ trích của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc Trung Quốc ép buộc các các công ty nước ngoài phải “giao nộp” công nghệ nếu muốn gia nhập thị trường rộng lớn này, hoặc thậm chí là “đánh cắp”.

    Các công ty Mỹ sẽ phải mạo hiểm với việc mất đi những kiến thức quan trọng mà thông qua chúng, họ mới có thể phát triển hoạt động kinh doanh được như ngày hôm nay.

    “Chuyển giao công nghệ quả thực là một vấn đề đối với các công ty Mỹ đang sở hữu những công nghệ hàng đầu”, theo Dan Harris, một luật sư đồng thời cũng là người điều hành công ty luật Harris Bricken có trụ sở tại Seattle, là đại diện của nhiều công ty Mỹ tại Trung Quốc. “Các công ty Mỹ đang đánh giá quá cao công nghệ của họ ở khả năng khó có thể bị sao chép và cũng không cảm thấy hào hứng khi bán lại chúng cho phía Trung Quốc”.

    Trong cuộc chiến ngày càng khốc liệt giữa hai nền kinh tế hàng đầu trên thế giới nhằm chiếm vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ, việc chuyển giao công nghệ một cách ép buộc liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu trí tuệ và là một trong những mặt trận chính. Trung Quốc đã công khai phủ nhận những “thủ đoạn” mà Mỹ đã cáo buộc và khẳng định rằng quốc gia này luôn tuân thủ nghiêm túc những cam kết đã ký kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi gia nhập hồi năm 2011.

    Nhiều quan sát viên cho rằng khả năng Trung Quốc và Mỹ đạt được một thỏa thuận về công nghệ là yếu tố chủ chốt quyết định sự thành bại của các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên. Nếu như không đạt được sự thống nhất nào trước thời hạn 1/3, mức thuế nhập khẩu cao mà Mỹ đe dọa sẽ đánh vào hàng hóa Trung Quốc trước đó có thể sẽ làm trầm trọng hơn tình hình kinh tế toàn cầu, vốn đang tăng trưởng chậm lại.

    “Các công ty Mỹ cho rằng họ có thể hoàn toàn kiểm soát được các công nghệ của họ. Họ sẽ chỉ chia sẻ các bí quyết để các công ty Trung Quốc phát triển đến mức 4. Nhưng họ đều đã lầm. Các công ty Trung Quốc thậm chí có thể phát triển lên mốc 8 và sẽ bán sản phẩm của mình với mức giá rẻ hơn đến một nửa”, Harris chia sẻ.

    Chính phủ Mỹ cũng nhất trí rằng các công ty của quốc gia này có thể sẽ buộc phải dừng các hoạt động nhằm đánh đổi cơ hội gia nhập thị trường đông dân nhất thế giới.

    Trong mùa hè năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ trong một lá thư gửi đến đại diện thương mại Mỹ rằng luật pháp Trung Quốc “khuyến khích hoặc yêu cầu chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ các công nghệ của Mỹ cho các công ty tại Trung Quốc” và điều đó “có thể ngăn cản hoạt động xuất khẩu của Mỹ, cướp đi sự trả công thỏa đáng cho những phát minh của công dân Mỹ, làm giảm việc làm tại Mỹ, gia tăng thâm hụt thương mại cũng như hạ thấp vị thế của ngành công nghiệp sản xuất, sáng tạo và dịch vụ”.

    Harris cho rằng “Nếu bạn là một công ty công nghệ, đó là một vấn đề hết sức nghiệm trọng cho dù chúng ta cũng phải thừa nhận rằng mọi chuyện đang bị làm quá lên bởi những hành động của Tổng thống Trump. Khi ông ấy nói bạn không thể hoạt động tại Trung Quốc mà không thành lập liên doanh, bạn sẽ phải tiến hành chuyển giao công nghệ. Điều đó không hẳn là chính xác hoàn toàn”, vì vẫn còn nhiều cách khác để cho các công ty có thể tiếp cận được thị trường Trung Quốc.

    Trong các lĩnh vực như xuất bản, truyền thông và internet mà Trung Quốc coi đó là những “mũi tên” chiến lược, việc cho phép các công ty nước ngoài hoạt động tự do trong các lĩnh vực trên không phải là ưu tiên của quốc gia này. Những doanh nghiệp hoạt động trên những lĩnh vực khác hoàn toàn có thể tìm những hướng đi khác, trong đó bao gồm sử dụng một nhà phân phối hoặc bán trực tiếp hàng hóa vào thị trường Trung Quốc mà không cần một đối tác địa phương.

    Chỉ có một vài trường hợp hiếm hoi như Tesla khi công ty sản xuất xe điện của Mỹ đã tiến hành xây dựng nhà máy tại Trung Quốc mà không thông qua một công ty đối tác tại địa phương. Nhà máy tại Thượng Hải của Tesla được kỳ vọng sẽ hoạt động một phần vào nửa cuối năm nay.

    Hồi tháng trước, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Argentina hôm 1/12, phía Trung Quốc đã dự định ban hành nhiều điều luật bổ sung nhằm tăng sự quản lý nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài với mục đích giảm dần thực trạng chuyển giao công nghệ mang tính chất ép buộc.

    Nhưng những điều luật mới này có được thông qua hay không thì vẫn là một câu hỏi. Từ 2010, Trung Quốc đã cam kết loại bỏ nhiều điều khoản trong chính sách chuyển giao công nghệ ít nhất 8 lần.

    “Vấn đề với Trung Quốc là luật lệ và thực tế áp dụng lại không hề đồng nhất với nhau”, Harris cho hay.

    Sự biến tướng trong khi thi hành pháp luật là nguyên nhân của nhiều vấn đề, khi một công ty Mỹ muốn hoàn thành các thủ tục pháp lý nhằm đặt chân vào thị trường Trung Quốc. Nhiều trường hợp bị gây khó dễ bởi chính cơ quan chức năng địa phương. Có những trường hợp không bao giờ có thể thành công vì phía Trung Quốc, bên nắm phần lớn quyền sở hữu của doanh nghiệp liên doanh, từ chối hỗ trợ.

    Trung Quốc còn được biết đến trong những trường hợp họ yêu cầu các đối tác từ Mỹ phải chuyển giao các quyền sáng chế và sở hữu trí tuệ cho đơn vị liên doanh. Như thế có nghĩa là các công ty Mỹ sẽ mất đi quyền sở hữu quyền công nghệ của họ tại Trung Quốc.

    Trong một báo cáo hồi tháng 3/2018 công bố bởi Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR), vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ ép buộc và khả năng không thể bao vệ được quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ đã được đề cập đến. Chính bản báo cáo đó đã khơi dậy cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc trên thế giới bắt đầu.

    Theo báo cáo của USTR, Trung Quốc đã đặt ra những luật lệ với chủ đích buộc các công ty đa quốc gia phải chuyển giao những công nghệ nhạy cảm, mang tính chất chiến lược của họ cho các công ty bản địa”.

    Nhiều công ty Mỹ đã chấp nhận “cắn răng chịu đựng” trước những luật lệ đó. Họ chấp nhận giữ im lặng thay vì phải đối mặt với nguy cơ bị “đá văng” khỏi thị trường Trung Quốc, nơi giúp đem lại cho họ một khoản doanh thu không hề nhỏ.

    “Bạn có thể nói rằng các công ty Mỹ có một sự lựa chọn”, Harris chia sẻ. “Nhưng bạn sẽ phải lựa chọn giữa việc bị tống giam trong khoảng thời gian 3 năm hoặc một tuần cấm túc. Không có sự lựa chọn nào là tốt cả”.

    Đối với nhiều doanh nhân, quyết định đã được đưa ra: lợi nhuận trong ngắn hạn đến từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc hoàn toàn có thể bù đắp cho việc mất đi các lợi thế về công nghệ trong dài hạn.

    Harris cho biết: “Thực trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn vì đã có quá nhiều công ty Mỹ đã đến Trung Quốc và tuân thủ những luật lệ mà nước này đưa ra”.

    Sự lựa chọn của doanh nhân Mỹ tại Trung Quốc: Mở rộng thị trường hay giữ bí mật công nghệ? - Ảnh 2.

    Ảnh: Financial Express.

    Sự phản đối kịch liệt đối với vấn đề chuyển giao công nghệ ép buộc cuối cùng cũng đã tạo ra được tiếng vang khiến nhiều người chú ý hơn. Điều đó có những tác động nhất định lên một vài dự án hợp tác với Trung Quốc.

    Novocure, một công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe của Mỹ chuyên sản xuất thuốc điều trị ung thư , đã thực hiện một thương vụ nhượng quyền hồi tháng 9 năm ngoái với công ty công nghệ Zai Lab, nhằm phân phối một liệu pháp điều trị mới tại thị trường Trung Quốc.

    Đối tác từ Mỹ sẽ nhận được 15 triệu USD tiền trả trước, và một khoản khác sẽ được chi trả trong tương lai tính trên doanh số bán hàng (10-15%), theo Bill Doyle, giám đốc điều hành của Novocure.

    “Có một thực tế rằng có rất nhiều vấn đề tồn tại giữa hai quốc gia. Thị trường phát triển rất nhanh và chúng ta phải dựa vào tình hình thực tế để có thể có thể mang về những thỏa thuận tốt. Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu đến mức thấp nhất các rủi ro”, Doyle cho biết.

    Sau 9 tháng nghiên cứu cũng như thực hiện hàng loạt các cuộc phỏng vấn, Novocure đã chọn Zai Lab, một công ty có trụ sở tại Thượng Hải và cũng đã có tên trong danh sách các công ty khởi nghiệp trên sàn Nasdaq, là đối tác.

    Doyle đã áp dụng đúng những kinh nghiệm trong quá trình đầu tư: tận dụng sức mạnh của các cổ đông để có thể kiểm soát được công tác quản lý. Bước đi này đã cho Novocure có thể kiếm tra được sự minh bạch trong mối quan hệ này, một điều mà nếu đối tác là một công ty Trung Quốc chưa niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ thì khó có thể đạt được.

    Kinh doanh hợp pháp tại thị trường Mỹ, Zai Lab buộc phải công bố tình hình tài chính mỗi quý. Việc cung cấp không đủ các dữ liệu, cách mà nhiều công ty thường làm để ăn chặn khoản tiền phải trả cho các công ty đối tác của Mỹ, rất khó để có thể thực hiện.

    “Cho dù các công ty quốc hữu của Trung Quốc có thể có lợi thế thông qua việc giúp liệu pháp trị bệnh mới được thông qua nhanh chóng hơn, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với một đội ngũ quản lý được đào tạo bài bản cộng với việc đây là một công ty quốc tế thì Zai Lab là một sự lựa chọn phù hợp với chúng tôi”, Doyle cho hay.

    “Nếu như họ dính vào các vụ việc 'ăn cắp' công nghệ hoặc lừa đối đối tác thì họ sẽ không còn cơ hội thứ 2 làm việc với bất kỳ ai khác”.

    Tuy nhiên, Doyle cũng thừa nhận những khó khăn khi làm việc tại Trung Quốc. Công ty liên doanh giữa Novocure và Zai Lab là mối quan hệ hợp tác quốc tế đầu tiên của công ty, cho dù trước đó công ty đã tiến hành hoạt động kinh doanh tại các nước khác như Đức, Áo, Thụy Sĩ và Nhật Bản.

    “Trung Quốc là một trường hợp rất khác”. Chúng tôi đã được tư vấn kỹ lưỡng là nên làm việc với một đối tác địa phương vì họ sẽ giúp chúng tôi làm việc với chính quyền sở tại. Chúng tôi có thể tự làm điều đó? Theo lý thuyết thì có. Nhưng thực tế là không”.

    Nhìn chung, “nhiều công ty rất dễ bị tổn thương khi mất đi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các bí kíp kinh doanh trong quá trình xin giấy phép”, theo Jacob Parker, phó chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung, một tổ chức đại diện cho lợi ích hợp pháp của nhiều công ty trong đó bao gồm Coca-Cola và Microsoft tại Trung Quốc.

    Ông Parker tiết lộ: trong suốt quá trình xin giấy phép, chính quyền thường đặt ra những câu hỏi không liên quan bên cạnh bộ câu hỏi thông thường.

    “Những thông tin dạng này sẽ giúp cac đối thủ biết được phần nào quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Việc cung cấp các thông tin ngoài phạm vi quy định có thể sẽ khiến cho các bí kíp kinh doanh dễ bị lộ ra ngoài”, Parker chia sẻ.

    Trong một vài trường hợp khác, nhiều đối thủ Trung Quốc đã “mua chuộc” cơ quan thẩm định nhằm khai thác những bí quyết kinh doanh dưới vỏ bọc là các câu hỏi đánh giá, ông cho hay.

    China Dashboard, một công cụ theo dõi kinh tế được phát triển bởi công ty nghiên cứu thị trường Rhodium Group và Viện chính sách xã hội Châu Á cho biết trong năm 2018, năm mà sự cải tổ nền kinh tế của Trung Quốc đi thụt lùi trên mọi phương diện, chỉ có duy nhất một chỉ số đi lên: chỉ số sáng tạo.

    “Điều đó cho chúng ta thấy được sự quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh với lĩnh vực công nghệ”, theo Dan Rosen, Rhodium. “Nhưng vấn ở đây là những tiến bộ về công nghệ ở Trung Quốc có thể đánh đổi bằng tương lai của thế giới”.

    Sự lựa chọn của doanh nhân Mỹ tại Trung Quốc: Mở rộng thị trường hay giữ bí mật công nghệ? - Ảnh 3.

    Ảnh: WSJ.

    Alonzo có thể chỉ ra được sự khác biệt của công nghệ trong nông nghiệp. Tại hạt Pennsylvania, đời sống nông nghiệp có thể rất mỏng manh. 1/4 số trang trại nấm đã không thể tồn tại trong vòng 10 năm qua, ông cho biết, qua đó cho thấy công nghệ không phải là yếu tố duy nhất để quyết định thành công.

    Ông cũng thừa nhận rằng đối tác Trung Quốc, đơn vị mà ông tin tưởng, đang chiếm ưu thế trong mối quan hệ này. Nếu như họ quyết định chấm dứt hợp tác hoặc thay đổi các khoản tiền chi trả cho ông thì ông cũng không thể làm gì hơn.

    “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra về lâu dài. Nhưng nếu công nghệ đã chuyển giao xong và tôi không còn cần thiết đối với họ nữa, tôi vẫn coi đó là một thành công vang dội”, Alonzo nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ